Danh Hải - Dù chưa bao giờ thoát khỏi diện “xuất sắc” nhưng vẫn phải chứng kiến những kẻ chen ngang mỗi khi thay đổi hoặc bố trí nhân sự, tôi bước ra khỏi cơ quan Nhà nước, không phải sống trong những thời khắc “mê hồn trận” đeo đẳng suốt nhiều chục năm qua.
Cơ quan tôi – ngày xưa là một mắt xích trong quá trình hình thành chính sách kinh tế của Nhà nước. Cuối năm chỉ có mỗi một thằng không đạt danh hiệu “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” vì đợt lũ lụt nó phải về nhà lo việc dựng lại cơ ngơi cho bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ trong vợ nó mới sinh nên nghỉ quá quy định.
Còn lại là đều hoàn thành ở mức “xuất sắc” trong đợt họp bình bầu công khai nhưng ”kiệm lời” cuối năm của đơn vị.
Nhận tiền lương; thưởng cuối năm, tôi vội mang về cho “mẹ nó” giao lại phần lớn thể hiện nghĩa vụ lo Tết cho gia đình. Tôi còn chuẩn bị một cái Tết khác, mùa “đi Tết” của riêng mình. Bận rộn, lo lắng và hồi hộp chẳng kém các bà nội trợ và háo hức không thua những đứa con trẻ.
Với phần lớn những công chức như bọn chúng tôi, chúc tết thủ trưởng hay còn tắt là “đi Tết sếp” luôn phải làm xong trước đêm 30.
“Đi Tết sếp” thế nào trước hết phụ thuộc vị trí công việc và quan trọng hơn cả là ước vọng sẽ phải cầu xin của người “đi” trong năm mới và có cả trong tương lai vài năm tới.
Nếu chỉ cần yên ổn thì cũng chỉ là chút quà “lòng thành” rút ra một phần từ những bổng lộc đã gặt hái trong năm qua. Còn nếu muốn có nấc thang mới trong công việc, một vị trí khác trong thang bậc công chức thì không thể là “lòng thành” của cái đã có mà phải là “tấm lòng tạm ứng” cho tương lai.
Hai giá trị vật chất: giữa “lòng thành của cái đã có” và “tấm lòng tạm ứng cho tương lai” cách nhau khá xa và khác nhau nhiều về cách mua sắm, cách tiếp cận trong những ngày cận Tết.
“Lòng thành” thì cồng kềnh, giá trị vừa phải và không vượt quá mức khoản thu nhập cuối năm còn “tấm lòng tạm ứng” thì vô chừng, phụ thuộc vào cái đích và ý chí quyết tâm của người “đi” và có tính cạnh tranh cao.
Khác với “tấm lòng tạm ứng” là phải gặp tận nơi, có lời trình bày trực tiếp trước sau, rõ về mục đích cuộc chúc Tết; đưa “lòng thành” thì lúc nào cũng được, không gặp trực tiếp được thì bất cứ ai trong nhà “sếp” nhận cũng xong miễn là họ nhớ mặt để nói lại với sếp.
Cũng phải hiểu hoàn cảnh của sếp. Ngày Tết, cả người “đi” và người “nhận” đề bận vì “sếp” của tôi lại cũng phải “đi sếp của sếp”.
Có lần, tôi thắc mắc sao “sếp” mà cũng phải “đi” nhỉ. Ông bạn cũng cơ quan giải thích rằng quan hệ con người trong bộ máy hành chính Nhà nước như cái quạt giấy. Nó là những nan tre được dán giấy theo hình cung: càng về phía đầu quạt cái diện tích giấy dán càng nới rộng. “Mày chỉ có một hoặc không quá 5 ông sếp. Còn “sếp của sếp” thì hàng vài chục và không chỉ trong cơ quan”, ông bạn nhìn diễu cợt về cái sự kém hiểu biết của tôi.
Vài năm nay, hàng đi sếp thay đổi nhiều: không phiền toái lo nghĩ mua bánh, kẹo rượu ngoại nữa mà là phong bì.
Nào, bắt đầu “đi Tết sếp”. Nhưng cửa ải đầu tiên của tôi trong nhiều lần muốn thực hiện điều ấy trong đầu là câu hỏi “Nhà sếp ở đâu nhỉ?”. Hỏi đồng nghiệp thì chỉ nhận được cái cười mỉm, nhưng rồi cũng có được cái địa chỉ. Tiếp theo, đến vào lúc nào để gặp sếp mà không chạm mặt những thằng đã cười mỉm đây? Đành ngồi góc khuất nào đó khoảng nửa tiếng trước khi gõ cửa, cũng có khi lại chạm mặt anh em, ở cái góc khuất đó, và cùng cười mỉm với nhau?…
Nhiều lần không cưỡng được cái không khí tập thể “nào ta Tết sếp” ngày giáp Tết , cũng định “như người ta” nhưng khó quá, không làm được. “Hâm thế, cả đời không lên chức là phải” – vợ tôi bảo.
Vì thế, dù chưa bao giờ thoát khỏi diện “xuất sắc” nhưng vẫn phải chứng kiến những kẻ chen ngang mỗi khi thay đổi hoặc bố trí nhân sự, tôi bước ra ngòai khỏi cơ quan nhà nước, thoát khỏi những thời khắc “mê hồn trận” đeo đẳng suốt nhiều chục năm qua…
Thế đấy, bỏ Nhà nước vì “không biết đi Tết sếp”!
Ở DN bên ngoài, lạ lắm, ngày đầu Xuân đến công ty còn được nhiều sếp mừng tuổi, lên đến cả triệu đồng. Chả là năm qua, tôi “hoàn thành nhiệm vụ” được giao – dù chưa đến mức “xuất sắc” như hồi ở cơ quan nhà nước.
Ra ngoài cũng làm công ăn lương không phải chịu áp lực “đi Tết sếp’ mà còn được “sếp đi Tết” vui thật.
Nhưng cũng ở đây, có dịp sếp giao cho tôi vị trí lãnh đạo, quản lý tài chính, nhân sự kèm theo chỉ tiêu doanh thu cụ thể. Mới nhận việc và chỉ làm vài tháng tôi phải gọi điện cho sếp để xin: “Báo cáo anh cho em xin rút, anh cử người khác làm vì em không làm được”.
Danh Hải
http://bee.net.vn/channel/2043/201101/Nao-ta-di-Tet-sep-1786797/