Biến chuyển xã hội sẽ kéo Đảng thay đổi - Dân Làm Báo

Biến chuyển xã hội sẽ kéo Đảng thay đổi

Nhân ngày khai mạc Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, có ý kiến của giơi quan sát nước ngoài như tiến sĩ Martin Gainsborough, nói rằng dù thế nào chăng nữa, chính sự chuyển biến xã hội tại Việt Nam sẽ thúc đẩy hệ thống phải đi theo.

Trả lời Hà Mi của BBC Tiếng Việt hôm 12/1 ông Gainsborough, chuyên gia về chính trị Việt Nam tại Đại học Tổng hợp Bristol, Anh Quốc, nói cần nhìn ra ngoài các văn kiện đại hội.

Tôi không nghĩ là tự việc họp Đại hội sẽ quan trọng cho nền kinh tế. Chắc chắn nó là tín hiệu về hướng đi mà người ta muốn tới. Ai hay đọc Văn kiện trước Đại hội một cách quá kỹ và nhìn vào văn kiện này thì sẽ không thấy gì rõ cả. Ngoài ra như chúng ta biết, thường có khoảng cách lớn giữa chính sách và việc thực hiện. Nhưng một lĩnh vực mà ban lãnh đạo Đại hội này thực sự phải đối mặt thì đó là thách thức trong lĩnh vực kinh tế. Việt Nam tiếp tục có tăng trưởng kinh tế, GDP rất tốt nhưng gặp phải các cản trở trong tiến trình này…

Tất nhiên tại Đại hội người ta sẽ bàn về đường lối, và quyết định nhân sự cho Đảng và sau là cho chính phủ. Nhưng điều quan trọng là sau đó, người ta sẽ làm việc với nhau như thế nào, và các quyết định hàng ngày mà quan chức Đảng và nhất là Chính phủ phải đưa ra, sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế. Tại Đại hội người ta chỉ bàn đến hướng đi về bề rộng mà thôi.

BBC: Vậy ngoài ra thì có những điều gì ông cho là quan trọng ở Đại hội Đảng lần này?

Nếu quý vị muốn nói tới bối cảnh liên quan tới kỳ đại hội này thì nó chính là sự thay đổi liên tục của xã hội tại Việt Nam, như là nền tảng cho thay đổi kinh tế, cho tăng trưởng kinh tế, sự xuất hiện của một giai tầng xã hội mới. Một tầng lớp trung lưu mới ra đời ngày càng có nhiều phát biểu, càng hiểu rõ quyền lợi của mình và ngày càng độc lập hơn.

Chúng ta không nói về sự hình thành của một hệ thống đa đảng, vì Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục chỉ đạo và kiên quyết ngăn chặn điều đó nhưng xã hội ngày càng tạo nhiều sức ép lên Đảng. Họ muốn được quyền nói lên suy nghĩ riêng về cách ra các quyết định có tác động đến họ. Và họ là giới có học thức nên không thích bị quan chức Đảng làm khó dễ. Và theo tôi, Đảng cũng cần biết lắng nghe họ trong việc để xã hội tham gia nhiều hơn vào việc nước và làm sao để hệ thống chính trị minh bạch hơn.

Còn khi tìm kiếm các thay đổi chính trị thì ta nên nhìn vào những biến đổi nhỏ thôi. Như làm sao để việc chọn lựa nhân sự nội bộ có tính cạnh tranh hơn. Ta không nên chê và bác bỏ cách làm nhỏ, từng bước một này vì đấy chính là cách Việt Nam thực hiện các chuyển đổi chính trị những năm qua.

Tiến sĩ Martin Gainsborough là Phó giáo sư về Chính trị Phát triển tại Đại học Tổng hợp Bristol và là người đồng khởi xướng Nhóm chuyên gia Châu Á Thái Bình Dương thuộc Hiệp hội nghiên cứu chính trị của Anh Quốc. Ông đã từng nghiên cứu và làm việc tại Việt Nam gần 15 năm. Những ấn phẩm gần đây của ông gồm Vietnam: Rethinking the State (2010), và On the Borders of State Power: Frontiers in the Greater Mekong Sub-Region (2009, editor).

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/01/110112_gainsborough_vn_party.shtml



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo