Nhà dân chủ, thành viên Khối 8406, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Quang vừa đào thoát khỏi VN và đã đến Thái Lan.
Nguyên nhân nào mà ông Nguyễn Ngọc Quang bỏ nước ra đi ? Và những nhà dân chủ trong nước đang bị đàn áp khắc nghiệt ra sao?
Trong tầm ngắm của công an
Qua cuộc phỏng vấn do Thanh Quang thực hiện, ông Nguyễn Ngọc Quang trước hết cho biết nguyên nhân ông rời khỏi VN:
Thực ra tôi phải rời VN là chuyện bất đắc dĩ quá rồi. Vì ở VN tôi luôn nằm trong tầm ngắm của công an CS, và tôi đã bị 4 lần mưu sát, lần gần đây nhất vào ngày 18 tháng 9 năm 2010 vừa qua, qua đó, tôi bị thương tương đối nặng. Chỉ lần đó tôi mới đưa vấn đề lên công luận.
Ngày gần đây nhất, vào ngày mùng 7 tháng Giêng này, công an Định Quán, Đồng Nai, gởi cho tôi một giấy mời, nhưng thực sự là họ cản trở không cho tôi gặp nhà báo Dustin Roasa từ bên Anh qua để phỏng vấn tôi cùng luật sư Lê Trần Luật và một số người khác nữa. Hôm đó tôi kiên quyết đi gặp phóng viên này. Khi tôi trốn được khỏi nhà thì có khoảng 30 công an tới bao vây nhà và khủng bố gia đình tôi, khủng bố vợ con và mẹ của tôi, làm cho con và mẹ tôi bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng.
Sáng hôm sau, tức mùng 8 tháng Giêng, tôi gặp được phóng viên Dustin Roasa cùng LS Lê Trần Luật tại Saigòn. Khi nhìn ra bên ngoài cửa kiếng của quán cà-phê, nơi tôi và Dustin Roasa ngồi nói chuyện, thì thấy rất nhiều công an, một số họ chúng tôi nhớ mặt vì đã từng theo dõi tôi và anh Lê Trần Luật. Lúc đó họ không ập vô bắt tôi và Lê Trần Luật trong quán cà phê vì có rất đông du khách quốc tế, cho nên họ đợi chúng tôi ra.
Biết trước sau gì cũng bị bắt, Lê Trần Luật rất nhanh trí, bảo tôi ngồi phía sau xe anh, rồi anh lái rất nhanh qua một chung cư, thả tôi xuống đó rồi phóng chạy, cố ý để công an theo anh mà bỏ qua tôi. Nhưng họ không tha tôi. Tôi vô chung cư đó thì họ ập vô rất đông, buộc lòng tôi phải trèo lên sân thượng, thay đồ rồi đi xuống, qua nhiều ngõ thang – thang máy có, thang bộ có – mới thoát khỏi chung cư.
Từ đó tôi biết là không thể trở về nhà được nữa vì nghe điện thoại từ gia đình gọi lên, cả vợ con đều khóc, thông báo rằng công an bao vây nhà rất đông, không còn đường về.
Ông Nguyễn Ngọc Quang
Từ đó tôi biết là không thể trở về nhà được nữa vì nghe điện thoại từ gia đình gọi lên, cả vợ con đều khóc, thông báo rằng công an bao vây nhà rất đông, không còn đường về. Lúc đó tôi do dự thôi, chứ chưa tính tới chuyện bỏ nước ra đi. Mà thực sự tôi thấy không vẻ vang gì để làm điều này. Nhưng sau đó, có một cú điện thoại khiến tôi phải quyết định bỏ nước ra đi. Đó là điện thoại của người bạn tôi làm an ninh cộng sản nhưng có thiện cảm với hoạt động dân chủ. Họ nói rằng thôi thì tôi hãy tạm thời lánh đi, vì trước sau gì cũng chắc chắn bị bắt.
Tại vì tôi biết một điều là, không biết cấp trên họ nghĩ như thế nào, nhưng những người cấp dưới, từ cấp tỉnh trở xuống, họ luôn luôn không bao giờ tin được rằng nếu các nhà dân chủ thắng thì tha cho họ, mà sẽ trả thù. Như vậy, theo lời người bạn an ninh, trước khi sập, họ sẽ khử, tức thủ tiêu chúng tôi. Người bạn khuyên tôi, nên tôi buộc lòng phải ra đi.
Thanh Quang: Nhân đây xin anh cho biết tình hình đấu tranh dân chủ trong nước, nhất là trong giai đoạn dẫn tới Đại hội XI của đảng CS, và sự đàn áp của cơ quan an ninh đối với những tiếng nói bất đồng như thế nào ?
Nguyễn Ngọc Quang: Ngay trước thềm Đại hội đảng CSVN lần thứ 11 này, đặc biệt có 2 sự kiện về phong trào dân chủ. Đó là một đơn tố cáo và đòi truy tố về những tội bán nước và phản quốc đối với các nhân vật trong Bộ chính trị; và một lời kêu gọi của Linh mục Nguyễn Văn Lý. Hai điều đó đưa ra thì được sự đáp ứng rất mãnh liệt của nhiều giới, đặc biệt là giới trẻ. Giới cầm quyền biết được sự nguy hiểm này nên gia tăng đàn áp. Tất cả nhà dân chủ đều bị cô lập, khống chế.
Tuy nhiên, không phải vì sự gia tăng đàn áp của CSVN để bảo vệ sự an toàn của Đại hội đảng khiến phong trào dân chủ bị lắng đi. Mà thực sự khí thế dân chủ rất sôi sục, tại vì đã đến thời điểm ngừơi dân trong nước hầu như hoàn toàn mất hết niềm tin ở đảng CS. Người ta không còn trông chờ gì ở sự đổi mới tốt đẹp hơn của dàn lãnh đạo mới vốn đã được sắp xếp chọn trước.
Vì vậy Ngày Hội Dân Tộc không thể không xảy ra. Và người ta tin rằng sự sụp đổ của chế độ CS không thể không xảy ra – một sự sụp đổ coi như tất yếu – khiến giới cầm quyền lo lắng cho sự sụp đổ này. Đó là lý do họ gia tăng đàn áp một cách điên cuồng. Như ở Hà Nội, họ bao vây nhà của tất cả nhà dân chủ. Đặc biệt ở Huế, họ khống chế các Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi.
Thậm chí họ thực hiện một hành động bị cho là dại dột, đó là họ sử dụng bạo lực đối với một nhà ngoại giao, ông Christian Matchant, tuỳ viên chính trị của Toà Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội. Họ còn có thể sử dụng vũ lực để đàn áp dân chủ nữa, cho thấy lúc này họ quá điên cuồng rồi.
Tình hình đấu tranh trong nước
Thanh Quang: Anh nhận định ra sao về phong trào đấu tranh dân chủ quốc nội trong tương lai trong bối cảnh giới cầm quyền gia tăng đàn áp như thế ?
Nguyễn Ngọc Quang: Thực sự như thế này, vấn đề không thể gọi là nhận định, mà là nhìn thấy. Tôi nhìn thấy là đã tới lúc người dân không còn trông chờ gì hơn ở cái đảng CS này nữa. Vì vậy chuyện sụp đổ của chế độ độc tài toàn trị CS ở VN là điều tất yếu – có thể năm nay hay sang năm.
Hiện tại, nhất là giới trẻ đã ý thức điều này. Thời gian vừa qua, tôi đi tìm hiểu, nói chuyện với rất nhiều người, gặp giới trẻ, và biết được rằng họ sẵn sàng ghé vai vào trách nhiệm chung của toàn dân tộc. Vì vậy, dù buộc lòng phải ra đi, tôi rất vui mừng khi thấy được tương lai rực rỡ của phong trào dân chủ. Hiện giờ, giới trẻ hầu như vượt qua được nỗi sợ hãi cố hữu mà lâu nay họ bị đảng CSVN dùng võ lực để ép họ phải sợ hãi.
Thanh Quang: Nhân đây anh có muốn lên tiếng gì không với quý thính giả của Đài ACTD, với công luận khắp thế giới ?
Nguyễn Ngọc Quang: Thực ra việc tôi ra đi cũng chẳng hay ho gì, mà là nhằm làm giảm tình trạng khủng hoảng tinh thần của con cái và mẹ già của tôi...(nghẹn ngào), buộc lòng tôi phải chấp nhận giải pháp này. Và tôi cũng xin nói với tất cả mọi người rằng Thái Lan là nước chưa ký vào công ước 1951. Vì vậy, mặc dù Thái Lan là nước tự do, dân chủ, nhưng chỉ tự do, dân chủ đối với người dân Thái mà thôi.
Hiện giờ, giới trẻ hầu như vượt qua được nỗi sợ hãi cố hữu mà lâu nay họ bị đảng CSVN dùng võ lực để ép họ phải sợ hãi.
Ông Nguyễn Ngọc Quang
Còn đối với thân phận tị nạn như tôi và những người khác, dù rằng tôi hay bất cứ người nào khác đã được sự bảo vệ của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ, nhưng cũng không thể nói chúng tôi có được sự bảo vệ tuyệt đối, cũng như không thể nói chúng tôi có được tự do, bình an hoàn toàn. Tại vì cảnh sát Thái có thể bắt bất cứ lúc nào, bất cứ người tỵ nạn nào trên đất Thái. Vì vậy, qua tới đây, tôi mong mọi người hãy có tiếng nói để giúp đỡ cho phong trào dân chủ quốc nội, nhất là những người đã ra mặt đấu tranh, có được sự bình an nào đó để họ không lâm vào trường hợp như tôi mà phải lánh nạn như thế này.
Mà phải làm sao cho họ có được một sự bảo vệ hữu hiệu. Tại vì thoát khỏi sự bất an ở VN thì chưa chắc tìm được sự bình an tại Thái Lan. Mà phải có một sự bình an thực sự nào đó- điều có lẽ mọi người chúng ta, ai cũng đều hiểu cả. Đó là bấy nhiêu lời tôi xin được chia sẻ với qúy vị thính giả nghe đài.
Thanh Quang: Cảm ơn nhà dân chủ Nguyễn Ngọc Quang.