Sẽ có bất ngờ về nhân sự trong Đại hội XI? - Dân Làm Báo

Sẽ có bất ngờ về nhân sự trong Đại hội XI?

S au phiên khai mạc vào 12-1, Đại hội XI sẽ dành ba ngày để trình bày các văn kiện trình Đại hội. Từ ngày 15-1 đến 17-1, Đại hội sẽ thảo luận về phương án nhân sự BCH Trung ương khóa XI.

Đoàn Chủ tịch gồm 24 thành viên trong đó có Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và các uỷ viên Bộ chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, các Bộ trưởng Công an, Ngoại giao, Quốc phòng, Bí thư Thành ủy Hà Nội và TP.HCM…

 

Các đại biểu vào lăng

Sau khi vào Lăng và thắp hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, các đại biểu bắt đầu phiên họp trù bị tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Trong phiên trù bị, Đại hội đã bàn và quyết định một số nội dung cơ bản trước khi chính thức khai mạc Đại hội.

Chụp ảnh kỷ niệm với khối Doanh nghiệp tại phiên họp trù bị.

Các đại biểu đã thông qua quy chế làm việc của Đại hội, bầu ra đoàn Chủ tịch gồm 24 người, đoàn Thư ký, ban Thẩm tra tư cách đại biểu, thông qua chương trình làm việc của Đại hội, quy chế bầu cử Đại hội và nghe báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu tham dự Đại hội.

Ông Nguyễn Văn Chi, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, có 4 đại biểu gửi đơn xin rút vì các lý do sức khỏe hoặc có người thân bị ốm. Đó là Bí thư Thành ủy Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Trưởng Ban dân vận tỉnh Cần Thơ, Trưởng Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Hà Nam và Bí thư Thành ủy Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu…

Ông Chi cho biết thêm, ông Nguyễn Ngọc Quyền, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, đã xin rút khỏi Đại hội.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định khởi tố bị can đối với ông Quyền về hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong vấn đề tham nhũng.

24  vị được bầu vào Đoàn chủ tịch Đại hội XI

 Trẻ nhất Đại hội là đại biểu Vương Thị Mỷ, sinh năm 1982, công tác tại UBND xã Phùng Lợi, huyện Tiên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Đây cũng là đại biểu duy nhất ở độ tuổi dưới 30. Đại biểu cao tuổi nhất là Trung tướng Trần Hanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, sinh năm 1930, một trong ba đại biểu ở độ tuổi trên 70.

Thống kê theo tuổi Đảng (thời gian vào Đảng), chiếm tỷ lệ nhiều nhất là những đại biểu được kết nạp từ tháng 5-1975 đến tháng 12-1986, với 819 người, đạt 59,8%. Chỉ có một đại biểu kết nạp Đảng trước năm 1954. Số đại biểu kết nạp Đảng từ tháng 8-1954 đến tháng 4-1975 có 197 người.

Có 7 đại biểu ở độ tuổi từ 30 đến 40.

Trong số 1.377 đại biểu, chỉ có 0,22% trình độ học vấn trung cơ sở, còn lại, từ trung học phổ thông trở lên. Có tới 272 đại biểu học vị tiến sĩ, trong khi số lượng học vị thạc sĩ là 227 người.

Sau phiên khai mạc vào sáng mai, 12-1, Đại hội XI sẽ dành ba ngày để trình bày các văn kiện trình Đại hội. Từ ngày 15-1 đến 17-1, Đại hội sẽ thảo luận về phương án nhân sự BCH Trung ương khóa XI.

Dựa theo những gì đã từng xảy ra trong đại hội X vào tháng 4 năm 2006, đại hội XI diễn ra từ ngày 12 đến 20 tháng 1 năm 2011 sẽ có năm phần chính:

Phần 1 là nghi thức khai mạc, giới thiệu chủ tịch đoàn, thư ký đoàn điều hành 8 ngày đại hội và sau đó là ba bài phát biểu gồm diễn văn khai mạc do Nguyễn Minh Triết đọc; báo cáo chính trị do Nông Đức Mạnh đọc và Trương Tấn Sang sẽ đọc bản báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của ban chấp hành trung ương khóa X. Phần này sẽ diễn ra trong ngày 12 tháng 1.

Phần 2 là các đại biểu tập trung thảo luận về các văn kiện như báo cáo chính trị, cương lĩnh chính trị năm 1991 bổ xung, chiến lược phát triển kinh tế xã hội… kéo dài trong 3 ngày từ ngày 13 đến 15 tháng 1 năm 2011. Đây cũng là phần mà các đại biểu sẽ nghe hàng chục bài tham luận từ các đảng bộ phê bình, cổ võ về nội dung các văn kiện.

Phần 3 là các đại biểu tập trung thảo luận và biểu quyết về những tu chính điều lệ đảng, quy chế bầu cử ban chấp hành trung ương bao gồm việc cứu xét một số trường hợp đặc biệt đã quá hạn tuổi và phải về hưu nhưng vẫn được lưu lại trong ban chấp hành; thông qua danh sách ứng cử, đề cử và tiến hành bầu ban chấp hành trung ương đảng kéo dài trong 2 ngày từ ngày 16 đến 17 tháng 1 năm 2011. Chiều ngày 17 tháng 1, 1.400 đại biểu sẽ bỏ phiếu chọn 160 ủy viên trung ương đảng chính thức và 21 ủy viên dự khuyết.

Phần 4 là ngày công bố kết quả thành phần được trúng tuyển vào ban chấp hành trung ương đảng và các đại biểu ghi phiếu biểu quyết một số vấn đề nội dung các văn kiện và lấy phiếu giới thiệu của đại hội về chức danh Tổng bí thư khóa XI (trong số các tân ủy viên trung ương vừa được bầu). Buổi chiều tân ban chấp hành trung ương đảng họp phiên đầu tiên để bầu Bộ chính trị, Ban bí thư, Tổng bí thư, Ủy ban kiểm tra trung ương đảng và Chủ tịch Ủy ban kiểm tra trung ương. Thủ tục này sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 1 năm 2011.

Phần 5 là ngày bế mạc đại hội, tức là ngày 20 tháng 1 năm 2011. Nội dung sẽ gồm các phần như công bố kết quả lấy ý kiến của đại biểu về một số vấn đề trong các văn kiện trình đại hội XI; báo cáo kết quả phiên họp ban chấp hành trung ương lần thứ nhất về Tổng bí thư, thành phần bộ chính trị, ban bí thư, Ủy ban kiểm tra trung ương và chủ tịch Ủy ban kiểm tra trung ương; điều lệ đảng sửa đổi, nghị quyết đại hội và phát biểu của tân tổng bí thư.

Ông Nguyễn Phú Trọng tại chợ Sapa Praha trong cương vị Chủ tịch quốc hội

Theo một số nguồn tin không chính thức, hiện nay có 2 ứng cử viên cho chức Tổng bí thư. Đó là ông Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch quốc hội và ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước. Ông Nguyễn Phú Trọng có sự ủng hộ của ông Nông Đức Mạnh cùng với 7 ủy viên Bộ chính trị (Nguyễn Phú Trọng, Tô Huy Rứa, Phạm Quang Nghị, Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Văn Chi, Phạm Gia Khiêm, Lê Thanh Hải) và sự ủng hộ mạnh từ phương Bắc, trong khi đó ông Nguyễn Minh Triết (quá tuổi qui định) có sự đề đạt của các cựu lãnh đạo như các ông Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải, Nguyễn Đức Bình, Đồng Sỹ Nguyên, Lê Xuân Tùng, Phạm Thanh Ngân và 5 tướng Huỳnh Đắc Hương (Thiếu tướng), Nguyễn Hữu Anh (Thiếu tướng), Nguyễn Nam Khánh (Thượng tướng), Nguyễn Quốc Thước (Trung tướng), Lê Hữu Đức (Trung tướng)…

Tuy nhiên đó chỉ là những phỏng đoán hậu trường và theo nhiều nhà phân tích, chức vụ sau Đại hội sẽ được phân chia như sau:

- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng

- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

- Chủ tịch quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng.

Vấn đề nhân sự là quan trọng, nhưng không quan trọng bằng hướng đi và đường lối. Theo những diễn biến lâu nay, đường lối của Việt Nam dường như không có gì thay đổi.


Tham khảo thêm:

Ai sẽ nắm những chức vụ chủ chốt sau Đại hội Đảng XI?

Đảng cộng sản Việt Nam bất ngờ họp hội nghị trung ương 15

Danh sách bầu trung ương Đảng có số dư ít nhất 15%

Thanh Thảo tổng hợp  theo nguồn Danviet, vietnamnet, Govn,…

http://vietinfo.eu/tin-viet-nam/-se-co-b%E1%BA%A5t-ngo-ve-nhan-su-trong-dai-hoi-xi.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo