Mong rằng hai ba mươi năm nữa, những quan chức, những vị lãnh đạo đầu đã bạc sẽ ngồi ở quán cà phê bên Hồ Hoàn Kiếm trò chuyện mãi về những ngày mà thời trung niên của họ đã hết lòng vì nước vì dân, nên Việt Nam đã vượt qua cái bẫy của nước thu nhập trung bình, chen chân được vào hàng ngũ những nước giàu mạnh trên thế giới .
Alice Amsden, giáo sư kinh tế chính trị học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Hoa Kỳ, có viết trong cuốn sách Escape from the Empire ( 2007 ) như sau ( trích lời của một ký giả Mỹ hoạt động tại Việt Nam trước đây ): "Cuối cùng tôi nhận ra rằng chúng ta không thể nào thắng cuộc chiến này khi tôi thấy mọi đường phố ở Saigon đều được đặt theo tên của những anh hùng Việt Nam từng chiến đấu chống ngoại xâm".
Đúng là trong suốt hơn 2000 năm giữ nước và dựng nước Việt Nam có rất nhiều anh hùng (bao gồm anh thư là nữ anh hùng). Chỉ kể những bậc tài trí xuất chúng và có năng lực lãnh đạo, đã làm nên những chiến công hiển hách, những sự nghiệp vẻ vang, lưu danh muôn thuở, số người được gọi là anh hùng có rất nhiều.
Nhưng vấn đề hiện nay là, trong thời đại phát triển, ta có cần anh hùng không và anh hùng có thể xuất hiện không? Theo tôi thì rất cần và rất mong sẽ xuất hiện những hình tượng anh hùng trong thời đại phát triển nầy, đặc biệt là những anh hùng trong giới lãnh đạo và quan chức là những người có ảnh hưởng lớn tới vận mệnh đất nước.
Anh hùng trong thời đại này cũng có những tố chất như anh hùng thời chống ngoại xâm dù nội dung cụ thể có thể khác. Chẳng hạn tài trí ( có tri thức, có tầm nhìn xa trông rộng, có năng lực lãnh đạo,... ), dũng cảm ( dám nhận trách nhiệm, dám vì lợi ích đất nước mà đương đầu với mọi khó khăn, với các nhóm lợi ích cục bộ ), quên mình vì dân vì nước ( chí công vô tư, đặt quyền lợi đất nước lên trên hết ), trọng dụng và thu phục đươc người giỏi để thực hiện sự nghiệp lớn ( dùng người giỏi thật sự và lắng nghe trí thức ), , v. v..
Dĩ nhiên bàn luận tổng quát và chung chung như vậy thì dễ và ai cũng thấy đương nhiên đất nước cần những người như vậy. Nhưng đặt tiếp câu hỏi là làm thế nào có những anh hùng đúng tầm như thế thì câu trả lời không dễ chút nào. Dưới đây tôi chỉ đưa ra vài tình huống khách quan và bàn về kinh nghiệm các nước.
Giả sử có hai nước A và B cùng đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Lãnh đạo và quan chức hai nước đứng trước một tình huống giống nhau như sau: Hàng tiêu dùng cao cấp như xe hơi, máy ảnh kỹ thuật số, v.v.. đang sản xuất nhiều tại các nước đi trước và các nước đi sau cũng có thể nhập khẩu để dùng.
Trong trường hợp nước A, lãnh đạo và quan chức có dịp ra nước ngoài hoặc qua thông tin đại chúng thấy các thứ này sang trọng, tiện nghi và muốn mình và người thân của mình được hưởng sự sang trọng, tiện nghi này. Do đó họ tìm cách tăng thu nhập, kể cả những biện pháp như tham ô, nhận hối lộ, chia xẻ quyền lợi với các nhóm lợi ích,.. Cũng có thể họ lấy ngân sách nhà nước để nhập xe đắt tiền và giải thích rằng lãnh đạo bộ, thành phố hay tỉnh phải đi xe sang mới tương thích với vị thế, chức vụ của họ, có người còn cho rằng phải như vậy để giao thiệp với các đối tác nước ngoài.
Trường hợp nước B thì khác. Lãnh đạo và quan chức luôn bận tâm về việc tiết kiệm từng đồng ngân sách và ngoại tệ để đầu tư cho giáo dục, cho những dự án hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội và những chương trình phát triển tạo công ăn việc làm cho dân, đẩy mạnh xuất khẩu. Xe hơi và những tiện nghi chỉ cần đủ đề làm việc, chỉ nhập số ít và những loại giá rẻ, tương ứng với trình độ phát triển chung của đất nước.
Trường hợp tích cực hơn nữa là lãnh đạo và các quan chức tham khảo ý kiến của các chuyên gia đưa ra tầm nhìn và kế hoạch dài hạn kèm theo các biện pháp, chính sách để trong tương lai sản xuất được những mặt hàng tiêu dùng cao cấp mà nhiều người dân mong ước được hưởng. Hình tượng mẫu mực như vậy của lãnh đạo và quan chức sẽ tạo niềm tin trong dân, xã hội tràn ngập giấc mơ phát triển, trở thành động lực hiện thực hóa kế hoạch phát triển.
Hai trường hợp vừa nói là giả thuyết nhưng một người có hiểu biết nhất định về tình hình thế giới hiện nay thì thấy không khó khăn lắm khi tìm những quốc gia cụ thể tương ứng với trường hợp A. Cần nói thêm là lãnh đạo và quan chức trong trường hợp A ngoài mấy tố chất đã nói, họ thường là những người có tầm nhìn hạn hẹp, không chịu học hỏi, giáo điều, bảo thủ không chịu dùng người tài nên thường sai lầm về đường lối, chính sách.
Trường hợp B thì khó tìm hơn nhưng cũng không phải là không có. Đọc lịch sử Nhật Bản tôi thấy rất nhiều hình tượng anh hùng trong thời đại phát triển. Chỉ đơn cử vài ví dụ trong lịch sử đương đại:
Trí tuệ, hành động và tác phong của các quan chức Bộ Công Thương Nhật Bản vào giữa thập niên 1950 có thể gọi là rất "anh hùng" mặc dù tên tuổi của họ không nổi tiếng bằng những nhà lãnh đạo chính trị. Lúc đó một chiếc xe hơi nhập khẩu từ Mỹ vào giá rất đắt, tương đương với 5 năm tiền lương của một quan chức trung cấp. Các quan chức ở Bộ Công Thương lúc đó mơ ước có ngày người dân bình thường cũng sẽ có xe hơi và cho rằng phải phát triển ngành xe hơi mới làm cho Nhật giàu mạnh.
Trong lúc có nhiều ý kiến khác nhau về điểm này, kể cả một số lãnh đạo trong đảng cầm quyền sợ kế hoạch sản xuất xe hơi sẽ gây va chạm trong quan hệ Nhật Mỹ vì ngành này đang là lợi thế của Mỹ. Nhưng các quan chức Bộ Công Thương đã tích cực vận động lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp để thực hiện cho được kế hoạch nầy vì tin sự quan trọng của ngành xe hơi đối với Nhật trong tương lai. Nhưng ý chí là một chuyện còn khả năng có thực hiện được không và làm sao để thực hiện là một chuyện khác.
Lợi thế so sánh của Nhật lúc đó là các hàng công nghiệp dùng nhiều lao động giản đơn như vải vóc, giày dép,... Đang phân vân về khả năng sản xuất của nước mình, các quan chức đọc được bài viết của giáo sư Shinohara Miyohei ( 1919 ) bàn về lợi thế so sánh động ( lợi thế so sánh trong tương lai ) và các điều kiện để biến lợi thế so sánh động thành hiện thực. Họ vui mừng và liên lạc ngay với giáo sư Shinohara xin gặp để hỏi chi tiết hơn.
Trong hồi ký mới viết hồi tháng 6/2009, Shinohara kể như sau: "Hồi đó 4-5 quan chức Bộ Công Thương đến nhà tôi vào buổi tối. Chúng tôi trò chuyện mãi dến khuya vẫn còn muốn tiếp tục, cuối cùng gần 5 giờ sáng họ mới ra về". Còn rất nhiều câu chuyện tương tự về sự cầu thị, nhiệt tình lo việc nước của quan chức Nhật thời đó.
Sau đó, Bộ Công Thương tự tin là Nhật có thể sản xuất xe hơi được và đã đặt ra các chính sách yểm trợ doanh nghiệp xúc tiến sản xuất. Những chiếc xe đầu tiên ra đời còn xấu về hình dáng nên một số người Mỹ trong ngành xe hơi có vẻ chế nhạo. Nhưng quan chức Bộ Công Thương kiên quyết với phương châm "Mỹ làm được thì Nhật cũng làm được". Như ta đã biết, ngành xe hơi Nhật phát triển mạnh mẽ từ thập niên 1960.
Ví dụ thứ hai. Tôi muốn đề cập đến một nhân vật nổi tiếng. Ikeda Hayato (1899-1965), sau khi tốt nghiệp đại học trở thành quan chức Bộ Tài chánh và sau đó đăc cử dân biểu quốc hội. Lúc đang làm Bộ trưởng Tài chánh ông cầm đầu phái đoàn công du sang Washington vào năm 1955. Lúc đó kinh tế Nhật Bản vừa hồi phục sau chiến tranh nhưng còn nhiều khó khăn, cán cân thương mại nhập siêu lớn, ngoại tệ thiếu nhiều. Ikeda luôn lo lắng về tình hình nầy nên về chỗ nghỉ tại Mỹ ông đã cho nhân viên thuê khách sạn 3 sao (lúc đó giá 7 USD một ngày) và để tiết kiệm hơn nữa, hai, ba người ở chung môt phòng, kể cả bộ trưởng cũng chung phòng với một vụ trưởng (theo hồi ký của nguyên thủ tướng Miyazawa Kiichi, lúc ấy là thành viên trong đoàn Ikeda). Mấy năm sau đó Ikeda quyết định ra tranh cử chức đảng trưởng Đảng Tự do Dân chủ (LDP) là đảng đương cầm quyền.
Đang suy nghĩ về chiến lược phát triển đất nước, ông đọc được bài viết của Giáo sư kinh tế Nakayama Ichiro về sự cần thiết cũng như điều kiện để tăng gấp đôi tiền lương thực chất, cải thiện hẵn mức sống của dân chúng. Đang lúc thai nghén một chiến lược phát triển với mục tiêu như gợi ý của Nakayama, ông được nhóm trợ lý tiến cử Shimomura Osamu, nhà kinh tế vừa giỏi lý luận vừa hiểu thực tiễn và nhất là có năng lực hình thành các chính sách cụ thể, ông mời làm cố vấn phụ trách soạn thảo Chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân (trong vòng 10 năm). Ikeda đắc cử đảng trưởng LDP và trở thành thủ tướng từ năm 1960 đến lúc mất (1965).
Nhiều chính sách, nhiều cơ chế mới được ban hành để thực hiện chiến lược. Chiến lược nầy cùng với phong cách của một lãnh đạo như Ikeda và với một tập thể quan chức có năng lực và hết lòng vì sự nghiệp phát triển đất nước như đã thấy ở trên, đã thổi vào xã hội một không khí phấn chấn, tin tưởng vào tương lai. Trong bối cảnh đó, chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân đạt được mục tiêu chỉ trong 7 năm, thay vì 10 năm như kế hoạch ban đầu.
Trên thế giới, trong lịch sử cũng như trong tình hình hiện nay, những nước ở trường hợp A rất nhiều, những nước ở trường hợp B như Nhật thì ít. Bản đồ phát triển của thế giới phản ảnh điều đó. Không kể những nước quá nhỏ về quy mô dân số, hiện nay trên thế giới có độ 60 nước với dân số tổng cộng độ 1 tỉ người còn nghèo đói, đang lẫn quẩn trong cái bẫy nghèo, và độ năm sáu chục nước đã thoát nghèo nhưng vẫn lẩn quẩn ở mức thu nhập trung bình.
Nếu chỉ kể những nước có quy mô dân số tương đối lớn (trên 20 triệu vào cuối năm 2007) thì hiện nay chỉ có 12 nước (và lãnh thổ) có thu nhập cao (bình quân đầu người 10.000 USD theo giá cố định năm 2000), trong đó tại Á châu chỉ có Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan. Tóm lại, muốn dân giàu, nước mạnh thì lãnh đạo và quan chức phải giống trường hợp nước B.
Các nhà kinh tế chưa thống nhất ý kiến về nguyên nhân phát triển hoặc không thể phát triển của một nước. Nhiều người đồng ý là có nhiều nguyên nhân nhưng tìm một nguyên nhân duy nhất thì không dễ.
Theo tôi nhiều nước không phát triển được hoặc chỉ phát triển tới mức trung bình chủ yếu vì rơi vào trường hợp nước A ở trên. Có nước nhờ tài nguyên hoặc vị trí địa lý và hoàn cảnh quốc tế thuận lợi đã phát triển lên mức thu nhập trung bình nhưng vì lãnh đạo và quan chức giống như trường hợp nước A nên đất nước vẫn dẫm chân một chỗ hoặc phát triển với tốc độ rất thấp (gần đây các nhà phân tích kinh tế gọi họ là những nước mắc vào "cái bẫy của nước thu nhập trung bình"). Nước Nhật vào thập niên 1950 nếu không có cơ chế để xuất hiện những "anh hùng" như đã thấy thì có lẽ hiện nay Nhật vẫn chỉ là nước có thu nhập trung bình.
Các anh hùng dân tộc thời nhà Trần đã lập nên những chiến công hiển hách, đuổi được quân Nguyên ra khỏi bờ cõi làm nức lòng người. Hai câu thơ của Trần Nhân Tông đã phản ánh không khí hồ hỡi kéo dài nhiều năm tháng đó :
Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên phong
Mong rằng hai ba mươi năm nữa, những quan chức, những vị lãnh đạo đầu đã bạc ngồi ở quán cà phê bên Hồ Hoàn Kiếm trò chuyện mãi về những ngày mà thời trung niên của họ đã hết lòng vì nước vì dân nên Việt Nam đã vượt qua cái bẫy của nước thu nhập trung bình, chen chân được vào hàng ngũ những nước giàu mạnh trên thế giới.
Đã qua rồi một thời đổi mới
Một nền kinh tế hay một xã hội chuyển mình từ một giai đọan phát triển thấp lên môt giai đọan phát triển cao thường kéo theo những thay đổi về chất, những chuyển dịch về cơ cấu, về cơ chế, hoặc về tổ chức. Những thay đổi về chất, những chuyển dịch về cơ cấu đó có khi do những đòi hỏi tất yếu từ những điều kiện mới về công nghệ, về kỹ thuật, về bối cảnh kinh tế thế giới, nhưng cũng có khi do con người chủ động thay đổi cơ chế, tư duy cũ để nắm bắt cơ hội mới làm cho kinh tế phát triển vượt bậc. Trường hợp thứ nhất có thể thấy qua kinh nghiệm của kinh tế Mỹ vào cuối thế kỷ 19, trong khi kinh nghiệm Nhật Bản vào nửa sau thập niên 1950 cho ta một bài học thú vị về trường hợp thứ hai. Còn Việt Nam hiện nay sẽ nằm trong trường hợp nào?
Vào những thập niên cuối của thế kỷ 19 kinh tế Mỹ bước vào một giai đọan mới, giai đọan sản xuất hàng lọat (mass production). Với sự ra đời của đường sắt và điện tín, hai công nghệ làm giảm phí tổn chuyên chở và mang lại khả năng truyền đạt thông tin giữa những vùng xa xôi, do đó các vùng trong lục địa rộng lớn được nối kết thành một thị truờng lớn. Các sản phẩm chủ yếu như dệt vải, may mặc, các lọai thực phẩm, thép, ciment, xe hơi có điều kiện sản xuất hàng lọat, do đó giá thành giảm nhanh nhờ hiệu quả qui mô kinh tế. Hàng hóa cung cấp dồi dào với giá rẻ kích thích tiêu thụ và thị trường lại tiếp tục mở rộng. Công nghệ cơ khí và luyện kim cũng phát triển trong thời kỳ nầy đưa đến việc chế tạo các lọai máy móc, thiết bị tinh xảo làm cho công suất họat động ở nhà máy và năng suất sản xuất nói chung tăng nhanh. Các loại công nghệ xuất hiện đã tạo ra một vòng tuần hòan thuận lợi giữa sản xuất và thị truờng, giữa cung và cầu đã đưa đến một thời kỳ phát triển hòang kim của kinh tế Mỹ.
Chuyển biến về công nghệ, về sản xuất và thị truờng kéo theo những thay đổi về phương pháp quản lý, tổ chức, về nhu cầu ra đời các cơ chế, chính sách để thích ứng với hòan cảnh mới. Hình thái doanh nghiệp thời sản xuất nhỏ không thích hợp nữa, doanh nghiệp phải được tổ chức qui mô lớn, phải có nhà máy lớn. Doanh nghiệp có tính cách gia đình, huy động vốn từ các nguồn phi chính thức được dần dần thay thế bằng doanh nghiệp được tổ chức hiện đại, thúc đẩy sự phân ly giữa chủ tư bản và nhà kinh doanh; và hệ thống tiền tệ tín dụng hiện đại hình thành. Về mặt nhà nước, chính sách trong giai đọan trước là phó mặc cho thị trường (laissez-faire), chính phủ chỉ lo an ninh và cung ứng một số dịch vụ công cộng. Nhưng vào cuối thế kỷ 19, do ảnh hưởng của dòng thác mới về công nghệ, kinh doanh và thị trường đã được đề cập, nhiều luật lệ, cơ chế mới ra đời để tránh độc quyền, để bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ, để đáp ứng yêu cầu của nghiệp đoàn lao động.
Trong trường hợp của Nhật vào nửa sau thập niên 1950, thay đổi về tư duy, chiến lược của lãnh đạo, của trí thức, được sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội đã làm bắt đầu một giai đọan phát triển mà về sau nầy các nhà phân tích gọi là thời đại phát triển thần kỳ.
Nhật bị Chiến tranh Thế giới thứ hai tàn phá năng nề nhưng với nỗ lực phi thường và với nhu cầu đặc biệt tạo ra từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), chỉ 10 năm, kinh tế Nhật hồi phục được mức sản xuất cao nhất thời tiền chiến. Từ đó về sau kinh tế Nhật sẽ ra sao? Bây giờ nhìn lại nếu lúc đó không có một trào lưu tư duy mới, không có cơ chế, chíến lược chính sách mới có lẽ kinh tế Nhật Bản trong giai đọan sau đó đã phát triển chậm hơn nhiều.
Thời đó trí thức đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra ý tưởng hình thành sự đồng thuận mới trong xã hội, và trực tiếp giúp chính phủ vạch ra đường lối phát triển. Cơ chế nhà nước cũng rất nhu nhuyến, lúc cần thiết mời các nhà kinh tế, các học gỉa làm chuyên trách có thời hạn hoặc bán chuyên trách trong các viện nghiên cứu hoặc các cơ quan vạch ra chính sách. Sách trắng kinh tế là bản báo cáo hằng năm của Tổng cục kế họach kinh tế, phân tích hiện trạng kinh tế và đề xuất tư duy, ý tưởng chính sách mới. Trong khỏang 20 năm đầu sau thế chiến thứ hai, đây là bản báo cáo kinh tế hằng năm nổi tiếng, có vai trò dẫn dắt dư luận.
Sách trắng kinh tế năm 1956 đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử hậu chiến Nhật Bản. Không còn thời hậu chiến nữa , tiêu đề phụ của bản báo cáo năm đó, đã trở thành bất hủ vì nó đi ngay vào lòng người, được cảm nhận rộng rãi giữa các nhà lãnh đạo chính trị, quan chức, doanh nghiệp, trí thức và cả đến nhiều người lao động. Câu nầy hàm ý là những yếu tố giúp ta phục hưng hậu chiến không còn nữa, bây giờ là lúc chúng ta phải có tư duy mới, cơ chế mới, tìm ra các yếu tố mới để đưa đất nước đến chân trời mới. Sau đó nhà kịnh tế hàng đầu Nakayama Ichiro đưa ra ý tuởng nên đặt mục tiêu phát triển kinh tế là bội tăng tiền lương nguời lao động trong 10 năm. Ý tưởng này được các cố vấn của nhà chính trị Ikeda Hayato vận dụng vào Kế họach bội tăng lợi tức quốc gia, khẩu hiệu của Ikeda trong cuộc vận động tranh cử vào chức đảng trưởng Đảng Tự do Dân chủ. Ông đã đắc cử và trở thành thủ tướng từ năm 1960, năm khởi đầu thực hiện kế họach bội tăng lợi tức quốc gia cho thập niên tới.
Chỉ trong 4-5 năm, một luồng gió mới thổi vào xã hội Nhật, cơ quan nghiên cứu, học giả và chính trị gia dẫn đầu trong việc tìm kiếm và đưa ra tư duy mới, sau đó các cơ chế, chính sách cụ thể ( chẳng hạn các cơ quan nhà nước phụ trách xúc tiến mậu dịch, yểm trợ vốn đầu tư, yểm trợ khai thác tài nguyên hải ngoại, v.v.. ) được thành lập.
Trong không khí phấn chấn về một tuơng lai tươi sáng, doanh nghiệp đã tích cực du nhập công nghệ, nguyên liệu, xây dựng nhà máy mới hoặc đầu tư thay thế nhà máy cũ. Trong thập niên 1960, 3 lọai công nghệ được du nhập hầu như đồng thời. Một là những ngành Nhật đã phát triển từ cuối thế kỷ 19 ( như thép, đóng tầu,..) nhưng suốt hai thế chiến họ không được biết đến những thành tựu công nghệ mới ở Âu Mỹ. Loại thứ hai là những công nghệ mới, những ngành mới đã ra đời ở Âu Mỹ nhưng Nhật bị gián đọan thông tin ( vì chiến tranh ) bây giờ mới có thể du nhập (điển hình là các ngành điện gia dụng như tủ lạnh, máy giặt, và các lọai hóa chất mới như tơ sợ tổng hợp). Thứ ba là các ngành mới bắt đầu phát triển ở Âu Mỹ ( như TV, computer,..). Cả ba lọai công nghệ du nhập đồng thời, tạo ra hiệu ứng dây chuyền, hiệu ứng lan tỏa, làm cho họat động đâu tư nhộn nhịp. Hiện tượng nầy được Sách trắng kinh tế công bố giữa thập niên 1960 gọi là đầu tư kêu gọi đầu tư.
Do công nghệ mới du nhập nhiều và đầu tư triển khai sâu rộng, năng suất lao động tăng nhanh, xuất khẩu tăng, sản xuất lại tăng và tiền lương lao động tăng theo kéo theo sự bùng nổ tiêu thụ. Sự tuần hoàn thuận lợi nầy đưa Nhật vào thời đại phát triển thần kỳ. Nhật hòan thành kế họach bội tăng lợi tức quốc gia chỉ trong 7 năm thay vì 10 năm.
Điểm qua kinh nghiệm Mỹ và Nhật, tôi thấy Việt Nam bây giờ giống như Nhật hồi giữa thập niên 1950. Giống ở chỗ đối diện với thời điểm chuyển tiếp giữa hai giai đọan phát triển. Ở thời điểm đó nếu có tư duy mới, đồng thuận xã hội mới, chính sách, chiến lược mới thì sẽ bước vào giai đọan phát triển mạnh mẽ, đưa kinh tế đến một thứ nguyên cao. Còn ở thời điểm đó nếu vẫn giữ tư duy cũ, cơ chế cũ, chính sách cũ thì hiệu quả chỉ là kéo dài giai đọan cũ, xã hội có thể trì trệ, phát triển với tốc độ thấp hoặc phát triển nhưng phải hy sinh môi truờng và bất ổn xã hội.
Qua hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển. Thu nhập đầu người tăng, mức sống người dân được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, vị trí của Việt Nam trên vũ đài quốc tế được nâng cao. Nhưng ta cũng thấy ngay những mất cân đối trầm trọng giữa phát triển và môi truờng, giữa nông thôn và thành thị, giữa người dân lao động và các thành phần khác. Ngoài ra có hai điểm rất quan trọng cần nhấn mạnh.
Một là, nhiều cơ chế, chính sách hình thành và tác dụng sâu đậm trong quá trình đổi mới nếu không thay đổi và tiếp tục áp dụng sẽ không đem lại sự phát triển bền vững cho Việt Nam. Chẳng hạn việc tuyển chọn quan chức ra làm việc nước. Sau 1975, rất nhiều người thiếu tiêu chuẩn về năng lực quản lý vẫn được bổ nhiệm vào các cương vị quan trọng, sau đó mới cho đi học tại chức để tiêu chuẩn hóa cán bộ. Cách làm này lẽ ra chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn, độ 9-10 năm, nhưng hiện nay vẫn tồn tại và chưa có chiều hướng chấm dứt. Chính sách nầy cũng đã làm cho hệ thống giáo dục đại học xuống cấp, nhiều đại học sống dựa vào học sinh tại chức, đạo đức học đường, quan hệ thầy trò bị đảo lộn. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho giai đọan tới gặp khó khăn. Một ví dụ khác nổi lên trong quá trình đổi mới là chính sách đối với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước. Trong một thời kỳ nhất định, sự hiện diện của các hình thái kinh tế nầy có thể được chấp nhận nhưng rõ ràng nếu từ nay hình thái nầy vẫn tiếp tục kéo dài thì thị trường không phát triển lành mạnh, đặc quyền đặc lợi phát sinh, sự bất công giữa các thành phần kinh tế trầm trọng hơn nữa.
Hai là, đổi mới trong hơn 20 năm qua là một quá trình mò mẫm rất mất thời gian, tuy là ở giai đọan đó chuyện mò mẫm là không tránh được. Chính thức đổi mới bắt đầu từ năm 1986 nhưng nhiều vấn đề được dò dẫm từ nhiều năm trước mà khoán trong nông nghiệp là trường hợp điển hình. Luật đầu tư nước ngoài, Luật doanh nghiệp, và nhiều đạo luật khác hầu như năm nào cũng có sửa đổi. Điều đó cho thấy không có sự mạnh dạn trong cải cách. Do đó quá trình đổi mới của Việt Nam cho đến nay mất gần 30 năm ( kể cả thời gian do dẫm trước khi công bố chính sách vào năm 1986 ). Ta có thể kéo dài lối tư duy tiệm tiến, thận trọng, mất nhiều thời gian như trong thời kỳ đổi mới không? Vào lúc mới bắt đầu đăt ra kế họach phát triển, Hàn Quốc là một trong những nước có thu nhập đầu người thấp nhât thế giới mà chỉ sau có 35 năm họ đã trở thành thành viên khối OECD, là tổ chức của những nước tiên tiến. Ta đã qua gần 35 năm sau khi hòa bình lập lại và sự nghiệp thống nhất được thực hiện, và đã gần một phần tư thế kỷ từ lúc khởi động chính sách đổi mới, nhưng ta vẫn còn đứng trước ngưỡng cửa 1.000 USD (GDP đầu người) với những mất cân đối trầm trọng như đã nói.
Như vậy, vấn đề của chúng ta hiện nay là gì thì đã quá rõ. Ta không thể kéo dài tư duy của thời đổi mới, không thể tiếp tục các chính sách hình thành và triển khai trong thời kỳ đổi mới. Chúng ta không đọan tuyệt với quá khứ nhưng phải mạnh dạn dứt bỏ những chính sách, cơ chế không thích hợp và tìm một tư duy, một sự đồng thuận mới cho giai đọan phát triển mới của Việt Nam.
Năm mới, tôi đề khởi ý tưởng là mọi người nên bắt đầu bằng một suy nghĩ, một nhận định tóm tắt bằng cụm từ Đã qua rồi một thời đổi mới. Bây giờ là lúc ta cần bàn đến tư duy chiến lược mới, cơ chế mới và sự đồng thuận mới của xã hội để đưa đất nước tiến vào một giai đọan mới, giai đọan giàu mạnh và bền vững.