Khánh Linh - Tết này "quan" bị làm khó vì chủ trương không nhận quà biếu, không biếu quà ai. Người Việt mình lần thứ hai đứng ngôi quán quân lạc quan của thế giới. Hà Nội cuối cùng cũng chốt được giải pháp để cứu cụ Rùa. Ba lát cắt tuần này, nhìn từ một phía là những tín hiệu đáng lạc quan không kém, nhưng nhìn từ phía khác, lại quá nhiều điều đáng bàn.
Bí thư Hà Nội làm khó cấp dưới?
Đúng một tháng trước Tết, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã có lời với lãnh đạo các quận, huyện, xã phường cũng như các sở, ban ngành... thực hiện nghiêm chủ trương không biếu quà cấp trên bằng một câu nói thật sự ấn tượng "Tất cả chúng ta ngồi đây đều là lãnh đạo hết, vì thế đừng ai đi biếu quà cho người khác và cũng đừng để ai đến biếu quà cho mình".
Đây là lời phát biểu chính thống tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2011 của TP Hà Nội, nên có thể hiểu là một mệnh lệnh của cấp trên với tất cả cấp dưới, nghĩa là tất cả cấp dưới sẽ phải nghiêm túc thực hiện, chứ không lẽ "trên bảo dưới lại không nghe"? Hơn nữa, ông Phạm Quang Nghị không chỉ là Bí thư Hà Nội, ông còn là một trong số mười mấy ủy viên Bộ Chính trị, nên lời nhắc nhở của ông càng có sức nặng hơn. Cũng cần phải hiểu rộng hơn, đây là sự tái khẳng định chủ trương nhất quán của Chính phủ từ nhiều năm qua.
Bởi đây không phải lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao công khai yêu cầu không biếu xén và không nhận quà Tết. Thử tìm lại ngẫu nhiên trên báo chí, sẽ thấy ít nhất từ đầu năm 2009, cũng chính Bí thư Hà Nội khi đi thăm hỏi, chúc Tết các hộ nghèo, gia đình chính sách, cũng đã yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành, không được tặng quà Tết cho lãnh đạo TP, mà nên dành thời gian thăm hỏi, tặng quà Tết cho các khu dân cư, gia đình nghèo, khó khăn và các gia đình chính sách.
Xa hơn nữa, từ đầu năm 2007, Thủ tướng đã ký ban hành chỉ thị về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Đinh Hợi, trong đó yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư không tổ chức đi chúc Tết, tặng hoa lãnh đạo các cấp.
Cái chuyện quà Tết, dù chẳng nói ra nhưng lâu nay xã hội đã ngầm hiểu với nhau, Tết là dịp để "cảm ơn, chạy chọt, xin xỏ"...Một phong tục tốt đẹp của dân tộc từ lâu rồi đã bị con cháu lợi dụng để mưu cầu tư lợi. Thế mới có cảnh, cứ gần Tết là dân thường được phen trố mắt thấy xe con nườm nượp ra vào nhà một sếp này, sếp nọ. Cách đây mấy năm, dư luận được phen ngã ngửa khi ông Chủ tịch tỉnh Cao Bằng đem sung công hơn 1 tỷ đồng quà Tết để làm từ thiện...Rồi ông phó Chủ tịch một thành phố lớn nọ, công khai quà biếu Tết đâu như 4 tỷ đồng. Những con số khổng lồ so với vật giá thời ấy. Mà đấy là những đồng chí dám công khai, còn các "anh hùng núp" thì chắc là không biết đằng nào mà lần.
Bởi vậy, chủ trương quyết liệt của Chính phủ và phát biểu mới đây của Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị, trước hết là dân cứ hoan nghênh, đồng tình ủng hộ. Mừng, nhưng rồi lại lấy làm lạ: Vì sao Chính phủ đã có chỉ thị từ 4 năm trước, mà lãnh đạo Hà Nội vẫn cứ phải nhắc đi nhắc lại yêu cầu này? Hay bởi chỉ thị của Chính phủ chỉ có "hiệu lực" đến lãnh đạo tỉnh, thành phố thôi, chứ không vươn dài xuống cấp dưới? Cũng có thể suy đoán tới khả năng, hoặc một số lãnh đạo các cấp không làm theo chỉ thị của Chính phủ, hoặc Bí thư Hà Nội cẩn thận nên nhắc trước, tránh tình trạng "phép vua thua lệ làng".
Bởi mới đầu năm ngoái, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lại khẳng định Chính phủ chỉ cấm những hình thức biếu quà có tính chất tiêu cực, lạm dụng công quỹ, chứ không hạn chế tặng quà theo truyền thống và phong tục. Nhưng thế nào là tặng quà theo truyền thống và phong tục thì rất tiếc, Bộ trưởng Phúc lại không nói rõ "giới hạn". Và làm sao để giám sát chuyện quà tặng có theo truyền thống và phong tục không? May ra xã hội chỉ có thể quan sát được chuyện lãnh đạo nào có nhiều người đến biếu quà cáp hay không, chứ chịu chết không thể biết nội dung từng món quà ấy ra sao để đưa ra kết luận đúng truyền thống hay sai truyền thống, tích cực hay tiêu cực.
Phải chăng chính vì cái ranh giới quá khó phân định ấy mà người đứng đầu thành phố Hà Nội phải đưa ra yêu cầu nghiêm khắc hơn cho thủ đô, để làm gương cho cả nước? Chính phủ không hạn chế việc tặng quà theo truyền thống và phong tục, nhưng Hà Nội thì hạn chế hết. Không chỉ hạn chế việc tặng quà, mà còn hạn chế cả việc nhận quà. Bởi trong trường hợp chẳng may có một lãnh đạo cấp nào đó không "tuân lệnh" Bí thư, nhất định đến biếu quà Tết lãnh đạo cấp trên, thì lãnh đạo cấp trên cũng sẽ không nhận quà đâu. Bí thư chẳng đã dặn rất kỹ, mình không chỉ không đi biếu quà, mà cũng không được nhận quà đó là gì.
Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị |
Có điều, mệnh lệnh xuất phát từ trái tim Bí thư Phạm Quang Nghị xem ra hơi khó thực hiện, nói chính xác hơn là có vẻ "làm khó" cấp dưới. Nhưng cái khó ló cái khôn, dân ta vốn giàu sáng tạo nên có thể chọn cách ứng xử vẹn cả đôi đường như sau: "không biếu quà Tết Bí thư Phạm Quang Nghị" đúng như lời Bí thư đã chỉ đạo, còn lại thì thực hiện theo ý của Bộ trưởng "không hạn chế tặng quà theo truyền thống và phong tục". Đố ai bắt bẻ vào đâu được nhé.
Chỉ có chút băn khoăn xin được gửi đến Bí thư, nếu có gì không phải thì xin Bí thư bỏ qua. Lời nhắc nhở của Bí thư chỉ có hiệu lực với lãnh đạo các quận, huyện, xã, phường, sở ban ngành,... nói như lời của chính ông là "Tất cả chúng ta ngồi đây đều là lãnh đạo hết,...". Còn với các đối tượng khác thì sao? Chẳng hạn với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố? Xin Bí thư nói rõ hơn, để nếu như Tết này người dân có thấy ai đó đến biếu quà Tết cho lãnh đạo các cấp của Hà Nội, thì có thể biết phải "loại trừ" những đối tượng nào? còn nếu lời nhắc nhở ấy có hiệu lực với mọi đối tượng, thì cũng xin Bí thư nói rõ, để toàn dân Hà Nội được tỏ tường. Bởi nếu người đứng đầu của thành phố đã không nhận quà Tết từ bất cứ "cấp dưới" theo nghĩa nào, thì các cấp dưới đó cũng sẽ theo gương Bí thư, không yêu cầu các cấp dưới hơn phải tặng quà cho mình. Nghĩa là Tết này, toàn dân Hà Nội sẽ được thanh thản, không ai phải lo đi biếu quà cấp trên, dù chỉ là quà theo truyền thống.
Người Việt lạc quan nhất thế giới?
Người Việt Nam tiếp tục lạc quan nhất thế giới, theo kết quả cuộc thăm dò mang tên "Tiếng nói của người dân" do Viện thăm dò BVA của Pháp và Viện Gallup của Mỹ thực hiện cuối năm 2010 tại 53 quốc gia, với 64.203 người được hỏi về triển vọng kinh tế nước mình trong năm 2011. Tại Việt Nam, có tới hơn 70% trong số 1000 được hỏi trực tiếp tự tin về triển vọng kinh tế năm 2011, bỏ xa nhóm nước thứ hai với Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, nơi "chỉ" 49% người dân lạc quan về sự phát triển kinh tế, trong khi tỷ lệ trung bình của cả 53 quốc gia là 30%.
Đây không phải lần đầu tiên người Việt Nam là "quán quân" lạc quan của thế giới. Đầu năm 2007, báo chí cũng đã từng đưa tin Việt Nam dẫn đầu trong 53 quốc gia được khảo sát về mức độ tin tưởng vào tương lai tươi sáng, theo đó 94% người Việt nam được hỏi tin tưởng năm 2007 sẽ khá hơn năm 2006, vượt xa nước đứng thứ hai, ba là Hồng Kông (với 74%) và Trung Quốc (73%), còn tỷ lệ trung bình của 49.000 người ở cả 53 quốc gia là 43%.
Nếu so với mức lạc quan trung bình của thế giới thì ở cả hai cuộc khảo sát, Việt Nam quả thật rất nên "chia sẻ" sự lạc quan cho bạn bè thế giới. Nhất là chia sẻ với những người dân tại các quốc gia phát triển của châu Âu và Bắc Mỹ đang rất bi quan về tương lai. 61% người dân Pháp khi được hỏi đã cho rằng năm 2011 sẽ là một năm phát triển kinh tế khó khăn, trong khi con số đó của Anh là 52%, Tây Ba Nha 48% và Italia 41%. Thậm chí chỉ 25% người tham gia khảo sát ở Bắc Mỹ (Canada và Hoa Kỳ) cho rằng kinh tế năm 2011 sẽ có tiến bộ.
Cảm giác đầu tiên khi đọc kết quả khảo sát là thấy... vui vui, vui vì hóa ra người Việt mình mấy năm nay vẫn tràn đầy lạc quan vào tương lai, tin tưởng rằng năm sau tốt hơn năm trước. Hình như lạc quan vốn là một "tính tốt" của người Việt. Bởi cứ lâu lâu lại đọc trên báo chí một kết quả khảo sát chứng tỏ người mình rất lạc quan, lúc thì 35 năm sau chiến tranh: Người Việt Nam lạc quan về tương lai (kết luận sau một cuộc thăm dò của hãng thông tấn AP), rồi Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất thế giới (theo kết quả cuộc khảo sát Niềm tin người tiêu dùng toàn cầu của Công ty The Nielsen).
Nhưng sau thoáng vui ban đầu là sự băn khoăn, liệu sự lạc quan đó có thật sự đem lại điều tốt lành? Khi nằm chung nhóm những nước lạc quan với chúng ta lại có những quốc gia rất "bất ổn" như Nigeria hay Afghanistan. Ngay khi công bố kết quả cuộc khảo sát, báo Le Parisien của Pháp đã đưa ra nhận xét "Bất chấp đảo chính, tham nhũng và đói nghèo thì người dân Nigeria vẫn tin tưởng về tương lai tươi sáng của đất nước họ". Phải chăng người dân Nigeria lạc quan vào tương lai, bởi sự lạc quan là liều thuốc duy nhất giúp họ vượt qua được những "bi quan" của hiện tại?
Đành rằng các nước châu Âu "bi quan" đang gặp khó khăn nên người dân có phần mất niềm tin vào tương lai, nhưng phải chăng chính sự bi quan đó đồng nghĩa với sự không bằng lòng với thực tại sẽ cho họ động lực để giải quyết khó khăn hiện tại. Còn chúng ta liệu có "ngủ quên" trên sự lạc quan tươi sáng, và liệu lạc quan có đồng nghĩa với dễ bằng lòng, thiếu nỗ lực?
Vậy thì, không nên chỉ đơn giản thấy vui với kết quả người Việt lạc quan nhất. Lạc quan chỉ tốt, nếu đi cùng với nó là sự không bằng lòng với chính mình, không chấp nhận Việt Nam mãi "đi sau". Nếu thái độ sống lạc quan song hành với nỗ lực vươn lên thì xin chúc mừng những người Việt lạc quan, và xin được theo gương họ. Bằng không, thà cứ là người... bi quan!
Phóng sinh điều ác dữ?
Một thông tin "lạc quan" của tuần qua là việc UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt các giải pháp tiêu diệt rùa tai đỏ bằng lồng hoặc bè nổi và lưới mà Sở Khoa học - Công nghệ đã đề xuất đúng "hạn" 31/12/2010. Không phải chỉ đến những ngày cuối năm, các nhà khoa học mới thật sự lo âu về số phận của cụ Rùa Hồ Gươm khi rùa tai đỏ, loài vật đứng đầu trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới, đã tràn ngập không gian sống của cụ.
Nhưng ai đủ hiểu biết để lo thì cứ lo, nhưng cứ gần đến rằm tháng 7, thị trường mua - bán rùa tai đỏ vẫn tấp nập phục vụ việc phóng sinh, thậm chí giá cả còn bị đẩy lên cao mà "có hôm vẫn không có rùa tai đỏ để bán" nhưng lời thừa nhận của chủ một cửa hàng cá cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám với phóng viên Bee.net.vn. Có thể "thông cảm" với những người hồn nhiên mua bán rùa tai đỏ, rằng có thể người mua không biết rùa tai đỏ tai hại ra sao, hoặc biết rùa tai đỏ tai hại nhưng cứ giả vờ rằng đó là con rùa nào đó thôi, chứ không lẽ tai hại thế mà vẫn mua về để...phóng sinh cầu phúc? Còn người bán thì cũng giả vờ nghĩ rằng, mình bán thì cứ bán thôi, có cầu thì có cung, người mua phải tự biết rùa tai đỏ tai hại chứ, đúng như lập luận của một chủ cửa hàng rằng "Nói là rùa này có hại, nhưng đâu ai cấm mình bán. Có cầu thì ắt có cung. Cửa hàng mình không bán, thì người ta cũng mua được ở hàng khác...".
Người mua phó thác cho người bán, người bán chỉ lo chiều lòng người mua, chẳng ai thấy mình có lỗi, trách gì rùa tai đỏ được dịp tràn lan khắp Việt Nam, chẳng mấy ai cảm thấy áy náy. Mà áy náy sao được, khi việc phóng sinh rõ ràng mang ý nghĩa tốt lành, phóng sinh rùa - loài vật quý hiếm - thì chỉ càng tốt lành hơn thôi. Nên mới có chuyện cứ mỗi dịp người dân tận tình phóng sinh thì lại ngổn ngang cảnh chim bị thương, cá chết nổi lềnh bềnh mặt hồ. Rồi còn thêm một bộ phận những người tức thời nhanh chóng bắt chim, bắt cá vừa được thả để bán lại cho người mới nữa chứ. Chẳng biết sự tốt lành có theo những người phóng sinh về không, chỉ thấy thương cho những sinh vật vô tội bị hành hạ, và giận những người vô tâm đã phát tán rùa tai đỏ như phát tán một sinh vật "thiêng".
Sự lo âu chỉ đạt ngưỡng mới khi ngày 18/12, nhiều du khách dạo chơi ven hồ Gươm tận mắt chứng kiến cảnh cụ Rùa thiêng cõng rùa tai đỏ trên lưng trong suốt thời gian 2 giờ đồng hồ nổi lên mặt nước.
Để rồi đến ngày 30/12, người dân quá đau lòng khi thấy cụ Rùa lại nổi lên với những vết thương mới, được các nhà khoa học cảnh báo là dấu hiệu rùa tai đỏ tấn công cụ rùa. PGS.TS Hà Đình Đức, trước đây chỉ lo ngại chuyện rùa tai đỏ phá hoại môi trường hồ Gươm và ăn hết thức ăn của cụ Rùa... trong 50, 70 năm nữa, thì nay đã phải đưa ra giả thiết rất cấp thiết là rùa tai đỏ đã tấn công và gặm mai cụ Rùa.
Thôi thì đành an ủi, phải đến lúc cụ Rùa gặp nguy hại thì các cơ quan chức năng mới xắn tay vào cuộc. 28/12 Hà Nội có văn bản yêu cầu Sở Khoa học - công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND quận Hoàn Kiếm tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, kiểm tra và đề xuất biện pháp xử lý.
4 ngày sẽ là quá ngắn nếu Sở KH - CN phải tự mình tìm ra biện pháp, nhưng bởi các nhà khoa học đã công khai lên tiếng rải rác trên các phương tiện thông tin đại chúng về những biện pháp khả thi, không quá phức tạp để tiêu diệt rùa tai đỏ, nên Sở KH - CN đã nộp báo cáo đúng hạn, và Hà Nội cũng không chần chừ phê duyệt các giải pháp.
Việc phải làm trước mắt đã quá rõ ràng, với yêu cầu các thiết bị lồng, bè, lưới cũng như loại mồi để dụ rùa tai đỏ phải không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của hồ, không gây hại cho cụ Rùa quý, và tất nhiên trước mắt phải thử nghiệm tại một hồ khác để rút kinh nghiệm.
Nhưng nếu chỉ lo bắt rùa tai đỏ dưới hồ Gươm mà không ngăn chặn việc tiếp tục thả rùa thì chính quyền cũng mãi là người "đi sau" để giải quyết hậu quả, chắc chắn sẽ đến lúc... mệt mỏi. Tác hại của rùa tai đỏ đã quá rõ ràng, việc khẩn thiếp không kém là phải ngăn chặn người dân tiếp tục thả rùa tai đỏ xuống hồ Gươm nói riêng, và việc phóng sinh rùa tai đỏ nói chung. Phòng bệnh bao giờ chẳng hơn chữa bệnh.