Dân Làm Báo – Có hi vọng gì cho đất nước Việt Nam vào mùa xuân 2011 này không? Đừng hão huyền tin vào CSVN nữa. Ngay trong nội bộ các đồng chí với nhau mà người ta còn không thật thì làm sao họ thật với nhân dân đây?
Đúng hẹn lại lên. 8 giờ ngày 12.1.2011 tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình, ngay chỗ mà công an đàn áp các tín hữu Tin lành trong dịp Giáng Sinh vừa qua, các quan chức đảng ta đã khai mạc đại hội đảng. Lễ khai mạc được truyền hình và truyền thanh trực tiếp trên VTV và VOV.
Trong phiên khai mạc thì ông Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn khai mạc trước. Tiếp theo ông Nông Đức Mạnh đọc báo cáo của ban chấp hành TW đảng khóa X. Cuối phiên buổi sáng thì ông Trương Tấn Sang đọc bản báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành TW đảng khóa X. Buổi chiếu ngày 12.1.2011 thì các đại biểu làm việc tại Đòan thảo luận các văn kiện của đại hội XI.
Theo dõi trực tiếp trên VTV và trang Tuổi Trẻ online thì nghe ông Nông Đức Mạnh đọc hùng hồn lúc đầu, càng về sau có lẽ dài quá và đứng mỏi chân nên giọng ông lạc dần. Cái tiến bộ là ông đọc đúng, dù vấp váp nhiều chỗ. Ông Nông Đức Mạnh đã không đọc cái đoạn: “dừng lại một chút nghĩ lấy hơi” hay ”Kính thưa các đồng chí, chỗ này chúng bảo nghĩ giải lao”. Ông cũng đã không đọc như là: “chấm xuống dòng”. Cũng may là trong văn kiện không đề cập đến tình hình chính trị thế giới vùng Trung Đông để ông đọc là “các nước 1 răng, 1 rắc” tức Iran-Iraq cho các đại biểu nghe.
Về nội dung thì đúng là báo cáo: Một là, hai là, ba là, bốn là. Trong mỗi cái một hai ba bốn là đó lại có một là, hai là, ba là, bốn là tiếp. Vẫn là các đồng chí, nâng cao năng lực quản lý của đảng, thời kỳ quá độ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vẫn là toàn đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng đảng vững mạnh, đất nước ngày càng phát triển, kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mấy cái này thì ngoài đường thiếu cha gì, đâu có cần hội họp tốn kém để mà một là, hai là, ba là, bốn là làm gì!
Ấn tượng nhất trong phiên khai mạc buổi sáng là phát biểu của ông Nguyễn Minh Triết có đề cập: ”Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc, để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện, những thành tựu và yếu kém, khuyết điểm”. Giọng của ông Chủ tịch nước không được khỏe cho lắm. Có tin ông bị ung thư giai đọan cuối. Có lẽ sắp về gặp Mac- Lê Nin nên ông mới hùng hồn đề nghị người ta nói thật. Khỏe như ông Tô Huy Rứa, ông Phùng Quang Thanh…thì không dám kêu gọi các đại biểu nói thật.
Lời kêu gọi nhìn thẳng vào sự thật và nói thật có phải là điểm nhấn và mới nhất không? Đây chỉ là sự lặp lại đại hội VI vào năm 1986 mà thôi. Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, trước ngày khai trương đại hội XI ông Phạm Thế Duyệt có đề cập đến lời kêu gọi nhìn thẳng vào sự thật và nói sự thật ở đại hội VI như sau:”cái tiêu biểu nhất, rõ nhất là tại đại hội VI, đại hội đã tập hợp những ý kiến dám nhìn thẳng vào sự thật, đáng giá đúng sự thật, nhất định phải đổi mới, phải bỏ bao cấp, quan liêu”.
Có một sự trùng hợp là đại hội VI và XI thì CSVN đang lâm nguy và bế tắc. Cần có sự đổi mới để sống hay là chết. Trước ngưỡng cửa sinh tử giữa cái sống và cái chết đó người ta kêu gọi nhìn vào sự thật, đối diện sự thật. Bây giờ cũng hãy nhìn vào và nói lên sự thật? Nhưng sự thật nào được nói lên?
Có phải sự thật là Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng không? Có phải sự thật là 20-30 năm nữa Việt Nam trong nhóm các nền kinh tế hùng mạnh của thế giới không? Muốn biết sự thật là gì và nói cho đúng sự thật thì chẳng cần chạy đâu cho xa, chỉ việc ra bên ngoài trung tâm Hội Nghị Quốc Gia các quan chức của đảng hỏi và nghe nguyện vọng của bất kỳ người dân nào là có sự thật ngay.
Có một sự xuống cấp của báo chí và văn nghệ sĩ ở đây. Trước thềm đại hội VI thì Báo Văn Nghệ lúc đó do nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng Biên Tập cho đăng phóng sự: ”Cái đêm hôm ấy…đêm gì” của nhà giáo Phùng Gia Lộc ở Nghệ An kể lại chuyện nữa đêm trống giục thuế dồn y như thời phong kiến ở một làng quê Nghệ An. Báo Văn Nghệ đã can đảm che dấu nhà giáo tội nghiệp này, khổ nhọc đưa ông ta từ quê ra Hà Nội vượt qua sự theo dõi gắt gao của an ninh. Đến Hà Nội, Phùng Gia Lộc trốn trong NXB Báo Văn Nghệ để viết tác phẩm chấn động dư luận. Chính cái phóng sự này đã tác động vào chính trường và buộc đảng CSVN chấp nhận đổi mới.
Bây giờ lịch sử lặp lại y như vậy nhưng đâu có một bài báo, một tác phẩm nào chấn động thời điểm này. Cả dân tộc còn ngái ngủ, trí thức thì miệt mài an phận. Ai sẽ thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, lấy sự thật xua tan những giả dối xưa nay của CSVN? Trang Vietnamnet bị hack liên tục mấy ngày qua. Bài phỏng vấn nhà văn Võ Thị Hảo do nhà báo Trần Ngọc Kha thì hiện nay chưa có mấy người biết gần như chìm vào quên lãng. Ông Hữu Thỉnh và tướng công an Hữu Ước thì cướp micro của các nhà văn ngay trong đại hội các văn hào văn xu.
Có hi vọng gì cho đất nước Việt Nam vào mùa xuân 2011 này không? Đừng hão huyền tin vào CSVN nữa. Ngay trong nội bộ các đồng chí với nhau mà người ta còn không thật thì làm sao họ thật với nhân dân đây?