Người Đà Nẵng (danlambao) - "Tại phiên tòa, anh Lâm đòi lại sợi dây thắt lưng mà công an thu giữ khi bị bắt, đây là kỷ niệm mà bố anh ấy để lại. Tòa ghi nhận nhưng cuối cùng Tòa đã không đả động gì đến chi tiết này” Luật sư Hùynh Văn Đông nói như vậy sau phiên xử ngày 26.1.2011 tại Tòa Phúc thẩm thành phố Đà Nẵng, xét xử 6 Giáo Dân Cồn Dầu.
Đây là chi tiết sáng giá nhất, một tình tiết mới theo ngôn ngữ pháp lý trong tố tụng hình sự Việt Nam. Một chi tiết đầy tính hài hước vừa là bi kịch nhưng cũng chính là hài kịch trong vở diễn chiều cuối năm tại quê hương vốn nổi danh là "hay cãi". Đây cũng được coi như là một lời đòi nợ cụ thể về một vật thể bình thường với mọi người nhưng đầy kỷ niệm với một người. Nếu các nạn nhân đòi công an bồi thường thiệt hại do bị đánh, bị tra tấn lúc ép cung, dùng nhục hình thì Hội Đồng xét xử kiểng sẽ hỏi bằng chứng đâu? Và cho là trừu tượng thiếu chứng cứ. Nhưng với sợi dây thắt lưng, dây nịt thì là cụ thể. Rất may cho lịch sử tố tụng của nhân loại là chi tiết này được ghi vào biên bản phiên tòa phúc thẩm.
Lần này sợi dây nịt được dùng bằng ngôn ngữ Miền Bắc là "sợi dây thắt lưng" chính xác và ý nghĩa trong thành ngữ "đánh dưới thắt lưng". Mô tả một cú đánh lén, đánh hèn hạ một cú đánh được cho là hiểm độc. Đúng như bản chất thật của phiên xử tồi tệ này.
Tôi theo dõi nhiều phiên tòa từ Nam chí Bắc nhưng chưa bao giờ thấy một tình tiết đắng họng như phiền tòa kỳ cục này. Bị can đòi sợi dây thắt lưng ngay tại tòa. Chi tiết này nằm trong kế hoạch của nhóm các bị can, bị cáo (đúng ra nên gọi họ là nạn nhân) nhưng éo le là nằm ngoài kịch bản của bản án được viết sẵn. Y hệt tình huống MC Lại Văn Sâm trong liên hoan phim quốc tế được truyền hình trực tiếp, khi Ngô Ngạn Tố muốn nói thêm ngòai kịch bản thì MC Lại Văn Sâm thánh thót "Ly à, Ly à". Nữ thẩm phán Trần Thị Cảnh yêu cầu thư ký viết vào biên bản phiên tòa chi tiết "anh Lâm đòi lại sợi dây thắt lưng mà công an thu giữ khi bị bắt" nhưng bà thẩm phán đã không thể trả lại "vật chứng" ấy ngay tại tòa . Thẩm quyền của thẩm phán dưới xa quyền lực công an như trình độ Anh Ngữ của Lại Văn Sâm không đủ dịch một câu Tiếng Anh thông thường để rồi lừa dối hàng triệu khán giả.
Nhưng phải công nhận lần này Đà Nẵng chơi đẹp hơn Hà Nội. Giáo Dân Thái Hà bị ông Phạm Quang Nghị cho xử kín ở Hà Đông. Nhưng hôm 26.1.2011 thì ông Nguyễn Bá Thanh mở rộng cửa cho nhiều người tham dự phiên xử phúc thẩm. Dù công an chìm, công an nổi đi lại dòm ngó, lườm ngúyt nhiều người nhưng giáo dân và người thân đã bước qua sợ hãi. Ánh sáng và bóng đêm vốn không hòa hợp nhau. Cái lạnh mùa đông không ngăn cản các nạn nhân ăn mặc đẹp hơn. Họ không phải BỊ ra tòa mà ĐƯỢC ra tòa để rồi chiến thắng và công lý đứng về phía họ.
Hai nạn nhân cuối cùng cũng được trả tự do ngay tại tòa . Chúc mừng họ và gia đình có một cái Tết an lành sum họp trên quê hương Cẩm Lệ với dòng sông Hàn quyến rũ. Đây không là chiến thắng riêng của những người dân khốn khổ Cồn Dầu mà là chiến thắng chung của nền công lý đang trong thời kỳ bị bóp cổ. Dù phe công an chiến thắng trong bộ chính trị của CSVN nhưng chúng ta cũng thấy le lói ánh sáng cuối đường hầm ít nhất là tại phiên tòa này.
Một vòng nguyệt quế cho luật sư Huỳnh Văn Đông. Đừng sợ! Công lý và sự thật sẽ giải cứu chúng ta!
Đà Nẵng được coi là thành phố ”5 không” như là: không có người ăn xin, không có người vi phạm hình sự… nhưng năm 2011 này xứng danh là thành phố 6 không. Cái không thứ 6 là KHÔNG CÓ NHÂN QUYỀN. Quyền làm người bị chà đạp ngay trên quê hương mình. Đất đai mồ mã ông cha để lại tự nhiên bị cướp sạch. Tiền đền bù không đủ mua lại 1/10 diện tích đất ngay trong phần đất tổ tiên để lại trên mảnh đất mình đang sống. Chỉ phản ứng lại ôn hòa thì bị bắt vào tù, bị đánh đập, bị tra tấn, bị đem ra tòa làm nhục. Nhiều người bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để đi xin tỵ nạn xứ sở xa lạ.
Bằng chứng đâu?
Dạ thưa đây:
Ls Huỳnh Văn Đông: đây là bản án đã được định sẵn, còn vở diễn hôm nay là vở diễn tồi
Đây là vụ án Phúc thẩm, nhưng đã vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật khi cố tình ép các nạn nhân những tội mà họ không có, bỏ qua các chứng cứ có tính chất quyết định nội dung vụ án.
Hội đồng xét xử thể hiện sự lúng túng và dốt nát khi không thuộc hết các điều luật cơ bản, do đó đã không biết vận dụng hoặc không dám vận dụng các nguyên tắc cơ bản để đi tìm sự thật.
Bản án không thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Chúng tôi vẫn khẳng định các nạn nhân này vô tội.
Nói chung, đây là bản án đã được định sẵn, còn vở diễn hôm nay là vở diễn tồi.
( Trích từ Nữ Vương Công Lý)
Chính xác nên gọi đây là: PHIÊN TÒA DƯỚI THẮT LƯNG