“Với bên ngoài, thiên hạ sống thế nào mình phải thế, nhưng ở cơ quan mình cố tránh cho cấp dưới cái vạ Tết sếp”.
Câu chuyện của chúng tôi với TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT bị ngắt quãng vì những cuộc điện hẹn gặp và tiếng chuông của những người đến tặng quà Tết.
“Có những món quà, thấy là mừng...”
Mỗi dịp năm hết Tết đến thế này, anh có nhận được nhiều quà không? (Ít nhất ông là Viện trưởng một Viện cũng có tiếng...)?
Cậu ngồi đây một lúc sẽ thấy có người mang quà đến biếu. Mấy ngày này là thời gian của ngoại giao mà.
Thế anh có nhận không?
Nhận chứ. Chỉ là quà của các đơn vị đối tác, cộng tác với mình cả năm, thường là quyển lịch, chai rượu, có khi là tiền cộng tác viên. Gọi là quà cũng được mà trả công cũng được.
Rồi các cơ quan truyền thông. Cả năm họ hay “lôi” mình ra phỏng vấn, hỏi han, mình cũng hăng hái trả lời, ngày Tết nhớ đến mình, họ tặng quà để nhớ nhau mà tiếp tục cung cấp thông tin. Thường cũng là lịch, sách.
Rồi các tổ chức quốc tế có quan hệ với Viện và cá nhân mình. Thường chỉ là chai rượu vang, bức tranh.
Tôi làm cộng tác viên của nhiều đài, báo, tư vấn cho cơ quan nghiên cứu, Đảng, Quốc hội... Cuối năm, họ mời ăn một bữa, cho thêm quyển sách, phong bì. Đấy là sự ghi nhận công lao của mình và thể hiện tình cảm của người ta...
Những món quà như thế, tôi thấy có là mừng.
TS Đặng Kim Sơn
Tôi không có đối tác “xin - cho” nên...
Nếu có ai tặng quà vì mục đích nào đấy (nói ý là hôm nay tôi tặng ông quà, mai ông đáp lại cho tôi cái gì đấy, mà món quà quá giá trị), anh có nhận không?
Đối tượng tặng quà đó thường là đối tác muốn tận dụng mình. Tôi không có đối tác kiểu đó nên cũng không có quà loại đó. (Tôi không giữ vị trí cấp vốn, cấp dự án, cho quote, xác định chất lượng, cấp phép...)
Cố tránh cho mình và cho anh em trong đơn vị phải làm những việc mà những người thích xin cho thường giành lấy như quản lý xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị, chia chác đất đai.
Nhưng “xin - cho” đã là cơ chế? Có người muốn tránh cũng không được?
Trong chừng mực có thể được, tốt nhất là tự mình tránh khỏi những việc làm tạo ra quan hệ, ra những đối tác xin-cho. Nên tránh cơ hội có thể "cho”.
Ngay ở cấp Bộ, trước đây, thường thường các Cục, Vụ, các cơ quan sự nghiệp có trách nhiệm chia ngân sách, chia dự án cho các đơn vị địa phương. Bây giờ xu hướng cải cách hành chính chung là số tiền ấy giao hẳn về địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ cấp kế hoạch, làm chính sách, không cấp tiền. Chưa phải hết hẳn nhưng sẽ từng bước giảm dần xin-cho.
Nếu mọi lĩnh vực liên quan tới nguồn tiền từ ngân sách Nhà nước đều làm được như thế thì sẽ bớt chuyện “xin - cho”, mất tận gốc chuyện tham nhũng. Muốn giải quyết căn bản thì phải trả lương xứng đáng cho những chuyên viên “lo” chính sách để họ sống được khi mất “lộc”. Với mức lương bây giờ công chức khó mà sống đàng hoàng bằng lương.
Như vậy là anh tránh hết các cơ hội về quyền “cho” của cơ quan mình. Biết đâu , đôi khi chính cấp dưới cũng “thù” anh đấy chứ. Họ nghĩ vì làm cho TS Sơn mà nghèo chẳng hạn?
Tất nhiên chuyện đó không thành vấn đề ở một cơ quan nghiên cứu. Nhưng nhìn rộng ra, người ta nói “Nước trong quá thì không có cá”, còn ngày nay mình nói “Sông suối không có cá thì mất cân bằng sinh thái....”; mà thế thì không vững bền.
Vì thế mà cần phải đưa ra một cân bằng mới, những động lực mới, chuyển từ việc gây khó dễ để ban phát (càng rối rắm càng nhiều lộc) sang thực sự làm tốt dịch vụ công (càng làm tốt, thu nhập càng cao) – đấy là một cơ chế quản lý hoàn toàn mới.
“Bổng”, “boa” và hối lộ? Ranh giới mong manh!
Chẳng lẽ, Viện anh cũng không đáp lễ những nơi cầm quyền việc “cho” hoặc đối tác?
Một mặt phải kiên quyết “nói không với tham nhũng”, kiểu như ăn phần trăm của công việc, của dự án là phải tránh cho xa. Nhưng cán bộ Nhà nước với đồng lương như hiện nay mà giá cả lên vùn vụt, không có cái phong bì khi họp hành, ngồi hội đồng…, họ làm sao sống được mà giữ mình trong sạch để lo làm chính sách cho dân?
Có lẽ với nhiều cán bộ, cái phong bì mỏng ngày lễ cũng là thu nhập quan trọng cho cân đối ngân sách gia đình. Trong lịch sử Việt Nam, từ xa xưa, quan chức cũng coi các khoản “bổng” là thu nhập thông thường bù vào khoản lương đạm bạc của triều đình. Cả vua, cả quan, cả dân đều ngầm hiểu với nhau như vậy.
Tất nhiên điều này thật khó chấp nhận với một nhà nước pháp quyền. Ranh giới giữa ‘bổng’, tiền ‘boa’ với hối lộ là rất mong manh. Chỉ cần cho ‘nhiều hơn mức bình thường’, chỉ cần nhận từ những đối tượng “đang có vấn đề” (muốn xin lợi lộc, muốn chạy tội) là nhúng tay vào chàm rồi.
Nếu mình là người cho cũng phải giữ gìn cho mình và cho đồng nghiệp, vừa không trái luật, vừa không trái lệ.
Tôi cố tránh cho anh em cái “vạ” phải đi Tết sếp!
Tính ra, anh cũng ở trong cơ quan Nhà nước mấy chục năm rồi. Khi còn “thấp cổ, bé họng”, khi chưa thành danh, có phải đi Tết sếp không?
Có chứ! Hồi xưa tôi cũng khổ vì Tết đến không biết biếu sếp cái gì. Mình không Tết thì cũng sợ người ta không ưa. Tết ít thì sợ không phải phép, Tết nhiều, mình không có mà phá lệ anh em cán bộ khác cũng chết. Nói chung là nhức đầu, nên từ khi làm lính đã thề sau này may có ngóc lên thì xin nhớ đừng làm khổ cấp dưới.
Giờ thì Viện trưởng Đặng Kim Sơn có quan tâm ai Tết mình thế nào để cất nhắc không?
Tôi cho rằng đó là việc tệ hại. Chúng tôi tuyệt đối cấm anh em tặng quà và đến nhà cấp trên trong Viện trong các dịp lễ tết. Chỉ có thủ trưởng đến nhà nhân viên và đi tập thể, còn nhân viên không được đến nhà thủ trưởng. Nếu Tết, 1/5, 2/9 đến, đi nước ngoài về... đều đến chỗ này, chỗ nọ thì khổ cả mọi người.
Đến, rồi nhận, rồi cư xử khác, dù tốt hơn hay xấu hơn đều khó làm việc.
Mẹ tôi sẽ mắng tối nếu thấy ai mang quà đến nhà tôi. Với lại, tôi ở trong làng, hàng xóm nhìn thấy người đến tay xách nách mang chỉ trỏ, tôi xấu hổ lắm.
Đối với bên ngoài, thiên hạ sống thế nào mình phải sống thế, nhưng ở cơ quan mình thì làm sao cố tránh cho mọi người cái vạ ấy.
Tôi đi Tết những người giúp tôi nên người
Cấp trên thì sao? Anh có đi Tết người ta không?
Tôi không quen biết nhiều. Những cấp trên mà tôi biết như anh Cao Đức Phát, anh Bùi Bá Bổng… cũng cư xử rất đẹp với trên, với dưới, đúng là những người tử tế.
Anh thường xuyên đi tết những ai?
Năm nào, tôi cũng đi chúc Tết Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn – ông là thầy dạy, là ân nhân của tôi, và Bộ trưởng Cao Đức Phát – không phải với tư cách cấp trên mà là bạn của gia đình và là người giúp tôi cơ hội học hành nên người.
Tôi còn đi thăm những người bạn của bố mẹ tôi, tất nhiên trước hết vẫn là họ hàng, quê hương, bạn bè. Tôi cũng dành một buổi cùng anh em quản lý Viện đến thăm cán bộ ở khu tập thể cơ quan. Mọi người ở đấy nhà cửa khốn khổ đã rất nhiều năm mà vướng mắc mãi chưa giải xong...
Bố tôi không bao giờ chúc Tết lãnh đạo
Hình như bố anh cũng từng là một thứ trưởng? Khi đương chức, ông ấy ứng xử thế nào về Tết, quà Tết?
Ông rất coi trọng cái Tết. Tết bao giờ cũng có đào, quất. Bố tôi chơi với nhiều tri thức, nên hay hỏi xin chữ, làm thơ, viết câu đối. Với những cơ sở Cách mạng ở Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Đông đã từng cưu mang, nhất là nhà có người đã mất trong cải cách ruộng đất, mẹ góa con côi, nhất định ông mang quà Tết đến.
Bố anh có đi tết lãnh đạo không?
Tôi không thấy ông đi chúc Tết lãnh đạo trong những ngày nghỉ Tết. Kể cả những người mà ông rất trọng. Bố tôi thường ở nhà ăn Tết với những vị khách đặc biệt của ông.
Là những ai vậy?
Bố tôi là người thú vị. Cận Tết, ông thường vào bệnh viện 108 (Bệnh viện quân đội) mời mấy bệnh nhân không có gia đình về nhà mình ăn Tết. Hoặc các chuyên gia nước ngoài không có gia đình ở Việt Nam. Năm nào, nhà tôi cũng có mấy cô, chú thương binh miền Nam, bộ đội miền Nam, chuyên gia các nước ăn Tết ở nhà. Vì thế, Tết nhà tôi như nhà khách.
Lương Bích Ngọc - Nguyễn Yến (thực hiện)
http://bee.net.vn/channel/1988/201101/TS-dang-Kim-Son-Lam-sao-de-tranh-va-Tet-sep-1787403/