“Nếu quà Tết lớn như bây giờ thì tôi đã giàu to” - Dân Làm Báo

“Nếu quà Tết lớn như bây giờ thì tôi đã giàu to”


Nguyễn Yến - Từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có quyền bổ nhiệm những chức vụ cao nhất trong hệ thống ngân hàng, nhưng quà Tết mà ông Cao Sỹ Kiêm từng nhận được chỉ là… bao thuốc lá, gói chè, can nước mắm hay sang hơn là... bánh xà phòng.

Gói chè, bao thuốc đều là quà

Khi còn đương chức là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, ông phải quản lý bao nhiêu nhân viên?

Ngân hàng khác với các ngành khác là Thống đốc quản lý toàn ngành, từ TƯ đến địa phương. Ở TƯ tôi phụ trách trực tiếp nhóm thư ký gồm hơn 10 người, một bộ phận làm công tác tham mưu như: các vụ chính sách tiền tệ, quan hệ quốc tế, quản lý ngoại hối, một bộ phận nghiệp vụ ngân hàng: quản lý quỹ, kho tàng, nghiệp vụ kinh doanh… Mỗi khối này có 5 – 6 vụ, vụ đông có thể lên đến 100 người, vụ ít cũng khoảng 40 – 50 người.

Đối với các Ngân hàng thương mại, thời tôi làm Thống đốc có thể ký quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, các ủy viên Hội đồng quản trị và ban kiểm soát. Nói chung từ cấp vụ trưởng đến Chủ tịch Hội đồng quản trị tôi đều làm hết, chỉ riêng Phó Thống đốc, tôi làm đề nghị, còn cấp trên sẽ quyết định.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: IE

Vậy vào dịp Tết, nhà ông chắc rất đông khách?

Hồi tôi làm Thống đốc, đất nước mới bước vào kinh tế thị trường, nên trước và sau Tết, anh em thường tổ chức họp mặt cuối năm. Còn vào ngày Tết thì chỉ những người lân cận, có quan hệ trực tiếp đến chơi, đến thăm, ví dụ như các vụ ngân hàng ở trung ương, ban lãnh đạo, Đảng ủy, công đoàn, thanh niên. Còn cán bộ địa phương thì do phương tiện đi lại khó khăn nên ít bay ra Hà Nội lắm.

Ít nhưng không phải là không có, thưa ông?

Thực ra là không có, vì thời đó chưa có phong tục đi Tết như bây giờ. Anh em ở xa quý mình, cùng lắm cũng chỉ gửi cho cành mai, cành đào hoặc giỏ phong lan.

Quà Tết thời đó có vẻ rất đơn giản?

Đúng vậy, rất đơn giản. Gói chè, bao thuốc, cân cà phê, đôi chiếu, can nước mắm đều là quà.

Ông đã bao giờ từ chối nhận món quà nào chưa?

Quà vậy cũng chả nỡ từ chối, hơn nữa họ cũng không có ý đồ gì.

Vợ tôi phải gọi điện hỏi mới dám nhận quà

Ông có "quy định" gì về tiếp khách không?

Anh nào thích thì đến thôi, chứ không quan cách như bây giờ.

Có ai tặng quà qua vợ ông không?

Cũng có. Nhưng vợ tôi thường phải gọi điện hỏi tôi, chứ không bao giờ bà ấy tiếp. Có lần, một đồng chí ở cơ quan mang điều hòa đến lắp, nói “Anh là thủ trưởng nên được ưu tiên”, nhưng nếu không có chế độ thì tôi nhất định không nhận. Thế là anh đó phải mang về. Hoặc có lần đi công tác, tôi mang theo bà xã, anh em bỏ tiền ra mua vé, tôi cũng nhất quyết phải thanh toán lại. Phải rõ ràng thì làm ăn mới dễ và hình ảnh của mình trong mắt anh em nó khác.

Ký quyết định nhưng còn không biết mặt nhân viên

Đã có trường hợp nào muốn được bổ nhiệm chức vụ cao hơn đã đến tặng quà Tết ông chưa?

Cũng có. Họ có đến trước thăm dò, nhưng cơ chế làm việc hồi đó khác, nếu tôi đồng ý nhưng ở dưới không đồng tình thì cũng không được. Đề bạt phải qua cấp dưới bầu bán, giới thiệu qua ban tham mưu, rồi đưa ra ban cán sự. Tôi chỉ là người ký cuối cùng, chứ không phải qua tôi ký là xong luôn. Còn nếu ở dưới mà đã đồng tình thống nhất, tôi cũng không thể không ký. Nên cũng có trường hợp là để “lọt lưới” đấy.

Thế trường hợp đó mang quà đến, ông có nhận không?

Tôi không biết nên coi là bình thường. Với lại quà hồi đó đơn giản ấy mà, mấy cân chè, cân cà phê…Chứ không như bây giờ là phong bì tiền, mà toàn là đô la. Kinh khủng lắm! Tôi nghe mà xót ruột cho dân. Hồi đó, nếu quà cũng tính bằng đô như bây giờ thì tôi giàu to vì từ việc đề bạt, nâng lương cho đến ký quyết định đi nước ngoài đều phải qua tôi hết. Nhưng lúc đó, con người sống hay lắm, Tết có người đến nhà chơi là vui lắm rồi, nhận quà cũng rất dễ chịu. Nó mang biếu mình gói chè thì mình cho lại bao thuốc lá. Còn anh em đi nước ngoài về thì “sang” hơn, có người tặng bánh xà phòng, cái bàn là, máy ảnh...

Mỗi năm ông ký quyết định bổ nhiệm bao nhiêu cán bộ?

Khoảng mấy chục người. Nhưng nhiều người tôi không biết mặt, cấp dưới trình lên là ký. Có những anh mới hôm trước mình ký, hôm sau gặp lại hỏi "Anh ở đâu?", họ nói mình mới nhớ ra là hôm qua vừa ký.

Không nhận quà, chưa chắc đã liêm khiết

Hiện nay, ông nghĩ sao khi có một số quan chức không nhận quà dịp Tết?

Làm thế là rất đúng. Không nên biến quà tặng thành một công cụ làm biến chất đạo đức con người. Con người ai cũng có lòng tham, có nhu cầu vật chất, những người không có tư cách sẽ rất dễ biến đó thành mục tiêu phấn đấu. Khi anh có chức có quyền, người ta còn nể, còn sợ nên chưa tố giác. Nhưng khi đã ra khỏi vị trí thì hoặc sẽ bị kiện, hoặc sẽ để lại tai tiếng cho bộ máy và danh dự của chính anh.

Phải chăng đó là những người lãnh đạo liêm khiết?

Cũng có thể. Nhưng không trừ khả năng quà tặng bị biến tướng thành cổ phiếu, trái phiếu, đất đai, xe cộ, nhà cửa. Những món quà “ngầm” này mới là quà lớn và thủ đoạn tặng quà hết sức tinh vi. Tôi biếu anh một căn nhà, nhưng đứng tên người khác, sau đó bán đi, đưa tiền cho anh. Vì vậy, trong sổ sách tên anh là hoàn toàn sạch bong.Chính vì những món quà “ngầm” này nên rất khó phát hiện các sai phạm, chỉ đến khi nào nó thành “ung nhọt” bục ra thì mới biết được.

Về hưu rồi, quà tặng cũng ít đi

Món quà được tặng nào ông nhớ nhất?

Là các đồ lưu niệm, như các đồng tiền xu, mỗi cái thể hiện một thời kỳ. Nó là kỷ niệm cả cuộc đời hoạt động của mình.

Còn món quà lớn nhất ông nhận?

Là một vài nghìn đô của anh em đi nước ngoài họ biếu.

Bây giờ khi đã nghỉ hưu, ông còn được nhận nhiều quà nữa không?

Ít hơn nhiều. Trước thì mình có quyền hành, giờ chẳng còn gì liên quan đến họ, ai quý mình thì đến chơi cho tí quà. Tình cảm thì không có lợi nhuận, nên cũng không có quà lớn.

Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện thẳng thắn và thú vị này!

Nguyễn Yến (thực hiện)

http://bee.net.vn/channel/1988/201101/Neu-qua-lon-nhu-bay-gio-thi-toi-da-giau-to-1786895/



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo