Người TQ xấu xí - Dân Làm Báo

Người TQ xấu xí

Vũ Thi Phương Anh - Tôi đang đọc cuốn Người TQ xấu xí, một cuốn sách mà tôi đã nghe về nó từ khá lâu rồi nhưng nay mới có dịp đọc.  Đọc, và thấm thía với câu nói của ai đó: Chỉ cần đổi tựa cuốn sách thành "Người VN xấu xí" thì nó vẫn đúng như thường. Vì quả thật, nó ... giống ta quá! Hóa ra là người VN giống người TQ đến thế hay sao, ý tôi muốn nói là giống ở những chỗ xấu xí ấy.

Những đoạn trích từ cuốn "Người TQ xấu xí" (1): Ba câu nói

Dưới đây là một đoạn trích từ bài viết "Ba câu nói", trong đó tác giả Bá Dương so sánh cái văn hóa của Mỹ với 3 câu nói cửa miệng là "xin lỗi", "cám ơn", và "tôi có thể giúp gì được?" với cái văn hóa nhất định không bao giờ xin lỗi, cám ơn hoặc đề nghị giúp đỡ người khác của TQ.

Trong đoạn trích ở đây có chỗ nói về những phản ứng thông thường của người TQ khi đi ra đường mà lỡ va chạm phải nhau. Quả thật, sao mà nó giống ở VN thế cơ chứ?

Trước khi các bạn đọc, tôi muốn đặt câu hỏi, và mong có người trả lời giúp: Phải chăng sự gia tăng bạo lực học đường chỉ là sự nối dài của những hành xử thường xuyên ở ngoài đường vào trong nhà trường mà thôi? Nói cách khác, thay vì nhà trường là nơi dạy trẻ em những điều hay lẽ phải (nếu nó có hiệu quả thực sự), thì bây giờ chúng đã hoàn toàn bất lực trước sự xâm chiếm của các điều xấu từ xã hội nhiễm vào? Có nghĩa là chúng ta không còn một thành trì nào nữa của đạo đức - vì tôn giáo, nền tảng của đạo đức cá nhân thì biết bao năm nay đã bị đánh tan tác (vì sự ủng hộ và cổ vũ cho chủ nghĩa vô thần), và học đường thì chỉ biết làm theo chỉ đạo của bên trên, những chỉ đạo chỉ quan tâm nhiều đến chính trị và kế đến là chuyên môn, nhưng hoàn toàn quên đi phần đạo đức cá nhân (khái niệm đạo đức đã bị thay bằng khái niệm hồng, mà hồng = hăng hái tham gia các phong trào do các tổ chức chính trị chính thống - Đảng, Đoàn - chỉ đạo??????)

Mọi người đọc bên dưới nhé.
----------------

BA CÂU NÓI

Cái lúng túng lớn nhất của người Trung Quốc khi mới đến Mỹ là gặp quá nhiều loại lễ nghi phức tạp của người Mỹ. Ngoài đường nhỡ vô tình chạm vai vào một người khác, dù chạm thật nhẹ cơ hồ như không chắc có chạm không, là người kia đều nói: "Xin lỗi!" Nếu như đụng thật, da thịt đôi bên đều cảm thấy, thì cái câu xin lỗi ấy sẽ rất là ai oán. Còn nếu đụng mạnh vào nhau một cái rầm thì cái câu xin lỗi này sẽ trở thành liên hồi, liên thanh khó mà chống đỡ được.

Tại Trung Quốc nếu hai người đụng nhau trên đường thì lại hoàn toàn khác. Phản ứng của đôi bên sẽ nhanh như chớp, mắt long lên, trợn trừng nhìn nhau như sắp biểu diễn một màn nhẩy cao. Câu đầu tiên dùng để nói với nhau sẽ là kiểu: "Mắt mù à?" Đối thủ cũng lập tức nhảy cỡn lên phản công: "Ái dà! Ai mà cố ý! Đi đụng vào người ta mà lại còn không biết điều! " Người kia lại gân cổ to tiếng hơn: "Đụng vào người ta mà lại còn già mồm, không biết được giáo dục kiểu gì?" Đối thủ mồm cũng không kém: "Đụng vào thì đã chết chưa? Chắc muốn người ta quỳ xuống lậy mình chắc? Bảo người ta đụng mình à? Thế mình lại không đụng vào người khác đấy? Chính mình đi đụng vào người ta mà lại còn muốn đổ vấy cho người!". Sự tình đến đây, người có vẻ yếu thế hơn sẽ bỏ đi, mồm lẩm bẩm chửi rủa, trong khi đó cái người có vẻ cứng mạnh hơn dơ chân múa tay, giọng điệu đe dọa khiến cho cả đám đông kéo nhau đến như thể sắp xem một đám đánh lộn.

Nếu độc giả chú ý, từ lúc đụng nhau cho đến lúc rã đám, chúng ta không hề nghe được một câu "xin lỗi". Cái môn "đến chết cũng không nhận lỗi" rất tinh thông này của người Trung Quốc biểu hiện khá đầy đủ trong cái chuyện va vào nhau trên đường. Người Trung Quốc đã mất khả năng nói "xin lỗi". Họ đều giống như những hỏa tiễn phun lửa, chỉ có cái dũng khí dựa trên sức lực để hơn thua với nhau mà thôi.

Một trong những đặc trưng của văn minh Tây phương là thừa nhận và tôn trọng sự tồn tại của người khác, cho nên họ luôn luôn để ý, cẩn thận trong việc biểu lộ sự tôn trọng đó. Người ta dẫm lên chân mình, cố nhiên "Xin lỗi!". Thực ra chưa dẫm mà chỉ suýt dẫm lên thôi, cũng "Xin lỗi!". Ho một tiếng, cố nhiên là "Xin lỗi!". Hắt xì hơi một tiếng nhỏ cũng "Xin lỗi!".

Đang lúc nói chuyện mà cần đi tiểu tiện, cố nhiên "Xin lỗi!". Đang ngồi ăn mà nhà bếp bị cháy phải đi dập lửa, cũng "Xin lỗi!" Du khách vẫn thường thấy cảnh khi anh đang loay hoay chụp ảnh, có người vô ý đi vào giữa, cũng vội vàng "Xin lỗi!". Hầu như tất cả những người Tây phương khi họ thấy anh dơ máy ảnh lên đều dừng bước lại ngay, đứng cười, và chờ anh chụp ảnh xong mới tiếp tục đi. Nếu người chụp ảnh là đồng bào Trung Quốc, họ sẽ chẳng có phản ứng gì khi anh tránh chỗ cho họ chụp. Nhưng nếu người chụp ảnh là người Tây phương mà anh làm như vậy thì họ nếu không nói "xin lỗi" thì cũng "cảm ơn ông nhiều".

"Cảm ơn" và "Xin lỗi" đối với tôi rất đáng sợ. Cả hai thứ cùng ghê gớm như nhau. Ở trên thế giới này không hiểu sao người ta lại có thể lãng phí nước bọt cho hai cái câu này nhiều đến như thế. Tôi vốn là người tinh thông thập bát ban võ nghệ, tưởng có thể tránh thoát được sự bao vây của hai cái câu này khi đến Mỹ, nhưng không ngờ lại khó đến thế. Tôi càng cố tránh thì họ lại càng nói "cảm ơn ông".

Anh chờ cho họ chụp ảnh xong mới đi qua, họ cố nhiên "cảm ơn anh”. Lúc đi mua đồ, đưa tay lấy hàng họ cũng nói "cảm ơn" với người bán hàng. Tại Trung Quốc, một khách hàng chẳng bao giờ nói cảm ơn đã đành, nhưng nếu người bán hàng mà nói cảm ơn chắc cái trần nhà thể nào cũng phải sập vì cảm động.

Đến ngân hàng Mỹ rút tiền, các bà ngồi két đưa tiền cho anh cũng cảm ơn. (Anh cứ thử cái việc này ở các ngân hàng của chúng ta xem, chắc chắn anh sẽ lập tức tương tư Tây phương ngay). Nếu anh vượt quá tốc độ hoặc rẽ ở chỗ cấm rẽ, cảnh sát đưa giấy phạt cho anh lại cũng nói cảm ơn. Một người bạn tôi, ông Chu Quang Khải, chở tôi đi đỗ xe; đến cổng một bãi đậu xe phải trả tiền, lúc cầm vé ông cũng lại "cảm ơn". Tôi thắc mắc: "Này, sao anh đã trả tiền đàng hoàng chứ ông ta có để cho anh đậu không mất tiền đâu mà lại còn phải cảm ơn?" Anh ta nghĩ một lúc lâu rồi cũng không hiểu lý do tại sao. Nhưng đến lần thứ hai anh lại cũng vẫn "cảm ơn ông" làm tôi tức muốn chết.

Nhưng cái "cảm ơn ông" sâu đậm nhất đối với một người già đầu như tôi vẫn là trường hợp của cái cửa tự động. Lúc đi qua cái thứ cửa có lò xo tự động này tôi thường cứ buông tay cho nó tự đóng lại. Sau khi đến Mỹ, đương nhiên vẫn cứ làm như vậy. Bạn bè nhiều lần khuyên can: "Ở đây là cái nước man rợ, anh đừng đem thứ văn hóa truyền thống 5.000 năm qua đây nhé. Khi nào đi qua cửa anh nhớ nhìn xem đằng sau có ai không trước khi từ từ buông cửa ra".

Buồn cười thật, tôi qua Mỹ để du lịch chứ có phải để làm thằng gác cửa cho người khác đâu. Tôi đã từng đi qua nhiều cửa tự động hơn anh ta tưởng, cần gì để cho anh ta phải dậy tôi như vậy. Nhưng rồi tới một ngày, tôi đã hiểu cái chuyện anh muốn nói đó.

Lần ấy, sau khi đi qua cửa tôi đã buông cái cánh cửa có lò xo mạnh ấy cho nó tung ra như tôi vẫn thường làm. Sau lưng tôi bỗng có một tiếng kêu lớn của một ông già da trắng. Bạn tôi và tôi bấn cả người lên cơ hồ muốn quỳ xuống mà xin tha lỗi (Thực ra tôi muốn tìm đường rút lui một cách êm thắm, nhưng những người nghe tiếng kêu vội đến cứu ông già nhiều quá làm tôi không chuồn được).

Cũng thật may là cánh cửa đập không làm chấn thương gì đầu óc ông cụ cả. Ông cụ nhìn mặt mũi và cách ăn mặc của chúng tôi, chắc đoán rằng đây là những nhân vật quan trọng của cái bộ lạc ăn thịt người ở Tân Ghi-nê, nên cũng chẳng thèm lý đến nữa.

Sau chuyện này người bạn mới bảo tôi: "Dù anh có chưa bao giờ anh ăn thịt lợn thì cũng phải xem qua cách lợn chạy, cứ bắt chước người Tây phương mà làm, đó là con đường yêu nước chân chính đấy!"

Trời ơi! thì ra người Tây phương mỗi khi đi qua cửa đều dừng chân giữ cửa, chờ cho những khách đi sau nối đuôi nhau đi vào trước mình. Hoặc ít nhất thì cũng quay lại giữ cửa cho đến khi người đi sau tiếp được cửa rồi, mới từ từ bỏ tay ra.

Đúng là đi một đàng học một sàng khôn. Bây giờ cái việc giữ cửa này tôi đã thuộc như cháo. Và từ đấy trở đi tôi liên tục nghe được từ cửa miệng những ông già, bà già Mỹ cái câu "cảm ơn ông" sướng cả lỗ tai.

Lúc quay lại Đài Loan tôi vẫn quen thói "tôn sùng" Tây phương này. Nhưng chỉ được ba hôm thì lại vẫn chứng nào tật nấy. Mà cái đó không phải vì ý chí của tôi yếu đuối, nhưng vì mỗi lần dừng lại cung kính giữ cửa, thì cái ông bạn da vàng ở đằng sau nhìn tôi như thể mồm anh ta đang ngậm cứt khô, không thể nào nghe được một thanh âm gì giống như tiếng "cảm ơn" từ nó cả. Tôi bèn cứ thả cho cửa nó tung ra như thói quen cũ, mặc kệ mẹ cho nó đập vào mặt ai thì vào, có đập chết cũng được!

Tôi nghi rằng để có thể móc trong mồm một người Trung Quốc ra cái câu "cảm ơn ông" e rằng nếu không dùng đến cái cào cỏ năm răng của ông bạn Trư Bát Giới của chúng ta thì không thể được.

Thật ra cái câu "cảm ơn" và cái câu "xin lỗi" của người Mỹ cũng giống nhau. Chúng đã trở thành một bộ phận của đời sống dân chủ, từ đứa bé vừa học nói, mẹ nó chùi đít cho nó, nó cũng biết nói cảm ơn. Cái đó làm cho nó hơi có khuynh hướng "lạm phát".
------
Bài viết này vẫn còn dài dài, nhưng tôi chỉ trích có chừng ấy thôi. Để đọc từ từ cho thấm, các bạn ạ.

Còn câu hỏi của tôi dành cho các bạn thì sao nhỉ? Tôi nghĩ, ngược lại với ta (và TQ), những điều hay, lẽ phải mà thông thường ta nghĩ chỉ có trong sách vở và nhà trường thì nó đã ngấm vào máu, trở thành văn hoá của phương Tây rồi. Còn ta thì ngược lại, những cái thô lỗ, tục tằn, dữ tợn vv đã ngấm từ đường phố, chợ búa, chốn công cộng vào tận nhà trường, xóa đi cái ranh giới cuối cùng của cái gọi là người có học và người vô học. Ừ, thì bình đẳng mà, dân chủ mà!

Buồn quá đi mất!

http://bloganhvu.blogspot.com/2011/02/nhung-oan-trich-tu-cuon-sach-nguoi-tq.html

*

Người TQ xấu xí (2): "Kẻ thù của người TQ chính là người TQ!"

Xin tiếp tục giới thiệu với các bạn một đoạn khác trong tác phẩm Người TQ xấu xí của Bá Dương, bản dịch là của Nguyễn Hồi Thủ.

Đoạn trích hôm nay nói về một số đặc điểm (xấu xí) của người TQ mà theo tác giả nó là do văn hóa để lại. Từ văn hóa này làm cho tôi nhớ lại: hôm trước có những người phản bác tôi rất nặng nề vì tôi có nhắc đến "văn hóa đạo văn". Các bạn ấy cho rằng nói "văn hóa đạo văn" là sai, thậm chí xúc phạm dân tộc. Vì văn hóa phải là những gì cao quý, đẹp đẽ, chứ làm sao lại có cái gọi là văn hóa đạo văn, và VN thì không thể nào có văn hóa đạo văn được, "người Việt cao quý" cơ mà! ("minh châu trời đông", "nước thiêng tiên rồng" gì gì đấy, mà lại!)

Thôi thì ai muốn hiểu sao thì hiểu, nhưng hôm nay đọc Bá Dương thì tôi thấy như thế này: Quả thật tác giả rất dũng cảm, và cũng có lẽ vì người TQ đã dám nhìn nhận và viết ra cho mọi người cùng soi về sự xấu xí của họ từ trước đầu thiên niên kỷ này, nên ngày nay họ mới phát triển như thế chăng? Ai biết đâu được nhỉ?
-------------
Tôi nghĩ người Trung Quốc chúng ta có phẩm chất cao quý. Nhưng tại sao cả trăm năm rồi, cái phẩm chất ấy thủy chung vẫn không làm cho người Trung Quốc thoát khỏi khổ nạn? Nguyên do vì sao? Tôi muốn mạo muội đề xuất một câu trả lời có tính cách tổng hợp: Đó là vì văn hóa truyền thống Trung Quốc có một loại siêu vi trùng, truyền nhiễm, làm cho con cháu chúng ta từ đời này sang đời nọ không khỏi được bệnh.

Có người sẽ bảo: "Tự mình không xứng đáng, lại đi trách tổ tiên!". Xét cho kỹ câu nói này có một sơ hở lớn. Trong vở kịch nổi tiếng "Quần ma" (Những con ma) của Ibsen (íp-sen) có kể chuyện hai vợ chồng mắc bệnh giang mai sinh ra một đứa con cũng bị bệnh di truyền. Mỗi lần phát bệnh nó lại phải uống thuốc. Có lần tức quá nó kêu lên: "Con không uống thuốc này đâu! Con thà chết đi thôi! Bố mẹ đã cho con cái thân thể như thế này à!?" Trường hợp này thì nên trách đứa bé hay trách bố mẹ nó? Chúng ta không phải trách bố mẹ, cũng không phải trách tổ tiên chúng ta, nhưng nhất quyết phải trách cái thứ văn hóa họ đã truyền lại cho chúng ta. Một nước rộng ngần đó, một dân tộc lớn ngần đó, chiếm đến một phần tư dân số toàn cầu, lại là một vùng cát chảy của sự đói nghèo, ngu muội, đấu tố, tắm máu mà không tự thoát được.

Tôi nhìn cách cư xử giữa con người với nhau ở những nước khác mà lại càng thèm. Cái văn hóa truyền thống kiểu nào để sinh ra hiện tượng này? Nó đã khiến cho người Trung Quốc chúng ta mang sẵn trong mình nhiều đặc tính rất đáng sợ!

Một trong những đặc tính rõ nhất là dơ bẩn, hỗn loạn, ồn ào. Đài Loan đã từng có một dạo phải chống bẩn và chống hỗn loạn, nhưng chỉ được mấy ngày. Cái bếp của chúng ta vừa bẩn vừa lộn xộn. Nhà cửa chúng ta cũng vậy. Có nhiều nơi hễ người Trung Quốc đến ở là những người khác phải dọn đi. Tôi có một cô bạn trẻ tốt nghiệp đại học chính trị. Cô này lấy một người Pháp rồi sang Pa-ri sinh sống. Rất nhiều bạn bè đi du lịch Âu châu đều ghé nhà cô trú chân. Cô ta bảo với tôi: "Trong tòa nhà tôi ở, người Pháp đều dọn đi cả, bây giờ toàn người Á đông nhảy vào!" (Người Á đông có khi chỉ người châu Á nói chung, có khi lại chỉ người Trung Quốc). Tôi nghe nói vậy rất buồn, nhưng khi đi xem xét tận mắt mới thấy là chỗ nào cũng đầy giấy kem, vỏ hộp, giầy dép bừa bãi, trẻ con chạy lung tung, vẽ bậy lên tường, không khí trong khu bốc lên một mùi ẩm mốc. Tôi hỏi: "Các người không thể tổ chức quét dọn được hay sao?" Cô ta đáp: "Làm sao nổi!"

Không những người nước ngoài thấy chúng ta là bẩn, loạn, mà qua những điều họ nhắc nhở chúng ta cũng tự thấy mình là bẩn, loạn.

Còn như nói đến ồn ào, cái mồm người Trung Quốc thì to không ai bì kịp, và trong lĩnh vực này người Quảng Đông phải chiếm giải quán quân. Ở bên Mỹ có một câu chuyện tiếu lâm như sau: Có hai người Quảng Đông lặng lẽ nói chuyện với nhau, người Mỹ lại tưởng họ đánh nhau, bèn gọi điện báo cảnh sát. Khi cảnh sát tới, hỏi họ đang làm gì, họ bảo: " Chúng tôi đang thì thầm với nhau".

Tại sao tiếng nói người Trung Quốc lại to? Bởi tâm không yên ổn. Cứ tưởng lên cao giọng, to tiếng là lý lẽ mình mạnh. Cho nên lúc nào cũng chỉ cốt nói to, lên giọng, mong lý lẽ đến với mình. Nếu không, tại sao họ cứ phải gân cổ lên như thế?

Tôi nghĩ những điểm này cũng đủ để làm cho hình ảnh của người Trung Quốc bị tàn phá và làm cho nội tâm mình không yên ổn. Vì ồn ào, dơ bẩn, hỗn loạn dĩ nhiên có thể ảnh hưởng tới nội tâm, cũng như sáng sủa, sạch sẽ với lộn xộn, dơ bẩn là hai thế giới hoàn toàn khác xa nhau.

Còn về việc xâu xé nhau thì mọi người đều cho đó là một đặc tính nổi bật của người Trung Quốc. Một người Nhật đơn độc trông chẳng khác nào một con lợn, nhưng ba người Nhật hợp lại lại thành một con rồng. Tinh thần đoàn kết của người Nhật làm cho họ trở thành vô địch. Bởi vậy trong lĩnh vực quân sự cũng như thương mại người Trung Quốc không thể nào qua mặt được người Nhật. Ngay tại Đài Loan, ba người Nhật cùng buôn bán thì lần này phiên anh, lần sau đến lượt tôi. Người Trung Quốc mà buôn bán thì tính cách xấu xa tức thì lộ ra bên ngoài theo kiểu: Nếu anh bán 50 tôi sẽ bán 40. Anh bán 30 tôi chỉ bán 20.

Cho nên, có thể nói, mỗi người Trung Quốc đều là một con rồng, nói năng vanh vách, cứ như là ở bên trên thì chỉ cần thổi một cái là tắt được mặt trời, ở dưới thì tài trị quốc bình thiên hạ có dư. Người Trung Quốc ở một vị trí đơn độc như trong phòng nghiên cứu, trong trường thi - nơi không cần quan hệ với người khác - thì lại có thể phát triển tốt. Nhưng nếu ba người Trung Quốc họp lại với nhau, ba con rồng này lại biến thành một con heo, một con giòi, hoặc thậm chí không bằng cả một con giòi nữa. Bởi vì người Trung Quốc có biệt tài đấu đá lẫn nhau.

Chỗ nào có người Trung Quốc là có đấu đá, người Trung Quốc vĩnh viễn không đoàn kết được, tựa hồ trên thân thể họ có những tế bào thiếu đoàn kết. Vì vậy khi người nước ngoài phê phán người Trung Quốc không biết đoàn kết thì tôi chỉ xin thưa: "Anh có biết người Trung Quốc vì sao không đoàn kết không? Vì Thượng đế muốn thế. Bởi vì nếu một tỷ người Hoa đoàn kết lại, vạn người một lòng, anh có chịu nổi không? Chính ra Thượng Đế thương các anh nên mới dạy cho người Hoa mất đoàn kết!" Tôi tuy nói thế nhưng rất đau lòng.

Người Trung Quốc không chỉ không đoàn kết, mà mỗi người lại còn có đầy đủ lý do để có thể viết một quyển sách nói tại sao họ lại không đoàn kết. Cái điều này thấy rõ nhất tại nước Mỹ với những hình mẫu ngay trước mắt. Bất cứ một xã hội người Hoa nào ít nhất cũng phải có 365 phe phái tìm cách tiêu diệt lẫn nhau.

Ở Trung Quốc có câu: "Một hòa thượng gánh nước uống, hai hòa thượng khiêng nước uống, ba hòa thượng không có nước uống". Người đông thì dùng để làm gì? Người Trung Quốc trong thâm tâm căn bản chưa biết được tầm quan trọng của sự hợp tác. Nhưng nếu anh bảo họ chưa biết, họ lại có thể viết ngay cho anh xem một quyển sách nói tại sao cần phải đoàn kết.

Lần trước (năm 1981) tôi sang Mỹ ở tại nhà một người bạn làm giáo sư đại học - anh này nói chuyện thì đâu ra đấy; thiên văn, địa lý; nào là làm sao để cứu nước... - Ngày hôm sau tôi bảo: "Tôi phải đi đến đằng anh A một tý!". Vừa nghe đến tên anh A kia, anh bạn tôi trừng mắt giận dữ. Tôi lại bảo: "Anh đưa tôi đi một lát nhé!". Anh ta bảo: "Tôi không đưa, anh tự đi cũng được rồi!".

Họ cùng dạy học tại Mỹ, lại cùng quê với nhau mà tại sao không thể cùng đội trời chung? Có thể nào nói như vậy là hợp lý được? Bởi vậy việc người Hoa cắn xé nhau là một đặc trưng nghiêm trọng.

Những người sống tại Mỹ đều thấy rõ điều này: đối xử với người Trung Quốc tệ hại nhất không phải là người nước ngoài, mà chính lại là người Trung Quốc với nhau. Bán rẻ người Trung Quốc, hăm dọa người Trung Quốc lại cũng không phải là người Mỹ mà là người Hoa.

Tại Ma-lai-xi-a có một chuyện thế này. Một ông bạn tôi làm nghề khai thác mỏ khoáng sản. Anh ta bỗng nhiên bị tố cáo một chuyện rất nghiêm trọng. Sau khi tìm hiểu mới biết rằng người tố cáo mình lại là một bạn thân của anh ta, một người cùng quê, cùng đến Ma-lai-xi-a tha phương cầu thực với nhau. Người bạn tôi chất vấn anh kia: "Tại sao anh lại đi làm cái việc đê tiện đó?". Người kia bảo: "Cùng đi xây dựng cơ đồ, bây giờ anh giàu có, tôi vẫn hai tay trắng. Tôi không tố cáo anh thì tố ai bây giờ?"

Cho nên kẻ thù của người Trung Quốc lại là người Trung Quốc.

http://bloganhvu.blogspot.com/2011/02/nguoi-tq-xau-xi-2-ke-thu-cua-nguoi-tq.html

*

Người TQ xấu xí (3): "Giữ mình là thượng sách!"

Lại một thói xấu khác của người VN, ấy quên, người TQ chứ! Nhưng ... sao Bá Dương viết về TQ mà giống viết về VN đến thế nhỉ?

Người TQ thì tôi không biết, nhưng "giữ mình là thượng sách" quả đúng là một đặc tính của người Việt Nam mình. Hoặc ít ra, những người Việt Nam mà tôi biết.

Vì tôi đã từng nhiều lần nghe thấy những lời khuyên đại khái là "Kệ, việc của người ta, quan tâm làm gì, chừng nào đụng đến mình hẵng hay!" khi tôi bày tỏ những bất bình về những việc làm sai trái của những người mà tôi tình cờ có thông tin.

Còn đây là quan điểm "giữ mình là thượng sách" của người TQ do Bá Dương mô tả, để cho chúng ta so sánh với đặc tính của người Việt. Các bạn đọc bên dưới nhé.
-----------
Khổng Tử có một đoạn văn nói cách tránh tai họa rất cao siêu như thế này: "Nước bị nguy thì không nên vào, nước bị loạn thì không nên ở. Lúc thiên hạ có đạo lý thì ta xuất đầu lộ diện, lúc không có thì ta ở ẩn. Nước có đạo lý mà nghèo hèn là nhục. Nước vô đạo mà phú quý cũng là nhục" (Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo, tắc kiến. Vô đạo, tắc ẩn. Bang hữu đạo, bần thả tiện, sỉ dã. Bang vô đạo, hàn thả quý yên, sỉ dã).

Những điều dạy bảo này của thánh nhân thật là thông minh, rành mạch: Con người sống phải theo chiều gió, như hòn bi trơn. Chờ cho người khác bình thiên hạ xong rồi thì ta nhảy ra kiếm một chức quan. Lúc dầu sôi lửa bỏng thì ta ở nhà đánh giày cho thật trơn, và gửi vợ con đến những nơi an toàn nhất.

Đại khái để làm một nhà Nho chính thống - có thể làm hội trưởng Hội Khổng Mạnh được - là kiểu như vậy. Nghĩa là tìm cái thế lợi nhất để thích ứng, để cho bản thân được an toàn, "tấm thân nghìn vàng không ngồi trong căn nhà sắp đổ" (Thiên kim chi tử, tọa bất thùy đường). Những phần tử trí thức cho rằng không bao giờ nên đến gần một nơi mà một viên ngói có thể rơi vào đầu.

Đối với những thối nát chính trị, những đau khổ của dân lành, mình chẳng dính vào làm gì cho mệt thân, có nhìn thấy cũng cứ tai ngơ mắt lấp cho xong. Vì nhìn thấy thường khó tránh khỏi tức giận, tức giận thường khó tránh khỏi nói toáng lên, nói toáng lên thường khó tránh khỏi bị tai vạ.

Than ôi! Trong toàn bộ giáo huấn của nhà Nho hầu như không có gì khuyến khích con người suy nghĩ hay ho, rất ít nói đến quyền lợi, nghĩa vụ, rất ít khích lệ cạnh tranh, mà chỉ muốn học trò mình, rồi lại học trò của học trò mình an phận với hiện trạng mà ung dung tự đắc. Cái gì cũng có thể làm, miễn là nó không đem đến cho mình cái gì nguy hiểm cả.

Tại sao Khổng Tử ít khen ai ngoài Nhan Hồi - cái anh chàng học trò nghèo rớt mùng tơi đó ? Ông hết sức tán dương sự chịu đựng nghèo khổ của anh học trò này mà không hề tìm hiểu trách nhiệm của cái xã hội đã làm cho "ông thánh bậc nhì" này thành nghèo khổ đến như thế.

Lại không hề nghĩ làm thế nào để cải tổ cái quần thể xã hội đó, mà chỉ dương đôi mắt mù quáng dạy đời rằng: "Nghèo cũng hạnh phúc được!".

Nếu mỗi người Trung Quốc đều hạnh phúc kiểu đó, quốc gia dân tộc chắc chắn phải quay về thời kỳ đồ đá mà thôi !

http://bloganhvu.blogspot.com/2011/02/nguoi-tq-xau-xi-3-giu-minh-la-thuong.html

*

Người TQ xấu xí (4): "Xấu che tốt khoe"

"Xấu che tốt khoe" là tựa do tôi đặt cho phần trích dẫn này, còn bản gốc của nó do Bá Dương viết và Nguyễn Hồi Thủ dịch thì có tựa là "Kỳ thị chủng tộc".

Thì đúng là bài viết của Bá Dương nói về kỳ thị chủng tộc thật. Nhưng cái làm cho tôi ấn tượng nhất về bài viết lại là đoạn viết về thói quen "xấu che, tốt khoe" của người TQ (mà theo tôi thì VN mình cũng y hệt thế).

Bá Dương so sánh thói quen "xấu che, tốt khoe" đó của người TQ với việc một người bị bệnh trĩ khi thấy hậu môn bị chảy máu thì bèn lấy tay che lại mà giả vờ rằng chẳng có gì xảy ra cả; nếu ai có nói đến việc ấy thì chẳng qua đó là đổ điêu, vu khống, bôi nhọ, và hẳn là phải có ý đồ gì đó xấu xa. Và để người ta không nói động đến mình nữa thì cứ bài chụp mũ có ý đồ xấu mà đánh, thì ắt người ta phải đầu hàng và cao bay xa chạy. Lúc ấy, búi trĩ của mình bỗng nhanh chóng biến mất - mặc dù kỳ thực là nó vẫn còn nguyên đấy, nhưng bỗng trở thành vô hình (cũng như chiếc áo của đức vua cởi truồng ấy thôi!).

Một thói xấu khác đáng lưu ý của người TQ là tinh thần cục bộ, địa phương, lấy cá nhân mình, gia đình mình, địa phương mình làm chuẩn mực để quy chiếu mọi việc và là tiêu chuẩn để phán đoán mọi giá trị của cuộc sống, đồng thời là nguyên tắc ứng xử trong đời.

Và tính cách này sao cũng rất giống người Việt Nam. Có lẽ ở VN không ai lại không biết câu "một người làm quan, cả họ được nhờ". Thói ấy, cứ tưởng là chỉ có ở thời phong kiến ở VN, nhưng hóa ra đến nay nó vẫn cứ tồn tại, có những nơi rất rõ. Tôi đã chứng kiến khá nhiều nơi mà cứ mỗi lần thay đổi lãnh đạo tại một cơ quan thì lại thấy kéo theo một lô nhân sự mới, là con, là cháu, là người làng, người nước, là đồng hương, đồng khói của vị sếp mới ấy. Bất chấp năng lực, tất nhiên.

Bài viết của Bá Dương lời lẽ có lẽ hơi thô tục, gây shock. Và sử dụng rất nhiều ngoa ngữ, ca ngợi nước Mỹ lên tới mây xanh và đánh hạ TQ xuống đến đáy bùn đen. Hẳn là khi ra đời hẳn phải có nhiều người căm hận, chửi rủa.

Nhưng tôi nghĩ, nếu Bá Dương đã không viết như thế thì có lẽ ngày nay TQ đã chẳng tỉnh ngộ như thế này, để nhận ra những cái chưa tốt của mình, để mà còn điều chỉnh. Cho nên cái liệu pháp shock của Bá Dương có lẽ cũng cần thiết, và đã có tác dụng tốt chăng?

Các bạn đọc tiếp ở dưới nhé.
-----------
Có bao giờ anh nghe nói người Mỹ của tiểu bang Virginia tẩy chay người của tiểu bang Arizona chưa? Hoặc người Nhật ở đảo Honshu (Bổn châu) tẩy chay người ở đảo Shikoku (Tứ Quốc) không? Thế mà cái kỳ thị chủng tộc của người Trung Quốc so với cái kỳ thị của người Mỹ còn kinh khủng hơn nhiều.

Nếu ta đem kết hợp lại với nhau những ý niệm rất hẹp hòi kiểu "Con cháu của Hoàng Đế và Thần Nông", "Đại Hán oai trời", "Không phải là tộc loại của chúng ta", "Lòng dạ khác chúng ta" thì chỗ còn lại cho người các dân tộc khác sống sẽ chẳng còn gì?

Có một số người Trung Quốc ở Mỹ - địa vị xã hội cũng chẳng hơn gì những người Mỹ da đen nhưng lại xem những người này không đáng một đồng xu - hễ cứ nhắc người Mỹ da đen thì lại lắc đầu lia lịa như bị động kinh. Cái hành vi khinh thị ấy có thể làm cho người ta tức mà chết được. Không ai có thể tưởng tượng nếu 11% của dân Trung Quốc là da đen hoặc da đỏ thì mấy ông da vàng kia sẽ sốt lên đến bao nhiêu độ?

Người không cùng một tỉnh đã không thể chấp nhận, bao dung lẫn nhau rồi! Đối với người không cùng một chủng tộc không biết sự thể sẽ như thế nào?

Kỳ thị chủng tộc là một thứ quan niệm ghẻ lở, nó dai dẳng và lây lan. Nhưng cái đáng làm ta ngạc nhiên, kinh dị là phương pháp nước Mỹ dùng xử lý cái loại ghẻ lở đó. Phương pháp của họ có thể không giống Trung Quốc, vì phương pháp Trung Quốc là: "Dấu bệnh vì sợ phải chữa" (Húy tật kỵ y) và "Cái xấu trong nhà không thể để lộ ra ngoài" (Gia xú bất khả ngoại dương). Sự thực đó là nguyên tắc chứ không phải phương pháp.

Phương pháp "chân chính" là một đằng bị chảy máu ở hậu môn lại lấy tay che đít nói: "Không, tôi có bị bệnh trĩ hành hạ đâu? Ai bảo tôi có bệnh trĩ tức là có ý đồ hoặc có lòng dạ gì đó!" Có cái "ý đồ" gì đó là một vũ khí truyền thống toàn năng. Chỉ cần tung nó ra, niệm vài câu thần chú là đối phương phải vắt giò lên cổ mà chạy; đồng thời cái búi trĩ kia bỗng nhiên lành lại.

Ồ! Xin lỗi! Tôi nhỡ mồm! Không phải cái búi trĩ kia bỗng nhiên lành mà tự nó đang ở tình trạng có bệnh bỗng nhiên biến thành tình trạng không có bệnh gì cả. Con giòi của hũ tương, cái con người dị dạng, chỉ biết che dấu bệnh của mình chứ không muốn chữa nó.

Nước Mỹ là một xã hội lành mạnh, cường tráng đến độ nó có thể tự điều chỉnh mình. Thay vì lấy tay che đít thì cái phản ứng của nó lại là nói toáng lên cho mọi người biết: "Tôi có bệnh trĩ đây! Mỗi ngày tôi bị chảy mất 8.000 ga-lông máu [gallon = khoảng hơn 4 lít]. Tôi muốn biết giá của một chiếc quan tài là bao nhiêu?" Tất cả mọi người đều biết thì mọi người đều ý thức rằng mình có liên quan. Sau đó tiêm thuốc, uống thuốc, mổ xẻ, biến ghế gỗ thành ghế xô-pha, biến cái lưng còng thành lưng thẳng để có thể đứng thẳng lên được.

Tất cả các phương tiện truyền thông hay văn học đều phải nói lên cái kỳ thị chủng tộc này, làm cho mọi người đều biết, làm cho mọi người đều sợ vì thấy mình có liên quan. Một xã hội lành mạnh phải dựa trên một tâm lý lành mạnh của người dân - người dân có trí tuệ biết tôn trọng sự thực, có dũng cảm thừa nhận những sai lầm, có năng lực tự sửa đổi.

Kỳ thị chủng tộc là một sai lầm. Đó là một sự thực không thể chối cãi. Người Mỹ có được cái trí tuệ và dũng cảm tìm cách sửa đổi và giải quyết một cách thỏa đáng những lỗi lầm. Họ có khả năng lựa chọn những quyết định đúng đắn khiến cho sự kỳ thị chủng tộc dần dần bớt đi, và có thể một ngày nào đó không còn nữa.
-----
Nói tiếp về phần chót của bài viết: Bá Dương đã mất từ lâu nên không chứng kiến được nước Mỹ đã chứng minh khả năng tự cải thiện thói "kỳ thị chủng tộc" của mình một cách xuất sắc, thông qua việc đưa một người da đen lên vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước: Tổng thống Obama. Ước mơ của mục sư Martin Luther King, tác giả bài diễn thuyết lừng lẫy "I have a dream" đã thành hiện thực, quá rõ ràng.

Có lẽ sau khi có cuốn "Người TQ xấu xí" thì người TQ cũng đang dần tự cải thiện. Còn Việt Nam?

Những gì tôi được đọc và nghe phổ biến về VN đa phần chỉ là những gì đẹp đẽ, như cuốn sách "Người Việt cao quý" của Vũ Hạnh, hay những câu thơ ... ngạo nghễ mà tôi đã được học hồi phổ thông:

"Hỡi sông Hồng đất nước 4000 năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
...
Thuở đất nước của Hùng Vương có Đảng
Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ"
...

"Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau!"

...
"Chào sáu mốt (1961) đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây mắt nhìn tám hướng
Trông lại nghìn xưa trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu!"

Ta cao quý thế, đẹp đẽ thế, ngạo nghễ thế (theo thơ Tố Hữu thì ta đã ngạo nghễ từ năm 1961 kia mà, lúc ấy ta đã đỉnh cao muôn trượng, mắt nhìn tám hướng, trông cả địa cầu rồi cơ đấy), vậy thì còn cần gì phải cải tiến nữa! Dường như các vị lãnh đạo cộng sản VN luôn luôn có tâm trạng "những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả/Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn!" nên không cảm thấy phải cải cách gì (nhưng, chẳng lẽ không có ai thấy 2 câu thơ ấy là rất mâu thuẫn hay sao?)

http://bloganhvu.blogspot.com/2011/02/nguoi-tq-xau-xi-4-xau-che-tot-khoe.html

*

Người TQ xấu xí (5): "Quan trường"

Có một người bạn gửi mail hỏi tôi, định viết loạt bài Người TQ (người VN?) xấu xí này đến bao giờ thì dừng lại?

Bao giờ ư? Tôi cũng không rõ là bao giờ, vì thực ra chẳng có ý định gì. Thấy cái gì hay hay thì trích lên thôi mà. Chỉ là để chia sẻ với các bạn chưa đọc cuốn sách này. Hoặc đã đọc rồi, nhưng vẫn muốn đọc lại.

Và cũng cám ơn các bạn đã gửi comments - Secret Garden, Trang La, và cuadong. Tôi đang trong giai đoạn ... làm biếng và mệt mỏi quá, nên không có comments để trả lời các bạn được, rất xin lỗi các bạn. Nhưng vẫn hiểu nhận và đọc comments luôn là một phần thưởng của người viết blog, vì biết là có người cùng chia sẻ những suy nghĩ được viết ra của mình. Và đó là lý do của mấy dòng cám ơn này.

Bây giờ thì xin mời các bạn đọc tiếp nhé, bài viết về quan trường của TQ. Chẳng biết các bạn nghĩ sao, chứ tôi đọc mà thấy rùng mình kinh sợ cho cái quan trường của TQ thời phong kiến (chẳng biết thời nay thì thế nào nhỉ, chắc là ... cũng rứa mà thôi!) Và đặc biệt còn kinh sợ hơn vì cái chế độ quan trường ấy hiện nay vẫn tồn tại nghiễm nhiên, rõ mồn một, và hình như đang có đà ngày càng phát triển tại VN.

Tôi hy vọng là tôi nói sai. Vì nếu quả như tôi nghĩ, thì thử hỏi, VN sẽ phát triển như thế nào nhỉ?
----
Chúng ta phát hiện được trong lịch sử Trung Quốc một hiện tượng kỳ quái mà các nước khác không có, đó là chế độ khoa cử, hay gọi tắt là "Quan trường".

Nhật Bản hấp thụ văn hóa Trung Quốc một cách toàn diện. Không cái gì Trung Quốc có mà họ không từng tiếp nhận, từ cái nhỏ như manh chiếu (Tatami), đôi guốc (Geta), đến cái lớn như chế độ, tổ chức chính trị, v.v.., nhưng chỉ có một điểm mà họ không tiếp nhận, mà điểm này đã giúp họ trở thành một nước hùng cường rất nhanh chóng trong thời Minh Trị Duy Tân, đó là chế độ khoa cử.

Chế độ khoa cử Trung Quốc cũng có những tác dụng tốt, nhưng lại đẻ ra "vấn đề quan trường". Quan trường là một cái mạng nhện kỳ quái, nhìn thì không thấy, sờ không đụng, nhưng lúc bị rơi vào rồi mới biết. Ta không thể dùng chữ Bureaucrats tiếng Anh để dịch chữ "quan liêu" trong tiếng Trung Quốc được, bởi chữ này không lột tả hết được cái đặc trưng của nó. Quan liêu chẳng trung thành với quốc gia, lãnh tụ gì cả, chỉ tận tâm tận lực với kẻ cất nhắc nó lên làm quan. Các triều đại Trung Quốc có thể thay đổi, song quan trường vẫn thế.

Người Mãn Thanh sở dĩ thống trị được người Tây Tạng, người Mông Cổ, người Hán vì biết nhắm vào nhược điểm của các dân tộc này.

Đối với người Tây Tạng họ dùng đạo Lạt-ma, mời những tăng lữ lạt-ma đến Bắc Kinh và đối xử với họ cực kỳ cung kính.

Đối với người Mông Cổ thì họ dùng thủ đoạn hôn nhân, gả những công chúa cho những hoàng tử Mông Cổ, con cái lai sinh ra thành ra con cháu của mình, đem chúng nuôi dưỡng ở cung đình nhà Thanh. Các vương tử đó một khi lớn lên không thể nào phản lại chú bác cô dì của chúng.

Trong khi đó công chúa Mãn Châu không bao giờ lấy người Hán. Người Mãn Châu trị người Hán bằng phương pháp khoa cử. Họ biết người Trung Quốc có cái khuyết điểm là thích làm quan. Nếu tôi cho anh cái hy vọng được làm quan thì anh có thể ngoan ngoãn đem giao ngay hết cả ý thức dân tộc lẫn phẩm giá con người.

Sở dĩ "Quan trường" có cái bộ mặt của các xã hội thần bí vì nó mang những tiêu chuẩn cư xử và những quan niệm về giá trị rất đặc thù.

Nó không trung thành với vua, vua thay thì nó vẫn làm quan. Nó cũng không sợ mất nước, nước mất, chỉ cần nó vẫn được làm quan thì nó vẫn làm. Cái xã hội ăn chơi, phù hoa là nơi các quan ra oai, tự nhiên hình thành một hệ thống tương hỗ bao che giữa các quan với nhau - một quan hệ vô cùng phức tạp.

Quyển sách "Quan trường hiện hình ký" là một quyển sách phân tích cái cấu trúc của chế độ quan trường Trung Quốc dưới cặp mắt nghiên cứu những vấn đề xã hội. Bởi vì từ khi quan trường được thiết lập, những quan hệ giữa người với người tại Trung Quốc càng trở nên tinh xảo. Các vị ở Mỹ lâu năm có thấy rằng cái quan hệ giữa con người ở Mỹ so với Trung Quốc thì quá đơn thuần không?

Ở Trung Quốc có một câu nói: "Làm việc thì dễ, làm người thì khó!". Làm người là thế nào nhỉ? Tức là làm sao cho cái quan hệ giữa con người với nhau được tốt đẹp.

Có một vở Kinh kịch (kịch Bắc Kinh) nhan đề "Thẩm đầu thích thang" (khám đầu tìm kẻ giết ông Thang) trong đó có một quan tòa, một vị bồi thẩm và một góa phụ nhan sắc xinh đẹp mà chồng vừa bị mưu sát. Trong phiên tòa người đàn bà góa ôm một đầu người đứng khóc.

Nhiệm vụ của tòa là phải xác minh xem đấy là đầu của ai. Nếu đúng là đầu của chồng bà ta thì vụ án xem như có thể kết thúc. Nhưng nếu là đầu của một người khác thì vụ án này còn liên quan đến rất nhiều người, và có thể sẽ còn nhiều người khác sẽ chết. Ông bồi thẩm có ý thích người đàn bà góa trẻ đẹp này, và bà này cũng ra ám hiệu cho ông ta biết là bà ta sẽ ưng thuận tái giá với ông ấy, nên ông này một mực rằng đấy là đầu của chồng bà ta. Nhưng sau khi xem chừng vụ án có vẻ xong xuôi, bà góa bèn tỏ ý không muốn lấy ông bồi thẩm nữa. Ông này cũng lập tức quay phắt ra nhất quyết bảo cái đầu ấy lại không phải là của chồng bà ta nữa. Vở kịch này tiêu biểu cho cái phản phúc trong quan hệ quan trường của người Trung Quốc chúng ta. Đầu thật, đầu giả cho đến phút cuối cùng cũng không ai có thể biết như thế nào.

Tôi nghĩ rằng trong chúng ta nhiều người đã về làm việc ở Trung Quốc hoặc sẽ về làm việc trong tương lai, tôi tin chắc khó khăn các vị gặp phải thường không dính dáng đến bản thân công việc, mà dính đến những người cùng làm việc với các vị.

Nói ví dụ anh làm việc ở một lò nguyên tử. Anh có biết gì về nguyên tử hay không, đó là một vấn đề thuộc công việc. Nhưng sẽ rầy rà to nếu một hôm anh cần một đinh ốc cho lò phản ứng mà người quản lý ốc vít lại nghỉ việc. Anh ta bị ốm, đương nhiên xin nghỉ, anh không thể cấm người ta ốm được. Nhưng sự thật anh ta lại không hề cảm cúm gì cả, chỉ nghỉ để đi đánh mạc chược? Tại sao?

Bởi vì quan hệ giữa anh và người ấy không được tốt đẹp. Cái lò nguyên tử của anh có hoạt động được hay không, thậm chí có bị nổ tung đi nữa, cái việc ấy người đó cũng cóc cần. Nếu anh bảo nước nhà bị thiệt hại thì cũng kệ, tôi cứ việc quan tôi làm.

Đó là cái đầu óc quan trường tích lũy từ mấy nghìn năm, một chứng bệnh vẫn còn duy trì đến cuộc Bắc Phạt của quân Cách mạng Quốc dân năm 1928.

Về mặt quân sự, trong khi quân đội đánh dẹp các sứ quân ở miền Bắc, thì về mặt chính trị cái chất độc của quan trường lại tràn xuống miền Nam. Trước kia giữa những đồng chí cách mạng tình cảm rất trong sáng, nhưng khi đã bị cuốn hút vào giới quan trường bỗng trở thành phức tạp ghê gớm, phức tạp đến độ một người lành mạnh không thể nào chịu nổi.

Cái quan hệ giữa con người với nhau trở thành một loại keo dính đến độ hễ dán vào rồi là không thể nào gỡ ra được nữa. Có ai trong các vị thấy điều đó khi về nước không?

Lấy một ví dụ khi anh về nước, bạn bè mời anh đi ăn cơm, anh dám cả gan từ chối thì tình bạn sẽ từ đó bị sổ toẹt ngay. Đó là đặc tính của quan trường, nó làm cho quan hệ con người trở nên khúc mắc ghê gớm. Tại sao lại như thế ? Tại sao anh ta phải xử sự như vậy? Bởi vì làm như thế thì cái địa vị của anh ta mới càng thêm vững chắc.

Tôi có một người bạn về Đài Loan được một người chưa hề quen mời ăn cơm. Sau khi ăn xong, người này mới nhờ anh đem dùm về Mỹ một món đồ. Người này làm ra vẻ nhờ vả rất tự nhiên, như thể bạn bè vẫn thường giúp đỡ nhau chứ không phải đánh đổi một bữa cơm để lấy chuyện đưa đồ.

Cái hiện tượng quan trường là như vậy, giống kiểu anh làm lò nguyên tử, cái lò phản ứng hạt nhân này rất nguy hiểm không phải ai cũng mó vào được. Nhưng người nọ lại cho rằng đã là bạn bè với nhau cho anh ta sờ đến một cái thì đã sao.

Thường thường một người trước khi làm quan và sau khi được làm quan là hai loại người khác nhau. Thật ra nói như vậy không lô-gíc. Chỉ có thể nói rằng hễ cái "quan tính" của một người càng hưng thịnh thì cái nhân tính của người đó càng biến mất đi. Không còn nhân tính nữa, chỉ còn cái quan tính lúc làm quan. Cho đến một ngày tất phải về hưu, lúc đó cái nhân tính may ra mới hồi phục.

http://bloganhvu.blogspot.com/2011/02/nguoi-tq-xau-xi-5-quan-truong.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo