Người Buôn Gió - Tôi ứa nước mắt khi chắp tay vái các bác, các chú, các anh đã nằm xuống. Vì yên bình của ngày hôm nay với Trung Quốc. Xin các vị hãy hy sinh thêm lần nữa trong sự lãng quên...
Ngồi uống nước ở thành phố Lạng Sơn trong khi chờ đợi phòng TBXH đến giờ làm việc. Tôi xem lại những tấm hình chụp trong máy. Ồ thật bất ngờ. Có một tấm ảnh ngôi mộ có hoa và địa chỉ rõ ràng. Lần theo địa chỉ trên tấm bia tôi đến số nhà 74 Trần Hưng Đạo- Lạng Sơn. Lòng thầm khấn. Chú ơi có thiêng thì giúp cháu cho nhà mình vẫn ở đó nhé.
Cùng là bộ đội biên phòng, hai ông bà lấy nhau đến khi ông mất là 13 năm.
Ảnh ngày cưới, mặc quân phục vì đơn vị tổ chức.Chiều ngày 16-2 -1979 ông mới rời nhà đi lên cửa khẩu Hữu Nghị Quan, là chính trị viên của đồn biên phòng. Đại úy Nguyễn Văn Linh không hề biết đây là lần chia ly vĩnh viễn với người vợ và 4 đứa con. Cùng với ngôi nhà cấp 4 ông vừa xây xong, chưa lắp cửa.Sáng sau khi đạn pháo trút mù mịt góc trời, bà Lan từ cơ quan chạy về nhà. Gửi 4 đứa con cho nhà hàng xóm nhờ cho chúng đi theo chạy nạn. Đứa lớn nhất 12, đứa bé mới 4 tuổi. Bà chạy đi nghe tin chồng. Có người y sĩ gặp bà nói ông đồn trưởng bị thương đang nằm bệnh viện. Bà chạy đến thấy đồn trường Hoàng Công Muôi bê bết máu, thấy bà ông Muối nói.
- Anh nhà chạy được ra ngoài, lúc đấy em thấy anh đang xua dân chạy. Chắc anh chạy thoát cùng đám dân rồi.
Đấy là lần thứ nhất bà nghe tin về chồng mình. Bà Lan về nhà thu xếp ít đồ đạc, tưởng hàng xóm đã cho con mình đi nhờ. Nào ngờ 4 đứa vẫn lít nhít trong nhà. 5 mẹ con gồng gánh ít đồ cần thiết, dắt díu nhau chạy xuống cây số 9 ở nhờ nhà dân mấy ngày. Chiến tranh càng ác liệt, quân thù lồng lộn, hung bao tràn vào đất nước sâu hơn. Bà và các con phải chạy xuống Đồng Mỏ ở . Vừa lo cho các con cái ăn, vừa lang thang đi ngóng tin chồng.
Khi trở về thị xã Lạng Sơn, bà đi khắp nơi để tìm tin tức của chồng. Người ta xác nhận ông đã hy sinh. Nhưng 3 tháng sau người ta đến nhà bà đòi tiền lương của chồng bà, bắt bà phải trả đủ 3 tháng lương của ông mà bà đã nhận. Họ nói rằng.
- Có tin rằng chồng bà vẫn sống, ở bên Trung Quốc.
Người ta không cần biết bà sống vất vả thế nào để nuôi 4 đứa con. Bà lấy đâu tiền mà trả lại khi ngày chủ nhật nghỉ làm còn phải dẫn hai đứa con lớn lên rừng hái củi về bán cho người ta. Đã thế có người bị bắt được trả về còn nói như thật.
- Tôi thấy anh ấy bị giam ở khu sĩ quan, hàng chiều còn thấy anh ý đánh bóng chuyền.
Các chế độ của người chồng bị cắt hết. Cùng với khó khăn cuộc sống là nỗi dằn vặt về tinh thần đổ lên bà và 4 đứa trẻ thơ. Không chịu được nữa, bà dẫn con lên sư đoàn gặp Dũng Tiến người phụ trách chính sách. Dũng Tiến nói trường hợp của ông không rõ ràng cho nên không làm chính sách được. Bà ai oán gào lên giữa sân sư đoàn bộ. Chính ủy sư đoàn Lê Lan đi ra, bà bám ông nói
- Nếu không lo cho bà, thì bà không sao nuôi nổi các con. Bà để chúng ở đây cho sư đoàn nuôi.
Chính ủy Lê Lan cười, mắng bà là ghê gớm. Sau đó ông bảo Dũng Tiến làm chính sách cho ông.
Hai mươi năm sau, khi các con bà đã trưởng thành. Người làm công an, người viện kiểm sát, người lại là sĩ quan của đồn biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị Quan. Gia đình mới có điều kiện, kinh tế tổ chức đi tìm thi hài của ông.
Trong những người dân tránh nạn năm đó, có người kể lại ông đi sau cùng, mồm luôn hối thúc mọi người chạy. Đến đoạn đó thì không thấy ông nữa. Gia đình sau bao nhiêu năm đi đào khắp cả vùng, chỗ người ta lần cuối thấy ông. Người bảo ở gốc cây kia, người bảo mỏm đá. Cuối cùng trong một bụi cây gai mọc kín mín, khi phát quang và đào qua lớp đất mỏng. Trên bộ hài cốt còn lẫn những chiếc khuya áo. Hai trong số chiếc khuy có màu khác. Bà gào lên tiếng.
- Ông ơi !.
Bà Lan xem lại những giấy tờ của chồng. Bằng khen huân chương và cả đơn bà khiếu nại về việc chồng bà không được xét vào diện chính sách. Ban thờ ông vừa qua ngày giỗ. Đến đây tôi mới chợt nhớ rằng, người Việt nam mình giỗ theo phong tục lấy ngày âm. Hôm đó là 21-1 âm lịch.Huân chương chiến công của một vị anh hùng đã ngã xuống vì tổ quốc bởi đạn pháo của quân xâm lược Bắc Kinh. Trong lúc ông đang lo lắng cho dân. Người ngã xuống này đã có lúc bị đồn là tù binh của giặc. Những người tôi đã gặp, từ sĩ quan đến lính trơn, đến thân nhân liệt sĩ. Mọi người đều nghĩ rằng. Thôi chiến tranh đã qua, Trung Quốc là nước lớn ở cạnh ta. Giữ gìn hòa khí, nhân nhượng nó để sống hòa bình là cái quý. Không nên gợi làm làm gì nó lại căng thẳng.Tôi ứa nước mắt khi chắp tay vái các bác, các chú, các anh đã nằm xuống. Vì yên bình của ngày hôm nay với Trung Quốc. Xin các vị hãy hy sinh thêm lần nữa trong sự lãng quên.
Và dưới đây là những gì mà hiện tại đang quan tâm nghĩ đến.*
Nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Đồng - Lạng Sơn
Tọa lạc trên ngọn đồi cao của xã Hoàng Đồng - Lạng Sơn. Chiếc bia tưởng niệm các liệt sĩ có đề '' tổ quốc ghi công'' lừng lững . Người đi trên đường quốc lộ cũng dễ nhận thấy. Ngày 17- 2. Dưới chân nghĩa trang, đang là ngày hội của xã Hoàng Đồng. Người dân dập dìu đi lễ hội. Ngay trước cổng nghĩa trang, người ta căng dây làm bãi trông xe. Khi tôi gửi xe máy, người trông xe nói:
- 10 nghìn một xe anh ạ, hôm nay ngày hội.
Tôi nhìn xem lối nào vào nghĩa trang, quay lại nói với anh ta bằng cái giọng lạnh lùng nhất mà tôi có thể.
- Tôi đi vào nghĩa trang thắp hương, tôi trả anh 10 nghìn. Trông đồ luôn cho tôi.
Anh ta có vẻ bối rối, ân hận. Để bù lại anh ta ríu rít:
- Vâng , em xách đồ của anh ra bàn em để, anh yên tâm. Anh đi cái lối nhỏ kia vào nghĩa trang kìa.
Nghĩa trang vắng lặng, không bóng người. Các anh nằm im lìm trong ánh nắng, trên ngọn đồi quê hương. Từng hàng, từng dãy trải dài mênh mông. Như hàng quân đang đứng chào cờ tổ quốc vào sáng thứ hai. Ngay ngắn và nghiêm trang. Những tấm bia trong nhà tưởng niệm ghi tên các liệt sĩ đã hy sinh. Có người ghi hy sinh chống Mỹ, có người ghi hy sinh chống Pháp. Rất nhiều vị liệt sĩ chỉ ghi hy sinh với lý do ''bảo vệ tổ quốc'' đó là những liệt sĩ hy sinh từ năm 1979 đến năm 1988. Tất nhiên các anh nằm xuống trong cuộc chiến đấu với bọn xâm lược Trung Quốc, để bảo vệ biên cương và tính mạng của những người dân Việt Nam. Nhưng đứng trước hàng bia tưởng niệm này. Tôi hỏi: Đã bao năm qua chúng ta không hề nhắc gì đến cuộc chiến bảo vệ tổ quốc này, trên bia mộ của những người anh hùng đã ngã xuống cũng không hề ghi họ ngã xuống khi chiến đấu chống ai. Liệu thế hệ về sau này, các em, các cháu có đi thăm nghĩa trang có biết vì sao họ đã ngã xuống như vậy. Bảo vệ biên giới ư? bảo vệ trước bọn thổ phỉ, bọn thế lực người Việt phản động như Hoàng Cơ Minh. Họ hy sinh trong lúc thế nào ? Đang đi tuần tra ngã xuống vực, bị đá lở, lốc xoáy hay bị lợn nòi húc chết. Đôi khi người ta có thể lờ đi lịch sử để phục vụ lợi ích hiện tại. Những người đã chấp nhận hy sinh cả mạng sống của mình để bảo vệ tổ quốc, chắc họ chẳng hẹp hòi gì khi hy sinh thêm cả cái lý do cao cả mà họ đã ngã xuống. Dẫu biết các anh không cần đến thứ vinh quang đó, nhưng những người còn sống. Chúng ta đã nợ các anh quá nhiều, lẽ nào chúng ta dùng lãng quên để lấy của các anh, những người lính đã hy sinh cả cái chính nghĩa mà vì nó các anh đã quên cả thân mình. Đây là những người lính ngã xuống trong ngày đầu đánh chặn bọn xâm lược Trung Quốc đã tràn sang biên giới Việt Nam. Các anh đến biên cương từ mọi miền đất nước. Các anh nằm lại nơi đây. Gia đình các anh vì xa xôi nên mộ của các anh thảng chỉ có nén hương của thân nhân gia đình liệt sĩ khác. Một nhà báo Nhật trong khi làm nhiệm vụ đã bị đạn pháo của Trung Quốc. Có rất nhiều nấm mộ ghi - Liệt Sĩ chưa rõ tên.
Tôi rời nghĩa trang đến ủy ban xã Hoàng Đồng. Trong phòng Xã Hội - Chính Sách khoảng 8-9 người đang nâng cốc hò zô zô. Tôi hỏi mấy lần họ không nghe thấy. Lát sau có người ra hỏi tôi cần gì. Tôi nói:
- Tôi muốn gặp người phụ trách sổ sách về các liệt sĩ đã hy sinh.
Người đó hất hàm bảo:
- Hôm nay phòng Chính sách đi vắng, mai anh đến đây. Tôi quay đi, bỗng trong đám đông ấy có người chạy theo tôi. Anh ta kém tôi khoảng vài tuổi, hỏi lý do tôi tìm làm gì. Tôi trả lời:
- Tôi muốn tìm địa chỉ của người thân những liệt sĩ đã hy sinh vào ngày 17-2-1979 để thắp hương chia buồn với gia đình họ. Anh cán bộ trả lời với vẻ tôn trọng và ân cần.
- Em không phụ trách việc này, bây giờ anh xuống thành phố, tìm phòng Thương Binh - Xã Hội ở đó họ có đầy đủ hơn. Anh xuống chắc cũng trưa họ nghỉ rồi, hay anh vào đây làm chén rượu, ăn cơm với bọn em. Lát nữa xuống đó.
Vẻ tử tế của anh khiến tôi ngừng cái ý nghĩ bật cái máy camera nhỏ xíu quay đám nhân viên nhà nước đang ăn nhậu ầm ĩ trong trụ sở. Tôi hỏi.
- Hôm nay ngày gì mà tưng bừng thế em ? Cậu ta cười ngượng ngịu.
- Hôm nay ở xã em là ngày hội , bọn em liên hoan tí chút ý mà.
Tôi đi xuống thành phố Lạng Sơn với ý định tìm một nhà ai có người thân đã ngã xuống vào ngày 17-2-1079. Khi tôi viết đến dòng này ở nhà tôi, bên cạnh trong chiếc ti vi. Phát thanh viên truyền hình đang đọc bản tin về kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sẽ có diễu binh, diễu hành và nhiều nghi lễ trọng thể.
Người Buôn Gió