Thưa Mẹ! Trái Tim - Dân Làm Báo

Thưa Mẹ! Trái Tim

Mai Thanh Hải - Chúng con đã lớn, không còn cái thuở chai tay với những sảo đất đào giao thông hào, dùng K44-CKC ngăn bước quân xâm lược. Bài học quân sự đầu đời của thủa sinh viên đã là AK47 và đến nay, đã là bàn phím – tác chiến điện tử. Chúng con sẽ không để những người trẻ như anh con phải ngã xuống uất ức như 32 năm trước nữa – Nói như vậy, mẹ có yên lòng và nguôi ngoai cho chúng con yên lòng không nhỉ?

Thưa Mẹ! Con còn Trái tim!

*

Sáng nay, con biết là mẹ dậy sớm và đi chợ sớm, để mua hoa cúc, bánh khúc và 1 con gà, về cặm cụi nấu nướng, làm mâm cơm cúng cho anh của con. Năm nay, mùa rươi của vùng đất có nước lợ quê mình đã hết mùa rươi sớm, mẹ tìm xem còn có cá ngần, để kho với tương, chêm thêm vào mâm cơm cúng cho anh con nhé!

Vùng cửa biển quê mình, có gì đâu ngoài con cá – con tôm bình dị, nhưng đã nuôi chúng con lớn lên từng ngày, để thành những thằng con trai miền biển, ăn sóng nói gió, yêu ghét phân minh rõ ràng và tạo thành dấu ấn của những đứa con miền biên ải.

Con nhớ! Trước khi anh con vào bộ đội, mỗi buổi chiều, anh thường đưa con ra trạm bơm đầu làng, cởi hết quần áo lao xuống dòng nước đỏ ngầu, sủi bọt đưa vào từ sông Văn Úc và anh hét lên “Đi học Đại học Bách Khoa, anh sẽ đưa em lên Hà Nội, thăm Lăng Bác, ăn kem Bờ Hồ”. Anh dạy con tập bơi, dạy con khoát nước vượt sóng để khỏi bị chìm với lý do rất đơn giản: “Đạp lên mà sống. Sống cho đàng hoàng, không lụy vào ai” và buông tay để con có khi uống no nước, chìm xuống rồi lại vẫy vùng ngoi lên, vẫy vùng tồn tại sống.

Anh con không vào Đại học, anh cũng chẳng đưa con lên Hà Nội thăm Lăng Bác, ăn kem Bờ Hồ và đi chơi công viên Thủ Lệ được, bởi anh của con đã tình nguyện vào bộ đội, lên biên giới Vị Xuyên giữ đất quê mình. Ký ức của con vẫn nhớ hình ảnh mẹ khóc đến khan cả tiếng khi anh chụp mũ cứng, bước chân lên chiếc xe Hải Âu hòa vào những bạn bè, anh em đồng trang lứa, ai cũng trẻ trung, tươi rói, thẳng tay – khua mũ vẫy chào người thân và thẳng tiến Hà Bắc huấn luyện cấp tốc, tăng cường cho mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang.

Những ngày anh xa nhà, đêm nào mẹ cũng khóc. Mẹ khóc và em cũng khóc. Giá như ở nhà, anh sẽ bế em ra đầu làng để… dọa ma khiến em thin thít, vùi đầu vào ngực anh, ngủ ngon lành trước khi về nằm bên mẹ. Nhưng anh đi xa, mẹ bảo “anh sẽ về khi con ngoan” khiến em càng ngoan, càng mong và nhớ anh về với em, để dọa ma, để nạt nộ và để em có anh, để được lũn cũn đi bên anh bắt cào cào, châu chấu, vớt rươi, vợt cá ngần.

Tuổi thơ của em đằng đẵng gần 10 năm đằng đẵng nhớ anh. Hồi ấy, khu nhà mình nằm ven Quốc lộ 10 thành điểm trung chuyển cho những đoàn quân ngược lên biên giới. Nhớ anh, em và những đứa bạn đã rộp tay khênh những sảo đất, giúp thầy cô đào những đường hào hình con rắn, vòng vèo trong sân trường, trên núi Voi để làm công sự giữ đất quê hương; thương anh, mỗi buổi chiều em ra đứng ngoài đường quốc lộ 10, vẫy tay – ríu chân chạy theo những đoàn xe vận tải chở những người lính trạc tuổi anh, bơ phờ ngủ gà gật trên những thùng xe Gat, Zin, khoác AK 47 lên vùng chiến sự Móng Cái, Bình Liêu…; đợi anh, em và mẹ ngắt từng nụ vối, châm rơm nấu nước và cùng những cô bác trong làng mang ra đường, đợi những hàng quân qua, rót nước nguôi khát, níu tay nhìn mẹ khóc – những giọt nước mắt ghìm lại, dành cho anh đang lăn lộn trên điểm cao Vị Xuyên, Hà Tuyên.

10 tuổi và đến 16 tuổi – em là thằng học sinh, học rất chăm và sống rất ngoan để anh yên lòng viết vài dòng cho mẹ từ trên chốt. Mỗi đêm, em thay anh (như anh đã dặn) thắp ngọn đèn dầu hỏa, bi bô đọc từng trang sách trong ánh đèn dầu vàng ệch để mẹ yên lòng nằm ngủ; mỗi khi bão gió đổ bộ vào vùng đất ven biển quê mình, em cũng lon ton ra chặt cây chuối, níu dây thừng chằng buộc cho căn nhà mình khỏi bị tốc mái, rách tường…

Tất cả, để giữ anh và thương mẹ

Thế nhưng, trong tâm trí của con bây giờ vẫn không thể quên được, mãi mãi không thể quên cái buổi chiều, có những người lạ đến nhà mình, dìu mẹ đang khóc nức nở vào ghế và tất cả đều rưng rưng nước mắt, lõm bõm nói anh con đã hy sinh. Hồi đó, con không biết hy sinh là gì, nhưng con rất biết, mọi người dúi vào tay mẹ chiếc ba lô sờn rách, trong đó có quần áo của anh, tầm hình anh chụp với con ở hiệu ảnh thị trấn trước khi vào bộ đội… thì con biết là anh đã chết, không bao giờ quay về để đưa con đi Bờ Hồ, đến Thủ Lệ, thăm Lăng Bác nữa.

Hôm đó, mẹ đã ngất lịm và con cũng đã khóc đến khan cả giọng trước tấm hình anh con, trẻ trung trong khung hình hạ sĩ trên ve áo, đội mũ mềm đính sao vàng và… điệu đàng với quân phục xuân hè, nhấp nhô ba lô – lá ngụy trang sau lưng. Con nhớ anh, mẹ ạ!..

Vùng đất Hải Phòng – Quảng Ninh – Thái Bình (và bao vùng đất khác trên dải đất hình chữ S) những năm 1979-1990 đã có bao nhiêu bà mẹ như mẹ, bao nhiêu người em như con (điều ấy, khi đã tốt nghiệp Đại học con mới biết), đến bây giờ con vẫn không biết được. Thế nhưng, có một điều mà con và vợ của con, những đứa con của con vẫn trung trinh, không bao giờ quên nổi là chúng con có được cuộc sống như bây giờ, là có xương máu của chính anh của con, của những đồng đội anh của con và bao nhiêu người khác, đã ngã xuống vì đất nước của mẹ, của anh con, của con và của con cháu bao đời sau chúng con.

Khi đã lớn lên và đã trưởng thành, chuyến công tác đầu tiên của con là lên với vùng địa đầu biên giới Hà Giang, lọ mọ đến các nghĩa trang liệt sĩ, tìm lại tên anh con trên những tấm bia quét vôi trắng, gắn ngôi sao vàng tỏa sáng. Tìm mãi, nhưng con không thấy tên anh con. Con đã khóc và mẹ cũng đã khóc. Khóc đến tận cùng, hết nước mắt và khóc để không còn gì để mà khóc nữa bởi nắm tay của anh, không về được với vùng đất bồi bãi duyên hải quê mình.

Con đã lớn, đã có gia đình. Mỗi tháng, con đưa vợ hiền và những đứa con xinh xẻo về quê mình, để vợ con quây quần bên mẹ, cho mẹ nguôi đi những nỗi nhớ về anh.

Con đã trưởng thành, đã sống không hèn như anh đã nhắc. Mỗi chuyến đi, con đều tìm đến những nghĩa trang, thắp nén hương thơm, hoài niệm về những người nằm xuống.

Con đã thành người, đã biết phải – trái phân minh và biết giá trị của những ngày con đã sống, đang sống và có thể, còn sẽ sống. Nhưng không bao giờ, con có thể quên anh con, cũng như quên một thời gian khổ của đất nước này -Đất nước mà chúng con đang sống!

Chúng con đã lớn, không còn cái thủa chai tay với những sảo đất đào giao thông hào, dùng K44-CKC ngăn bước quân xâm lược. Bài học quân sự đầu đời của thủa sinh viên đã là AK47 và đến nay, đã là bàn phím – tác chiến điện tử. Chúng con sẽ không để những người trẻ như anh con phải ngã xuống uất ức như 32 năm trước nữa – Nói như vậy, mẹ có yên lòng và nguôi ngoai cho chúng con yên lòng không nhỉ?

Thưa Mẹ! Con còn Trái tim!

(Viết tặng mẹ tôi, đúng ngày 17-2-2011)

Mai Thanh Hải

http://vn.360plus.yahoo.com/thanhhaivir/article?mid=7314



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo