Bi kịch dân tôi: sang Thái Lan đẻ thuê - Dân Làm Báo

Bi kịch dân tôi: sang Thái Lan đẻ thuê

(Dân Việt) - Trong số 15 cô gái sang Thái Lan đẻ thuê vừa bị phát hiện, có đến 8 người quê Bạc Liêu, từ 19 - 30 tuổi. Phóng viên NTNN đã về tận Bạc Liêu, nơi một trong những cô gái này sinh ra và lớn lên... Đêm chuẩn bị đi xa, nó thức trắng. Tới gần sáng, nó bảo kỳ này con đi xa, lâu lắm con mới về. Mẹ gắng lo cho em và cha. Con để cái áo ấm cũ trên đầu giường, mẹ kêu cha mặc đi biển cho đỡ lạnh, con làm có tiền mua cái khác. Chuyến này con kiếm tiền về cho mẹ cất lại nhà, có ít vốn mua cái cào mới cho cha đi cào...”.

Điều ghi nhận đầu tiên từ gia đình các cô gái từ tỉnh Bạc Liêu sang xứ người đẻ thuê là hầu như tất cả đều rất nghèo khó, cuộc sống chật vật. Họ sống trong những căn nhà tận vùng sâu heo hút hay tạm bợ ven đê biển, kiếm miếng ăn qua ngày bằng nhiều nghề như: Mò cua, bắt ốc, làm thuê, vác mướn.

Anh Thạch Xà R (cha P.) bên căn nhà lá ven đê biển.

Theo lời kể của gia đình, những cô gái này ít học, lớn lên và xem cái thiếu trước hụt sau như người bạn thân nhất. Tuy nhiên, vì một số lý do tế nhị, chúng tôi chỉ xin phác thảo sơ lược gia cảnh của một trong số các cô gái đó. Đó là gia đình Thạch Thị Mỹ P - cô gái trẻ nhất trong nhóm, là người dân tộc Khmer. Cô bị lừa sang Thái Lan đẻ thuê khi tuổi đời vừa tròn 19, và may mắn là P đã thoát nạn.

Phận đời cơ cực

Nhà P nép dưới chân con đê biển trong một xóm nghèo chừng 16 hộ, bủa quanh là rừng hun hút. Đó là ấp Biển Đông B của xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu). Nhà P thuộc diện nghèo nhất nhì xóm. Trước kia, đó chỉ là cái chòi nhỏ. May mắn chính quyền xã đã giúp xây cho căn nhà tình thương từ 3 năm trước.

Mà có sang trọng gì cho cam! Cũng chỉ là vách lá đơn sơ, cây rừng, có chăng là mái tôn che mưa, dạt nắng. Đến nỗi cái chuồng vịt cũng nằm lọt hẳn vào trong nhà để có chỗ chăn nuôi cải thiện bữa ăn. Bởi gia đình cô, đến mảnh đất chọi chim cũng không có.

Bên kia đê là mé biển, loại bờ biển thừa bùn thiếu hải sản, chạy dài hơn 4 cây số vút ra biển Đông. Đi dọc tuyến đê, cứ 2-3 cây số là có 1 cụm nhà nhỏ giống như nhà của P vậy. Cuộc sống ai nấy cũng thiếu thốn tứ bề, nên đa phần nhà nào cũng cho con cái đi làm thuê kiếm sống.

Chị Trần Thị H (48 tuổi, mẹ của P), tay bế cháu ngoại, đang đứng cùng đứa em gái út của P vừa đi mò cua về tới. Nhận được tin dữ, chị ngỡ ngàng: “Nó đang cùng anh trai làm thuê cho chủ ở Sài Gòn mà?”. Nhưng sự thật vẫn là sự thật.

Chị H - kể: Nhà có 2 vợ chồng cùng 5 con (2 trai và 3 gái. P là đứa cận út, đẹp người, đẹp nết). Đứa con gái lớn đi làm mướn từ lúc 17 tuổi, rồi có chồng, có 1 con gái (3 tuổi), nhưng vì quá nghèo cũng đành gửi con cho mẹ để đi làm thuê tận Cà Mau.

Thằng con trai lớn (26 tuổi), cũng có thâm niên 5 năm làm thuê ở Sài Gòn, lương cũng chỉ đủ miệng ăn cho vợ con. Còn thằng con trai kế đó (23 tuổi) cũng đi nhiều tỉnh làm thuê, Tết rồi cũng không tìm về nhà vì kiếm đâu ra tiền xe”.

Chị H chỉ đứa con gái út mới 9 tuổi; nói: “Còn nhỏ này, hàng ngày phải theo tui đi mò cua, bắt ốc, lựa con ruốc mướn”. Còn anh Thạch R (50 tuổi, cha của P) khuôn mặt rất hiền lành, chân chất, suốt ngày cứ ở ngoài biển câu cá ngát, hy vọng kiếm vài chục ngàn về đưa vợ mua gạo đắp đổi qua ngày... Nhưng anh R bệnh tật rề rề, khi trái gió trở trời thì coi như đói. Bởi vậy, cứ đứa nào lớn một chút là tách khỏi gia đình đi làm mướn ngay.

Bi kịch đến từ nghèo.

Cách đây gần 2 năm, P theo anh trai lên Sài Gòn ở mướn. Hàng ngày, anh thì chở đồ đi giao cho chủ, còn P thì phụ việc gia đình. Ba tháng trước Tết Tân Mão, P về Bạc Liêu thăm gia đình. Nhưng suốt tuần lễ ở nhà, P loay hoay chuyện lo hộ chiếu đi du lịch. Sau đó, cô đi chụp tấm ảnh, để lại cùng 1 triệu đồng để cha, mẹ mua gạo ăn trong những ngày giáp Tết.

Chị H buồn bã: “Đêm chuẩn bị đi xa, nó thức trắng. Tới gần sáng, nó bảo kỳ này con đi xa, lâu lắm con mới về. Mẹ gắng lo cho em và cha. Con để cái áo ấm cũ trên đầu giường, mẹ kêu cha mặc đi biển cho đỡ lạnh, con làm có tiền mua cái khác. Chuyến này con kiếm tiền về cho mẹ cất lại nhà, có ít vốn mua cái cào mới cho cha đi cào...”.

Giờ đây, biết chuyện, chị H chỉ biết kêu trời! Tội cho P, đứa con gái mà cái xóm nghèo này ai cũng yêu, cũng mến. Chị Bảy Nhơn - bán rau cải ở đầu lộ đê biển, khen: “Nó ngoan từ nhỏ, đi mò cua khi còn đứng ngang lưng quần mẹ. Chừng lớn cao hơn mẹ thì nó đi ở mướn”.

Bà Sáu Tình - người trong xóm, cũng khá hiểu gia đình P, tâm sự: “Bầy con của con H có học hành gì đâu. Con P học cao nhất nhà, cũng chỉ lớp 2, khi nó theo mẹ làm mướn ở Thốt Nốt (Cần Thơ) thì học lớp 1; lớp 2 thì học lớp tình thương. Mà mới học được mấy tháng thì nghỉ rồi. Nó đọc chữ còn chưa “chạy”, may mà có sức khỏe đi làm mướn”.

Chị Châu Thị Sáng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Trạch Đông, đồng cảm: “Ở đây phụ nữ nghèo còn nhiều, mỗi người mỗi hoàn cảnh đáng thương, có điều tất cả họ có bản chất hiền lành, chịu khó. P rất tốt với bạn bè, thương cha mẹ và có lẽ cũng vì muốn có tiền cho cha sản xuất, vô tình bị lừa mà không hay biết”.

Còn Ông Trần Ngọc Chiến - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông, xúc động: Sự việc lần này là điều đáng tiếc, nhưng cũng có phần lớn nguyên nhân là từ hoàn cảnh. Vĩnh Trạch Đông là xã nghèo ven biển, có đông đồng bào dân tộc Khmer, đa phần làm muối, nuôi tôm, ruộng rẫy… nên rất nghèo.

Theo ông, chính quyền xã sẽ cố gắng nhiều hơn trong cuộc chiến chống đói nghèo để người nghèo có điều kiện vươn lên, đẩy lùi cái nghèo, tăng gia sản xuất sẽ hạn chế số người bỏ xứ đi làm thuê và lâm vào cảnh túng khó, mắc lừa kẻ khác.

http://danviet.vn/34016p1c24/sang-thai-lan-de-thue-nan-nhan-cua-cai-ngheo.htm



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo