Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Những người “chi bạo” thường là những người có được đồng tiền không phải từ sự chắt chiu, tần tảo, từ cạnh tranh gay gắt. Do kiếm tiền dễ dàng, cư xử của họ với đồng tiền trở nên không đúng mực. Những người này thường có cách tiêu tiền xa hoa, phô trương… Không thể không nhắc tới những người xài hoang do kiếm được tiền từ việc tham nhũng, từ việc lợi dụng cơ chế xin – cho, hay các thủ tục cấp phép… để trục lợi. Về xu hướng “chi bạo” của một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam hôm nay, khi mà đời sống chung của xã hội đã được cải thiện, mặt bằng chung được nâng lên so với trước đây, người tiêu dùng có quyền hưởng thụ cao hơn, tôi nghĩ nên có sự tách bạch các đối tượng khác nhau. Trước hết, đó là những người làm giàu một cách chân chính do thành đạt trong sự nghiệp, do thành công trên thương trường, do khai thác được những cơ hội và lợi thế trong hội nhập. Khoảng cách giàu – nghèo đang ngày càng doãng ra. Đa số người dân còn nghèo, hoặc vừa thoát nghèo. Ở đây có một bất hợp lý đáng lo ngại: còn thiếu những điều tiết nhằm khuyến khích làm giàu chính đáng và chưa tạo được nhiều cơ hội cho người nghèo tăng thêm thu nhập. Ở lĩnh vực kinh doanh, một số doanh nhân do khai thác được những kẽ hở, những điểm chưa hợp lý của cơ chế chính sách, pháp luật và vô hình trung cơ chế chính sách chưa hoàn thiện đã tạo điều kiện cho họ “phất” lên (ví dụ trong lĩnh vực đất đai, nhiều người trở thành đại gia bất động sản lớn do đã tận dụng được cơ chế chính sách bất chấp một bộ phận nông dân bị mất ruộng đất và bị bần cùng hoá). Một số khác, số này khá nhiều, do có những quan hệ riêng, họ khai thác và hưởng lợi từ việc “kinh doanh quan hệ” nên đã kiếm được tiền và giàu lên một cách nhanh chóng – đối lập với những doanh nghiệp sản xuất rất vất vả trong việc tìm kiếm lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, hiện tượng “chi bạo” có chiều hướng phát triển thành một xu hướng tiêu dùng ở nước ta. Phải thấy là những người có tiền luôn có những cách đối xử với đồng tiền khác nhau và không phải ai kiếm được nhiều tiền cũng “chi bạo”, nếu không nói đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Nhìn ra thế giới, không ít tỉ phú sống rất giản dị. Những người “chi bạo” thường là những người có được đồng tiền không phải từ sự chắt chiu, tần tảo, từ cạnh tranh gay gắt. Do kiếm tiền dễ dàng, cư xử của họ với đồng tiền trở nên không đúng mực. Những người này thường có cách tiêu tiền xa hoa, phô trương… Không thể không nhắc tới những người xài hoang do kiếm được tiền từ việc tham nhũng, từ việc lợi dụng cơ chế xin – cho, hay các thủ tục cấp phép… để trục lợi.
Trên phạm vi cả nước, chênh lệch giàu nghèo không giảm mà tăng lên từ 8,1 lần năm 2002 đến 8,9 lần năm 2008 (Kết quả điều tra mức sống hộ gia đình năm 2008. Hà Nội, 2010 – nguồn: tổng cục Thống kê). So với mức sống còn thấp mặc dù đã được cải thiện của người dân Việt Nam, thì mức chênh lệch giàu nghèo gần 9 lần như vậy là rất cao. Trong ảnh: người nghèo mưu sinh tại thành phố trọng tâm kinh tế của cả nước, nơi mà theo nghiên cứu “Mức sống kết hợp với môi trường sống của các hộ gia đình tại TP.HCM” của viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thực hiện tại 12 quận huyện hoàn thành đầu năm 2010 thì chênh lệch giàu nghèo lên tới 6,9 lần. Ảnh: Ảnh: Hồng Thái |
Tôi muốn đề cập thêm về không ít người trong bộ máy nhà nước ta, đồng lương eo hẹp chỉ đủ “giật gấu vá vai”, việc mưu sinh tồn tại rất khó khăn. Đó là những người làm công nhân, y tá, hộ lý, giáo viên… Trong số họ, tỷ lệ có thu nhập từ làm thêm không cao. Một số có thêm thu nhập ngoài lương do lịch sử (ví dụ đã từng có tiền do ở nước ngoài về) hoặc giàu nhanh do có thông tin, năng nổ “chân trong chân ngoài”, chớp được những cơ hội biến động giá cả, những cơn sốt bong bóng trên thị trường vàng, bất động sản, chứng khoán… Phần lớn họ tiêu xài phù hợp, ngoài một số xài sang theo kiểu “bù cho những lúc không tiền”! Người nhiều tiền “chi bạo” đã đành, nhưng ngay cả một số người chưa làm ra tiền, hoặc kiếm tiền chỉ vừa đủ tiêu, vẫn đua nhau xài sang, chơi hàng hiệu, hàng cao cấp… Một phần do hệ luỵ trực tiếp hay gián tiếp của những người làm ra tiền, ví dụ con cái tiêu tiền do cha mẹ kiếm, đã thể hiện “văn hoá tiêu tiền” trong nhiều mái nhà với những cách tiêu xài không phù hợp với hoàn cảnh đất nước, gia đình; quên mất những điều cha ông ta đã cảnh báo: “miệng ăn núi lở”, “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”… Một xã hội văn minh luôn đòi hỏi cách ứng xử với đồng tiền một cách có văn hoá. Điều này cũng thể hiện sự nhân bản của con người với nhau. Chúng ta không phê phán việc chi tiêu nói chung mà chỉ phản ứng với cách tiêu xài thái quá, đến mức phản cảm, trong điều kiện số đông còn nghèo. Đây là lúc đất nước ta đang gồng mình chống lạm phát, phải chắt chiu từng đồng ngoại tệ để đầu tư cho sản xuất. Việc tiêu hoang, chi bạo, xài sang… phải được coi là hành vi khó coi với dân tộc, với cộng đồng xã hội, với đất nước. Đua nhau tiêu xài đồ nhập khẩu, hàng hiệu, ôtô xịn… là không phù hợp, không bảo vệ đồng nội tệ, không yêu nước và không ủng hộ phong trào, nếp ứng xử “người Việt dùng hàng Việt”. Sức mạnh một dân tộc trong nhiều trường hợp đã có được, đã được nhân lên, nhờ những ứng xử văn hoá. Thiết nghĩ, trong trường hợp này là cách ứng xử có văn hoá đối với đồng tiền, là cách tiêu dùng phù hợp với hoàn cảnh đất nước và gia đình của những người có tiền chân chính. http://sgtt.vn/Loi-song/141130/Chi-bao-%E2%80%93-hanh-vi-kho-coi-voi-dan-toc-voi-dat-nuoc.html