Đài Loan phản ứng về Biển Đông - Dân Làm Báo

Đài Loan phản ứng về Biển Đông

Đài Loan lên tiếng khẳng định các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ 'không thể tách rời' của mình.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi có các thông tin về chuyến thăm Việt Nam của Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Quách Bá Hùng trong tuần rồi.

Các bản tin từ Hà Nội nói Biển Đông là một trong các chủ đề hội đàm giữa Tướng Quách và các lãnh đạo Việt Nam.

Hai bên cũng khẳng định Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách giải quyết các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông một cách hòa bình.

Sự kiện nói trên khiến Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm Chủ nhật 17/04 ra thông cáo khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo tại Biển Đông.

Bộ này nói cho dù nhìn từ khía cạnh nào, lịch sử, địa lý hay pháp lý, "các quần đảo Nam Sa (Trường Sa), Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa và Đông Sa, cùng với các vùng biển phụ cận và thềm lục địa đều là lãnh thổ gắn liền của Đài Loan".

Thông cáo cũng khẳng định Đài Loan sẽ không chấp nhận bất cứ tuyên bố chủ quyền cũng như sự chiếm đóng của bất cứ quốc gia nào khác tại các vùng biển và hải đảo nói trên.

"Các quốc gia xung quanh cần tôn trọng nguyên tắc và tinh thần luật quốc tế, tránh đưa ra các biện pháp đơn phương có thể làm ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định tại Biển Đông."

Bộ Ngoại giao Đài Loan nói nước này sẽ thương lượng để cùng khai thác nguồn lợi ở Biển Đông với các nước khác, dựa trên nguyên tắc "bảo vệ chủ quyền, tạm gác tranh chấp, duy trì hòa bình, nhân nhượng và cùng khai thác".

Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei đều đang tuyên bố chủ quyền với từng phần hoặc toàn bộ 3,5 triệu cây số vuông ở Biển Đông.

Tuyên bố về chủ quyền tại Biển Đông của Đài Loan, mà Trung Quốc coi là một tỉnh của mình, cũng trùng với tuyên bố của Trung Quốc.

Tranh chấp lãnh thổ

Thời gian gần đây, sau khi Tổng thống Mã Anh Cửu lên cầm quyền, chính phủ Đài Loan không lên tiếng mạnh về chủ quyền Biển Đông vì ngại phương hại cho quan hệ mới ấm lên qua eo biển.

Tuy nhiên nay có nhiều ý kiến tại đảo quốc kêu gọi chính quyền tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán về Biển Đông để không bị "qua mặt".

Học giả Liu Shih-chung, từ quỹ nghiên cứu Taiwan Brain Trust, nói với hãng thông tấn trung ương Đài Loan: "Cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp lãnh thổ là tăng đối thoại song phương và đa phương nhằm ngăn chặn phát sinh căng thẳng".

"Đài Loan phải tham gia các cuộc đối thoại này."

Ông Liu nhận định: "Chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu quá im tiếng về chủ đề Biển Đông vì không muốn ảnh hưởng tới quan hệ giữa Đài Loan và Hoa lục".

Học giả này nói Đài Loan đã nhiều lần đề xuất với Trung Quốc về hợp tác trong bảo vệ chủ quyền Biển Đông nhưng không được đáp ứng.

Việc Đài Loan không được mời tham gia các thảo luận đa phương là vì nhiều quốc gia trong khu vực không công nhận nước này.

Tuy nhiên một số nước như Việt Nam vẫn hoan nghênh sự có mặt của học giả Đài Loan trong các hoạt động hội thảo hay nghiên cứu.

Lần cuối cùng Đài Loan lên tiếng khẳng định chủ quyền tại Biển Đông là vào tháng Bảy năm ngoái, khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói tại hội nghị an ninh khu vực ở Hà Nội rằng Mỹ có quan tâm quốc gia đối với tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông.

Đài Loan cho rằng các nước Asean muốn có hiện diện của Mỹ tại khu vực vì quan ngại về bá quyền Trung Quốc.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/04/110418_taiwan_scs.shtml

 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo