Bút Lông - 23h30 phút đêm 1-5, tổng thống Mỹ Barack Obama lên tivi thông báo rằng trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị tiêu diệt bởi lính Mỹ. Sau bình luận của tổng thống “công lý đã được thực thi”, người dân New York đã reo hò ngay trên nền hai ngôi tháp ITC, nơi 10 năm trước từng bị Bin Laden đánh sụp.
Ít ai biết để có được phút giây công bố đầy sung sướng đó, nhà lãnh đạo từng được trên 300 triệu cử tri Mỹ uỷ quyền kia đã phải nhọc nhằn thế nào. Năm 2009, ngay khi lên nắm quyền, tổng thống Obama đã chỉ đạo giám đốc CIA Panetta “phải coi việc giết hoặc bắt bin Laden là ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống lại al-Qaeda của chúng ta”. Chuyện này đã được ông Obama nhắc lại trong bài phát biểu tối 1-5 và thay mặt nhân dân, tổng thống cảm ơn những nhân viên tình báo và chống khủng bố đã nỗ lực không mệt mỏi để đạt được kết quả.
Nghe Tổng thống cảm ơn những người lính giấu mặt mà “người dân Mỹ không nhìn thấy và cũng không biết đến tên của họ” đó, báo Mỹ bình luận “dường như chính ông Obama thì (lại) biết được công việc của họ khi nó đang diễn ra”. Được báo tin từ tháng 8-2010, định vị được vị trí bin Laden ẩn náu từ tháng 2 năm nay, suốt tháng 3 lên kế hoạch hành động, chiều 1-5 dường như chính tổng thống đã trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Một tấm hình được công bố cho thấy ông Obama, bộ trưởng Ngoại giao, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cùng nội các đang chăm chú theo dõi tường thuật trực tiếp cuộc đột nhập thực thi công lý từ các camera chuyên dụng, đến tận khi trùm khủng bố nhận “phát đạn công lý” vào đầu.
Tổng thống Obama đã “ăn điểm” với cử tri ngay sau đó, mà lý do không phải vì ông là người công bố tin, mà vì ông đã song hành và cùng góp phần tạo ra tin đó.
Được biết 10 năm qua việc truy tìm và tiêu diệt bin Laden và tổ chức al-Qaeda đã trở thành chương trình hành động ưu tiên của mọi ứng viên tổng thống mà ông Obama cũng không ngoại lệ. Lý do đơn giản bởi không chỉ hơn 3.000 người thiệt mạng trong hai toà tháp ITC, mà còn hàng chục vụ khủng bố đẫm máu khác do al-Qaeda gây ra (và nạn nhân đều là dân thường) đã gây lo sợ khắp thế giới.
Vì thế tin mừng do ông Obama thông báo đã không chỉ làm người dân Mỹ mà cả thế giới hoan hỉ. Và cũng bởi công lý mà nhà lãnh đạo nước Mỹ nói tới đó không phải là ân huệ của quyền lực mà là thực thi bổn phận do hàng trăm triệu cử tri ủy quyền. Điều đó còn chứng tỏ, một nhà nước được lập ra là phải bảo vệ được thường dân của mình bằng mọi giá, mọi cách chứ không phải tồn tại vì những “lợi ích” chung chung.