Về ý nghĩa của bức Kháng Thư do Tiền Vệ và Da Màu phổ biến - Dân Làm Báo

Về ý nghĩa của bức Kháng Thư do Tiền Vệ và Da Màu phổ biến

Tiền Vệ & Da Màu - Bức KHÁNG THƯ không chỉ đòi hỏi trả tự do ngay tức khắc cho Bùi Chát, mà còn đòi hỏi phải chấm dứt mọi hành động sách nhiễu và đe doạ (mà sự bắt giữ chính là một trong những hình thức sách nhiễu và đe doạ có hiệu quả nhất của chính quyền Việt Nam) đối với giới văn nghệ sĩ và trí thức độc lập tại Việt Nam. Nghĩa là chúng ta không chỉ đấu tranh cho từng trường hợp cá nhân, không chỉ đợi đến khi có một cá nhân nào bị sách nhiễu và đe doạ thì chúng ta mới lên tiếng bênh vực cho cá nhân đó, mà chúng ta phải đấu tranh cho tương lai chung của giới văn nghệ sĩ và trí thức độc lập tại Việt Nam...

*

Hôm nay chúng tôi nhận được một số email từ văn hữu với nội dung liên quan đến bức KHÁNG THƯ: PHẢN ĐỐI HÀNH ĐỘNG ĐE DỌA, SÁCH NHIỄU, VÀ XÂM PHẠM QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN CỦA VĂN NGHỆ SĨ VÀ TRÍ THỨC VIỆT NAM.

Vài văn hữu cho biết rằng họ đã tham gia ký tên vào bức KHÁNG THƯ. Vài văn hữu khác nói rằng họ chưa kịp ký tên vào bức KHÁNG THƯ, thì đã nghe tin nhà thơ Bùi Chát được tạm thả.

Ở đây, chúng tôi thấy có hai điều cần được nhấn mạnh:

- Được “tạm thả” không có nghĩa là “được trả tự do”. Người được “tạm thả” có thể phải bị triệu hồi nhiều lần nữa để tiếp tục điều tra và có thể bị bắt giam trở lại bất kỳ lúc nào, nghĩa là vẫn còn ở trong vòng quản chế của công an, vẫn là đối tượng của sự theo dõi của công an.

- Nội dung của KHÁNG THƯ không chỉ nhắm vào mỗi một việc là yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay tức khắc cho nhà thơ Bùi Chát. Vì thế, ngay cả NẾU nhà thơ Bùi Chát đã “được trả tự do” thì điều đó thoả mãn chỉ một yêu cầu gần nhất của bức KHÁNG THƯ.

Bức KHÁNG THƯ đã nêu rõ 3 yêu cầu đối với chính quyền Việt Nam:

1. Phải trả tự do ngay tức khắc cho nhà thơ Bùi Chát.

2. Phải chấm dứt mọi hành động sách nhiễu và đe doạ đối với giới văn nghệ sĩ và trí thức độc lập tại Việt Nam.

3. Phải tôn trọng quyền tự do xuất bản và tự do ngôn luận, vốn là yếu tố căn bản của quyền làm người và là điều kiện căn bản của một xã hội dân sự như đã được công nhận trong bản Hiến Pháp của Việt Nam và trong công pháp quốc tế.

Trong 3 yêu cầu trên, yêu cầu đầu tiên nhắm vào mục đích gần nhất: giành lại sự tự do cho cá nhân nhà thơ Bùi Chát.

Hai yêu cầu tiếp theo nhắm vào những mục đích lớn rộng hơn, và đó chính là những mục đích căn bản của cuộc đấu tranh cho các quyền tự do của văn nghệ sĩ và trí thức độc lập đang sinh sống tại Việt Nam.

Sự kiện nhà thơ Bùi Chát bị bắt vào đêm 30.4.2011, ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất sau chuyến đi Argentina để lãnh Giải Thưởng Tự Do Xuất Bản năm 2011 do Hiệp Hội Các Nhà Xuất Bản Quốc Tế trao tặng tại Buenos Aires ngày 25.4.2011, là một ví dụ hết sức cụ thể của hành động sách nhiễu và đe doạ của chính quyền Việt Nam đối với giới văn nghệ sĩ và trí thức độc lập tại Việt Nam (mà trước đây đã từng có rất nhiều ví dụ khác). Nghĩa là, qua đó, chúng ta phải thấy rằng không chỉ riêng Bùi Chát, mà bất kỳ văn nghệ sĩ và trí thức độc lập nào khác ở Việt Nam cũng có thể bị bắt giữ như thế vào bất kỳ lúc nào trong tương lai (như đã không ngừng diễn ra trong quá khứ), và chúng ta, ngay trong lúc này, phải nhân sự kiện cụ thể này để khai triển cuộc đấu tranh đến một tầm mức lớn rộng hơn và triệt để hơn.

Bởi thế, bức KHÁNG THƯ không chỉ đòi hỏi trả tự do ngay tức khắc cho Bùi Chát, mà còn đòi hỏi phải chấm dứt mọi hành động sách nhiễu và đe doạ (mà sự bắt giữ chính là một trong những hình thức sách nhiễu và đe doạ có hiệu quả nhất của chính quyền Việt Nam) đối với giới văn nghệ sĩ và trí thức độc lập tại Việt Nam. Nghĩa là chúng ta không chỉ đấu tranh cho từng trường hợp cá nhân, không chỉ đợi đến khi có một cá nhân nào bị sách nhiễu và đe doạ thì chúng ta mới lên tiếng bênh vực cho cá nhân đó, mà chúng ta phải đấu tranh cho tương lai chung của giới văn nghệ sĩ và trí thức độc lập tại Việt Nam.

Không chỉ đòi hỏi chính quyền Việt Nam chấm dứt những hành động phản công lý ấy, chúng ta còn phải đòi hỏi chính quyền Việt Nam thực sự tôn trọng quyền tự do xuất bản và tự do ngôn luận. Vì chỉ khi nào quyền tự do xuất bản và tự do ngôn luận được thực sự tôn trọng, thì khi ấy văn nghệ sĩ và trí thức độc lập ở Việt Nam mới được sống và làm việc như những con người tự do thực sự.

Ý thức rằng cuộc đấu tranh sẽ có tác dụng mạnh mẽ hơn nếu có sự ủng hộ của dư luận quốc tế, bức KHÁNG THƯ không chỉ được phổ biến bằng tiếng Việt mà còn được phổ biến bằng những sinh ngữ quan trọng như Anh, Pháp, Tây-ban-nha, Nhật và Trung Hoa.

Nói tóm lại, nhân sự kiện nhà thơ Bùi Chát bị bắt giữ, bức KHÁNG THƯ xuất hiện như một sự khởi động cho một cuộc đấu tranh với ý nghĩa rộng lớn hơn. Tham gia ủng hộ bức KHÁNG THƯ là thể hiện nhận thức về nhu cầu tự do thực sự cho sinh hoạt văn hoá và nghệ thuật, là góp phần tạo nên một tiếng nói chung mang giá trị nhân bản phổ quát để chống lại những quyền lực độc đoán và phi lý, và đồng thời biểu lộ mối quan tâm đối với sinh mệnh của những văn nghệ sĩ và trí thức độc lập ở Việt Nam, những người phải thường xuyên đương đầu với những hành động sách nhiễu và đe doạ chỉ vì họ muốn nói lên những sự thật.

Ban biên tập Tiền Vệ & Ban biên tập Da Màu

http://damau.org/archives/19834



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo