Nguyễn Tuấn Phong (danlambao) - Không phải ngẫu nhiên Trung Quốc “gây hấn” với Việt Nam về vấn đề Biển Đông trước thềm “hội nghị thượng đỉnh an ninh Châu Á - Shangri-La”. Phương châm 16 chữ 4 tốt đã được đưa vào Nghị quyết của Bộ Chính Trị hai nước và có thể mặc định xem như “cái bắt tay” có dấu xác nhận mộc đỏ hẳn hoi trong khung cảnh quan hệ mà mọi người gọi là hữu hảo. Tuy nhiên cái quan hệ đồng chí đó có còn trong ấm ngoài êm hay không thì phải xét lại khi thời điểm tháng 7/2011: bầu nhân sự cấp cao Việt Nam gần kề.
Cuộc chạy đua nào cũng phải kết thúc ở điểm đích đến, nhưng quan trọng trong mối quan hệ Việt – Trung đang vào giai đoạn nước rút có thể có thay đổi lớn thì “vận động viên” nào có khả năng cán mức đầu tiên phải được dự báo trước. Nhà tân vô địch này có trách nhiệm gánh trên vai việc điều hòa con tàu “Việt Trung” đi vào quỹ đạo cài đặt sẵn, không cho phép lệch dù là sai số nhỏ nhất.
Ở đây chúng ta không bàn luận về một cuộc chạy đua việt dã thông thường. Điều quan tâm nhất hiện nay là ba vị trí nhất, nhì và ba sẽ thuộc về “vận động viên” nào trong tốp đầu Bộ Chính Trị. Cuộc đua nào cũng có sự cạnh tranh quyết liệt, để đoạt ngôi vô địch thì không ai từ bỏ thủ đoạn nào kể cả vận động hành lang.
Quay lại vấn đề “đùng đùng, đoàng đoàng” ở biển Đông những ngày qua. Đã có rất nhiều nhận định, phân tích đánh giá sự kiện tàu hải giám Trung Quốc cắt đứt sợi cáp to bằng sợi dây điện của tàu Bình Minh 02, và mới đây nhất là ngang ngược phá cáp của tàu Viking II trên vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam. Dư luận từ trong nước cho đến quốc tế phập phồng lo sợ cho một cuốn chiến tranh khu vực có thể xảy ra nếu hai bên không kềm chế và tiếp tục “cứng rắn” đáp trả theo kiểu chợ búa như giữa bà Nga và bà Du. Chúng ta hãy bình tĩnh và thận trọng suy xét, đặt câu hỏi và tự trả lời rằng: Ai là người được lợi nhất trong biến cố biển đông này?
Mọi người đều biết rằng: Trung Quốc chạy đua vũ trang để cạnh tranh với Mỹ và Liên Xô, điều này thể hiện rõ nhất qua ngân sách quốc phòng ngày càng tăng cao và những pha “show” hàng vũ khí chiến lược của nước này. Việt Nam không có “cửa” để bước vào cuộc đua này vì nếu tự tin so sánh tương quan lực lượng sẽ là rất khập khiễng.
Với công nghệ quốc phòng hiện đại hiện nay của Trung Quốc kết hợp vệ tinh do thám được “bung càng” sau các cuộc phóng tàu “Thần Châu”, không khó khăn gì để phát hiện các tàu của Việt Nam đang thăm dò khí đốt, kể cả đánh bắt cá ven bờ ngay trong nội địa vùng biển Việt Nam. Vậy nên Trung Quốc có thể dễ dàng cho tàu của mình cắt cáp hay có bất cứ hành động nào (như đã từng gây ra cho ngư dân thời gian qua) đối với các tàu của Việt Nam trong bất cứ thời điểm nào. Do đó sự việc ngày 26/5 và 09/06 như là cú “hích” nhẹ “đẩy” bật những “vận động viên” hăm he muốn chiếm vị trí chỗ ngồi của một trong ba chiếc ghế đặt sẵn mà không có năng lực “phán đàm” (ngược với đàm phán) thật sự.
Một mũi tên trúng hai đích, các vị lãnh đạo BCT Trung Quốc đang “ngấm ngầm” giúp cho các đồng chí của họ ở BCT của đảng CSVN được dịp lên mặt với bạn bè quốc tế và khu vực. Kịch bản của sự kiện cắt cáp sẽ kết thúc ngay sau khi danh sách nhân sự cấp cao mới của Việt Nam được thông cáo rộng rãi. Việc từng bước thống trị Việt Nam luôn luôn dễ dàng với những người cầm đầu ngoan ngoãn trong BCT đảng CSVN. Quá khứ và hiện tại đã chứng minh điều đó. Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên hoan hô Việt Nam chọn được ba người có thể mò mẫm đi đêm để giải quyết vấn đề Biển Đông... theo hướng của thiên triều. Ngược lại ba người này đang thầm cảm ơn Trung Quốc vì đã hướng mọi ánh mắt nhìn về Biển Đông.
Cho đến thời điểm này, tiểu ban bầu chọn nhân sự cấp cao chưa nhận được một lá thư khiếu nại tố cáo hay ý kiến gì cho danh sách dự kiến tháng 7/2011 (so với kỳ vừa rồi tỷ lệ là 0/143 đơn hợp lệ, tính đến 0h00 ngày 6/6/2011). Đó là một tín hiệu bất thường nhất trong các kỳ bầu chọn nhân sự cấp cao.