Biển Đông đang sặc mùi dầu hỏa và bành trướng Trung Hoa - Dân Làm Báo

Biển Đông đang sặc mùi dầu hỏa và bành trướng Trung Hoa

Nguyễn Nghĩa 650 (danlambao) - Bất luận ý đồ của TQ là những gì qua sự kiện cắt dây thăm dò dầu khí của tầu Bình minh 02 tại hải địa cách bờ biển Việt nam 120 hải lý ngày 26/5/11, cắt dây kéo giữ thiết bị dàn trải cáp thu và gây rối 4 đường cáp thu phía bên trái tàu Viking II ngày 9/6/2011, thì từ nhữngsự kiện ấy, mùi dầu hỏa và mùi bành trướng cũng sặc lên nồng nặc.

Ba ngày trước ngày 26/5/11 máy bay trinh sát của TQ bay lượn trên vùng biển này. Sau ngày 26/5, họ lại bay trinh thám tiếp tục.

Ngày 23/5/2011, CNOOC (tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia TQ) đã tiếp nhận giàn khoan CNOOC 981, một giàn khoan khổng lồ để đưa vào phục vụ khai thác dầu khí trên biển Đông. Giàn khoan CNOOC 981 có số tiền đầu tư lên tới 923 triệu USD và có khả năng khai thác ở độ sâu 3.000m dưới biển, trong khi công suất các giàn khoan hiện có của Trung Quốc chỉ khai thác được ở độ sâu 500m. Giàn khoan trên sẽ được lắp đặt ở Biển Đông và đưa vào vận hành vào tháng 7/2011.

Địa điểm hoạt động của giàn khoan này có thể sẽ là 1 trong số 19 lô đã được công bố trên trang mạng của tập đoàn này. Cũng có thể là không. Với tính cách bất chấp lẽ phải của TQ ta có quyền đề cập tới cả phán đoán việc thử phản ứng của VN để đặt giàn khoan (bây giờ, hay trong tương lai ) ở một địa điểm rất gần VN.

Có thể chăng: địa điểm mà tầu Bình minh đang thăm dò có trữ lượng dầu đủ lớn làm TQ quan tâm ?

Sáng 9/6, tàu Viking II của Việt Nam bị một tàu cá Trung Quốc cắt dây kéo giữ thiết bị dàn trải cáp thu và gây rối 4 đường cáp thu phía bên trái tàu. Trung Quốc phá cáp thăm dò của Việt Nam, 'Trung Quốc đang sử dụng vỏ bọc bán quân sự trên Biển Đông

Đây là phản ứng kiểu nước lớn, bất cần, thể hiện: ta mới là người quyết định tình hình Biển Đông chứ chính phủ Việt Nam, các cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn có ý nghĩa gì. Nếu Trung quốc muốn, Trung quốc cứ làm. Y hệt như khi Bộ trưởng ngoại giao Trung quốc khi chỉ vào Ngoại trưởng Singapore ở ASEAN 2010 Hà nội: nước các anh chỉ là nước nhỏ.

Đây là một sai lầm rất lớn của Trung quốc về ngoại giao. Nếu Việt nam tiếp tục kiềm chế tránh dùng quân sự, nhưng cương quyết bảo vệ lãnh hải và đưa các sự kiện này ra quốc tế. Việt Nam sẽ có uy tín trong Asean trước các vấn đề liên quan đến đoàn kết Asean và Trung quốc.

Chính phủ Việt Nam cần sử dụng triệt để sự kiện liên tiếp các ngày 26/5 và 9/6 này nhằm chứng minh trước dư luận quốc tế, dư luận Asean và LHQ hành động xâm phạm chủ quyền có chủ tính này của Trung quốc, vạch trần sự giả dối của chủ thuyết “trỗi dậy một cách hòa bình của Trung quốc”. Ngoại giao Trung quốc sẽ bị ghi điểm trừ.

Đây cũng là chiến sách mới của Trung quốc, sau khi đã hiểu cách hành xử của Hoa kỳ. Hành xử này tương tự như Mao ngày xưa: Nếu mi không động đến ta, ta sẽ không động đến mi. Tức là: nếu các hành động của Trung Quốc chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh hàng hải quốc tế, có thể Hoa kỳ chỉ lên tiếng theo kiểu: Phản đối những hành động không tôn trọng luật pháp quốc tế.

Để vô hiệu hóa các can thiệp của Hoa kỳ, Trung quốc sẽ sử dụng vỏ bọc bán quân sự trong các hành động tiếp theo.

Tuy nhiên phán đoán hành động của Trung quốc không thể không nghĩ tới câu: hư hư, thực thực. Nếu họ muốn nhân cơ hội này đánh chiếm nốt Trường Sa, thì trong những ngày này, cảnh giác của Việt nam phải phát huy cao độ. Đừng tin lời nói hòa bình của Bộ trưởng Quốc phòng Trung quốc. Binh pháp cho phép việc binh được dối trá.

Qua phản ứng của TQ sau các vụ việc này, ta rút ra 6 kết luận mà phải quan tâm.

1. Trong tương lai, TQ sẽ tiếp tục đánh tráo khái niệm "vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam "là lãnh thổ Trung Quốc". Các tầu hải giám của Trung Quốc thực hiện những công việc hữu trách bình thường của họ trong lãnh hải ấy là thực hiện trong lãnh thổ Trung Quốc.

2. Họ sẽ tiếp tục làm mập mờ với dư luận thế giới rằng: Việt Nam và Trung Quốc đã có thỏa thuận ngầm về các khu vực khai thác dầu hỏa. Việt Nam đã vi phạm thỏa thuận ấy. Những thỏa thuận ngầm ấy có đề cập cả tới những địa điểm năm trong vùng 200 hải lý của Việt Nam.

3. Trung Quốc đã chính thức trở lại học thuyết "Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc".

4. Đường:"lưỡi bò chín đoạn" sẽ là cơ sở hoạch định lãnh hải Trung Quốc.

5. Để tránh sự can thiệp của Hoa kỳ, họ sẽ sử dụng vỏ bọc bán quân sự trong các hành động tiếp theo của họ.

6. Hoa kỳ sẽ có thể chưa cương quyết trong các ủng hộ quân sự cho Việt Nam như cảnh báo của giáo sư C.Thayer. Đây là sự trả giá cho chính sách ngoại giao của Việt Nam trong thập kỷ vừa qua.

Phản ứng của đảng và nhà nước Việt Nam là lên tiếng như bao lần về sự việc 26/5 trong buổi họp báo ngày 28/5/2011. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tại hội nghị Shangri-La 6/2011đã đề cập đến hành vi cắt cáp dò dầu khí của tầu Bình minh 02 ngày 26/5/11, tuy chưa gọi đích danh Trung quốc.

Ngày 9/6 ngay sau khi xẩy ra sự việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận việc tàu cá Trung Quốc cắt cáp tàu địa chấn Việt Nam xảy ra sáng 9/6/1.

Việc không công khai đàn áp dân chúng, thanh niên tuần hành tự phát ngày 5/6/11 tại Hà Nội và Sài Gòn, chứng tỏ nhà nước Việt Nam đã sợ trưng ra dư luận thế giới bộ mặt nhu nhược trước Trung Quốc của họ, bộ mặt vi phạm nhân quyền của họ qua vụ án xấu xa Cù Huy Hà Vũ.

Bên cạnh việc lên tiếng ngoại giao, giữ các cuộc biểu tình trong vòng kiểm soát của đảng và nhà nước Việt Nam, ta cũng ghi nhận họ vẫn bắt tạm giam những bloggers đã ủng hộ tích cực các cuộc biểu tình năm 2007, như Người Buôn Gió, Mẹ Nấm, Bùi Chát...

Để vạch trần hơn nữa trước thế giới hành động nghiêm trọng này của Trung Quốc,Việt Nam cần đưa các vụ việc này lên LHQ.

Trung tướng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh trong 1 cuộc họp báo tại Shangri-La đã phát biểu:

Việt Nam sẽ cố gắng hết sức để những sự việc như vừa rồi không leo thang, không tái diễn. Tuy nhiên, nếu như một bên nào đó muốn leo thang thì Việt Nam cũng sẽ có hành động để bảo vệ chủ quyền của mình, không thể ngồi im được.

Ta hãy xem khả năng tự bảo vệ mình của Việt Nam ra sao?

Trung Quốc là một trong những quốc gia sớm nhất thế giới đã tổng kết nghệ thuật chiến tranh. Tác phẩm tiêu biểu là binh pháp Tôn Tử.

Đặng Tiểu Bình còn hơm hĩnh nói rằng: Người Trung Quốc không làm việc gì mà không tính toán.

Người Việt Nam ta nói thẳng ra với bè lũ bành trướng phương bắc rằng: Người Trung Quốc có tính toán, nhưng rất có thể các người đã tính sai. Các người hay sai nhất khi những tính toán có liên quan đến người Việt Nam, lãnh thổ Việt Nam.

Binh thư yếu lược của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã trả lời các tính toán chiến tranh của Tôn Tử. Vua Trần Nhân Tông đã rõ ràng chỉ mặt bành trướng Trung Quốc và dặn dò di chúc:

“Các ngươi chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên, cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra nơi biên ải, các việc trên khiến ta nghĩ đến chuyện khác lớn hơn, tức là họ không tôn trọng biên giới quy ước. Cứ luôn luôn đặt ra cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta thì gậm nhấm ta, họ gậm nhấm đất đai của ta. Dần dần họ sẽ biến giang sơn của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy các ngươi phải nhớ lời ta dặn: một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không để lọt vào tay kẻ khác. Ta để lời nhắn nhủ này như là một lời di chúc cho muôn đời con cháu về sau”.

Tuy vậy, ta phải cùng nhau bình tâm mà tự phê bình mình rằng: Người Việt Nam đã không lường hết tính toán về lãnh thổ cụ thể là Biển Đông của người Trung Quốc từ 1949 đến nay. Hay nói rõ hơn, ban lãnh đạo ĐCS VN đã không lường hết thâm độc của các viện trợ quốc tế vô sản của Trung Quốc cho Việt Nam thời gian này, đã sao nhãng với bảo vệ lãnh hải trước bành trướng của Trung Quốc ra Biển Đông.

Cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam - Trung Quốc 1979, ngoài lý do trực tiếp là Việt Nam ngã hẳn theo Liên-Xô, đưa quân vào Cămpuchia, còn có lời cảnh cáo gián tiếp của Trung quốc: Việt Nam không được nghĩ đến giải phóng Hoàng Sa, nếu không hậu quả sẽ như cuộc chiến này.

Ngày hôm nay, nhìn các sự kiện xẩy ra ở Biển Đông trực tiếp liên quan đến lãnh hải Việt Nam, ta không thể không xót xa. Hai chuỗi các hòn ngọc lấp lánh trên Biển Đông: Hoàng Sa, Trường Sa thì đã để Trung quốc chiếm mất Hoàng Sa. Trường Sa từ 1984 cũng mất thêm một số đảo, gây hại lớn cho an ninh lãnh hải: làm bàn đạp cho các mưu tính quân sự, cũng như những đòi hỏi vô lý của họ về chủ quyền lãnh hải.

Vì vậy, việc giải mã những hành động gần đây của Trung Quốc và một đối sách dài hạn cho Biển Đông và an ninh lãnh thổ, lãnh hải là rất cần thiết đối với dân tộc Việt Nam thời Trung Quốc phát triển và bành trướng quyết liệt.

Tham vọng của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa đã có từ lâu, chủ yếu do vị trí chiến lược của hai quần đảo này. Nhật Bản cũng chiến đóng Hoàng Sa và Trường Sa trong thế chiến thứ 2 là ví dụ. Việc chiếm hoàn toàn Hoàng Sa 1974 bằng vũ lực từ trong tay của VNCH đã nói lên quyết tâm của bành trướng Trung Quốc.

Lúc này do các khảo sát địa chất của Hoa Kỳ, việc Biển Đông chứa đựng một tài nguyên lớn về khoáng sản nhất là dầu hỏa đã được dư luận thế giới đề cập đến.

Thế nhưng mặc dù kinh nghiệm 1974 và ý đồ rõ ràng của Trung Quốc với Biển Đông,1988 Việt Nam vẫn không chuẩn bị kỹ để đối phó với hải chiến. Một số đảo của Trường Sa do Việt Nam nắm giữ chủ quyền lại bị Trung Quốc chiếm bằng vũ lực năm 1988.

Nếu tính toán đến một trận hải chiến với Trung Quốc trong tương lai, Hải quân Việt nam phải có phương án dành lại cho được quần đảo Hoàng Sa và những đảo Trường Sa đã mất cho Trung Quốc 1988 cùng với việc hiển nhiên là bảo vệ an toàn cho các đảo đang thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Quan sát Đặng Tiểu Bình trong hải trận 1974 thì thấy rõ: Trung Quốc lúc đó rất sợ sự chống trả quyết liệt của VNCH. Nếu thời điểm ấy, cả VNDCCH cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc, và nếu VNCH kiên trì chống trả, chịu một hi sinh lớn hơn, thì chắc Trung Quốc không chiếm nổi Hoàng Sa. Nhưng sự việc đã không theo ý muốn, VNDCCH khi đó là một nước nhận viện trợ quốc tế vô sản của Trung Quốc, là một nước bị trói buộc bởi chủ nghĩa quốc tế vô sản, VNDCCH đã ngầm ủng hộ Trung quốc.

Như vậy thì đoàn kết dân tộc lúc nào cũng là yếu tố số 1 để bảo vệ tổ quốc.

Thứ nữa là việc quang minh chính đại thông báo với dư luận trong nước, dư luận thế giới về những hành vi ngang ngược của Trung Quốc, vạch trước các âm mưu của Trung Quốc về Biển Đông, cũng như thực hiện đoàn kết với các nước có tình huống bị Trung Quốc khiêu khích như Việt Nam để tranh thủ dư luận thế giới, tranh thủ sức mạnh mềm để bảo vệ biên cương, lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.

Bây giờ ta hãy xem kế hoạch bành trướng của Trung Quốc ra Biển Đông trong vòng 3 năm qua. Sau 3 thập niên tăng trưởng liên tục, kinh tế Trung Quốc đã mang cho nhà nước cộng sản này ngân sách khổng lồ. Cùng với kế hoạch 4 hiện đại hóa, quân đội Trung Quốc đã có tiến mạnh về tổ chức và trang bị vũ khí. Các khó khăn kinh tế của Hoa Kỳ đã thúc đẩy Trung Quốc mạnh dạn hơn trong kế hoạch bành trướng Biển Đông của họ.

Tháng 9/2009, Trung Quốc công bố "đường lưỡi bò ", cơ sở để qui 80% diện tích Biển Đông làm lãnh hải của Trung Quốc.

Để có cớ dùng vũ lực, đầu năm 2010, họ tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Mặc dầu có khó khăn vướng víu trong hai cuộc chiến tranh khác, Hoa Kỳ đã phản ứng như một nhà đầu tư lão luyện khi thấy cổ phiếu Biển Đông có thể tăng giá. Họ mua ngay ngày 23/7/ 2010. Tại Hà nội, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố: Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia ở Biển Đông.

Tuyên bố này của Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đưa họ trở lại vị trí hiện diện tích cực tại Biển Đông sau 2 thập kỷ mờ nhạt. Sự hiện diện trở lại, ý đồ tham gia tích cực trên bàn cờ chiến lược Biển Đông chắc chắn sẽ mang lại cho Hoa Kỳ những lợi nhuận không nhỏ.

Ta hỏi việc này có lợi gì cho Việt nam ?

Cái lợi trước mắt là cho đến ngày hôm nay 9/6/2011, Trung Quốc vẫn chưa dám hải chiến, chiếm nốt các đảo do Việt Nam cai quản trong địa phận Trường Sa. Động tác này,Trung Quốc đã chuẩn bị rất tâm huyết. Họ tặng lãnh đạo Việt Nam 16 chữ và 4 điều tốt, ru ngủ ý thức cảnh giác của Việt Nam. Họ trồng rừng biên giới mà thực tế là xây trận địa ém quân. Họ tạo các bẫy nợ nần để Việt Nam lệ thuộc hơn vào họ. Họ khai thác Tây Nguyên để đưa người vào địa bàn chiến lược này...

Tất cả chỉ để lệ thuộc Việt Nam vào chính sách chư hầu của họ, để chuẩn bị chiếm nốt Trường sa của Việt Nam.

Việc bao giờ Trung Quốc ra tay? Họ chỉ chờ khi tình hình cho phép là ra tay. Khâu chuẩn bị như trên trình bầy đã tiến hành chu đáo.

Như trong trận Xích bích: Tất cả đã sẵn sàng, chỉ còn chờ gió đông.

Nhưng trời lần này không chiều người Trung Quốc.

Cụm từ ” Trung Quốc có lợi ích cốt lõi tại Biển Đông " đã không được Hoa kỳ thông cảm.

Dường như Trung Quốc bị bất ngờ trước phản ứng của Hoa Kỳ tại Hà Nội ngày 23/7/2010. Phản ứng của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì là biểu hiện. Để Hoa Kỳ có thể thể hiện mạnh mẽ ý định của mình, để tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton có hậu thuẫn, sức mạnh, đầu tiên phải có được sự ửng hộ của nước chủ nhà, của Hà Nội. Trung Quốc đã không đánh giá hết được phản ứng của Việt Nam.

Sau 7/2010 là thời gian có vẻ như Trung Quốc muốn rút lại tuyên bố Biển Đông là quyền lợi cốt lõi nhằm tránh mất mặt trước thế giới khi Hoa Kỳ chống phá.

Đầu tiên họ tung ra các cuộc tập trận trên biển Hoàng hải. Sau đó họ khoe khoang các máy bay hiện đại, máy bay tàng hình, rồi tầu sân bay...

Hồ Cẩm Đào thăm Hoa Kỳ tháng 1/2011.

Tháng 5/2011 Tổng tham mưu trưởng QDDGPND TQ thăm Hoa Kỳ, có bài phát biểu cam kết phát triển hòa bình.

Dường như những động thái này của họ có tác dụng.

Hoặc họ đã nắm được chiến lược Hoa Kỳ.

Thế là sự việc cắt cáp thăm dò của tầu Bình minh02 được thực hiện trong vùng lãnh hải 200 hải lý của Việt Nam. Có vẻ như lần này họ lại tự tin là Việt Nam sẽ không dám phản kháng như trong quá khứ.

Họ muốn qua vụ việc này gián tiếp khẳng định với Hoa Kỳ sự trở lại của học thuyết cốt lõi của họ ở Biển Đông. Chủ quyền của Trung Quốc sẽ được hoạch định theo đường lưỡi bò chín khúc.

Năm nay thái độ của Hoa Kỳ là hòa hoãn hơn 2010. Có vẻ như Hoa Kỳ chỉ quan tâm đến an toàn hàng hải quốc tế mà không muốn can dự vào các bên trong các tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải. Như vậy giới hạn chịu đựng đứng ngoài cuộc của Hoa Kỳ là an ninh hàng hải quốc tế.

Nắm được điều này, cùng với việc trá hình của các tầu hải giám, Trung Quốc đã ngang ngược vi phạm sâu lãnh hải Việt Nam và cắt cáp dò dầu khí của Việt Nam. Thái độ tiếp tục ngang ngược của Trung Quốc ngày 9/6 có thể là một phản ứng dọa nạt sau các cuộc tụ tập phản đối Trung quốc của thanh niên sinh viên và nhân dân Việt Nam tại Hà Nội và Sài Gòn, sau phản ứng chỉ mang tính ngoại giao của chính phủ Việt Nam. Sự cố Viking II cũng có thể là một hành động nhằm cảnh cáo thẳng vào lãnh đạo Việt Nam vì đã để xẩy ra các tụ tập trên, vì đã làm bẽ mặt Trung Quốc trước Hội nghị Shangri-La (6/2011). Hoặc nghiêm trọng hơn,có thể là một tính toán nhằm gây hỏa mù, dương đông kích tây, bất ngờ hải chiến, chiếm nốt Trường Sa.

Thái độ của Hoa kỳ gợi cho người Việt nam một số suy nghĩ:

1. Việt Nam không thể để xẩy ra trường hợp các Công ty lớn thăm dò dầu khí của Hoa kỳ rút hết khỏi Việt Nam do nhận các hợp đồng có ích lợi kinh tế hơn của Trung Quốc. Lúc này là Hoa Kỳ chơi con bài Việt Nam, chỉ câu lợi về mình.

2. Để Hoa Kỳ tiến hành thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ thân thiện với Việt Nam, để có thể tiến tới một liên minh chiến lược mà quyền lợi biển đảo, lãnh thổ của Việt Nam cũng được Hoa Kỳ ràng buộc coi trọng: Việt Nam phải có cải cách dân chủ.

Thực tế, việc Việt nam tiếp tục hô hào trung thành với CN Mác- Lênin là trái ngược với bản chất xã hội Hoa Kỳ. Việc chính quyền Việt Nam đàn áp đối lập, đè nén nhân quyền, nhất là vụ xét xử Cù Huy Hà Vũ đã đẩy Việt Nam đến giới hạn của sự tin tưởng của Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong năm nay đã có phát biểu quan trọng về tự do Internet, về sự lố bịch của lãnh đạo Trung Quốc như những thằng hề hòng ngăn cản tiến bộ xã hội.

Trên tinh thần này, ta hiểu, trong tương lai gần nếu Việt Nam không cải cách dân chủ, khó nhận được sự hợp tác mạnh mẽ từ phía Hoa kỳ.

Từ nay, Biển Đông đã bước vào giai đoạn mới của kế hoạch bành trướng Trung Quốc. Có thể Trung Quốc sẽ thường xuyên gây hấn những vụ việc tương tự. Có thể Trung Quốc tăng cường cản trở việc khai thác dầu hỏa ngoài khơi của Việt Nam.

Trước đây, Việt nam thường tự hào với ngoại giao đánh đu ở giữa hai nước lớn Trung Quốc và Liên-Xô. Ngày nay chính quyền Việt Nam cũng muốn lặp lại chiến thuật ấy giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhằm câu lợi về mình. Việt Nam muốn làm bạn với tất cả mọi nước trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đừng quên rằng: các nước cộng sản hiện chỉ còn Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều Tiên mà thôi. Việt Nam cũng đừng quyên rằng trong quan niệm của thế giới ngày nay, CNCS đồng nghĩa với độc tài, phát xít, phản nhân quyền...

Để kết thúc bài tiểu luận này, tôi xin phép trích ý kiến của một giáo sư am hiểu về tình hình Việt Nam, giáo sư C. Thayer:

"Việt Nam không thể thật sự trông mong Hoa Kỳ giúp đỡ. Việt Nam không phải là nước ký hiệp ước đồng minh với Hoa Kỳ như là Philippines, cũng không phải là đối tác chiến lược với Hoa Kỳ như Singapore. Mặc dù Việt Nam đã bắn tiếng muốn đẩy mạnh công cuộc hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ, tuy nhiên Hoa Kỳ quan ngại sẽ bị ‘lừa phỉnh’ trong cuộc tranh chấp song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Việt Nam đang phải trả giá vì đã nhượng bộ và chiều ý Trung Quốc trong thời gian quá dài, trong khi đó lại do dự và miễn cưỡng trong việc phát triển mối quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ. Nếu những mối quan hệ này đã được phát triển từ khoảng một thập niên qua thì nay Việt Nam đã ở vị trí tốt hơn để hợp tác với Hoa Kỳ trong vấn đề này”

Để 10 năm sau, chúng ta có một Việt nam độc lập tự chủ hoạch định kế hoạch tương lai của mình, để quan hệ Việt Nam - Hoa kỳ thật sự là đồng minh chiến lược, ngay hôm nay, Việt Nam phải CẢI CÁCH DÂN CHỦ.

Nguyễn Nghĩa 650 (danlambao)
danlambaovn.blogspot.com



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo