Phỏng vấn Giáo sư Su Hao của Trung Quốc tại CSIS - "Chúng tôi cắt dây cáp, nhưng dây cáp này nằm ở đâu? Lãnh hải của Trung Quốc và Việt Nam chồng chéo lên nhau. Và trong quá khứ, chúng tôi đã từng làm như thế khi tàu Việt Nam đi đến vùng đánh cá của chúng tôi, đi vào vùng biển của chúng tôi, nhưng lần này Việt Nam phản ứng rất dữ dội hơn hẳn với truyền thống hành xử của họ. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên trước phản ứng này." - Su Hao
Hà Giang (Người Việt) - Trước bối cảnh những tranh chấp chủ quyền ở Biển Ðông ngày càng trở nên căng thẳng, buổi hội thảo có tên “An Ninh Hàng Hải Biển Ðông” do Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế Hoa Kỳ (CSIS) tổ chức tại Hoa Thịnh Ðốn vào hai ngày 20 và 21 tháng 6 đã thu hút khoảng 200 người tham dự, trong đó gần một nửa là các nhà nghiên cứu tầm cỡ quốc tế và nhiều viên chức cao cấp của các quốc gia liên quan trực tiếp và không trực tiếp như Việt Nam, Trung Quốc, Phi Luật Tân, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Indonesia v.v...
Trong gần hai ngày làm việc liên tục với một thời khóa biểu dầy đặc, những bài thuyết trình của các diễn giả được xen kẽ với phần thảo luận sôi nổi, căng thẳng, qua đó cả cử tọa lẫn diễn giả đã nêu câu hỏi với nhau và đặt vấn đề về quyền lợi, vị trí của các nước, những sự kiện dẫn tới tình hình căng thẳng hiện nay, và cùng xem xét những đề nghị để có thể hóa giải quyết những tranh chấp ngày càng leo thang này.
Phần trình bày của Giáo Sư Su Hao, phó giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế, trường Ðại Học Ngoại Giao, Bắc Kinh, mở đầu cho tiêu đề “Quyền lợi và lập trường của các bên tại biển Ðông,” đã tạo nhiều tranh cãi sôi nổi nhất. Có tất cả là 3 diễn giả cho tiêu đề này, nhưng hầu hết những câu hỏi được đặt ra trong phần thảo luận theo sau đều nhắm vào Giáo Sư Su Hao, đến nỗi người dẫn chương trình là ông Ernest Bower đã phải kêu lên là “buổi hội thảo sáng nay vô tình đã biến thành the Su Hao's conference.”
Bài thuyết trình của các diễn giả đến từ Việt Nam là Tiến Sĩ Trần Trường Thủy, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Biển Ðông, thuộc Học Viện Quan Hệ Quốc Tế, và Tiến Sĩ Ðặng Ðình Quý, giám đốc Học Viện Ngoại Giao, Luật Sư Nguyễn Duy Chiến - Trung Tâm Nghiên Cứu Biển Ðông thuộc Học Viện Ngoại Giao Việt Nam cũng tạo được nhiều chú ý.
Phần phỏng vấn của phóng viên Hà Giang của nhật báo Người Việt với Giáo Sư Su Hao, Tiến Sĩ Trần Trường Thủy, Luật Sư Nguyễn Duy Chiến, và nhiều diễn giả khác trước và sau cuộc hội thảo sẽ lần lượt được tường thuật trên Người Việt, trong nhiều số báo liên tiếp.
Dưới đây là phần phỏng vấn Giáo sư Su Hao, phó giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế, trường Ðại Học Ngoại Giao, Bắc Kinh, ngay sau phần thảo luận về tiêu đề “Quyền lợi và lập trường của các bên tại biển Ðông.”
Giáo Sư Su Hao, Ðại Học Ngoại Giao Bắc Kinh, tại buổi hội thảo do CSIS tổ chức. (Hình: Hà Giang/Người Việt) |
-Hà Giang (NV): Thưa giáo sư, trước buổi hội thảo này khoảng hơn một tuần, Bắc Kinh lên tiếng yêu cầu những nước không liên quan (ám chỉ Hoa Kỳ) đừng can dự vào tranh chấp Biển Ðông. Nhưng trong phần thuyết trình của giáo sư vừa rồi, ông kêu gọi sự giúp đỡ của Hoa Kỳ trong việc làm ổn định tình hình, nhưng ở đoạn kết luận của bài ông lại nói một trong ba điều có thể làm trở ngại việc ổn định tình hình Ðông Nam Á là “sự xen vào của Mỹ”. Có mâu thuẫn nào không, thưa ông?
-GS Su Hao: Vâng, Hoa Kỳ là một nước không liên quan đến tranh chấp trong vùng Biển Ðông, nhưng vì là một cường quốc, Hoa Kỳ có những quyền lợi chung với những nước thành viên của ASEAN. Trung Quốc mong có sự tiếp tay của Hoa Kỳ như một đối tác trong việc ổn định an ninh cũng như hợp tác với nhau trong vùng, vì các nước nhỏ thường cảm thấy không an tâm với sự lớn mạnh của Trung Quốc. Chúng tôi hoan nghênh việc Hoa Kỳ giúp cho tình hình ổn định hơn. Vấn đề là đôi khi sự có mặt của Hoa Kỳ làm một số quốc gia trở nên hung hãn hơn.
-NV: Giáo sư nhắc đến từ “hung hãn,” thì qua buổi thảo luận vừa rồi, giáo sư cũng thấy là hai chữ hung hãn được nhiều học giả và giới phân tích dành cho Trung Quốc, nhất là qua sự kiện Trung Quốc vừa hai lần cắt dây cáp của các tàu Việt Nam ngay bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Ông nghĩ sao khi các nước cho rằng chính Trung Quốc mới hành xử một cách hung hăng?
-GS Su Hao: Chúng tôi cắt dây cáp, nhưng dây cáp này nằm ở đâu? Lãnh hải của Trung Quốc và Việt Nam chồng chéo lên nhau. Và trong quá khứ, chúng tôi đã từng làm như thế khi tàu Việt Nam đi đến vùng đánh cá của chúng tôi, đi vào vùng biển của chúng tôi, nhưng lần này Việt Nam phản ứng rất dữ dội hơn hẳn với truyền thống hành xử của họ. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên trước phản ứng này.
-NV: Xin hỏi lại, theo ông thì Trung Quốc rất ngạc nhiên trước phản ứng mạnh mẽ vừa rồi của Việt Nam khi hai lần bị cắt dây cáp, có phải không ạ?
-GS Su Hao: Ðúng như vậy!
Khi buổi họp tiếp diễn ngày thứ hai, nhiều học giả và đại diện các bên tiếp tục cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì sự hung hãn, hiếu chiến của mình.
Thậm chí Tiến Sĩ Stein Tonneson, học giả thuộc Học Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (United States Institute or Peace) nhắn nhủ thẳng với Giáo sư Su Hao là khi về nước nên khuyên chính quyền Trung Quốc xét kỹ lại chính sách sai lầm của mình, và tôn trọng UNCLOS cũng như những nước láng giềng. Nhật báo Người Việt thực hiện cuộc phỏng vấn thứ hai với Giáo Sư Su Hao sau khi buổi hội thảo kết thúc để tìm hiểu về quan niệm của ông đối với các vấn đề Biển Ðông.
-NV: Thưa giáo sư, ông nghĩ gì về buổi hội thảo, nhất là sự kiện Trung Quốc bị đa số cho là nguyên nhân chính đưa tranh chấp của Biển Ðông đến tình trạng nóng bỏng hiện nay, vì thái độ hung hăng, hiếu chiến với các nước láng giềng trong thời gian qua?
-GS Su Hao: Tôi không nghĩ là Trung Quốc hung hãn tí nào cả. Không hiểu tại sao những người đứng ngoài cuộc tranh chấp lại cứ thấy bất cứ hành động nào của Trung Quốc cũng là hung hãn, mà không thấy là những người láng giềng kia giờ này mới chính là nguyên nhân làm leo thang sự căng thẳng. Hy vọng một ngày người ta sẽ hiểu rõ sự thật. Tôi nói điều này với tất cả sự thông cảm rằng chủ quyền quốc gia là một vấn đề nhậy cảm, cả ở Việt Nam lẫn ở Trung Quốc.
-NV: Những người cho là Trung Quốc hung hãn có thể đơn cử việc Trung Quốc cắt dây cáp, việc Trung Quốc đánh phá tàu ngư dân Việt Nam, bắt giữ họ, việc Trung Quốc ra lệnh cấm đánh cá đơn phương trong vùng biển chung. Vậy giáo sư có thể đưa ra một vài thí dụ cụ thể về những hành động làm căng thẳng tình hình của các nước láng giềng không?
-GS Su Hao: Như tôi đã nói hôm qua, các nước láng giềng đã có những phản ứng mạnh hơn cả những phản ứng truyền thống trước kia của họ.
-NV: Trở lại với cuộc hội thảo, ông có nhận xét gì, và đã rút tỉa ra được những điều gì đặc biệt trong hai ngày qua thưa ông?
-GS Su Hao: Tôi nghĩ rằng buổi hội thảo khiến mọi bên có dịp nói ra quan điểm và lập trường của mình, khiến mọi bên hiểu nhau nhiều hơn. Tôi thấy giữa chúng tôi còn nhiều khác biệt, và cả những lời chỉ trích cũng tốt nữa, và từ đó mới tìm ra được điểm chung, là mọi người đều muốn tình hình trong vùng ổn định. Lần sau khi chúng tôi ngồi xuống thảo luận, chẳng hạn giữa Trung Quốc và Việt Nam, tôi hy vọng chúng tôi có thể bình thản hơn, dùng lý trí hơn để bàn bạc.
-NV: Khi trở về Bắc Kinh, ông dự định sẽ đề nghị gì với các học giả khác, và với chính quyền Trung Quốc.
-GS Su Hao: Thật ra tôi chưa sẵn sàng và chưa quyết định được là mình sẽ đề nghị gì cả, vì cần thời giờ để suy nghĩ thêm.
-NV: Theo giáo sư thì tranh chấp Biển Ðông có triển vọng được giải quyết ổn thỏa không? Cụ thể hơn, ông có nghĩ là sau này Bắc Kinh sẽ hành xử sao cho bớt bị đánh giá là hung hăng đi không?
-GS Su Hao: Vấn đề chủ quyền quốc gia rất nhậy cảm, rất phức tạp, đụng đến nó thì không ai bình tĩnh được. Tuy thế tôi nghĩ là nếu mọi bên ngồi xuống một cách bình thản thì có thể tìm cách giải quyết vấn đề được. Tôi không cho là Bắc Kinh hung hãn, mà phải nói là chính quyền Trung Quốc rất vừa phải, rất biết kiềm chế. Hy vọng là các nước láng giềng cũng sẽ biết kiềm chế.
Tôi có một nhận xét nữa là tuy Hoa Kỳ không là một quốc gia liên quan trong tranh chấp Biển Ðông, nhưng cuộc hội thảo này lại được tổ chức trên đất Hoa Kỳ. Tôi đoán có lẽ vì Hoa Kỳ là một cường quốc, cho nên quyền lợi của họ nằm ở khắp nơi. Hai nữa, tôi không hiểu tại sao tôi là diễn giả duy nhất từ Bắc Kinh được mời đến, trong khi đó Việt Nam được mời đến những ba diễn giả và nhiều viên chức của họ cũng đến tham dự. Ðiều này khá lý thú.
-NV: Cám ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.