Kỳ Duyên (tuanvietnam) - Họ còn là hàng nghìn người dân, thanh niên có, sinh viên có, trí thức có, nam phụ lão ấu có...của Hà Nội, Tp. HCM đã nối vòng tay lớn, cùng nhau biểu thị ý chí và nhiệt huyết can trường trước họa xâm lăng. Họ còn là hàng trăm, hàng nghìn trang mạng cá nhân đã "rực đỏ vì Biển Đông", bên cạnh những tờ báo điện tử, báo giấy với hàng trăm bài viết bầy tỏ thái độ, ý chí quyết liệt trước chủ quyền Tổ quốc bị khiêu khích, bị đe dọa.
*
Họa và phúc, vinasach và cây bút trước sự thật... là những lát cắt buồn, ở đó có những suy ngẫm về nhân tình thế thái, về cái tâm, cái tài của con người trước trách nhiệm xã hội, trước vận mệnh quốc gia, mà Phát ngôn và hành động tuần này xin gửi tới quý bạn đọc.
Họa và phúc
Trong tuần này, sự kiện nổi bật nhất, thu hút mọi cái đầu, con tim của người dân Việt vẫn là sự kiện Biển Đông.
Ngày 17/6/2011, Tuần Việt Nam có bài viết "Họa đấy mà phúc đấy". Bài viết ngắn gọn chưa đầy 600 chữ, nhưng chứa đựng bản chất vấn đề mà cả dân tộc Việt những ngày này đang chất chứa trong lòng- những hỉ nộ ái ố đến đau đớn, trước vận mệnh chủ quyền quốc gia bị đe dọa.
Họa là dai dẳng.
Nhưng phúc là sâu xa, vĩnh viễn.
Họa là dã tâm xâm chiếm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc - hiển nhiên, ngang ngược, đầy thách thức.
Phúc là lòng yêu nước, ý chí bảo vệ bờ cõi của hàng triệu triệu con dân Việt Nam.
Họ là ai?
Họ là "Những cuộc đời Trường Sa", là hơn 70 người chiến sĩ công binh Việt Nam, đã hy sinh, mất tích trên bãi đá Gạc Ma năm 1988, trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Họ hy sinh, nhưng hình ảnh họ mãi tạc vào sóng nước, tạc trong tâm thức của Tổ quốc và nhân dân.
Là thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, "con sói biển khơi", đã 3 đời, từ đời ông đến đời cha của Mai Phụng Lưu đều gắn bó với biển, với Hoàng Sa- Trường Sa. Ba lần tàu cá của anh bị phía Trung Quốc bắt, cả 3 lần anh lại tiếp tục đóng thuyền, ngư cụ để trở về với biển. Biển Đông mới chính là ngôi nhà bình yên của tâm hồn anh, cho dù anh luôn gặp"sóng dữ".
Là Lê Văn Chiến, thuyền trưởng tàu đánh cá ĐNa-90351, 47 tuổi nhưng đã có 35 năm đi biển. Một nhân vật nổi tiếng với nhiều chiến công bảo vệ chủ quyền biển đảo, được coi là "cột mốc sống" Biển Đông. Đồng đội của anh ra khơi, nhìn vào "cột mốc" tinh thần Lê Văn Chiến, để sinh tử với nghề, cũng là sinh tử vì Tổ quốc.
Họ còn là cô giáo Trang, 23 năm sau khi chiến sĩ Võ Đình Tuấn - người yêu của chị hy sinh trên bãi đã Gạc Ma năm nào, chị chỉ có ý nguyện được ra Trường Sa, để xem "con sóng nào đã cuốn anh đi". Câu nói nhẹ nhàng, còn nỗi đau buốt tim...
Họ còn là hàng nghìn ngư dân Khánh Hòa, vẫn ngày đêm bám biển, khai thác ngư trường đảo Nam Yết (Trường Sa). Họ đánh bắt cá, cũng chính là bảo vệ chủ quyền hải đảo.
Họ là một tộc họ Đặng (Lý Sơn-Quảng Ngãi), đã thắp hương khấn tổ tiên trước khi tình nguyện hiến tặng Tờ lệnh quý về Hoàng Sa, xuất phát từ năm Minh Mạng thứ 15, sau 6 đời nối tiếp nhau cất giữ, đóng góp vào bộ dữ liệu xác lập chủ quyền biển đảo quốc gia. Bằng hành động trân quý, vô tình dòng họ Đặng gửi tới xã hội thông điệp- tài sản của một dòng họ chỉ có thể được bảo toàn khi tài sản lớn nhất- chủ quyền quốc gia được bảo vệ.
Họ còn là TS Nguyễn Nhã, đã dành cả đời mình để nghiên cứu biển đảo, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.Tên ông từ lâu đã gắn với nghiệp nghiên cứu đến mức người ta gọi ông là nhà "Hoàng Sa- Trường Sa học".
Và họ là những ai?
Họ còn là hàng nghìn người dân, thanh niên có, sinh viên có, trí thức có, nam phụ lão ấu có...của Hà Nội, Tp. HCM đã nối vòng tay lớn, cùng nhau biểu thị ý chí và nhiệt huyết can trường trước họa xâm lăng.
Họ còn là hàng trăm, hàng nghìn trang mạng cá nhân đã "rực đỏ vì Biển Đông", bên cạnh những tờ báo điện tử, báo giấy với hàng trăm bài viết bầy tỏ thái độ, ý chí quyết liệt trước chủ quyền Tổ quốc bị khiêu khích, bị đe dọa.
Yêu nước không phải là quyền của riêng ai.
"Họ" có thể còn là những em bé mới học lớp 1, lớp 3, lớp 6 ... đã theo cha mẹ đóng góp tiền bỏ lợn cho chương trình "Góp đá xây dựng Trường Sa".
"Họ" có thể là những người thầy miệt mài trong bài thơ "Vẽ bản đồ Việt Nam" mà thuở ấu thơ, không ít ngườiViệt đã thuộc nằm lòng. Nét vẽ của thầy về chữ S, về Biển Đông, và lòng yêu nước của con dân Việt được bắt đầu từ những nét vẽ này đây:
"Hôm qua tập vẽ bản đồ/ Thầy em lên bảng kẻ ô rõ ràng/ Ranh giới vẽ phấn vàng dễ kiếm/ Từ Nam Quan cho đến Cà Mau/ Từng nơi, thầy thuộc làu làu/Đây sen Đồng Tháp, đây cầu Hiền Lương/ Biển Đông Hải, trùng dương xanh thẫm...Rồi với giọng trầm hùng, thầy giảng:
...Tổ tiên từng chịu đắng cay/ Mới lưu truyền lại, đêm ngày cho ta/ Là con cháu muôn nhà gìn giữ/ Đùm bọc nhau, sinh tử cùng nhau...."
"Đùm bọc nhau, sinh tử cùng nhau". Câu thơ của bậc tiền nhân như dặn dò như tiên đoán, vì từng trải nghiệm cả những thăng trầm khổ đau, những bi thảm của lịch sử dân tộc trong quá khứ bị xâm lược, đâu phải lúc nào cũng chỉ thăng hoa.
Sự "sinh tử cùng nhau" - những ngày này, thấm đẫm trong"Lòng yêu nước" đăng trên Tuần Việt Nam, 11/6/2011. Yêu nước không chỉ là tình cảm thiêng liêng. Nó còn là trách nhiệm của cả người lãnh đạo trước nhân dân mình.
Trả lời phỏng vấn của VietNamNet, TS Hồ Trọng Ngũ (Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh QH) có một phát ngôn ấn tượng: "Cần công khai rất nhiều vấn đề để nhân dân hiểu tình hình. Kinh nghiệm cho thấy, triều đại nào tập trung và thống nhất được lòng dân thì đều hùng mạnh và chiến thắng được ngoại bang".
Tập trung và thống nhất được lòng dân là bài học xương máu. Nhưng phải có "công khai, công luận và công pháp". Công thức 3C này chính là giải pháp hữu hiệu nhất, trong lúc "biển sôi, đất bỏng" để dẫn dắt lòng dân về cùng một chí hướng.
Biết tập trung và thống nhất được lòng dân, họa lớn sẽ thành phúc lớn.
Khi đó, lòng dân không chỉ là nước, mà sẽ là sóng thần nơi Biển Đông!
Vina...sach
Xin được mượn từ của nhà văn Nguyễn Quang Lập, khi ông ví với Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, với số tiền đầu tư 70 ngàn tỷ đồng của Bộ Giáo dục, vì nó quá chính xác. Đây cũng là thông tin nổi bật của tuần, vừa đưa ra đã khiến cả xã hội sốc nặng.
Người dân sốc nặng vì quá chán ngán giáo dục với những chủ trương "không lối thoát". Nay lại chất ngất con số hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế họ sẽ phải đóng.
Còn những nhà khoa học, những chuyên gia, những người am hiểu giáo dục, sốc vì nhiều lẽ. Cái lẽ lớn nhất là tư duy giáo dục xơ cứng chai lì, cũ kỹ, cho dù đề án mang tên Đổi mới!
Không biết vì sao, ngành giáo dục rất hay làm ngược. Nó phải được coi là nét "bản sắc" truyền thống của ngành, từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất:
Nhỏ nhất, như tên gọi đề án. Mới ở mức dự thảo, đã được gọi là đề án.Nhỏ vừa, là chưa xây dựng chuẩn kiến thức, đã lại xây dựng chương trình. Đây là cách làm thuận tay nhiều năm của ngành giáo dục.
Lớn nhất, như chiến lược giáo dục. Dự thảo văn bản chiến lược giáo dục (2008-2020) xây dựng tới 20 lần vẫn chưa được thông qua. Từ chiến lược giáo dục này, mới triển khai Đổi mới giáo dục toàn diện theo kết luận của ĐH Đảng lần thứ XI. Trong cuộc đổi mới đó, chương trình, sách giáo khoa mới được tung ra. Chưa có chiến lược, chưa có đổi mới, chương trình, sách giáo khoa đã cầm đèn chạy trước. Phải chăng, vì nhân danh chương trình, sách giáo khoa thì sẽ dễ tiêu tiền hơn?
Còn nếu nói như ai đó, là phải làm sớm cho kịp với triển khai đổi mới giáo dục sau 2015, thì cũng là tư duy ...ngược. Hơn nữa, phải rất tài năng, mới xây dựng được chương trình, sách giáo khoa theo kiểu "tiên đoán" gắn với con người của thế kỷ 21 hiện đại và hội nhập. Còn nếu không vẫn là viết chương trình, sách giáo khoa kiểu "thầy giáo... sờ voi".
Không đề cập đến sự sơ sài (32 trang giấy), sự đánh tráo khái niệm (tiếng là đề án chương trình, sách giáo khoa nhưng thực chất tiền cho chương trình, sách giáo khoa chỉ chiếm 1/70 tổng số đầu tư), hay khái niệm tưởng mới "tiếp cận năng lực" mà thật ra nội dung chẳng có gì mới, người viết bài chỉ xin nêu những cái phi khoa học, và cách tư duy cũ kỹ khi chủ trương chọn viết chương trình, sách giáo khoa mới.
Chương trình, sách giáo khoa mới phải được viết trên nền tảng một cơ cấu, hệ thống giáo dục rõ ràng về quan điểm.Ngành giáo dục cần trả lời cho xã hội biết loại hình THPT có phân ban nữa hay không? Bậc tiểu học 5 hay 6 năm, khi mà hiện nay các bé mẫu giáo 5 tuổi đã học chữ?
Chương trình, sách giáo khoa mới phải triển khai đồng bộ với đổi mới cách đánh giá, thi cử. Vậy chủ trương đổi mới cách đánh giá, thi cử sẽ ra sao? Trong khi tư tưởng đổi mới cách đánh giá, thi cử của ngành vẫn mập mờ, không rõ ràng.
Chương trình, sách giáo khoa mới phải gắn với nâng cao chất lượng người thầy. Vậy các trường sư phạm cần chính sách ưu tiên, và phải đổi mới thế nào để thật sự tạo ra sức đột phá trong đổi mới phương pháp?
Tất cả điều này, về cơ bản, liệu có phải vẫn là một số 0 tròn trĩnh?
Người viết bài gắn bó với giáo dục quá nhiều năm. Theo dõi các cuộc cải cách, đổi mới giáo dục (1981, 2001), và lịch sử cải cách giáo dục, thấy rằng các cuộc cải cách giáo dục hoặc đổi mới giáo dục, ngành đều chọn khâu xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới- coi như yếu tố quyết định đầu tiên, và tập trung toàn lực cho khâu này. Tuy nhiên, đáng tiếc, chưa cuộc cải cách giáo dục, hoặc đổi mới giáo dục nào được coi thành công. Nay, ngành lại tiếp tục "con đường mòn ấy". Tư duy ấy chắc chắn một lần nữa, hứa hẹn sự... thất bại cũ!
Trong khi đó, một thực tiễn hiển nhiên: Đất nước ta, nếu không có công cuộc đổi mới cơ chế quản lý, hẳn sẽ không thể có sự thay đổi diện mạo hôm nay, cho dù còn đứng trước nhiều thách thức và nguy cơ.
Một xã hội rộng lớn, nếu quyết tâm còn thay đổi được. Không lý gì ngành GD vẫn giữ mãi cơ chế ban phát xin- cho, cầm tay chỉ việc các trường. Sự đổi mới cơ chế quản lý giáo dục mới cần được coi là giải pháp đột phá. Để từ đó, các chính sách GD mới nảy sinh, điều chỉnh phù hợp thực tiễn và quy luật, khai thác tính tự chủ, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm cơ sở.
Trong môi trường đó, từ trường đến cá thể giáo dục được tôn trọng, sức sáng tạo mới giải phóng. Khi đó, "vòng kim- cô bệnh thành tích", thực chất là dối trá triền miên, cũng sẽ dần bị vô hiệu hóa.
Con tàu vina...sách, với 70 nghìn tỉ đồng dự kiến đầu tư, mới phác thảo trên giấy, đã bộc lộ những khuyết tật mang tính hệ thống, liệu có sẽ là con số nợ dân trong sự thất vọng tràn trề tiếp theo?
Đã đi với nhân dân, viết không thể khác!
Một sự kiện nổi bật trong tuần nữa là kỷ niệm Ngày báo chí Việt Nam 21/6. Cũng ngay sáng 21/6, có một bài thơ "Sự thật với nhà báo", đăng trên Tuần Việt Nam lập tức được bạn đọc quan tâm:
Khi nhà báo cúi đầu/ khúm núm.../ ngòi bút run/ nhân cách đê hèn/ sẽ sẵn sàng bán cả lương tri/ trước bạo quyền và đồng tiền nhơ nhớp/ quên dân oan/ yếu thế/ mong cầu
là ngoảnh mặt với nỗi đau đồng loại...
.... Khi nhà báo cúi đầu/ khúm núm.../là niềm tin/ minh bạch/ lụi tàn/ Cả sự thật cũng cúi đầu... vĩnh biệt.
Nhưng chắc chắn những người cầm bút quan tâm nhất. Bởi đây là nói về họ, về nhân cách cầm bút của họ trước quyền lực, đồng tiền và trước nỗi đau con người. Họ sẽ chọn cái gì?
Và bởi bài thơ cũng nói một điều cốt tử nhất của nghề báo, mong đợi nhất của bạn đọc, đó là sự thật. Và chỉ sự thật mà thôi!
Nhưng sự thật cũng vô cùng đỏng đảnh và nghiệt ngã. Ai đó có câu: "Một nửa cái bánh mì là một cái bánh mì. Một nửa sự thật đã không còn là sự thật."
Sự thật, trở thành tiêu chí giản dị, mà khắc nghiệt với bản lĩnh, trí tuệ và nhân tâm nhà báo, giữa cuộc đời còn đầy bất ổn này. Nếu chỉ viết nửa sự thật, nửa kia là sự lập lờ đánh lận con đen... thì sao đây? Bạn đọc tinh tường sẽ không còn tin vào họ.
Bị chối bỏ, bị khinh khi vì giả trá, có nỗi tủi nhục nào hơn thế cho người cầm bút? Cây bút đó, có thể sắc sảo đó, dày dạn đó, mà vẫn là cây bút...mọt! Vì đằng sau họ, có thể là đồng tiền, có thể là bả danh lợi. Chỉ nỗi đau đồng loại là không tồn tại. Khi đó, không chỉ "Cả sự thật cũng cúi đầu...vĩnh biệt", mà bạn đọc cũng sẽ phải nói lời ai điếu.
Cũng khác với nhà văn có thể sống tự do bằng tác phẩm, nhà báo thường phải gắn mình với một cơ quan báo chí nhất định. Thì họ phải viết theo tư tưởng, tôn chỉ, định hướng của tờ báo đó. Nếu cứ một mình một chợ, sớm muộn họ buộc phải rời xa.
Nhưng còn một sự thật khắc nghiệt nữa: Nhà báo cũng là con người. Họ cũng phải mưu sinh, phải có trách nhiệm gia đình trước khi có trách nhiệm xã hội. Và thế là nghiễm nhiên, chọn lựa lối đi, cách sống, cách cầm bút thế nào còn tùy thuộc vào ý thức và quan niệm chân giá trị của mỗi cá nhân nhà báo. Vì thế mà có nhà báo thứ thiệt, cũng có nhà báo công chức. Có nhà báo chính luận cũng có nhà báo quảng cáo, nhà báo lá cải....
Xã hội Việt Nam lại cũng đang chuyển mình. Có những điều, "hôm nay đúng, mai đã lại sai rồi" bởi những thang giá trị cũng đã thay đổi. Người cầm bút không tỉnh táo chọn lựa rất có thể phạm luật, thậm chí bị quy kết, chụp mũ. Đó là một thực tế hiển nhiên và cay đắng mà tai nạn nghề nghiệp chẳng tha ai.
Và cái khái niệm "viết lách"- viết mà phải lách, không ở đâu lại trần trụi như nghề báo. Con đường thẳng, phải được đi bằng ...con đường vòng!
Trong khi bạn đọc ngày càng có trình độ, ngày càng đòi hỏi thông tin chính xác, bản chất vấn đề. Dễ hiểu bây giờ nhiều người không thỏa mãn với báo chí, họ quay sang tìm đọc những blog cá nhân, nơi họ cho rằng nó đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của họ. Những trang web cá nhân nổi tiếng, đa chiều, những blogger tên tuổi giờ đang trở thành một thứ quyền lực thứ 5 hấp dẫn, thách thức ngang ngửa với báo chí- vốn được coi là quyền lực thứ 4 của xã hội.
Nhà báo trước sự thật, trước trách nhiệm xã hội được bảo hiểm bằng cái gì nếu không phải bằng cái tâm?
Một cái tâm thiện trong sáng, vì lợi ích chung, hiểu biết quy luật phát triển, chắc chắn sẽ là cái ô che chở tốt nhất cho họ viết về sự thật- "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Dĩ nhiên, để viết về sự thật truyền cảm đến bạn đọc, cái tâm nhà báo chỉ có thể thể hiện bằng câu chữ chân thành, bằng chính nỗi đau của họ trước nỗi đau con người.
Bỗng nhớ tới một người đã "dạy" tôi về nghề báo. Ông tên là Diễm, nguyên Trưởng Ty GD Tây Ninh (nay đã mất), là cán bộ ở R. Năm 1977, tôi theo ông về Tây Ninh công tác, giữa lúc chiến tranh biên giới Tây Nam. Trước lúc tôi trở về TP, chợt ông hỏi: "Cô có mấy năm trong nghề rồi?". Hoảng quá, mình có gì thất thố chăng: "Dạ, 4 năm ạ". "Làm nhà báo là phải thế. Phải đi với nhân dân!". Câu nói nhẹ nhàng, mà như một hành trang thật nặng nhọc ám ảnh...
Lại nhớ tới câu của nhà thơ Ngô Minh: "Đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác".
Vâng, đã đi với nhân dân, viết không thể khác!
Nhưng cái "không thể khác" đó, với nhà báo nhiều lúc cay cực làm sao?
Chỉ để sự thật không bao giờ phải cúi đầu...vĩnh biệt!
Kỳ Duyên
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-23-pn-and-hd-hoa-va-phuc-vinasach-va-cay-but-truoc-su-that-
Cũng khác với nhà văn có thể sống tự do bằng tác phẩm, nhà báo thường phải gắn mình với một cơ quan báo chí nhất định. Thì họ phải viết theo tư tưởng, tôn chỉ, định hướng của tờ báo đó. Nếu cứ một mình một chợ, sớm muộn họ buộc phải rời xa.
Nhưng còn một sự thật khắc nghiệt nữa: Nhà báo cũng là con người. Họ cũng phải mưu sinh, phải có trách nhiệm gia đình trước khi có trách nhiệm xã hội. Và thế là nghiễm nhiên, chọn lựa lối đi, cách sống, cách cầm bút thế nào còn tùy thuộc vào ý thức và quan niệm chân giá trị của mỗi cá nhân nhà báo. Vì thế mà có nhà báo thứ thiệt, cũng có nhà báo công chức. Có nhà báo chính luận cũng có nhà báo quảng cáo, nhà báo lá cải....
Xã hội Việt Nam lại cũng đang chuyển mình. Có những điều, "hôm nay đúng, mai đã lại sai rồi" bởi những thang giá trị cũng đã thay đổi. Người cầm bút không tỉnh táo chọn lựa rất có thể phạm luật, thậm chí bị quy kết, chụp mũ. Đó là một thực tế hiển nhiên và cay đắng mà tai nạn nghề nghiệp chẳng tha ai.
Và cái khái niệm "viết lách"- viết mà phải lách, không ở đâu lại trần trụi như nghề báo. Con đường thẳng, phải được đi bằng ...con đường vòng!
Trong khi bạn đọc ngày càng có trình độ, ngày càng đòi hỏi thông tin chính xác, bản chất vấn đề. Dễ hiểu bây giờ nhiều người không thỏa mãn với báo chí, họ quay sang tìm đọc những blog cá nhân, nơi họ cho rằng nó đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của họ. Những trang web cá nhân nổi tiếng, đa chiều, những blogger tên tuổi giờ đang trở thành một thứ quyền lực thứ 5 hấp dẫn, thách thức ngang ngửa với báo chí- vốn được coi là quyền lực thứ 4 của xã hội.
Nhà báo trước sự thật, trước trách nhiệm xã hội được bảo hiểm bằng cái gì nếu không phải bằng cái tâm?
Một cái tâm thiện trong sáng, vì lợi ích chung, hiểu biết quy luật phát triển, chắc chắn sẽ là cái ô che chở tốt nhất cho họ viết về sự thật- "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Dĩ nhiên, để viết về sự thật truyền cảm đến bạn đọc, cái tâm nhà báo chỉ có thể thể hiện bằng câu chữ chân thành, bằng chính nỗi đau của họ trước nỗi đau con người.
Bỗng nhớ tới một người đã "dạy" tôi về nghề báo. Ông tên là Diễm, nguyên Trưởng Ty GD Tây Ninh (nay đã mất), là cán bộ ở R. Năm 1977, tôi theo ông về Tây Ninh công tác, giữa lúc chiến tranh biên giới Tây Nam. Trước lúc tôi trở về TP, chợt ông hỏi: "Cô có mấy năm trong nghề rồi?". Hoảng quá, mình có gì thất thố chăng: "Dạ, 4 năm ạ". "Làm nhà báo là phải thế. Phải đi với nhân dân!". Câu nói nhẹ nhàng, mà như một hành trang thật nặng nhọc ám ảnh...
Lại nhớ tới câu của nhà thơ Ngô Minh: "Đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác".
Vâng, đã đi với nhân dân, viết không thể khác!
Nhưng cái "không thể khác" đó, với nhà báo nhiều lúc cay cực làm sao?
Chỉ để sự thật không bao giờ phải cúi đầu...vĩnh biệt!
Kỳ Duyên
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-23-pn-and-hd-hoa-va-phuc-vinasach-va-cay-but-truoc-su-that-