Vương Sa Hy (danlambao) - Tôi vẫn thích gọi đích danh việc thể hiện thái độ và hành động yêu nước, phản đối việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí Việt Nam là biểu tình. Chúng tôi đã chọn một cách thức biểu tình hết sức ôn hòa và đẹp đẽ - đó là cùng nhau đi tuần hành, giơ cao biểu ngữ, hô to khẩu hiệu… Tuy nhiên, qua hai cuộc biểu tình (5.6 & 12.6.2011), chúng tôi nhận được hai kết cục hoàn toàn trái ngược nhau.
Vào Chủ nhật tuần trước (5.6), cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã diễn ra ở SG cũng như HN đều êm thấm và thành công tốt đẹp cho cả dân chúng và nhà cầm quyền. Số người xuống đường biểu tình HN khoảng vài trăm người, còn ở SG lên đến cả vài ngàn người. Vậy mà không hề có một sự gây hấn hay xung đột nào giữa những người biểu tình với lực lượng an ninh, trật tự đô thị, CSGT…
Đoàn người biểu tình đi diễu hành qua các ngả đường ở trung tâm thành phố y như đi trẩy hội, những tiếng hô hào đồng loạt vang dậy: Hoàng Sa – Việt Nam, Trường Sa – Việt Nam, đả đảo Trung Quốc… Những bài hát hào hùng như Quốc Ca, Dậy Mà Đi, Như Có Bác Hồ… được đồng thanh cất lên. Những biểu ngữ giơ cao, những cánh tay đưa lên, những sắc cờ đỏ thắm rực rỡ tươi xinh… Đây đó những mái đầu bạc trắng, những ánh mắt trẻ thơ xoe tròn bập bẹ hô “Việt Nam” theo cha mẹ, những khuôn mặt vô cùng dễ thương, những nụ cười thật rạng rỡ, những cái bắt tay thân thiện, những cái khoác vai đồng cảm sẻ chia… cùng đồng hành với nhau, cùng một niềm tin, cùng thể hiện một thái độ sống và tình yêu quê hương đất nước. Khi những cánh tay dần mỏi, những giọng hô cũng đã khản dần, mồ hôi rịn ướt áo và tuôn ròng ròng trên từng mặt người… thì bỗng dưng xuất hiện sự tiếp tế nước, bánh mì, xôi mặn… từ những con người chưa từng gặp, từ những bạn đồng hành chưa biết tên. Rất thân ái và cảm động!
Tôi đi giữa đám tuần hành như một kẻ mộng du, tâm trạng sướng vui như đang trong một giấc mơ. Cứ thế giơ cao tay và hô to hai tiếng “Việt Nam” thân thương. Về nhà, tôi cứ xem đi xem lại những hình ảnh, những đoạn Video clip, những bài viết chia sẻ về ngày hôm ấy. Tôi hết lòng khâm phục thế hệ cha anh như Nguyễn Đình Đầu, Hồ Cương Quyết, Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Cao Lập… Bên cạnh đó, tôi cảm thấy ngất ngây, tự hào và tin tưởng vào những trái tim đồng cảm đầy lửa nhiệt huyết của thế hệ trẻ ngày nay – tương lai của dân tộc mình. Họ đã không vô cảm với quê hương đất nước. Họ yêu Tổ Quốc mình và cảm thấy vô cùng đau đớn, bất bình khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm. Do đó, tôi có quyền tin tưởng và hy vọng vào thế hệ trẻ của mình. Cái tâm trạng ấy cứ lâng lâng khó tả suốt cả tuần…
Tuy nhiên, Chủ nhật vừa rồi (12.6) quả là một ngày đáng buồn! Niềm tin vào sự đoàn kết và đồng lòng giữa nhân dân và chính quyền để đối phó với giặc ngoại xâm bị tổn thương sâu sắc. Ở HN, mọi người đã biểu tình thành công và không gặp nhiều trở ngại. Nhưng trong SG, tình hình luôn “rất là tình hình”. Lực lượng Công an, An ninh, TNXP, CSGT, CSCĐ… được tăng cường từ nhiều nơi khác về. Hàng rào chắn được dựng lên bọc kín mọi ngả đường vào Lãnh sự quán Trung Quốc. Máy chụp hình, máy quay phim bị cấm đoán rất gắt gao. Hàng ngũ Công an chìm đông đảo, trà trộn vào các nhóm biểu tình. Những khuôn mặt “nổi bật” ở lần biểu tình trước đều bị cấm đoán, canh giữ, hoặc đang trong nhóm biểu tình tự nhiên “bốc hơi”, không thể liên lạc được nữa. Nhiều người bị lực lượng Công an chìm bắt giữ (3-4 Công an xúm lại tóm 1 người biểu tình) vì tội ăn cắp, móc túi… (?)
Tôi thật sự ngạc nhiên, không thể tưởng tượng nổi hình ảnh những người Công an hiền lành, ôn hòa hôm Chủ nhật tuần trước đã đi đâu mất rồi? Thay vào đó là những hành động chia cắt, bắt bớ, đánh đập, đe dọa… đoàn người biểu tình một cách hung bạo và côn đồ. Từ vị thế bảo vệ trật tự cho người dân được thể hiện lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc thì họ đã chuyển thành người bảo vệ “dinh Thái Thú”, đàn áp người dân không cho họ nói lên một sự thật rằng: “Trung Quốc đang ngang ngược và táo tợn xâm phạm đến chủ quyền lãnh hải của Việt Nam!”. Một bạn trẻ đi biểu tình sáng nay đã phải cay đắng thốt lên rằng: “Thể hiện lòng yêu nước sao mà chông gai quá!”. Tôi thực sự rất đau buồn và thất vọng khi nhìn thấy lòng yêu nước lại bị vùi dập như thế! Càng đau lòng hơn khi sự cấm đoán, đàn áp, vùi dập ấy không phải đến từ bên ngoài mà là từ chính bên trong Tổ Quốc, từ những thành phần lãnh đạo, từ những người đồng bào ruột thịt của mình…
Một bác lớn tuổi trong đoàn biểu tình khi thấy việc Công an bắt bớ người dân yêu nước như thế đã lớn tiếng trách mắng: “Các chú làm như vậy là dở lắm có biết không? Cấm dân thể hiện lòng yêu nước thì có mà mất nước đến nơi rồi!”. Quả thực, tôi nghĩ rằng những hành động ấy khiến cho người dân đã vừa lo sợ ngoại xâm Trung Quốc càng thêm mất lòng tin vào chính quyền lãnh đạo. Trong khi bây giờ điều rất cần thiết đó là phải đoàn kết toàn dân, tranh thủ lòng yêu nước, sự hăng say nhiệt tình của tuổi trẻ để tìm cách thức ứng phó thích hợp với tình hình khó khăn, cấp bách hiện nay. Khi Tổ Quốc lâm nguy, ai cũng có thể thể hiện lòng yêu nước của mình theo một kiểu cách nhất định nào đó tùy thuộc vào điều kiện, khả năng của họ miễn là không trái với luật pháp, không gây hại cho đất nước và dân tộc mình. Bạn bè tôi cứ mãi hoang mang tự hỏi: Yêu nước, phản đối ngoại xâm là vi phạm pháp luật sao?
Nhiều người cho rằng lần biểu tình Chủ nhật tuần trước đã được chính quyền “bật đèn xanh” vì một lý do nào đó. Nhưng lần này thì do “được chỉ đạo” nên chính quyền đã “chơi rắn” với những người biểu tình ở SG hơn. Biểu tình ở HN luôn được nổ ra sớm hơn và cũng thường kết thúc nhanh chóng. Còn ở trong SG, biểu tình nổ ra trễ hơn nhưng quy tụ số lượng đông hơn (lúc cao trào lên đến cả vài ngàn người) và kéo dài lâu hơn, máu lửa hơn. Thế mà Chủ nhật này số lượng người tham gia biểu tình ở SG đã giảm sút đáng kể vì có phần e ngại và không có những “thành phần chủ lực” tham gia dẫn dắt đoàn biểu tình. Có nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra sau hai cuộc biểu tình đó. Chúng tôi đang gặp những khó khăn, thử thách khi dám sống và lựa chọn cách thể hiện lòng yêu nước của mình. Chúng tôi nhận thấy mình đang dần trưởng thành hơn. Chúng tôi muốn đứng về phía chính quyền để góp sức mình vào cho quê hương, đất nước, dân tộc. Nhưng dường như chính quyền không cần lòng yêu nước ấy của dân, không dựa vào sức mạnh ấy của dân, không tin tưởng vào sự đoàn kết ấy của dân mà thậm chí còn gây ra sự chia rẽ giữa “dân” và “lãnh đạo”…
Phận “dân đen” chúng tôi có nên nhiệt tình yêu nước nữa không? Hay là cứ việc thờ ơ, vô cảm, mặc kệ chuyện quốc gia đã có “lãnh đạo” lo? Nhưng mà nếu vô cảm, thờ ơ với vận mệnh đất nước thì tôi lại cảm thấy hết sức hổ thẹn mỗi khi nghĩ, nghe hay nói tới hai chữ “Việt Nam”.
Vương Sa Hy