Kỳ Duyên (Tuần VietNamNet) - Số phận đất nước, số phận những người dân lành vẫn là những lát cắt bi tráng và bi phẫn mà Phát ngôn và hành động tuần này xin gửi đến quý bạn đọc. Cũng là gióng lên tiếng chuông đau mong muốn cả xã hội cùng nhìn về một hướng, bảo vệ an ninh đất nước, bảo vệ người dân lành. Bởi có dân mới làm nên dân tộc.
"Của Xeda, trả về Xeda"
Chủ quyền biển đảo, chủ quyền Tổ quốc mãi mãi là những yêu thương, lo âu và nhức nhối, như những con sóng táp trong mỗi con tim người dân Việt những tháng năm này.
Và vì vậy, Phát ngôn và hành động tuần này xin được chọn một thông điệp trong bài viết nổi tiếng, trên Tuần Việt Nam, đã làm rung động hàng triệu tấm lòng. Đó là bài trả lời Đài truyền hình Phượng Hoàng (Trung Quốc) của TS Vũ Cao Phan (Phó CT Hội Hữu nghị Việt- Trung), được truyền đến 150 nước trên thế giới vào ngày 25/6/2011 mới đây, với những phát ngôn mềm dẻo, nhã nhặn, nhưng rất ấn tượng vì nó rõ ràng, và sòng phẳng.
TS Vũ Cao Phan tự nhận là người "thân Trung Quốc" và "yêu Trung Quốc". Đó là lời nói chân thực. Vì văn hóa Trung Quốc với cả chiều dài lịch sử, chiều sâu và đỉnh cao bản sắc văn hóa Á Đông đã trở thành di sản văn hóa nhân loại được ngưỡng mộ, không người Việt nào có thể phủ nhận. Người viết bài cũng không ngoại lệ.
Nhưng cho dù có yêu những di sản văn hóa khổng lồ của Trung Quốc cống hiến cho văn hóa nhân loại đến mấy, thì TS Vũ Cao Phan cũng như hàng triệu triệu người dân Việt Nam còn yêu hơn biển đảo Tổ quốc mình, và không quên chủ quyền Tổ quốc đang bị đe dọa. Vì không thể nhân danh tình yêu mà mù quáng, mà lú lẫn, đánh đổi như câu thơ cay đắng về lịch sử xa xưa: "Trái tim lầm chỗ để trên đầu".
Tiến sĩ Vũ Cao Phan. Ảnh: Vnexpress
Và, như bất cứ một quốc gia nào tự trọng, tự tôn trên thế giới, trước vận mệnh sinh tử, quyền lợi của dân tộc phải là trên hết. "Giữa các nước có cùng ý thức hệ kiểu này vẫn xảy ra xung đột, chiến tranh vì quyền lợi quốc gia như chúng ta đã biết đấy thôi. Thực tế là quyền lợi quốc gia cao hơn ý thức hệ. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận vậy để khỏi dối lòng nhau". TS Vũ Cao Phan trả lời thẳng thắn. Hay đó cũng là thông điệp của lòng dân Việt Nam?
Thì đây, trong một loạt bài nghiên cứu Biển Đông, ngày 4/7/2011, báo Đại Đoàn Kết đưa: "Trận hải chiến bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974" đã được hàng vạn lượt người đón đọc.
Đó là trận huyết chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc trong cái ngày định mệnh 19/1/1974, để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa.
Sự thật lịch sử được vén dần lên: Từ tháng 4-1956, khi tiếp quản quần đảo Hoàng Sa từ quân đội Pháp, Việt Nam Cộng hòa đã phải đối mặt với những thủ đoạn của Trung Quốc, khi phát hiện ra họ đã bí mật chiếm đóng trái phép các đảo phía đông của quần đảo này. Trung Quốc tính toán kỹ lưỡng đến mức cho xây các ngôi mộ giả không hề có xương cốt, bên trên chỉ có tấm bia gỗ ghi chữ Trung Quốc với ngày sinh và ngày chết hàng mấy chục năm về trước. Một sự xâm chiếm bài bản, thâm sâu đúng bản chất người Trung Hoa.
Kể từ đó cho đến khi diễn ra trận huyết chiến 1974, vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam không một ngày bình yên.
Thì đây, ngày 3/7/2011, Tuần Việt Nam đưa bài viết: "Gặp nhân chứng trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974".
Họ là Trần Văn Hà, thủy thủy tàu HQ- 10, là Nguyễn Văn Chọn, thủy thủ tàu HQ- 6, những người trực tiếp chiến đấu trong trận huyết chiến năm xưa với Hải quân Trung Quốc. Họ may mắn trở về với cuộc sống, nhưng 58 người lính đồng đội của họ đã ngã xuống. Máu đỏ của người Việt hòa lẫn với nước biển xanh, vì chủ quyền quê hương.
Trong quá khứ, có thể khác nhau về ý thức hệ, nhưng đất nước Việt Nam chỉ có một và là mãi mãi.
Dân tộc Việt Nam, với định mệnh của tạo hóa và lịch sử, luôn phải nằm cạnh Trung Quốc, "núi liền núi, sông liền sông, chung một Biển Đông...". Núi vẫn liền núi, sông vẫn liền sông, vậy nhưng chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông kể từ năm 1956 đến tận bây giờ, năm 2011 của thế kỷ 21 chưa bao giờ là thôi nổi sóng, chưa bao giờ được bình yên. Vậy nhưng cái ấm lạnh, no đói của người dân Việt Nam 1000 năm Bắc thuộc còn in đậm.
Sự dối lòng của một quốc gia với một quốc gia, có thể tính được bằng tháng, bằng năm nhất thời, nhưng không thể đánh lừa được lịch sử. Kinh Thánh có câu: "Của Xeda, trả về Xeda".
Lịch sử Việt Nam hiện đại đang viết tiếp câu: "Của Việt Nam, phải trả về Việt Nam".
Nó rõ ràng như văn hóa đỉnh cao và dã tâm thâm sâu của một quốc gia.
Và cũng rõ ràng và sòng phẳng như lòng yêu hòa bình và lòng tự tôn dân tộc của một quốc gia khác.
Nó rõ ràng như khí phách của thuyền trưởng Lê Văn Chiến, và các thuyền trưởng đồng nghiệp của anh- Lê Nam, Nguyễn Văn Tư, Lê Xuân Dũng, Nguyễn Văn Dũng... cùng hàng nghìn ngư dân vẫn dũng cảm bám biển, cho dù phía Trung Quốc ngang ngược bịt đường ra khơi: "Chúng tôi quyết bám ngư trường, vùng biển Hoàng Sa chẳng phải vì một áp lực nào, mà đó là mệnh lệnh từ trong tim. Giữ ngư trường cho ai? Trước hết là cho ngư dân, sau nữa bởi đó là vùng biển của ông bà, tổ tiên ta".
Nó cũng rõ ràng như tiếng hô to: "Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam" vang lên giữa rừng cờ đỏ sao vàng của hàng nghìn sinh viên, lưu học sinh tại Pháp, Úc... trên đường phố những ngày qua mà bất cứ ai khi nhìn thấy cũng nghẹn ngào. Trên khắp quả địa cầu này, có máu đỏ da vàng nào mà không hướng về Việt Nam, nhất là khi quê hương ngấp nghé họa xâm lăng?
Và nó cũng rõ ràng như hàng nghìn người dân Việt Nam cả nước, suốt 5 tuần nay nối vòng tay lớn, để gửi tới Trung Quốc thông điệp, rằng lòng yêu nước không bao giờ song hành với sự nhát sợ, đớn hèn. "Không xa đâu Trường Sa ơi"! Câu hát bật lên trong một một clip nghiệp dư trên mạng xã hội như máu con tim, giữa những ngày tháng 6 nóng bỏng, khiến người nghe gai người và bỗng rơi nước mắt.
Trong những ngày tháng 6 nóng bỏng này, cũng xảy ra một "câu chuyện cảnh giác". Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), mới đây đăng bài phỏng vấn GS Nguyễn Thế Sự, nguyên Trưởng Khoa tiếng Trung (ĐH Hà Nội- Thanh Xuân, HN), trong đó có đoạn GS Nguyễn Thế Sự phát ngôn về sự kiện "thanh niên Việt Nam biểu tình gần Đại sứ quán Trung Quốc".
Nguyên văn bài báo: ...Ông Nguyễn Thế Sự nói: "Đây (cuộc biểu tình- KD) đều là do Phái phản động của Việt Nam gây ra". Việt Nam cũng có phái phản động chủ yếu là tổ chức người Việt ở hải ngoại, ví dụ như Đảng Việt Tân ở Pháp. Bọn họ rất ghét Đảng Cộng sản Việt Nam hơn nữa lại khiêu khích mối quan hệ Việt - Trung".
Khỏi phải nói, làn sóng người Việt phẫn nộ và bất bình với người phát ngôn câu nói đó ra sao. Tuy nhiên, mới đây, GS Nguyễn Thế Sự có gửi một lá thư đến bạn đọc đăng trên blog Non sông gấm vóc.
Theo đó, GS Nguyễn Thế Sự cho biết những câu trả lời của ông đã bị "lắp ghép, nhào nặn, chế biến ra một cuộc phỏng vấn với nội dung xuyên tạc, phục vụ cho ý đồ tuyên truyền có lợi cho phía Trung Quốc", do một thanh niên Trung Quốc trẻ, 30 tuổi, đến tận nhà, tự xưng là phóng viên tờ báo Tề Lỗ vãn hóa của tỉnh Sơn Đông.
GS Nguyễn Thế Sự cực lực phản đối và bác bỏ những trích dẫn xuyên tạc những ý kiến của ông đăng trên một số báo mạng Trung Quốc.
Nếu tất cả đó là sự thực, thì việc làm của truyền thông Trung Quốc một lần nữa, cho thấy bụng dạ khôn lường, mưu mẹo thâm độc. Nó cũng cảnh báo cho bất cứ ai là người Việt Nam, khi phát ngôn trước công luận về Tổ quốc, về đồng bào, phải tỉnh táo và đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.
Con tim yêu vốn vậy. Con tim với Đất nước càng cần vậy, rõ ràng và minh bạch.
Của Xeda phải trả về Xeda!
Ai tài năng?
Tiếp theo sau câu chuyện HLV điền kinh Nguyễn Thị Nụ (Hà Nội) chuyển sang nghề... nhổ cỏ, mới đây, báo Tuổi Trẻ lại đưa tin, một nữ HLV bóng chuyền buộc phải chuyển sang nghề đi... quét rác, dọn vệ sinh... Chị là Vũ Thị Huệ, HLV trưởng Đội tuyển bóng chuyền bãi biển nữ VN (Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Quảng Ninh).
Đương nhiên, lao động chân tay cũng là một nghề bình thường. Những người lao công làm những việc vất vả luôn xứng đáng được xã hội tôn trọng, trân trọng. Đó là đạo sống ở Đời. Nhưng điều không bình thường là ở chỗ, chị Vũ Thị Huệ vốn là một HLV trưởng Đội tuyển bóng chuyền bãi biển nữ VN, từng có nhiều đóng góp cho nền TDTT Quảng Ninh.
HLV Vũ Thị Huệ giở lại bằng khen của Bộ VH-TT&DL đã trao tặng do có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của ngành - Ảnh: Tuổi Trẻ
Mà theo ông Lê Hoàng Sơn (Trưởng Ban bóng chuyền bãi biển Liên đoàn Bóng chuyền VN), thì Huệ là 1 trong 7 trọng tài cấp quốc gia đầu tiên của bóng chuyền bãi biển, do Liên đoàn Bóng chuyền VN đào tạo năm 2002. Sau 9 năm, 7 người đó giờ chỉ còn 4 trọng tài cấp quốc gia môn bóng chuyền bãi biển, và chỉ có duy nhất Huệ là nữ. Huệ cũng là người sáng giá nhất được Ban bóng chuyền bãi biển định cử đi học lớp trọng tài quốc tế thời gian tới. Nghĩa là Huệ là một người tài.
Người có quyền không "trọng tài" Vũ Thị Huệ là ông Nguyễn Đình Thủy, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Quảng Ninh, sếp của chị. Dưới quyền hành của ông Thủy, Huệ trở thành chị lao công quét rác, đã gần 1 năm, khi mà trước đó chị từ chối không làm chân bảo vệ trung tâm, và muốn xin về phòng nghiệp vụ. Bởi cái chân của chị đang có vấn đề: Đi lại khập khễnh, đầu gối bị xưng to.
Người xưa nói "họa vô đơn chí". Bị tai nạn nghề nghiệp, bị cắt phụ cấp HLV... có lẽ với chị cũng không cay đắng bằng cái cách đối xử "vắt chanh bỏ vỏ" kiểu này. Không chịu nổi, Huệ làm đơn xin nghỉ việc và chuyển cơ quan khác. Khi biết chuyện của Huệ, không chỉ bạn đọc, mà giới trọng tài thể thao cũng hết sức bất bình.
Trước số phận của người nữ HLV mà tương lai lẽ ra sáng sủa, hãy nghe những phát ngôn rất ấn tượng của ông Nguyễn Đình Thủy, Giám đốc TT khi trả lời báo chí:
- Việc này (quét rác) hết sức bình thường. Tôi còn tử tế vì phân xuống làm tạp vụ nhưng không hạ lương từ HLV xuống tạp vụ mà vẫn để lương chị Huệ là HLV.
- Nếu biết thế này tôi còn đày ở đây chứ chưa ký cho đi
- Chị Huệ nói cả đời bỏ công sức đi học hành, luyện tiếng Anh để làm trọng tài bóng chuyền bãi biển. Tuy nhiên chỉ có thể làm lúc rảnh rỗi thôi vì nếu chị Huệ đi thì ai quét dọn thay. Vì thế tôi không cho đi.
Ôi trời! không biết cái công việc quét rác nó quan trọng ngang ngửa thế nào mà đời chị Huệ luôn phải chìm nổi với cái chổi tre? Chìm nổi luôn với cái sự 'đày" của ông Nguyễn Đình Thủy?
Ông Nguyễn Đình Thủy tự cho mình là người tử tế. Nhưng sự tử tế thế nào, thì chỉ ông biết rõ nhất, khi người ta cho rằng, thực chất 2 người có mâu thuẫn riêng với nhau.
Giám đốc một TT là công việc phân công của xã hội, và cũng có thể là sự thành công của ông Thủy trên con đường tìm kiếm công danh. Nhưng không thể vì thế mà ông Thủy nhầm lẫn những thang bậc giá trị, nhầm lẫn về khái niệm tài năng, để tự cho mình cái tài độc đoán kiểu "Bắt cởi trần phải cởi trần/ Cho may ô mới được phần may ô".
Bởi nếu để đào tạo, thay thế một giám đốc TT như ông Thủy, tin chắc có hàng nghìn, hàng vạn người. Còn để đào tạo ra những trọng tài cấp quốc gia, và hướng tới trọng tài quốc tế về bộ môn bóng chuyền bãi biển thì hiện chỉ vỏn vẹn 4 người, mà chị Huệ là 1 trong số đó.
Thế nên, việc quản lý, sử dụng người tài cũng đòi hỏi người lãnh đạo có đức, có tài, có cả tấm lòng vì lợi ích chung, chứ không phải chỉ cần có mỗi chức danh- giám đốc.
Thế nên, như ông Lê Hoài Sơn phải thốt lên: "Trước đây tôi luôn băn khoăn vì sao bóng chuyền trong nhà Quảng Ninh ngày càng mất dạng và bóng chuyền bãi biển Quảng Ninh cũng biệt tăm, nay câu trả lời đã có sau sự việc của Huệ".
Thế nên, "Của Xeda, trả về Xeda" không chỉ là câu chuyện biển đảo của một quốc gia. Mà nó còn là câu chuyện của một số phận con người, như số phận HLV Vũ Thị Huệ. Nó cũng là câu chuyện của ngành TDTT Quảng Ninh về cách sử dụng và đãi ngộ người tài.
Những cái Ác nhân danh...
Trong tuần này, có 3 vụ việc mà khi đọc thông tin trên các báo, ngay lập tức bạn đọc bị sốc nặng, và chỉ có thể gọi đích danh những hành động đó là cái Ác nhân danh. Bởi số phận những người dân lành trong xã hội giờ đây, sao mong manh, bất an đến thế. Và bởi cái Ác trong xã hội giờ sao ngang nhiên đến thế?
Caí Ác nhân danh bảo vệ: Đó là câu chuyện của nhân viên bảo vệ Lê Tuấn Minh, (Công ty Giai Đức- Chương Mỹ- Hà Nội), ngày 23/6/2011 mới đây, đã lái xe (không có bằng lái) đâm thẳng vào hàng trăm công nhân của công ty này đang đình công đòi tăng lương, cải thiện điều kiện sinh hoạt. Hành vi tàn bạo của Minh đã khiến 1 công nhân chết, 6 công nhân khác bị thương. Cả công ty bàng hoàng.
Đối tượng Lê Tuấn Minh. Ảnh Dân Trí
Lê Tuấn Minh, trong chốc lát, từ nhân viên bảo vệ thành kẻ giết người.
Khai với cơ quan công an điều tra, Lê Tuấn Minh khẳng định, lãnh đạo công ty không sai đâm xe vào nhóm công nhân biểu tình, mà chỉ yêu cầu phải dẹp bằng được công nhân. Do sức ép từ lãnh đạo công ty, Minh nóng lòng muốn ổn định nhanh tình hình nên đã gây hậu quả xấu"(?)
Cái sự nóng lòng của Minh, rồi đây sẽ được pháp luật trả lời, khi Minh đứng trước vành móng ngựa. Và còn ai nữa, sẽ phải "chia lửa" với Minh về sự nóng lòng dẫn đến hành vi mất hết tính người này?
Những người thợ đình công của Công ty Giai Đức cuối cùng cũng đạt được mục đích: Lãnh đạo công ty đồng ý tăng lương cơ bản lên 1.680.000đ; tăng mức ăn ca từ 10.000đ/bữa lên 15.000đ/bữa, rồi tiền chuyên cần, tiền trợ cấp đều được tăng... Nhưng những đồng tiền được tăng nó cay đắng quá, vì máu những người lao động vô tội- đồng nghiệp của họ đã đổ.
Có một điều, vì sao trong xã hội chúng ta bây giờ, những "giá trị ngược" lại nhiều đến thế?
Vì sao, một nhân viên "bảo vệ" lại trở thành kẻ giết người một cách thản nhiên, không cần suy nghĩ?
Vì sao, cái tốt lại luôn sợ cái xấu, người ngay luôn sợ kẻ gian?
Vì sao, một hiệp sĩ bảo vệ đường phố, như Nguyễn Tăng Tiên (Thủ Dầu Một- Bình Dương), lại phải rơi nước mắt vì tủi thân, vì bị côn đồ trả thù, truy sát mà không được cơ quan chức năng nào bảo vệ?
Vì sao?
Ai có thể trả lời về những "giá trị ngược" không bình thường này đây?
Cái Ác nhân danh cứu người: Đó là câu chuyện về cái chết oan vô cùng thương tâm của một cô gái trẻ đã làm chấn động lương tâm của bất cứ ai. Cô gái Dương Thị Thu Huyền, ở Đất mũi Cà Mau, mới 17 tuổi, bị kẻ xấu cưỡng bức, bị thương tích do chấn thương tinh thần, hoảng sợ ngã dẫn đến chấn thương sọ não.
Được người nhà đem vào Bệnh viện Năm Căn cấp cứu lúc 3 giờ sáng, 1 giờ sau, em tắt thở. Cái chết oan uổng của em không hẳn do bệnh em quá nặng, mà chỉ vì sự dốt nát về kiến thức chẩn bệnh. Nhưng nhất là sự vô cảm, thờ ơ với nỗi đau con người, là sự tắc trách của ông bác sĩ Nguyễn Duy Tú cùng kíp trực.
Cổng rào của bệnh viện bị nhiều người đập nát vào tối ngày 29-6
Là những lời nói dửng dưng và tàn nhẫn của những vị khoác áo thầy thuốc, cho dù người nhà em đã gõ cửa tới 6 lần, và quỳ xuống van xin họ cho em được chuyển viện. Chỉ vì vô tình em được cấp cứu vào cái giờ họ...ngủ.
Đến mức báo Tuổi Trẻ phải gọi họ là "Bác sĩ máu lạnh" (ngày 4/7/2011)
Đáng tiếc nữa, cái chết oan nghiệt của của Huyền đã khuấy động cả một vùng quê, làm rối loạn cái mảnh đất vốn heo hút. 34 con người gây rối trong vụ đập phá nhà bác sĩ Tú, nhà giám đốc bệnh viện rồi đây sẽ ra trước vành móng ngựa. Nhưng ông bác sĩ Tú và những vị đồng nghiệp trực đêm hôm đó, liệu có khi nào tự quỳ xuống, để sám hối với lương tâm, với chính cái nghề được coi là từ mẫu.
Vì cái chết của một con người- như của cô gái trẻ Dương Thị Thu Huyền- sao mà dễ thế, nó "ngon lành" như giấc ngủ của các bác sĩ đêm đó vậy. Chỉ có điều, sự vô cảm, nhẫn tâm của họ, những bác sĩ nhân danh cứu người, có lẽ cần được cấp cứu trước.
Cái Ác nhân danh dạy người: Ngày 29/6/2011, một loạt các báo Tiền Phong, VietNamNet, baomoi.com... đưa tin một tội ác giết người kinh hoàng: Thủ phạm là nhà giáo- ông Nguyễn Thanh An, Hiệu trưởng Trường tiểu học C (xã Phước Long, huyện Phước Long- Bạc Liêu).
Câu chuyện rất đơn giản và bất ngờ. Ông An cùng 2 đồng nghiệp, thầy giáo Bùi Thanh Đẳng, và Trần Việt Triều gọi bia về nhậu. Trong bữa nhậu, thầy giáo Triều đưa ra đề toán cấp 3 đố giải. Hiệu trưởng An không giải nổi, nên bị thầy Triều chê: "Làm lãnh đạo, quản lý mọi mặt mà bài toán cấp 3 giải không ra!" Câu nói trêu chọc không ngờ phải trả giá quá đắt. Khi thình lình ông An cầm cây dao phay cứa cổ thầy Triều. Trong chốc lát, thầy Trần Việt Triều nằm chết trên vũng máu. Còn ông An sau phút định thần, hãi hùng bỏ trốn.
Cũng như bảo vệ Lê Tuấn Minh ở Công ty Giai Đức nói trên, phút chốc, từ một hiệu trưởng, ông An trở thành kẻ giết người.
Có rất nhiều tội ác mà khi xảy ra, xã hội còn bàn luận rất lâu, tranh cãi, lý giải nguyên nhân. Có những tội ác, người ta không sao hiểu nổi tội phạm vì sao có thể đang tâm tàn bạo đến vậy.
Còn trong trường hợp này, tội ác có vẻ được lý giải đơn giản hơn, nhưng cũng đau đớn, và tai tiếng hơn. Đơn giản, vì có thể thấy ngay được chất xúc tác- bia rượu, dù có thể trong mối quan hệ 2 phía, có những khúc mắc riêng tư, không ai dễ biết. Nhưng cũng đau đớn và tai tiếng hơn, vì cả thủ phạm lẫn nạn nhân đều là thầy giáo, ở cái ngành dạy người đòi hỏi sự mô phạm.
Xưa nay người ta thường "rượu vào, lời ra". Mà nay mới có bia vào, đã lại ...dao ra!
Trong đám tang thầy giáo trẻ Trần Việt Triều- cũng là con của một hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Phước Long I, vợ con của hiệu trưởng Nguyễn Thanh An, khóc đau đớn, thảm thiết. Nước mắt của những gia đình nhà giáo sao nó bẽ bàng và xót xa đến vậy.
Còn xã hội chúng ta, có tôi, có anh, có chị... cũng đang phải khóc cho những bất cập của ngành giáo dục.
Vì sao, mà cả sự dạy chữ lẫn dạy người lại xuống cấp thê thảm đến vậy?
"Của Xeda, trả về Xeda". Xin gửi trả cho ngành giáo dục cái dấu hỏi đau đớn của cả xã hội để ngành trả lời trước dân tộc!
Kỳ Duyên