Truyền thông hay những con kền kền - Dân Làm Báo

Truyền thông hay những con kền kền


Hà Giang - Ngoài việc tập trung thông tin, đưa một cách quá khích, tỷ mỷ thì cũng có vấn đề đặt ra ấy là văn hóa đọc của người dân. Khi được hỏi, có người đã nói thẳng ra là văn hóa đọc của dân ta dạo này có vấn đề, nếu không nói là nó đã xuống cấp...

*

Thông tin về vụ án Tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, Lục Nam, Bắc Giang) đã bước vào giai đoạn "thoái trào” trên các phương tiện thông tin đại chúng bởi vì nó đã được săn đuổi đến mức kiệt cùng, chả còn gì mà khai thác nữa.
Sự tìm tòi đến mức quá khích sẽ đem lại
 những tác dụng phản tuyên truyền
Để có số liệu theo kiểu "Điều tra xã hội học”, tôi vào trang Google để tìm kiếm. Gõ tên sát thủ Lê Văn Luyện, thật không ngờ, chỉ sau vài giây và sau cái ngày sát thủ ra tay cướp đoạt cùng lúc 3 mạng sống kia (ngày 24-8) đến ngày tôi làm thao tác này (8-9) kết quả đã cho thấy có tới 5.860.000 thông tin liên quan đến sự việc này. Để có số liệu so sánh tiếp, tôi lại gõ tên Giáo sư Ngô Bảo Châu, người đã làm rạng danh cho nền toán học nước nhà, buồn thay, sau hơn 1 năm Giáo sư đăng quang, kết quả của tìm kiếm liên quan đến Giáo sư chỉ ở con số 4.930.000, "thua xa” sát thủ Luyện. Tôi lại vào Google tìm tiếp về kết quả của cuộc thi Robocon Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại Băng Cốc (Thái Lan), đại diện Việt Nam là Trường Lạc Hồng đã đoạt giải 3 thì kết quả so với sát thủ Luyện còn dừng ở mức thấp hơn: 2.270.000 kết quả. Thế mới thấy việc tra cứu trên mạng về các nhân vật nổi tiếng, các giải thưởng liên quan đến trí tuệ giờ đây đã bắt đầu chịu... lép vế với các vụ đâm, chém, cướp, giết...

Nhà tôi là một xóm nằm gần bãi sông Hồng, nơi dân di cư hay chọn làm chốn trú ngụ cho mình, trong đó nhiều nhất là người bán báo dạo và đánh giầy. Từ ngày sát thủ Luyện "ra tay”, cả xóm báo dạo dậy sớm hơn thường lệ. Tiếng trao đổi, tiếng gọi nhau đi lấy những số báo có liên quan đến tiệm vàng Ngọc Bích về bán. Rồi tiếng loa bán báo dạo chưa sáng đã "gắt gỏng”: Báo mới đây. Những thông tin độc quyền, rồi gặp sát thủ, người nhà sát thủ, bữa ăn đầu tiên của sát thủ... cứ vang rền khắp ngõ. Rồi lại chuyện cánh dân bán báo dạo chửi nhau về những chuyện như ăn mảnh, biết báo này, báo kia ra bài "độc” về tay Luyện mà chả bảo nhau, cứ thui thủi đi lấy một mình...v.v.v.v.. cũng đã từng xảy ra.

Bị đánh thức sớm đã đành một nhẽ, bản thân tôi cũng gặp những câu chuyện hết sức chạnh lòng. Cách đây hơn ngày, khi thông tin về Luyện và tiệm vàng Ngọc Bích đã vãn, cô Nguyệt, nhà mãi tận xứ Thanh ra Hà Nội bán báo đã thuộc hàng thâm niên mới mò sang nhà. Câu đầu tiên cô "cáo” cho cái sự ít sang chơi dạo này ấy là: Bận quá! Có cái vụ tay Luyện cướp của giết người "hay quá”! Báo cứ bán chạy ùn ùn nên chả dám đi muộn, về sớm để chơi bời. Rồi như một sự hết sức thật thà cô bộc bạch: Giá như một năm có mấy vụ như thế này thì hay nhỉ (?!). Báo bán chạy như tôm tươi, bọn em có đồng ra đồng vào, bù đắp cho những giờ đi rạc cẳng vì không có những thông tin như vậy.

Đâu đâu cũng thấy dân tình xôn xao về vụ sát thủ Luyện. Góc phố, vỉa hè, bến xe... Báo in đã vậy, báo điện tử cũng không chịu lép vế. Cứ vào một trang nào đó trong những ngày "sốt” về thông tin này cũng thấy chềnh ềnh cái tít ở trang nhất. Thậm chí nhiều cơ quan "kết” "đề tài này còn có những tít dẫn dài cả gang tay, treo trên những bài viết mới để bạn đọc tiện... tra cứu. Hết "thông tin độc quyền” với người nhà nạn nhân, lại "độc quyền” với người tham gia bắt Luyện, rồi "thông tin độc quyền” đầu tiên với sát thủ... Thậm chí một số anh em còn cho tôi biết, để có "thông tin nóng hổi”, có cơ quan còn cho thành lập "nóng” một tổ phóng viên để "bám” vụ việc. Hết tỏa đi "bám” các cơ quan chức năng lại đến "ém quân” tại nhà, tại xã để tìm gặp người thân, gia quyến để... lấy thông tin.

Hết người nhà nạn nhân lại đến người nhà sát thủ. Thậm chí đến cả cô y tá xã đã khâu những vết thương đầu tiên cho Luyện cũng bị "xung vào lực lượng” "bị khai thác thông tin”. Cũng may, khi trở thành sát thủ, Luyện chưa có người yêu. Chứ không, nếu có, cô này cũng "ăn đòn” đủ. Khi đã bừng tỉnh, thiên hạ đã quá biết mình rồi. Trẻ trung phơi phới, đã từng yêu sát thủ thì lấy đâu được chồng nữa. Muốn có tương lai, chắc chỉ bán sới khỏi quê, "mai danh, ẩn tích” ở nơi xa xôi nào đó, chờ "thời gian phủ bụi thông tin” mới có cơ hội kiếm chồng.

Sáng, bát phở còm thời bão giá chưa đưa vào miệng được quá nửa, tôi chợt giật mình vì tiếng chửi của cậu choai choai ngồi cạnh: Có đ. gì mới đâu mà lại nói là thông tin mới nhất làm "bố” mày mất mấy nghìn... Hóa ra anh choai choai này đang quan tâm đến vụ việc sát thủ Luyện. Sáng đi ăn, thấy người ta rao, mua một tờ giờ mới có thời gian đọc. Nhưng "hàng” đã không "đúng chất lượng” nên bực và chửi.

Lại nhớ hôm ngồi quán cóc cơ quan anh bạn, gặp mấy anh công chức trẻ ngồi trò chuyện với nhau. Lại đề tài sát thủ Luyện là chính. Rằng tờ này, tờ kia đăng thế này, thế kia. Hình như vụ việc Luyện trong thời gian này đã thắng thế cả những câu chuyện về lương, về lạm phát, về giá vàng lên hay xuống. Có anh trẻ trung và dí dỏm nhất đám nói câu mà tôi cứ hãi mãi: Giờ làm người "nổi tiếng” dễ lắm. Chả cần học hành, chả cần có phát kiến nọ kia, chả cần đóng góp. "Để nổi tiếng”, cứ có con dao trong tay, nhẩy vào nhà nào đó đang có người. Dao giơ lên, vung ngang, xúc dọc, thế là thành người "nổi tiếng”. Không chỉ có mình mà đến cả họ hàng cũng... "nổi tiếng” hết.

Không chỉ nghe chuyện, chứng kiến người ta nói, người ta nghĩ qua việc đọc mà chính tôi cũng là nạn nhân của vấn đề này, tuy rằng tôi chưa viết đến nửa chữ về vụ việc của Luyện. Thằng bạn không cùng nghề hôm nọ tự dưng điện thoại, bắt tôi đi khao nhuận bút. Tôi hỏi, nó bảo vừa có vụ Luyện, "hót” như thế chắc ông cũng "lao bút” được mươi bài. Tháng này có thu nhập "đột biến” không khao thì để làm gì(?!). Nghe mà tê tái lòng, cám cảnh nghiệp!
Trong số những người tìm đến nhà nạn nhân để tìm hiểu
 và chia sẻ nỗi đau thì còn rất nhiều người coi đây
 như một "cơ hội” để kiếm tìm thông tin theo kiểu "độc”, "hót”

Anh bạn làm bên một ngành văn hóa trên Bắc Giang xuống. Câu đầu tiên "chia sẻ” lại là chuyện thông tin và việc tác nghiệp quá khích. Anh bảo, có mỗi cái vụ việc đó mà cắm quân, lùng sục, khai thác không chừa bất cứ cái gì. Sao mà giỏi thế. Hết người thân, lại đến cô giáo, hàng xóm thậm chí cả bà bán quán cạnh nhà Luyện cũng bị lôi vào. Cả đời, chả bao giờ bà bán quán nghĩ có lúc mình được lên báo, nay có vụ Luyện tự dưng lại được in ảnh, "chém gió” về đời tư, gia đình sát thủ. Cứ làm như không có vụ Luyện thì sẽ không có sản phẩm để bán cho công chúng không bằng. Cuộc sống còn đầy những cái có tác dụng hơn sao lại không tập trung mà lại cứ tập trung vào việc ấy nhỉ.

Những thông tin về vụ Luyện thực ra đã bị lạm dụng và thực sự đã biến một số người làm nạn nhân. Với người không biết sàng lọc thì không sao chứ với người biết sàng lọc cũng "cầm lòng chẳng đặng”. Thông tin nhiều, đa chiều đã làm "cảm kích” đến cả vị đứng đầu ngành nọ và để người ta bàn luận mãi. Ấy là việc vị ấy dẫn đầu đoàn quân vào trao giấy khen và... "thưởng nóng” 10 triệu đồng cho ê kíp các bác sỹ đã cứu nguy cho cháu Bích, nạn nhân còn lại duy nhất của vụ sát hại ở Tiệm vàng Ngọc Bích. Ừ, thì ai cũng biết, để giành giật mạng sống của cháu Bích, các y bác sỹ đã hết lòng, huy động lực lượng để cứu cháu, đó là việc cần ghi nhận. Nhưng dư luận cũng đặt một câu hỏi ngược lại, nếu có một cháu bé nào đó giống hoàn cảnh cháu Bích, nhưng không liên quan đến vụ sát hại ở tiệm vàng "nổi tiếng” trong thời gian qua thì người ta có tìm đến để tặng, để thưởng không?

Ngoài việc tập trung thông tin, đưa một cách quá khích, tỷ mỷ thì cũng có vấn đề đặt ra ấy là văn hóa đọc của người dân. Khi được hỏi, có người đã nói thẳng ra là văn hóa đọc của dân ta dạo này có vấn đề, nếu không nói là nó đã xuống cấp. Từ sản xuất đến tiêu dùng bao giờ cũng là một quy trình. Nếu cái sự đọc được nâng cao, người ta chỉ cần biết những thông tin chủ yếu là: Vụ sát hại xảy ra ở đâu, bắt được hung thủ chưa và hung thủ bị kết tội ra sao là đủ thì anh có đưa ra các thông tin "nóng”, "hót” bằng giời cũng không thể phủ dụ được người ta móc hầu bao ra mua thông tin được nữa.

Tại một bàn nhậu, lãnh đạo một tờ báo kiểu "lá cải” ấy oang oang tuyên bố không cần giấu giếm: Ngày đỉnh điểm của "vụ án tiệm vàng” tia-ra của tờ báo đã lên đến 8 vạn tờ...

Thật là một vụ làm ăn thắng đậm!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo