Thanh Phương(RFI) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: quyền biểu tình đã được quy định trong Hiến pháp Việt Nam. Nhưng do chưa có luật biểu tình cho nên người dân khó thực hiện quyền này và chính quyền cũng khó quản lý. Từ đó, xuất hiện những «biểu hiện mất an ninh trật tự», «lợi dụng để kích động, xuyên tạc gây phương hại xã hội»
Ngày 25/11/2011, sau khi đọc báo cáo kinh tế - xã hội trước Quốc hội Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời các câu hỏi chất vấn của các đại biểu.
Trong phần trả lời chất vấn này, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc lại đề nghị của chính phủ đưa Luật biểu tình vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội đương nhiệm. Theo ông thủ tướng Việt Nam, quyền biểu tình đã được quy định trong Hiến pháp và do chưa có luật biểu tình cho nên người dân khó thực hiện quyền này và chính quyền cũng khó quản lý. Từ đó, xuất hiện những « biểu hiện mất an ninh trật tự », « lợi dụng để kích động, xuyên tạc gây phương hại xã hội »
Ông Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Bộ Công an chủ trì soạn thảo Luật biểu tình sau khi xảy ra một loạt các cuộc biểu tình trong những tháng 6,7 và 8, đặc biệt là ở Hà Nội, để phản đối những hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.
Hãng tin AFP hôm nay trích dẫn tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những nhân sĩ đã tích cực tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc, trước đây đã từng nói là hiện chưa có luật hay nghị định nào nói rõ thủ tục tổ chức biểu tình. Ông Nguyễn Quang A kêu gọi chính phủ thông qua một luật để cho phép biểu tình «một cách văn minh».
Những người từng tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc cũng vừa kêu gọi tập hợp ở Hà Nội vào Chủ nhật tới 27/11/2011 để «Ủng hộ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất và Quốc hội ban hành Luật biểu tình»
Chủ quyền Hoàng Sa : «Đàm phán hòa bình với Trung Quốc»
Cũng trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu hôm nay, thủ tướng Việt Nam tuyên bố sẽ đàm phán với Trung Quốc để đòi chủ quyền Hoàng Sa.
Theo ông Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử để khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam. Ông Dũng nhắc lại năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, lúc đó nằm dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Chính quyền này đã lên án hành động của Trung Quốc và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Vào thời gian đó, chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam cũng đã ra tuyên bố phản đối Trung Quốc.
Tuy nhiên, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết là Việt Nam «chủ trương đàm phán để giải quyết, đòi hỏi chủ quyền đối với quần đào Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình».
Hôm qua, 24/11/2011, Việt Nam, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị, đã phản đối việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền Hoàng Sa, sau khi có tin ngày 22/11/2011, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đã cấp giấy phép cho một công ty du lịch đưa khách đi tham quan từ đảo Hải Nam tới quần đảo Hoàng Sa. Theo lời ông Nghị, mọi hoạt động của nước ngoài tại khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là «vi phạm chủ quyền của Việt Nam và trái với tinh thần DOC», tức Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử trên Biển Đông mà Trung Quốc ký với ASEAN.