Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il qua đời - Dân Làm Báo

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il qua đời

(CNN) - Dân Làm Báo tổng hợp và lược dịch - Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il, hiện thân của một quốc gia khép kín với sự sùng bái cá nhân sâu đậm, đã qua đời lúc 69 tuổi theo thông tin của truyền hình nhà nước Triều Tiên. Được xem là một trong lãnh đạo hà khắc nhất thế giới, Kim Jong Il luôn luôn tạo ra một hình ảnh quái đản về mình. Tầm vóc nhỏ bé của ông và mái tóc đặc trưng đã được biếm nhại bởi phương Tây.

Kim Jong Il sau khi kế vị cha của ông ta 17 năm về trước đã qua đời vào 8:30 sáng Thứ Bảy. Truyền thông của nhà nước Triều Tiên đã thông báo cái chết của ông vào Thứ Hai. Một xướng ngôn viên đầy nước mắt của đài truyền hình đã thông báo ông Kim Jong Il đã từ trần vì đã làm việc quá độ sau khi đã cống hiến cuộc đời của ông ta cho nhân dân".



Thông Tấn Xã KCNA của nhà nước đã nói ông Kim đã trải qua những căng thẳng về tinh thần lẫn thể xác trong khi đang ở trên một chuyến xe lửa trong một chuyến công tác hướng dẫn quần chúng. Ông đã bị đột quỵ vì tim và không thể cứu chữa được. Đám tang của ông ta sẽ được tổ chức vào ngày 28 tháng 12.

"Ông ta là một người bí ẩn - Tôi nghĩ do sự cố tình sắp đặt", theo ông Han S. Park, giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề toàn cầu tại Đại học Georgia và một người thường xuyên tới Bắc Triều Tiên. "Kỳ bí là nguồn lực của sức bẩy và quyền lực. Nó duy trì tình trạng mơ hồ". Nhưng đối với các công dân của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Kim Jong Il là hiện thân và được kính trọng ở đất nước khép kín này.

Cha của ông Kim Jong Il là Kim Il Sung, người thành lập Bắc Hàn Quốc với sự hậu thuẫn của Liên Xô sau chiến tranh thế giới thứ II.

Kim Jong Il chỉ là một cậu bé lúc chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950 khi Cộng sản miền Bắc xâm lăng miền Nam đang được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Sau khi cuộc chiến kết thúc, Kim đã đắm chìm trong triết lý "juche" -tự chủ - nền tảng của cá tính khép kín, ẩn dật của Bắc Triều Tiên. Bắc và Nam Triều Tiên không bao giờ chính thức ký kết một hiệp ước hòa bình và coi như ở trong tình trạng chiến tranh với sự chia cách bởi bởi một khu phi quân sự căng thẳng.


Theo thông tin của nhà nước thì ông Kim ra đời ở vùng núi thiêng Paektu, đỉnh núi ở biên giới phía bắc với Mãn Châu Trung Quốc và là đỉnh cao nhất trên bán đảo Triều Tiên, nơi mà theo truyền thuyết thì Triều Tiên đã được tạo dựng cách đây 5.000 năm.

Các nhà nghiên cứu khách quan hơn thì cho rằng ông Kim sinh ở khu vực Viễn Đông của Liên bang Xô Viết vào ngày 16 tháng 2 1942. Cha ông đã trốn sang Liên Xô khi Nhật Bản đã đặt một cái giá trên đầu của ông ta cho các hoạt động du kích khi Nhật đang chiếm đóng Hàn Quốc. Gia đình ông ta trở về miền bắc của bán đảo sau sự đầu hàng của Nhật Bản trong Thế chiến II, và nhà độc tài Xô Viết Josef Stalin đã chỉ định Kim Il Sung là người lãnh đạo của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Em trai Kim Jong Il bị chết đuối lúc còn bé và mẹ của ông qua đời khi ông 7 tuổi. Không lâu sau đó, vào năm 1950, chiến tranh Triều Tiên nổ ra và ông đã được gửi đến vùng Manchuria, trở về lại Triều Tiên ba năm sau đó, khi chiến tranh kết thúc.

Mặc dù có những khó khăn, Kim Jong Il có lẽ đã được bao quanh bởi sự sa hoa và đặc quyền trong gần hết giai đoạn khôn lớn. Là con trai đầu lòng của một nhà độc tài với bàn tay sắt "mọi cánh cửa đều có thể mở ra cho anh ta từ một độ tuổi rất trẻ," Dae-sook Suh, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hawaii, chuyên môn về chính phủ Bình Nhưỡng đã nói.

Dần dần Kim Jong Il đã được chuẩn bị chu đáo cho các vị trí hàng đầu, xếp đặt để xuất hiện trước đám đông quần chúng cổ vũ cho ông ta.

Năm 1980, Kim Il Sung chính thức chỉ định con trai ông làm người kế nhiệm ông. Kim Jong Il đã được đưa vào vị trí cao cấp trong Bộ Chính trị, Ủy ban quân sự và Ban Bí thư của đảng. Ông ta nắm lấy danh hiệu "lãnh tụ kính yêu" và chế độ bắt đầu tạo dựng một huyền thoại bí hiểm về ông ta dựa vào khuôn mẫu "lãnh tụ vĩ đại" của cha ông ta. 

Năm 1991, Kim Jong Il trở thành Tổng tư lệnh của lực lượng vũ trang Bắc Triều Tiên, bước cuối cùng trong quá trình xây dựng tư thế lãnh đạo. 

Ba năm sau, khi Kim Il Sung qua đời đột ngột do một cơn đau tim ở tuổi 82, hầu hết bên ngoài dự đoán sự sụp đổ sắp xảy ra của Bắc Triều Tiên. Quốc gia này đã mất đi người cha già dân tộc đã sáng lập ra nó. 

Chỉ vài năm trước đó, liên minh mạnh mẽ của Triều Tiên đã bốc hơi với sự sụp đổ của khối Xô Viết và Trung Quốc chuyển hướng đi sang hệ thống kinh tế thị trường. Nền kinh tế bị gặp khó khăn trầm trọng, năng lượng và lương thực bị thiếu hụt. Một loạt các thảm họa thời tiết, kết hợp với một hệ thống nông nghiệp Nhà nước không hiệu quả đã tiếp tục xói mòn các nguồn cung cấp thực phẩm, dẫn đến nạn đói hàng loạt.

Chưa có thời điểm nào tồi tệ hơn lúc đó để mà phải thay thế người lãnh đạo duy nhất của quốc gia này.

"Trời đã không nở nụ cười với Kim Jong Il," ông Dae-sook Suh của Đại học Hawaii đã nói.

Sau đám ma hoàng tráng của cha, ông Kim Jong Il không xuất hiện trước công chúng, tạo ra nhiều tin đồn,  trong khi đó thì ông ta nhanh chóng thu tóm và củng cố quyền lực. 

Trong hệ thống nhà nước mới của ông, ghế tổng thống của cha ông được bỏ trống, và ông ta nắm giữ vai trò Tổng bí thư của Đảng Công nhân cũng như Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng quốc gia - một nhóm 10 người bao gồm người đứng đầu lực lượng không quân, quân đội và hải quân, những người được xem là có quyền lực cao nhất nước.


"Đó là một chính phủ kỳ dị nhất" ông Dae-sook Suh đã nhận xét. "Ông ta tôn vinh di sản của cha mình, nhưng chính phủ mới là một chính phủ hoàn toàn Kim Jong Il, khác hẳn với chính phủ trước đây của cha ông ta". 

Phong cách độc đáo của Kim Il Sung theo kiểu Stalin, tràn ngập với triết lý Juche Hàn Quốc, hỗ trợ thêm cho khuynh hướng quân phiệt của chính sách "Red Banner - Ngọn cờ Đỏ", khởi xướng vào năm 1996.

Tiến trình thay đổi trên đã được thể hiện một cách ấn tượng vào năm 1997 với vụ đào tẩu của Hwang Jang yop - "kiến ​​trúc sư" của triết học juche và quan chức cao cấp đầu tiên tìm cách tị nạn ở Hàn Quốc.

Trong một cuộc họp báo sau khi đào tẩu, ông Hwang đã cảnh báo về sự gia tăng khả năng về một khởi động tấn công của Bắc Triều Tiên. "Việc chuẩn bị cho chiến tranh đã vượt quá trí tưởng tượng của mọi người", ông nói.

Nhiều người ngoại quốc cho rằng việc đào tẩu của ông Hwang là một dấu hiệu cáo chung của chế độ Bắc Triều Tiên, nhưng một lần nữa Triều Tiên đã vượt qua bão táp, thậm chí còn được hưởng lợi từ những nỗi sợ hãi của chiến tranh khởi đi từ những lời cảnh báo của ông Hwang.

Mặc dù đã thử nghiệm tên lửa qua không phận của Nhật Bản vào tháng 6 năm 1999 và các sự cố tương tự khác, Bắc Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Il cũng đã gửi tín hiệu rằng Triều Tiên muốn mở cửa cho liên minh mới sau nhiều năm bị cô lập. Hàng tỷ đô la viện trợ quốc tế đổ vào Bắc Triều Tiên trong những năm 1990, những đã không đem lại những kết quả gì mà phía các quốc gia viện trợ mong đợi. 

Nhiều nhà phân tích kết luận rằng Kim Jong Il đã đóng vai một anh đánh bài nghèo một cách khéo léo. 

"Tôi có xu hướng bỏ qua các tin đồn rằng ông là một con người phi lý, một người mà không ai có thể hợp tác được", ông Alexander Mansourov, một học giả lâu năm về Hàn Quốc và một nhà ngoại giao Nga làm việc tại Bình Nhưỡng vào cuối những năm 1980. "Tôi tin rằng ông ta là một người thông minh và thực dụng. Và tôi nghĩ rằng ông ta có thể tàn bạo và không buông lỏng bàn tay sắt trong bất kỳ trường hợp nào đối với những người xung quanh.

Sự mê thích phim ảnh đã dẫn đến một trong những sự cố kỳ lạ gắn liền với ông: Sự kiện bắt cóc nữ diễn viên Hàn Quốc Choi En-hui và chồng của cô ta là đạo diễn Shin Sang-ok vào năm 1978. Theo lời kể lại của cặp vợ chồng diễn viên / đạo diễn sau khi thoát khỏi khỏi Bắc Triều Tiên vào năm 1986 thì câu chuyện này không khác gì kịch bản của một cuốn phim loại B. 

Họ kể rằng Kim Jong Il đã giam giữ cô Choi trong nhà và bỏ tù ông Shin bốn năm sau khi họ tìm cách vượt thoát nhưng thất bại. Sau đó Kim Jong Il đã buộc cặp vợ chồng này làm việc trong ngành điện ảnh Triều Tiên, trả tiền cho họ hậu hĩnh và giữ họ trong cái lồng son rực rỡ của vòng tròn giao tế trong giới nghệ thuật của ông ta. Mặc dù đất nước đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ, Kim Jong Il đã sống xa xỉ và bỏ ra hàng chục triệu đô la cho việc sản xuất phim của 2 vợ chồng Choi và Shin.

Cặp vợ chồng này đã nói với phóng viên Don Oberdorfer của tờ báo Washington Post rằng ông Kim Jong Il là một người "quản lý li ti" quyết định mọi vụ việc quan trọng ở Bắc Triều Tiên vì tình trạng ốm yếu của cha mình. Ông Shin mô tả Kim là "rất sáng", nhưng nói rằng với nền tảng và giáo dục mà ông ta đã có, ông ta đã không có một cảm nhận tội lỗi về lỗi lầm của mình. 

Trong khi vị Lãnh tụ Kính yêu được cho là người đam mê những món ngon vật lạ thì người dân Triều Tiên ở vào tình trạng chết đói. Sự sụp đổ của Liên Xô vào đầu thập niên 1990 đã ảnh hưởng nặng nề lên Bắc Triều Tiên khi những giao dịch thương mại vốn được đảm bảo với Moscow bị chấm dứt. 

Và sau đó là trận lụt khủng khiếp đã làm trầm trọng thêm nạn đói. Chế độ Bắc Triều Tiên thừa nhận gần 250.000 người thiệt mạng từ năm 1995 và 1998, nhưng một số tổ chức bên ngoài cho rằng con số thực sự có thể gấp 10 lần như thế. 

Tuy nhiên, hình ảnh thành tựu của chế độ đã được khéo léo duy trì ở thủ đô Bình Nhưỡng, bao gồm một tàu điện ngầm sang trọng - bằng chứng cho Kim Jong Il để phản ánh sự tiến bộ của Bắc Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của cha con ông ta. 

Năm 2000, quan hệ "băng giá" giữa Nam và Bắc Hàn có vẻ được cải thiện ấm áp hơn dẫn đến cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Kim Jong Il và đối thủ của ông ta ở Nam Hàn là Tổng thống Kim Dae Jung. Chính sách Ánh nắng Mặt trời - Tiếp cận" của Nam Hàn dường như đã rất hiệu quả.

Tuy nhiên, Kim Jong Il đã đẩy mạnh chương trình vũ khí hạt nhân của mình và Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là George W. Bush, trong diễn văn "State of Union" vào năm 2002 đã tuyên bố Bắc Triều Tiên là một phần của "trục ma quỷ". Một năm sau, Bắc Triều Tiên rút khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Trong năm 2006, Bắc Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử hạt nhân và thử nghiệm bắn tên lửa và vì thế đã gia tăng nhu cầu khẩn cấp cho các cuộc đàm phán sáu bên để đối phó với chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Một bước đột phá xảy ra vào năm 2007 khi Kim Jong il cuối cùng đã đồng ý vô hiệu hóa lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon để đổi lại là sự trợ giúp nhiên liệu và quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ. 

Tuy nhiên, mặc dù với sự làm nổ tung tháp làm lạnh Yongbyon của lò phản ứng hạt nhân, Bắc Triều Tiên dường như lại đi lùi trở lại và những cam kết trước đó có thể sẽ có nguy cơ. Tháng 8 năm 2008, Bình Nhưỡng ngừng việc vô hiệu hoá các nhà máy sản xuất plutonium sau những bế tắc về các biện pháp đo lường để xác minh.

Nhiều tháng sau - khi tổng thống Bush sắp sửa kết thúc nhiệm kỳ cuối cùng, chính phủ Mỹ đã đồng ý rút Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. Động thái này là một sự chuyển biến bởi chính quyền của ông Bush khi mà trước đó, chính phủ Hoa Kỳ từ chối việc lấy tên Triều Tiên ra khỏi danh sách hỗ trợ khủng bố cho đến khi nào nhà cầm quyền Bình Nhưỡng đồng ý thiết lập một cơ chế quốc tế được công nhận để xác minh Triều Tiên đã tiết lộ tất cả các bí mật hạt nhân của mình.

Các nhà phân tích cho rằng rất là dễ dàng cho người bên ngoài cho Kim Jong Il là một ác quỷ, một nhà độc tài đã dùng khoảng hơn 25% tổng sản lượng quốc gia vào ngân sách quốc phòng trong khi nhiều người dân bị đói khát. 

Nhưng ở Bắc Triều Tiên, đóng cửa từ những ảnh hưởng bên ngoài, sợ hãi về các mối đe dọa từ các nước láng giềng, và phải chịu nhiều thập kỷ của một xã hội chính trị cộng thêm một truyền thống lâu đời của một hệ thống thứ bậc nghiêm ngặt, đa phần người dân Triều Tiên có ấn tượng tốt với Kim Jong Il - theo lời ông Han Park của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề toàn cầu.


"Mức độ của sự tôn kính cho Kim Jong Il ở Bắc Triều Tiên đã được đánh giá khá thấp bởi người ngoại quốc", ông Park nói. "Nhiều người dân Triều Tiên cho rằng ông ta không những là một lãnh tụ vượt trội mà còn là một người đàng hoàng, có đạo đức cao. Điều này có chính xác hay không nó không quan trọng nếu bạn muốn đối phó với Bắc Triều Tiên. Bạn phải hiểu hệ thống niềm tin của họ. Nhận thức là thực tế. "


Tuy nhiên, đối với thế giới bên ngoài, Kim Jong Il sẽ được nhớ đến như một trong những kẻ bạo chúa tồi tệ nhất trong lịch sử, theo Andre Lankov, một tác giả về lịch sử của Hàn Quốc.

"Ông sẽ được nhớ đến như một người chịu trách nhiệm cho những điều tệ hại khủng khiếp: sự tồn tại của một trong những chế độ độc tài tồi tệ nhất trong lịch sử, không chỉ của Hàn Quốc mà là lịch sử thế giới, ít nhất là trong thế kỷ 20 và 21", ông Lankov nói.

"Tuy nhiên, ông ta đã không tạo ra chế độ độc tài này là cha của ông ta, nhưng ông ta đã nhận trách nhiệm và đã tìm cách để bảo đảm cho nó tiếp tục nhiều năm sau đó. 

Nguồn CNN



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo