Quốc Hội thế mà hay - Dân Làm Báo

Quốc Hội thế mà hay

Nguyễn Hưng Quốc - Trong tình trạng không có ai giám sát quyền lực của đảng và nhà nước như vậy, một Quốc Hội gồm toàn nô bộc và những kẻ dở hơi có khi lại là điều hay: Nó giúp người ta nhìn thấy thực chất của vấn đề. Và đừng có ảo tưởng. Những ảo tưởng vu vơ và lệch lạc...

*

Liên quan đến Quốc Hội Việt Nam hiện nay, trên các trang web hoặc blog thuộc lề trái của giới trí thức trong nước, người ta thấy nổi bật lên hai tâm trạng chính: 

Thứ nhất là buồn và ngao ngán. Hầu hết các đại biểu là những ông/bà nghị gật, chỉ biết nói leo theo chính quyền. Có vài người có một số phát ngôn được xem là “ấn tượng”, gây tranh cãi nhiều, trở thành nổi tiếng trong công luận đều là những kẻ dở hơi. Trong số đó, có hai kẻ dở hơi một cách đặc biệt. Một là, ông nghị Hoàng Hữu Phước, người phản đối luật biểu tình. Hai là ông nghị Nguyễn Minh Hồng, người nêu lên dự luật nhà văn. Nếu ông Phước đi đâu cũng khoe cái bằng “Thạc sĩ Kinh Doanh - Quốc tế” thì ông Hồng có một tiểu sử “hoành tráng” hơn. Mục “trình độ học vấn” trong bản lý lịch chính thức của ông ghi: “Bác sĩ y khoa, tiến sĩ tâm lý học, nhà văn” (Té ra “nhà văn” cũng là một thứ bằng cấp!). Tuy nhiên hai ông lại có điểm rất giống nhau: hay phát biểu một cách hùng hồn những điều mình không biết. Chuyện ông Phước, tôi đã nhắc đến trong bài “Luật biểu tình”. Chuyện ông Hồng, thật ra, nhiều người đã nói, tôi chỉ xin tóm tắt: Ngay trong kỳ họp thứ hai của Quốc Hội khóa 13, ông Hồng đề xuất Luật nhà văn. Ai cũng ngỡ ngàng. Giới cầm bút nhao nhao phản đối. Cuối cùng, ông Hồng cũng thừa nhận là ông cũng không có ý tưởng gì liên quan đến cái dự luật ấy cả. Ông chỉ nêu lên theo gợi ý của Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn. Vậy thôi. May, rồi cái dự luật quái đản ấy cũng bị chìm xuồng. Nhưng sự dở hơi của ông nghị bác sĩ - tiến sĩ - nhà văn Nguyễn Minh Hồng thì có lẽ sẽ còn lại khá lâu trong ký ức mọi người. 

Bên cạnh cảm giác buồn và ngao ngán, nhiều người không giấu được cảm giác tiếc nuối Quốc Hội khóa 12 trước đây. Người ta nhớ và nhắc mãi những đại biểu sắc sảo và thẳng thắn, từng lên tiếng hạch hỏi các bộ trưởng và cả Thủ tướng một cách gay gắt, như Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng, Đỗ Trọng Ngoạn, Nguyễn Thị Việt Nhân, Nguyễn Thị Bạch Mai, Dương Trung Quốc và, đặc biệt, Nguyễn Minh Thuyết. Một số người trong họ chứng tỏ một bản lĩnh hiếm có, dám nghĩ, dám nói, sẵn sàng đối đầu với những kẻ được xem là có quyền lực nhất trong bộ máy đảng và chính quyền. Nhiều lúc họ làm cho những kẻ nắm quyền phải lúng túng trước ống kính truyền hình. Họ được rất nhiều người ngưỡng mộ. Tiếc, khóa này, hầu hết những người đó đều nghỉ. Còn lại, lẻ loi một mình Dương Trung Quốc. 

Tôi hoàn toàn chia sẻ với nhiều người sự ngưỡng mộ đối với một số đại biểu dũng cảm dám lên tiếng nói thật trong khóa trước cũng như sự chán chường khi nghe những phát biểu lảm nhảm của các đại biểu khóa này. Tuy nhiên, tôi lại không thấy buồn. Và cũng không thấy tiếc nuối. Hơn nữa, tôi còn có cảm tưởng bản thân tâm trạng buồn, ngao ngán và tiếc nuối ấy được xây dựng trên một tiền đề không đúng và có nguy cơ mở ra một ảo vọng, làm lệch hướng nhìn và hướng phân tích tình hình chính trị Việt Nam hiện nay. 

Cái tiền đề không đúng đó là người ta tưởng Quốc Hội thực sự là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nuớc cao nhất” của quốc gia như điều nhà cầm quyền vẫn tuyên truyền và được ghi hẳn hoi trong Hiến pháp. Tiền đề sai ấy dẫn đến hy vọng là mọi sự thay đổi sẽ bắt nguồn từ Quốc Hội, từ đó, chỉ biết chú mục vào Quốc Hội. Và quên bẵng đi sự thật là trung tâm chính trị, yếu tố quyết định vận mệnh của đất nước, hoàn toàn nằm ở chỗ khác. 

Hãy nhớ lại những cuộc chất vấn nảy lửa trong Quốc Hội khóa 12 năm ngoái. Nhiều đại biểu phản đối về việc khai thác bauxite ở Tây nguyên, chính phủ hứa điều này điều nọ. Rồi sao? Công việc khai thác vẫn tiếp tục được tiến hành. Công nhân, kể cả công nhân hoàn toàn không có trình độ kỹ thuật gì cả, từ Trung Quốc vẫn cứ ùn ùn kéo sang Việt Nam. Rồi chuyện công ty Vinashin vỡ nợ, một số đại biểu hạch hỏi chính phủ, thậm chí, cả Thủ tướng; và Thủ tướng hứa sẽ điều tra cẩn thận. Rồi sao? Mấy tháng sau đó, Bộ chính trị ra quyết định là đã điều tra xong và không có ai chịu trách nhiệm cả. Xong! 

Hãy nhớ lại tất cả các sự kiện ấy và thừa nhận sự thật này: những lời phát biểu thật nảy lửa, thật quyết liệt và có vẻ như bắt mạch đúng căn bệnh ở Quốc Hội Việt Nam, cuối cùng, chẳng dẫn đến đâu cả. Người ta nghe, thích và vỗ tay rầm trời. Tưởng là Việt Nam sắp có dân chủ. Tưởng là giới lãnh đạo đã biết lắng nghe. Tưởng là nạn tham nhũng sắp bị tiêu diệt. Tưởng là một cuộc cách mạng nhẹ nhàng êm thắm nào đó đang dần dần hình thành ở Việt Nam, ngay trong Quốc Hội, trước màn ảnh ti vi mà mọi người dân có thể mở xem mỗi ngày. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Lời nói gió bay. Mọi thứ vẫn giữ nguyên trạng. Thậm chí, về nhiều phương diện, năm sau còn tệ hại hơn năm trước. Mỗi ngày một tệ dần. 

Điều dân tộc và đất nước Việt Nam cần nhất hiện nay không phải là một số lời phát biểu ấn tượng trong Quốc Hội. Cũng không phải là dự luật này hay dự luật nọ. Những lời phát biểu được xem là ấn tượng ấy, thật ra, rất hiếm khi là những phát hiện mới lạ. Hầu như ai cũng biết hết rồi. Hơn nữa, Việt Nam cũng không thiếu luật. Và luật Việt Nam cũng không phải không hay. Điều Việt Nam thiếu, thiếu một cách cực kỳ trầm trọng, là, một: việc thi hành luật; và hai, sự kiểm soát việc thi hành luật. 

Có cả một rừng luật trên giấy mà trên thực tế người ta chỉ áp dụng luật rừng thì được gì? Như vậy, thêm hay bớt một số luật thì có gì khác nhau? – Chẳng có gì cả! 

Nhưng tại sao người ta có thể thản nhiên sử dụng luật rừng giữa một rừng luật như vậy? Câu trả lời rất đơn giản: Tại không có ai giám sát. Ở các quốc gia dân chủ, có cả một hệ thống giám sát vô cùng rộng lớn và chặt chẽ, từ các lực lượng đối lập đến giới truyền thông và vô số các cơ quan độc lập. Ở Việt Nam thì có gì? 

Không có gì cả. 

Trong tình trạng không có ai giám sát quyền lực của đảng và nhà nước như vậy, một Quốc Hội gồm toàn nô bộc và những kẻ dở hơi có khi lại là điều hay: Nó giúp người ta nhìn thấy thực chất của vấn đề. Và đừng có ảo tưởng. 

Những ảo tưởng vu vơ và lệch lạc.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo