Chính sách nhà nước: "Kẻ trộm, người xin" - Dân Làm Báo

Chính sách nhà nước: "Kẻ trộm, người xin"

Dân cà phê Pleiku (Danlambao) - Chính sách Nhà nước là sản phẩm do con người làm ra vì mục đích tạo sự tiến bộ và công bằng cho xã hội. Thế nhưng cũng có những chính sách Nhà nước lại tạo ra “kẻ trộm và người xin” trong xã hội.

1. Kẻ trộm

Chị tôi sống ở một vùng quê thuộc tỉnh Bình Định, chị sống làm ruộng, nuôi heo và nhà có cái máy xay xát gạo. Từ khi có điện Nhà nước về, máy gạo chị tôi chuyển sang xài điện để bà con xóm nhỏ chị tôi không phải đau cái lỗ tai vì ngày nào cũng nghe tiếng máy nổ ầm ầm.

Và cũng từ lúc đó, ngành điện mắc cho nhà chị tôi hai cái đồng hồ. Cái đồng hồ ba pha dùng cho máy gạo và cái một pha dùng cho sinh hoạt. Khi Nhà nước có giá bán điện sinh hoạt thấp hơn điện sản xuất thì chị tôi dùng điện 1 pha cho nó chạy cái máy nhỏ mà người ta gọi là máy sàn trong chùm các máy xay gạo, và khi điện sinh hoạt chuyển sang giá cao hơn thì chị tôi lại trích điện ba pha ra mà sinh hoạt.

Tưởng rằng làm vậy thì có lợi, nhưng “lợi thì có lợi mà răng chẳng còn”. Một lần nhân viên ngành điện ập vào nhà chị tôi bắt quả tang lập biên bản và… phạt. Hàng xóm nghe thế tung tin rằng “chị tôi trộm điện”. Đến một hôm tin này đến tai trưởng thôn và trưởng thôn đem kẻ “trộm điện” ra kiểm điểm trước dân. Chị tôi nói rằng: chị không có trộm điện của ai, chị chỉ sử dụng điện chị mua của Nhà nước trong đồng hồ đo đếm điện, vậy thì tại sao nói chị là “trộm điên” được.

Trưởng thôn ban đầu bí thế nhưng sau thì đáp trả nhanh nhẹn: “Chị trộm, tuy không trộm KW/h điện nào của Nhà nước nhưng Nhà nước có chính sách giá bán điện khác nhau, chị sử dụng điện mua không đúng mục đích nhằm kiếm lợi thì cũng là trộm.”

“Trộm gì?” - Chị tôi hô to. Trưởng thôn bí quá trả lời là : “Trộm chính sách!”

Nghĩ lại lời ông trưởng thôn cũng đúng! Chính sách Nhà nước làm ra để cho dân… trộm, và dân có trộm cũng là trộm cái chính sách đó thôi chứ nhà nước có mất KW/h điện nào đâu mà bảo là dân trộm điện.

2. Người xin

Tôi thì lên Gia Lai đào đất trồng cà phê chứ không ở lại quê nhà như chị. Những năm xưa dân trồng cà phê chúng tôi vất vả vì mùa khô phải dùng động cơ máy nổ tưới cà. Năm vừa rồi dân chúng tôi chung tiền đầu tư cái đường điện, mua điện của ngành điện từ công tơ tổng đặt tại trạm biến áp rồi chia nhau dùng. Có điện tưới cà phê thì sướng cái tay, ưng cái bụng, bắt được cái chảo lên nóc nhà xem HTV thuần Việt thì dân chúng tôi lại thấy sướng cái… đầu. Cái sự “sướng” đó còn tiếp tục…vu vi: Ai nhiều tiền, muốn động cơ mạnh tưới cà mau xong thì mắc đồng hồ điện ba pha, còn ai ít tiền lấy công nhà tưới cà, muốn rỉ rả cho cà thấm lâu thì dùng điện 1 pha mà tưới. Tiền điện thì dân chúng tôi gom lại theo KW/h đã dùng để trả cho Nhà nước.

Thế nhưng ngành điện mỗi khi tính tiền điện cho dân chúng tôi thì lại cứ phân định ra phần trăm tỷ lệ điện sản xuất và điện sinh hoạt để áp giá.

Tỷ lệ phần trăm điện sinh hoạt và điện tưới cà phê tính thế nào đây? Chẳng có cách nào tính toán được cả! Bảo rằng chúng tôi tách công tơ để phân định ra thành điện sinh hoạt và điện sản xuất. Xin thưa: đất chúng tôi bạc ngàn cà phê, ai nấy kéo điện về tưới cà phê phía sau công tơ là cả ngàn mét dây. Nếu tách công tơ ra thành hai cái như chị tôi ở dưới quê thì lại phải mất đến 6 cái dây để dùng điện. Một người dân kéo điện về dùng với cả hai loại điện hết thảy 6 đường dây kể ra cũng vô lý và cũng … bộn tiền. Vì thế cho nên dân chúng tôi chưa làm được.

Tách công tơ ra rồi thì có đảm bảo rằng trong số chúng tôi, ai nấy đều không “trộm chính sách” kiểu như chị tôi ở dưới quê không? Và lúc đó mấy ông Điện lực có vô tận nơi xa xôi này để “bắt trộm chính sách” không? Còn dân chúng tôi chỉ biết bắt trộm của cải vật chất chứ không quen bắt “trộm chính sách” bao giờ!

Và rồi tháng này qua tháng nọ, năm nọ qua năm kia, dân chúng tôi chỉ còn biết “xin” ngành điện tính cho dân chúng tôi cái tỷ lệ điện sinh hoạt sao cho khi trả tiền điện, dân chúng tôi chấp nhận được.

Một lần tôi nghĩ ra một điều rằng: Xóm cà nơi tôi chỉ dùng điện cho sinh hoạt và tưới cà phê. Khi ông trời đổ mưa thì cà phê không còn tưới nữa và lúc đó chỉ còn là điện sinh hoạt 100%. Điện sinh hoạt thì có đặc điểm sản lượng tiêu dùng hàng tháng là gần như đều nhau, gần như là hằng số. Vậy nên khi tưới cà phê, tổng sản lượng điện tiêu dùng trừ cho hằng số điện sinh hoạt thì còn lại là điện sản xuất. Nghĩ thế tôi viết đơn đề nghị gởi lên ngành điện, và nhận được trả lời là: không có “chính sách” để tính tỷ lệ điện như vậy!

Vậy là, chính sách Nhà nước của ngành điện hiện nay có thực tế không? Hay là để biến người dân thành “kẻ trộm và người xin”, còn cán bộ ngành là “kẻ bắt và người cho” trong cái chính sách đó?

Trộm thì người cán bộ ngành bắt trộm “có quyền” xử, xin thì người cán bộ ngành “có quyền” cho. Cuối cùng chỉ tạo lợi ích cho những người cán bộ “có quyền” thôi chứ chẳng có gì là công minh cả.

Cùng một mặt hàng là điện, cùng một đơn vị tính là kW/h nhưng lại muốn bán sao thì bán, giá cả thì muốn tính sao thì tính. Vậy thì sao gọi Việt Nam là “cơ chế thị trường” với các nước khác được?

Có xin cho thì có ơn nghĩa! Chính sách nhà nước làm cho những người dân luôn mang ơn cán bộ!

Ơn Đảng có điện đã đành, nay người dân chúng tôi còn ơn cán bộ ngành tính tỷ lệ điện nữa hay sao?

Dân cà phê Pleiku

http://danlambaovn.blogspot.com/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo