Dân sai: "tù" - Quan sai: "sót" ? - Dân Làm Báo

Dân sai: "tù" - Quan sai: "sót" ?

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Nói như TS Đặng Hùng Võ (người từng đứng đầu bộ phận của CP giám sát việc quản lý đất đai cả nước): “Không cần phải xuống tới đồng đất Cống Rộc Vinh Quang, nhìn đọc trên các văn bản của Huyện Tiên Lãng ban hành là đã thấy sai trái mười mươi rồi”. Nhưng lạ lùng, ngần ấy cơ quan đảng và nhà nước bao nhiêu con người từ TP/HP xuống huyện, xã gần 10 năm trời không lẽ kiến thức hạn hẹp tới mức họ không gõ được vào Laptop để xem Luật Đất Đai 2003 và Nghị Định 181/2004/NĐ-CP 29/10/2004/TT/CP. 

Nội dung chứa đựng những gì? và hướng dẫn thực hiện ra sao? Còn nói có biết, nhưng vì sao lại trực tiếp hay gián tiếp làm cho sự việc cưỡng chế súng nổ máu rơi nhà cửa tài sản người dân tàn phá trái pháp luật xảy ra trên ao đầm ông Vươn ở Cống Rộc, thì cái giá phải trả cho trách nhiệm, chỉ có 2 giải pháp để nhóm người lộng quyền này lựa chọn là: 1) Tự nguyện xin về quét nhà cho vợ; 2) Trả lời trước Pháp Luật. 

Sau khi “Bác sĩ Dũng” về Hải Phòng chẩn đoán kết luận: Căn bệnh khá nặng do dòng “virus lộng quyền, lợi ích nhóm” lây truyền từ UBND/TP/HP xuống huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang, phát đồ trị liệu “kỷ luật” được đưa ra trước mắt là “Kiểm Điểm”. 

Người ta chưa biết hậu kiểm điểm ra sao, nhưng cũng dự đoán những từ ngữ “thiếu sót” hay “sai sót” sẽ rất có giá để các “quan” ưu ái tận dụng đính vào bản kiểm điểm của mình, dự đoán thế thôi, nhưng lại y như thật. 

Tại cuộc họp báo công bố với báo chí vào chiều tối ngày 16/2, ông Phạm Văn Phích - Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP Hải Phòng cho biết “việc thẩm phán Ngô Văn Anh đã dùng tư cách cá nhân để trả lời đơn với đương sự trong vụ án hành chính mà ông Đoàn Văn Vươn khởi kiện Quyết định số 461/QĐ-UB của UBND huyện Tiên Lãng là do nhầm lẫn, thiếu sót. ông Phích cho hay, việc nhầm lẫn của ông Anh chỉ là một phần nguyên nhân trong vụ việc ông Vươn chống người thi hành công vụ. Các thẩm phán thiếu sót trong vụ việc này có thể xem là thiếu trách nhiệm. Theo đó, các tập thể, cá nhân đã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc giải quyết vụ việc trên và tự nhận hình thức kỷ luật do thiếu sót của mình.” 

Rất tiếc, một đoạn trả lời ngắn, nhưng ông Phạm văn Phích dùng từ “Thiếu Sót” cho đồng nghiệp mình hơi nhiều, tuy nhiên chính ông Phạm Văn Phích, Phó Chánh Án lại cũng phạm “thiếu sót” khi nói không trung thực, ông Ngô văn Anh, ngoài cái “nhầm lẫn” mà ông Phích đề cập ở trên thì còn 2 cái “không nhầm lẫn” rất nặng, khá nghiêm trọng cho một thẩm phán xét xử, có thể bị truy tố đó là: Thẩm phán ngồi xét xử phiên toà thì phải căn cứ vào luật, lấy pháp luật làm kim chỉ nam để phán quyết, vì sao ông Ngô Văn Anh: 

1) Không dựa trên cơ sở Luật Đất Đai để kết luận việc giao đất của UBND huyện Tiên Lãng có đúng các quy định của pháp luật về đất đai hay không để làm rõ đúng - sai trong việc ông Vươn khởi kiện UBND huyện Tiên Lãng thu hồi diện tích đất không đúng theo luật của ông Vươn?. 

2) Thay vì tổ chức xét xử theo đúng quy định, thẩm phán Ngô văn Anh lại hướng dẫn hai bên làm biên bản thỏa thuận rồi đình chỉ xét xử phúc thẩm, sau này lại khẳng định “biên bản thỏa thuận” này do ông lập nên tại tòa có chữ ký của chính ông ấy là không có giá trị pháp lý? 

Chính những cái “thiếu” có chủ đích nhưng không hề là “sót” này đẩy ông Đoàn Văn Vươn đến cái “sai” để thành tù nhân hôm nay! Hậu quả có đủ nghiêm trọng chưa để truy tố tội “thiếu trách nhiệm? Nó có làm cho lương tâm cả 2 ông ray rức? Khi biết rằng cái tôn chỉ của Toà Hành Chính nơi ông Phích đang ngồi làm Phó Toà là: “Đưa ra những phán quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước những hành vi hành chính và quyết định hành chính trái pháp luật của người đứng đầu cơ quan nhà nước.” 

Ông Nguyễn Văn Phích – Phó chánh án toà án TP/Hải Phòng 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo