Vũ Nhật Khuê (Danlambao) - Ai bảo rằng báo lề đảng không có nỗi khổ? Chứng kiến sự việc khách quan mà không nói hết sự thật thì họ cũng đã khổ lắm rồi. Bài viết của họ chuyển về ban thư ký tòa soạn bị sửa khác 180 độ theo lệnh ông A, B, C nào đó cho đúng lề mà ban tuyên giáo đã định hướng. Dù sao trong thế bị bịt miệng họ vẫn còn kịp "á" lên một tiếng cho thế giới bên ngoài biết "thế" của họ. Trong tiếng kêu nhỏ bé ấy các nhà báo Việt Nam kịp nhằm gửi cho độc giả của họ những ý ngầm ẩn sâu trong từng con chữ bị kiểm duyệt...
*
Chưa đầy 2 tháng của năm 2012 nhưng báo chí Việt Nam có nhiều chuyện buồn.
1. "Mở hàng đầu năm" là sự kiện nhà báo Hoàng Khương- Tuổi Trẻ bị bắt ngày 2.1.2012 vì loạt phóng sự điều tra tiêu cực của công an thành phố. Việc bắt giữ phóng viên Hoàng Khương coi như là hành động trả thù của công an nhắm vào các nhà báo phanh phui những tiêu cực của họ. Khi cả thế giới bàng hoàng thì Tuổi Trẻ gần như không có ý kiến gì trên mặt báo. Tuổi Trẻ muốn đi thỏa thuận ngầm nhằm mong cho Hoàng Khương tại ngoại về nhà ăn tết. Nhưng con đường trong bóng tối bất thành và gần đây họ có phản pháo dù là tiếng kêu yếu ớt.
2. Ngày 11.1.2012 thì hồ sơ điều tra cái chết của nhà báo Hoàng Hùng- Người Lao Động bị tòa án Long An trả về cho công an điều tra tỉnh Long An làm lại từ đầu. Báo Người Lao Động lần này hết chịu đựng nổi họ yêu cầu "lời sinh cung" của nhà báo Hoàng Hùng trước khi anh qua đời phải thể hiện trong kết luận điều tra trước khi chuyển qua Viện kiểm sát để truy tố.
3. Tuần lễ này cũng là thời điểm xảy ra vụ cưỡng chế đầy tai tiếng ở Tiên Lãng- Hải Phòng. Không có 1 nhà báo nào lọt vào khu vực này tác nghiệp. Công an huyện Tiên Lãng, kết hợp với giang hồ không cho bất cứ 1 người lạ nào vào khu vực này. Vài phóng viên đã giả dạng làm nông dân đi bắt tôm để chụp những bức ảnh đầu tiên đưa ra công luận. Vụ Tiên Lãng thì báo Giáo Dục Việt Nam dựa vào uy thế của ông Lê Đức Anh để " đánh". Nếu không có " thái thượng hoàng" này bật đèn xanh thì còn lâu báo chí Việt Nam mới có được thành tích vừa qua. Có thể nói là báo chí Việt Nam đã trút những cơn giận bị bịt miệng bóp hầu lên vụ Tiên Lãng. Kết quả thì làng báo Việt Nam cũng chỉ đụng sơ sơ đến các quan chức cấp huyện còn các quan ở tỉnh thì coi như " ngoài vùng phủ sóng" của báo chí Việt Nam hiện nay.
4. Báo Xuân năm nay chẳng có bài gì đặc sắc thêm vào đó các doanh nghiệp và ngân hàng một năm làm ăn thất bát chẳng mặn mà chuyện quảng cáo trên các tờ báo xuân. May có sự kiện Tiên Lãng có "điểm rơi" nhằm ngay tết nguyên đán 2012. Và câu chuyện đầu xuân trên ly trà tách rượu là chuyện Tiên Lãng của anh em họ Đoàn.
5. Khi các tờ báo được coi là "tự sống" đang lao đao vì số báo in càng ngày càng giảm thì sự trổi dậy mạnh mẽ của các trang blog. Các tờ báo đảng các tỉnh thành thì coi như khỏi bàn ở đây.
6. Sau tết Nhâm Thìn 2012 thì đến lượt các phóng viên của các cơ quan báo chí tuyên truyền bị tấn công. Dù khoát lên mình chiếc áo uy quyền để làm trọn trách nhiệm của một công cụ cai trị hữu hiệu nhưng các phóng viên của báo "lề đảng" cũng bắt đầu bị tấn công. Thử điểm qua vài vụ.
- Ngày 9.2.2012 tại Cần Thơ phóng viên của đài Phát Thanh Truyền Hình Cần Thơ bị hành hung tại quận Ô Môn- Cần Thơ.
- Ngày 14.2.2012 tại Hà Nội phóng viên của Pháp Luật Việt Nam và Vietnamnet bị đánh tại công ty Vạn Xuân Hà Tĩnh vì điều tra lao động bị mất tích.
- Ngày 14.2.2012 cũng tại Hà Nội thì phó giám đốc Hoàng Long- Hải Phòng tấn công các phóng viên Hà Nội Mới và VOV Giao Thông.
Các nhà báo được cấp thẻ nhà báo hoạt động có thuận tiện chăng? Hãy thử xem báo cáo mới ngày 14.2.2012 tại Đà Nẵng: http://congluan.vn/Item/VN/NgheBao/2012/2/4C6F9DE6D328356E/
Ai bảo rằng báo lề đảng không có nỗi khổ? Chứng kiến sự việc khách quan mà không nói hết sự thật thì họ cũng đã khổ lắm rồi. Bài viết của họ chuyển về ban thư ký tòa soạn bị sửa khác 180 độ theo lệnh ông A, B, C nào đó cho đúng lề mà ban tuyên giáo đã định hướng. Dù sao trong thế bị bịt miệng họ vẫn còn kịp "á" lên một tiếng cho thế giới bên ngoài biết "thế" của họ. Trong tiếng kêu nhỏ bé ấy các nhà báo Việt Nam kịp nhằm gửi cho độc giả của họ những ý ngầm ẩn sâu trong từng con chữ bị kiểm duyệt.
Nghề báo ở Việt Nam hiện nay là một nghề nguy hiểm. Nhưng các bloggers nở rộ như nấm sau mưa cho thấy rằng việc bưng bít thông tin trong thời buổi hiện tại là ảo tưởng. Vụ Mường Nhé trên Tây Bắc hồi năm ngoái tưởng đã là một phi vụ thành công của truyền thông bưng bít nhưng một nhóm người H'mông chạy trốn đến Bangkok và những sự thật bắt đầu lộ diện. Trên vùng sâu, vùng xa mà vậy thì chuyện ngay giữa các thành thị, giữa thanh thiên bạch nhật các công cụ bưng bít sẽ chẳng làm được gì.
Bức tranh của làng báo Việt Nam những "ngày xuân con én đưa thoi" thật buồn. Nhưng nhìn vào thế hệ bloggers hiện nay thì chúng ta bừng lên một niềm tin và hi vọng.