Trường Sa - Gạc Ma 1988 - 24 năm nhìn lại - Dân Làm Báo

Trường Sa - Gạc Ma 1988 - 24 năm nhìn lại

Mẹ Nấm - Cách đây hơn nửa thế kỷ, Thống tướng Douglas MacArthur của Hoa Kỳ đã để lại một câu nói bất hủ: "Old soldiers never die, they just fade away" - Những người lính già không bao giờ chết, họ chỉ mờ nhạt đi.

Nhưng tại Việt Nam, có những người lính trẻ đã chết, cái chết của họ không chỉ mờ nhạt đi mà còn bị chôn vào quên lãng, bị xoá mờ chứng tích. Đó là những người lính Việt Nam đã hy sinh vì Tổ quốc để bảo vệ núi rừng và biển đảo của tổ tiên.

24 năm sau trận Hải chiến Trường Sa – Gạc Ma (14/03/1988) không một dòng thông tin nào nhắc về biến cố này. Điều này hoàn toàn không giống như những sự kiện lịch sử khác luôn được báo chí, truyền hình và hệ thống thông tin cơ sở nhắc đến nhiều lần trước ngày kỷ niệm.

Những người Việt Nam sử dụng Internet hiện tại biết nhiều đến trận hải chiến này phần nhiều qua một đoạn video clip do phía Trung Quốc công bố trên Youtube mô tả cảnh hải quân nước này nã nhiều loạt súng máy phòng không 37 ly cùng pháo 105 ly vào lực lượng hải quân công binh Việt Nam tay không vũ khí đang dầm mình trong nước bám trụ giữ đảo.

Tháng 9 năm ngoái, trong một buổi lễ kỷ niệm cuộc gặp gỡ của các cựu chiến binh đã chiến đấu trên tàu HQ604 trong chiến dịch CQ88 tại Trường Sa (1988) có tên “Vòng tròn bất tử” do Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa tổ chức tại khu du lịch Suối Lương (Đà Nẵng), chín cựu binh sống sót sau trận chiến này mới có dịp gặp lại nhau sau khi bị bắt và được trao trả về Việt Nam 1992. Một trong số chín người này đã mất vì bệnh ung thư.

Tôi không được tham dự cuộc gặp gỡ này với lý do “nhạy cảm”, mặc dù trước đó đã nhận được sự đồng ý của Ban tổ chức chương trình nên đã bỏ lỡ phần chia sẻ của những nhân chứng lịch sử và những khoảnh khắc xúc động của cuộc gặp gỡ này.

“Khi tàu bị tấn công, lính và sĩ quan mình trúng đạn ngã la liệt. Tui chỉ kịp xé áo người này quấn cho người kia để cầm máu”, cựu binh Dương Văn Dũng kể. “Tui nhớ đang băng vết thương cho anh Trừ (Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ – HQ604) thì nghe ‘ầm’ rồi tàu chìm.”

“Bọn này ôm phao trôi nổi trên biển gần 12 tiếng đồng hồ mới được bọn nó vớt”, Lê Minh Thoa thuật lại bằng giọng Bình Định, “vậy mà 3 ngày sau là hết bọn tui bị lột da từ đầu đến chân”.

“Cho đến gần đây vợ tui mới tin tui từng chiến đấu ở Trường Sa rồi bị Trung Quốc bỏ tù”, cựu binh Trương Văn Hiền kể, “trước nay nó cứ tưởng tui bị đi tù rồi bịa chuyện để nói với con”. Đứa con gái thứ hai của anh Hiền, năm nay 6 tuổi, thuộc lòng tên các hòn đảo ở Trường Sa, nơi cha mình từng chiến đấu. “Nó cứ đòi coi cái đĩa quay cảnh chiến đấu ở Trường Sa của tui”, anh Hiền nói. ((*))

(Trích từ bài viết “Vòng tròn bất tử” - Trung Bảo)

Tất cả những người cựu binh có mặt trong cuộc gặp gỡ hôm đó đều bật khóc khi được xem lại đoạn phim quay cảnh hàng loạt đồng đội của mình đã ngã xuống dưới làn đạn của lính Hải quân Trung Quốc trên đảo Cô Lin, Gạc Ma…

Những người thân của các chiến sĩ công binh đã nằm xuống trong trận chiến Trường Sa – Gạc Ma 1988 đến giờ vẫn tiếp tục tìm kiếm sự thật về sự hy sinh của chồng, của cha mình.

Chị Mai Thị Hoa, vợ liệt sĩ thiếu úy Trần Văn Phương bật khóc khi xem đoạn phim kể chuyện chồng mình hô to khẩu hiệu “Thà hy sinh chứ không để mất đảo. Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo”

Câu khẩu hiệu của thiếu úy Trần Văn Phương được Trương Minh Hiền nhớ lại một cách khác, anh bảo lúc đó anh đứng gần chiếc xuồng, cũng là gần chỗ Trần Văn Phương cầm cờ, hình như đó là “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo!”



24 năm trôi qua, vẫn là sự im lặng thường thấy đối với biến cố lịch sử này. Thật khó tin đó là sự thật khi có quá nhiều chương trình kêu gọi đóng góp để xây dựng Trường Sa.

Tại sao những người cựu binh, lẽ ra phải được chào đón và tôn vinh như những anh hùng bởi họ là những nhân chứng lịch sử có thật và xác đáng nhất cho “sự vô nhân bất tín” của nước láng giềng “hữu hảo” Trung Quốc lại muốn quên đi những ngày tháng này?

Có lẽ, những người cựu binh Trường Sa – Gạc Ma năm xưa cũng không thể ngờ rằng, 24 năm sau, nhiều người Việt Nam khác vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thông tin về những gì đã xảy ra, và vẫn tiếp tục nỗ lực âm thầm đấu tranh cho sự thật nhằm giữ đảo cho muôn đời sau.

Có những cái chết bi tráng. Nhưng chắc không có đau đớn nào bằng cái chết của sự thật về những cái chết bi tráng đó. Người ta bằng mọi cách đã xoá đi những vết tích anh hùng của một dân tộc trong khi luôn ra sức ca tụng những anh hùng không có thật. Và có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện anh hùng bị phân biệt đối xử một cách rạch ròi. Sự xếp loại không tuỳ thuộc vào những người đã nằm xuống vì đại nghĩa, vào xương máu của họ đã đổ ra như thế nào.

Ở Việt Nam, các anh hùng có được ghi nhớ hay không - Điều này tùy thuộc vào kẻ thù đã bắn những viên đạn xâm lăng vào họ.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo