21 ngư dân Việt Nam đã bị Trung Quốc bắt vào ngày 3/3. Cho đến ngày 21 tháng 3, các đồng chí lãnh đạo đảng ta mới lên tiếng yêu cầu và phản đối. Bài bản đã có sẵn: "Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam... Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam..." Vậy mà, trong suốt thời gian ngư dân ta bị bắt, đồng chí TBT đảng ta vẫn đăng đàn khuyên bảo các đồng chí dưới trướng: Bạn ta nhắc rằng...
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thả ngay ngư dân và tàu cá
Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Hoàng Sa sau khi phía Trung Quốc cản trở và bắt giữ các ngư dân và tàu cá Việt Nam ở vùng biển này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị. Ảnh: chinhphu.vn
Hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị xác nhận phía Trung Quốc đã bắt và đang giam giữ 21 ngư dân và hai tàu cá của Việt Nam mang số hiệu QNg66101TS và QNg 66074TS hoạt động tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ông Nghị khẳng định. Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
"Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam", thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam ra hôm nay dẫn lời ông Nghị.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã gặp Đại Sứ quán Trung Quốc để trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam.
Trước đó, hôm 15/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối và yêu cầu chấm dứt các hành động xâm phạm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang tiến hành, như mời thầu dầu khí, huấn luyện bắn đạn thật và tổ chức đua thuyền buồm. Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Báo chí Trung Quốc hôm đầu tuần cho hay các tàu hải giám của nước này đã tăng cường các chuyến đi đến Biển Đông trong thời gian gần đây, với lý do tìm kiếm các hoạt động trên biển mà họ cho là không được phép. Trước đó, Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá có thời hạn trên một số vùng ở Biển Đông, vi phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam và đã bị Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối.
Tháng 10/2011, nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Trung Quốc đã đã ký thỏa thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển gồm 6 điểm, trong đó có việc thiết lập đường dây nóng cấp chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thông tin. Trong chuyến thăm chính thức mới đây của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tới Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc cùng khẳng định mọi bất đồng trên biển sẽ được hai bên giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
Anh Ngọc