Tam Thái (Phunutoday) - Cái sự vá đường thời nay hình như đã trở thành mốt, có lẽ chỉ chịu kém cái mốt vá màng trinh của các kiều nữ tân thời, nghe nói có kẻ chịu khó vá đi vá lại đến cả chục lần kia mà. Nói đến kiều nữ, nghe tin Bộ Giao thông định “thay áo” như cách ví von của Thời báo Kinh tế Việt Nam, nhiều người còn không khỏi so sánh giữa Bộ này với các chị, các mợ hot girl thời nay...
*
Cho đến trước kỳ nghỉ dài ngày, báo chí vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ quên đi việc Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch chi 12.000 tỷ đồng cho việc xây nhà mới.
Theo các nhà báo, khoản tiền 12.000 tỷ này nằm trong khoản 220.000 tỷ đồng cả gói cho Đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa Bộ Giao thông Vận tải vừa được Bộ trưởng Đinh La Thăng phê duyệt.
Trụ sở Bộ Giao thông vận tải.
Dù vẫn biết, mọi sự so sánh trên đời đều là khập khiễng như bề mặt đường sá thời nay, nếu đem so 12.000 tỷ định tiêu vặt này với khoảng 12-15 nghìn tỷ có thể sẽ thu được từ phí lưu hành ô tô cá nhân hàng năm hoặc với 18.500 tỷ đồng sai phạm của Tập đoàn Dầu khí vừa bị thanh tra khui ra..
Duy có một điều có thể khẳng định, 12.000 tỷ cũng chẳng đáng là gì so với khoản tiền phạt giao thông mới được các nhà báo hoảng hốt đưa tin. 12 nghìn tỷ nếu đem biến thành tờ rơi như đã làm cũng chỉ dăm năm là hết veo nhưng nếu dùng số tiền ấy để xây trụ sở, xem chừng vẫn có một tí ti hợp lý, phải không thưa quý độc giả?
Hãy nghĩ mà xem, Bộ Giao thông hoàn toàn xứng đáng có một trụ sở mới hoành tráng thì mới bõ cái công vắt óc tư duy nghĩ ra hàng loạt đột phá mà Bộ này đã mạnh dạn đề xuất thời gian qua, vốn hứa hẹn hết sức hiệu quả và đầy tính khả thi, chỉ phải mỗi cái tội là ai cũng phản ứng bất bình mà không có lấy một lời khen ngợi, cảm thông. Dân chúng mình không quen đột phá táo tợn hoặc giả không thích xắn tay áo xô đốt nhà táng giấy mà.
Hãy xem, sau gần một năm miệt mài nghiên cứu, gần 4 tháng sau lời hứa nhận trách nhiệm của Bộ trưởng, người ta đã tìm ra nguyên nhân khiến xe cộ bốc cháy đùng đùng, một kết luận mà không thể không làm người ta tâm phục, khẩu phục: Xe cháy là do… lửa, không có lửa thì nhất định xe không thể cháy. Thấy chưa, đã bảo là Bộ không làm thì thôi chứ đã làm là ra cám ra bã ngay.
Riêng về cái chất lượng đường xá thì khỏi phải bàn rồi. Hãy lấy ngay cái ví dụ về con đường cao tốc đang khiến các bác tài khóc dở, mếu dở vì đi cũng chết, mà không đi cũng chết, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Còn nhớ, cuối năm 2011, sau khi đưa vào lưu thông, báo chí đã kêu la ầm ỹ thế nào về chất lượng tệ hại của con đường này, báo hại ngành Giao thông phải tất tả dặm vá những ổ voi, ổ trâu, chẳng khác nào các chị các mẹ năm xưa miệt mài vá váy đụp, vá yếm ngày xưa.
Còn tại phiên giải trình cách nay mấy hôm tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, có vị đại biểu nghe đâu đã nghẹn ngào đặt câu hỏi với Bộ trưởng về việc cái mặt cầu Thăng Long vá đi vá lại mà vẫn thủng, đến nỗi công nghệ bám dính của Anh, công nghệ thi công vật liệu của Singapore cũng phải chào thua.
Trời ạ, cái sự vá đường thời nay hình như đã trở thành mốt, có lẽ chỉ chịu kém cái mốt vá màng trinh của các kiều nữ tân thời, nghe nói có kẻ chịu khó vá đi vá lại đến cả chục lần kia mà.
Nói đến kiều nữ, nghe tin Bộ Giao thông định “thay áo” như cách ví von của Thời báo Kinh tế Việt Nam, nhiều người còn không khỏi so sánh giữa Bộ này với các chị, các mợ hot girl thời nay. Mới đây nhất, ca sĩ kia vừa e thẹn khoe đồng hồ làm bằng khối 100 cây, diễn viên nọ cũng vội vàng khiêm tốn trưng kim cương rắn tròm trèm có hơn 10 tỷ.
Cũng phải thôi, cái thời Nghiêu, Thuấn ở nhà kèo gỗ đẽo mà không bào, tranh mái nhà không cắt phẳng, uống chén đất, ăn bát bằng sành đã xa lắm rồi, hà cớ gì mà bắt người ta phải kham khổ như như cái thời nguyên thủy xa xôi?
Chỉ với từng đó dẫn chứng, người ta đã phải gật gù mà thừa nhận rằng Bộ Giao thông hoàn toàn được phép làm đỏm một chút cho duyên dáng hơn, ấy là chưa kể những diệu kế mà Bộ đã từng ấp ủ về phí, về xử phạt!
Mà kể ra có doanh nghiệp nào xung phong tặng Bộ cái trụ sở thì tốt quá, như có doanh nghiệp nào từng tặng Bộ cái xe 2,6 tỷ ấy!
Đường cũng cần phải vá.
Vả chăng, kinh nghiệm cho thấy chúng ta cũng không nên sống quá kham khổ, bởi hậu quả có thể sẽ hết sức khôn lường. Hôm nay, báo chí cũng ngậm ngùi đưa tin về bà mẹ trẻ ở Hà Giang cùng 4 đứa con thơ chết thảm vì ăn bánh ngô bị mốc, khiến người ta vừa gạt nước mắt vừa tự hỏi phải chăng câu nói “ăn bẩn sống lâu” chỉ là lời động viên của người xưa với những kẻ cùng đinh, những kẻ vốn “dĩ thực vi thiên”, lấy ăn làm trời? Hay câu nói ấy không dành cho đám dân đen, mà dành cho những kẻ chưa bao giờ biết rằng trên đời có người phải ăn bánh ngô mốc?
Cũng liên quan đến cái dạ dày, cũng trong hôm nay, nhiều nhà báo và cả các nhà ngôn ngữ được một phen chỉ giáo về cái gọi là nghệ thuật của ngôn từ. Cụ thể, một vị là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố nọ đã lên tiếng phản bác thông tin “80% người tiêu dùng ở Hà Nội phải dùng thịt bẩn”. Vị này tuyên bố như đinh đóng cột rằng tỷ lệ 80% do một số tờ báo đưa tin là không chính xác, là sai sự thật nghiêm trọng. Nghĩa là vị quan này khẳng định dân chúng ta...không ăn bẩn! Đương nhiên rồi, dân thì không biết ăn bẩn hay nói cách khác là có muốn ăn bẩn cũng không được. 5 bộ dốc sức chung lòng lo cho một mâm cơm của dân thì tất yếu mâm cơm ấy sach hơn cơm chay nhà chùa rồi, bẩn sao được chứ?
Còn định cãi gì nữa hỡi các nhà báo vốn tự vỗ ngực cho mình là bậc thầy trong nghệ thuật của ngôn từ, các vị có xấu hổ chút nào không khi được sinh ra trong một dân tộc vốn có tài năng thiên bẩm về phép phiếm chỉ, chung chung?
Trời ạ, tiếng Việt có vô số từ có thể thêm vào trước con số 80% bất di bất dịch, chắc như đinh đóng cột kia, nào là “khoảng”, nào là “trên dưới”, nào là “chừng”, nào là “xấp xỉ”... ôi thôi nhiều lắm, cớ sao nhà báo lại không dùng? Ai lại dại dột hạ bút viết con số 80% chém đinh chặt sắt, nếu chẳng may lập đoàn thanh tra, khảo sát khoa học chính xác cho ra ngay những con số như 81,5% người tiêu dùng phải dùng thịt bẩn hoặc 79,3% người bị ngộ độc thức ăn mất vệ sinh thì nhà báo đã sai lè lè biết giấu mặt vào đâu cho khỏi ngượng?
Còn nếu cần những bài học kinh nghiệm nóng hổi vừa thổi vừa đọc, các nhà báo có thể cắp cặp sang Tập đoàn Dầu khí. Bạn đọc thử nghĩ coi, với 18.500 tỷ đồng được Thanh tra Chính phủ kết luận mới rồi, ta nên dùng từ “sai phạm” hay từ “khuyết điểm” thì chuẩn không cần chỉnh.