Thùy Linh (buudoan.com) - Mới đây, hội nghị TW lần thứ 5 đã ra tuyên bố, từ nay Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị khiến bà con chộn rộn. Khấp khởi nghĩ có gì khá hơn chăng? Lo lắng và nản lòng vì sẽ chẳng có gì khác trước chăng? Tham nhũng vẫn cứ hoành hành, tinh vi hơn, trắng trợn hơn, khủng khiếp hơn cả về số lượng lẫn chất lượng? Quan chức vẫn cứ giàu lên bất thường mà không ai làm sao. Con cái họ vẫn đều đều nhận bổng lộc và thăng tiến như cha mẹ họ. Tài sản ăn bao giờ cho hết? Sống nhiều kiếp cũng không tiêu hết khối tài sản kếch sù ấy. Vậy thì phòng, chống cái gì? Phòng, chống ai? Bao giờ thì thu được kết quả ban đầu để bà con nhen nhúm chút hy vọng, tin tưởng? Hay xuân thu nhị kỳ họp TW và Quốc hội lại vẫn cứ chỉ là nhận định, tham nhũng không những không giảm mà ngày càng nhiều hơn, tinh vi hơn…???
Này thì đá quí... |
Này thì non, bể trong vườn...
Ngay sau tuyên bố trên của hội nghị TW thì đã có ngay bằng chứng về “Kỳ khu sinh thái” của Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương Bùi Thanh Quyến đang xây dựng ngay trên vùng quê nghèo Ninh Giang. Nào là khuôn viên được xây dựng trên mảnh đất 5000 mét chưa chuyển đổi mục đích sử dụng; nào là tầng hầm kiên cố; nào là nhiều cây cổ thụ đáng giá, nào là đá quí từ các nơi đổ về cho xây dựng và trang trí…
Này thì cây lưu niên trong vườn mới...
Nếu thực sự Bộ chính trị muốn chống tham nhũng thì có ngay vụ “mở hàng” này. Không hề khó điều tra lắm đâu ạ, thưa Bộ chính trị và các Uỷ viên TW, dù ông Bí thư Tỉnh uỷ nói rằng, nhà đó là của con trai ông. Hãy tính tiền lương, thu nhập ngoài tiền lương (nếu ông có nghề gì đó làm thêm ngoài nghề làm bí thư?), nhân với năm công tác, cộng với tài sản kế thừa (nếu có), cộng toàn bộ thu nhập của gia đình ông ứng với năm làm việc của từng người để có con số tổng thu nhập ngay ạ? Và số tiền bỏ ra để thiết kế và xây dựng được “gia trang họ Bùi” thì biết tiền ở đâu ra? Từ lâu xã hội mặc nhiên thừa nhận đời sống vương giả của quan chức mà ai cũng hiểu không phải bằng đồng lương, tức là thu nhập chính đáng. Một mặc định bất thành văn là ngoài tiền lương, thì thu nhập chính của công chức nói chung và quan chức nói riêng hầu như dựa vào thu nhập “đen”. Nhiều công chức kiếm thêm việc ngoài việc ở công sở, thu nhập nhờ buôn bán…nên họ dễ dàng công khai đời sống cao của mình và gia đình. Mình cũng không thích gì trò khoe khoang hơi lố của đám nhà giàu về siêu xe, nhà lầu, biệt thự cao cấp…Nhưng ít ra mình thấy họ còn thật thà hơn vì chỉ tự tin đồng tiền kiếm được thì họ mới dám khoe khang tài sản của mình như vậy. Còn quan chức hầu như chỉ bị lộ tài sản do dư luận phanh phui mà thôi. Nhưng đương nhiên bao giờ họ cũng vẩy sang cho con, vợ, họ hàng…Không lẽ họ không nghĩ về quan hệ, nhất là máu mủ, ruột già mà dễ dàng phủi dư luận đang săm soi, lên án cho những người thân thiết như vậy? Không hiểu họ nghĩ sao nữa? Họ có hiểu là đang trút áp lực, gánh nặng (ít ra về tâm lý) cho người thân của họ không? Thật đáng sợ…
Này thì cây đá chen nhau trong vườn...
Nếu Bộ chính trị thấy cần thiết làm cuộc cách mạng chống tham nhũng để làm sạch bộ máy công quyền thì hãy bắt đầu từ “cách mạng cây sưa” trong vườn nhà bí thư tỉnh uỷ Hải Dương kia. Nghe đâu cây sưa cổ đáng giá hàng triệu đô? Hiện các khu rừng cấm, công viên ở Việt Nam đang có những cuộc chiến chống “sưa tặc”. Vậy lý do nào, ai là người đã đưa cây sưa cổ thụ vào vườn nhà ông Bùi Thanh Quyến? Giá trị thực sự của nó là bao nhiêu hay như lời đồn thổi lúc cao nhất có giá 1,3 triệu đô la? Rồi thì tùng la hán? Cây thị cổ thụ? Rồi thì các tảng đá quí? Nhìn vào khu gia trang này để thấy một trong những nguyên nhân rừng nguyên sinh bị tàn phá là thế này đây…
Này thì sưa cổ thụ... |
Họ có biết là ở vùng cao ít đất đá nhiều, người dân vẫn còn phải tận dụng bột ngô móc để ăn đến mức chết cả 4 mẹ con?
Họ có biết chỉ cần thêm 5 nghìn / ngày để có miếng thịt trong bữa cơm trưa là trẻ con vùng cao không bỏ lớp và thêm dinh dưỡng cho trẻ lớn lên?
Họ có biết nhiều người nghèo đã phải chết bệnh tật vì không có tiền cứu chữa?
Họ có hiểu là chính họ đang vẽ nên một bức tranh tương phản u ám về xã hội Việt Nam đương đại mà không có thế lực thù địch nào âm mưu bôi xấu cả?
*Ảnh trong bài là của báo Giaoduc
--------
Nhân đây TL xin post một bài của nhà báo Bùi Tín đăng ở Người Việt viết về Tổng thống Pháp mới đắc cử. Xét thấy cần thiết cho mọi người đọc và suy ngẫm, nhất là những người đang có chức quyền. Không vì lý do nào khác ngoài việc ủng hộ tuyệt đối chính quyền trong cuộc chiến chống tham nhũng vô cùng cam go này...
François Hollande: Tổng thống bình thường?
Thế là ông François Hollande, 58 tuổi, cựu luật sư, cựu giáo sư kinh tế, từng là tổng bí thư đảng xã hội Pháp PS, đã trúng cử tổng thống Pháp, thắng cựu Tổng Thống Nicolas Sarkozy sát nút, với tỷ lệ 51.8/48.2, qua vòng 2 cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày Chủ Nhật, 6 tháng 5 vừa qua.
Ông F. Hollande là tổng thống Pháp thứ 24, là tổng thống thứ 7 của nền Cộng Hòa thứ V, chính thức nhậm chức ngày 15 tháng 5.
Ðây là lần thứ 2 đảng Xã Hội PS thuộc cánh tả ở Pháp được bầu làm tổng thống ở Pháp. Lần thứ nhất là vào tháng 5 năm 1981, khi ông François Hollande Mitterrand trúng cử sau khi thắng ông Jacques Chirac khi đó là thị trưởng Paris. Ông F. Mitterrand làm tổng thống liền 2 khóa 14 năm cho đến năm 1995, do ông J. Chirac thay thế.
Báo chí Pháp suốt mấy ngày nay đua nhau ra những bài báo nhận định về tổng thống mới của nước Pháp, so sánh với những tổng thống tiền nhiệm.
Phần lớn đều nhận định quốc trưởng mới của nước Pháp nhận chức giữa cơn khủng hoảng về kinh tế tài chính toàn cầu, toàn Châu Âu chưa có chiều hướng lắng dịu, với nền sản xuất đình trệ, nợ quốc gia mức kỷ lục, nạn thất nghiệp hơn 10 % số lao động, dân tình lo lắng hoang mang.
Có những vấn đề cực kỳ cấp bách, về nội trị là cử thủ tướng và hơn 30 bộ trưởng mới ngay sau ngày được tấn phong 15 tháng 5-2012, về đối ngoại là ngay trong ngày nhận chức, trưa 15-5, tổng thống mới sẽ bay ngay sang Berlin để hội đàm với bà Thủ Tướng Ðức Merkel về hiệp định chung của EU - Liên minh Châu Âu.
Tổng thống Pháp muốn thương lượng lại hiệp định hiện hành, không chỉ tập trung vào việc tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu trong ngân sách, giảm nợ quốc gia, mà còn tập trung thêm vào các biện pháp nhằm khôi phục sản xuất, tăng năng suất, thúc đẩy cạnh tranh, tạo công ăn việc làm trong tất cả các nước trong Liên Âu, điều mà tổng thống cũ đã bỏ qua.
Mối quan hệ Pháp-Ðức luôn là nòng cốt của EU.
Trong cuộc tranh cử, ông F. Hollande nhiều lần hứa hẹn sẽ là một tổng thống “bình thường”, theo nghĩa là một tổng thống bình dân, sống giản dị, gần dân, gần các khu lạo động, luôn tìm hiểu cuộc sống của người dân bình thường, các nhà kinh doanh vừa và nhỏ.
Ông hứa hẹn là một quyết định đầu tiên sau khi nhận chức là về giảm tiền lương của tổng thống, thủ tướng, các bộ trưởng, viên chức cao cấp xuống 30%; - báo Libération cho biết lương tổng thống là chừng 20,000 Euros/tháng. Ông cũng hứa hẹn sẽ giảm đáng kể các chi phí lễ tân hình thức, phô trương và tốn kém.
Ông Hollande cũng dự định những cuộc đi các địa phương bằng xe lửa thường hoặc TGV - xe lửa tốc độ cao, không tiền hô hậu ủng ồn ào, tốn kém, hình thức.
Chiếc xe chính thức tổng thống mới sẽ dùng từ ngày tấn phong 15 tháng 5, 2012 là một chiếc Citroen nhỏ DS5-Hybrid, chạy vừa bằng xăng và điện, tiêu thụ chỉ 5 lít xăng/100 km, không ô nhiễm, không phải chiếc Renault Satis đặc biệt, bọc sắt, bề thế đắt tiền, do tổng thống cũ dùng.
Nhiều nhà bình luận cho rằng những hứa hẹn trên đây của tổng thống mới không phải là những ý kiến mị dân, lập dị, để kiếm phiếu, mà là những đề nghị chân thực, cần thiết giữa cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nặng nề hiện tại. Họ cho rằng trong ông F. Hollande khái niệm tổng thống “bình thường” rất đáng mến, vì chứng tỏ về tư chất con người ông không bình thường, theo nghĩa không tầm thường chút nào.
Nhiều báo phát hiện và chỉ ra những tư chất không bình thường ấy. Báo Le Point chỉ ra F. Hollande là một trí thức đúng nghĩa, đa năng, có kiến thức sâu về nhiều mặt, rất ham học và học giỏi; ông có bằng cao học về Luật, từng hành nghề luật sư, lại tốt nghiệp trường HEC - Hautes Études Commercialles - Cao đẳng Thương Mại là một trường có uy tín lớn, từng dạy về kinh tế cho sinh viên, rồi còn tốt nghiệp thêm Viện Khoa học Chính trị - Institut Sciences Politiques cũng là một trường lớn. Vẫn chưa hết, ông còn tốt nghiệp trường Quốc gia Hành chánh ENA với hạng ưu, cũng là trường lớn nữa của nước Pháp.
Tối 2 tháng 5, 2012, trong cuộc tranh luận tay đôi giữa 2 ứng viên tổng thống vào chung kết - một sự kiện quyết định 3 ngày trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng, ông đã gây bất ngờ lớn, làm ngỡ ngàng phe đối thủ. Trong cuộc đấu khẩu dài 150 phút, ông đã điềm tĩnh tiến công từ lúc mở đầu cũng như khi kết thúc.
Trước đó ông N. Sarkozy đinh ninh đối thủ của mình ăn nói không trôi chảy, e ngại và lẩn tránh cuộc tranh luận tay đôi. Cố vấn của ông Sarkozy còn cao ngạo đe ông F. Hollande rằng trong cuộc tranh luận cuối ông sẽ bị đối thủ “atomiser” - nghĩa là nghiền ra như cám, như các nguyên tử, cho mà xem. Rất nhiều người lo cho ông, khi thấy ông hiền lành, kín đáo. Thế nhưng khi vào cuộc, 20 triệu khán giả truyền hình bỗng thấy một Hollande sắc sảo, lập luận chặt chẽ, đối đáp nhanh nhạy, chủ động tiến công, chất vấn, dồn ông N. Sarkozy vốn tự tin hung hăng vào cảnh lúng túng, thế thủ.
Tất cả các báo đều nhắc đến đoạn cuối, trong 2 phút cuối cùng, ông đưa ra một điệp khúc 18 lần nhắc đi nhắc lại câu: “Tôi là tổng thống, tôi sẽ...” gây ấn tượng rất mạnh.
Chỉ xin kể ra vài câu: “Tôi là tổng thống, tôi sẽ là tổng thống của sự công bằng xã hội, đề cao pháp luật nghiêm minh. Tôi là tổng thống, tôi sẽ là tổng thống của toàn dân, không phải của một đảng, một phe. Tôi là tổng thống, tôi sẽ không đến khách sạn Bristol để quyên tiền riêng cho đảng mình. Tôi là tổng thống, tôi sẽ không ẩn mình sau điều khoản bất khả xâm phạm mà chịu sự giám sát của luật pháp như mọi công dân. Tôi là tổng thống, tôi sẽ không triệu tập các dân biểu là đảng viên của tôi đến điện Élysées vì luôn tôn trọng ngành lập pháp.Tôi là tổng thống, tôi sẽ không chỉ định các chánh án, mà nhường quyền đó cho Quốc hội. Tôi là tổng thống, tôi sẽ quan tâm đặc biệt đến thanh niên, tương lai đất nước.”
Ngay sáng hôm sau, ngày 3 tháng 5, báo Libération chạy tít lớn trên trang nhất: “F. Hollande préside le débat” - “Hollande chủ tọa cuộc tranh luận,” một cách chơi chữ rất đắt, vì préside có nghĩa là chủ tọa, và Président có nghĩa là Tổng thống.
Cũng có báo so sánh 2 ứng viên vào chung kết về tính cách, nhân cách, lối sống. Báo l'Express nhận định ông N. Sarkozy là một “tổng thống bling bling,” một tiếng lóng theo tiếng kêu của các vòng trang sức đeo ở cổ, để chỉ một con người ưa ăn chơi kiểu công tử, từng 2 lần khoe các nhà báo chiếc đồng hồ đeo tay giá 40,000 Euro. Ông còn hay kiễng chân cho cao, luôn cảm thấy tự ty là người thấp, còn dặn chớ để người cao lớn đến gần quanh ông.
Còn ông F. Hollande? Báo chí Pháp phát hiện ông là một con người rất hóm hỉnh, có cả một kho tiếu lâm dân dã, rất thâm trầm, đặc sắc. Từ khi là giáo sư về kinh tế ở Sciences-Po, ông đã làm cho không ít nam nữ sinh viên mê về những bài giảng hấp dẫn, với những thí dụ rất đời thường và những truyện ngụ ngôn, tiếu lâm rất ấn tượng.
Khi vào cuộc đấu khẩu tay đôi, ông bắt tay một thanh niên, anh này nói đùa vui: “Ủa! Người ta bảo ông mềm yếu, sao bàn tay ông cứng vậy?”. Ông cười vui: “Vâng, bàn tay tôi cứng, cả đầu óc cũng cứng, chưa nói đến các bộ phận khác”. Câu nói lọt vào máy ghi âm.
Một tổng thống rất trí thức, lại hay đùa, mê thể thao, ưa văn nghệ, hóm hỉnh, có một kho chuyện tiếu lâm, phải là một con người yêu đời, yêu người, tự tin, lạc quan.
Và có văn hóa. Không bling bling. Một dấu hiệu tốt lành cho nước Pháp.