Khoán 10
Sau năm 1954 và năm 1975 với niềm tin kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước sẽ tốt đẹp không còn nạn người bóc lột người, sẽ có quan hệ sản xuất tiên tiến, sẽ thúc đẩy sản xuất… Chúng ta đã tiến hành hợp tác xã (HTX) trong sản xuất nông nghiệp: ruộng đất là của chung, sở hữu của toàn dân, của hợp tác xã, nhà nước cử các ban chủ nhiệm HTX để chăm lo sản xuất, sẽ có cánh đồng ngàn mẫu, sẽ cơ giới hóa: cày bừa bằng máy kéo, phun thuốc sâu bằng máy bay... như mơ ước của các vị lãnh đạo.
Tuy nhiên qui luật tự nhiên của kinh tế, của sở hữu không đúng như vậy, hợp tác xã tàn tạ, đói nghèo, nông nghiệp bết bát... Cuối cùng lối thoát là trả lại ruộng đất cho nông dân, để họ tự quyết sản xuất (khoán 10), điều kỳ diệu đã đến: từ thiếu đói, chúng ta đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo.
Điều gì sẽ xảy ra nếu lúc đó chúng ta không trả lại ruộng cho nông dân mà "cổ phần hóa", buôn bán đất... Chắc chắn đất sẽ rơi vào tay một nhóm người có tiền, cấu kết quyền lực mua rẻ và nông dân vẫn trắng tay, đói kém sẽ theo ta đến ngày nay.
Nền kinh tế chúng ta hôm nay cũng vậy: nhiều, nhiều nhà máy, hầm mỏ, công ty, xí nghiệp... đang là của nhà nước: doanh nghiệp quốc doanh, như HTX khi xưa, chúng làm ăn không hiệu quả, tham nhũng, lãng phí, nợ nần đầm đìa cả hàng trăm ngàn tỷ đồng như Vinashin, Vinalines, EVN... Tất yếu chúng ta cũng phải xử lý như HTX, chỉ khác là chúng ta cổ phần, bán...
Bài học từ Nga
Khi Liên Xô sụp đổ, tất yếu phải tư nhân hóa. Bằng ảo thuật vay mượn qua ngân hàng và cấu kết với chính quyền, một lớp người đã đoạt hết tài sản, trở thành tỷ phú sau một đêm, một sự cướp đoạt hợp pháp. Tỷ phú Roman Abramovich là một minh chứng.
Với tài sản khổng lồ, ông có thể vung hàng tấn tiền cho bóng đá, cho du thuyền, cho máy bay, gái đẹp... sống sung sướng như một ông hoàng trong khi đó hàng triệu dân Nga lao động cực khổ, sống như nô lệ trên chính quê hương mình.
Đau đớn thay tầng lớp đó đã đăng ký quốc tịch nước ngoài, mặt nhiên tài sản được hợp pháp, được luật pháp quốc tế bảo vệ.
Tài sản nằm trong tay một nhóm nhỏ người thì dù có đa đảng, có bầu cử thì dân chủ cũng không đến với người Nga. Người Nga cũng không thể giàu có, tự do, thịnh vượng (Đó là lý do vì sao nhiều người cho rằng đa đảng cũng không giải quyết được gì), trong điều kiện này nhiều khi đa đảng tranh giành quyền lợi làm cho đất nước rối ren thêm.
Bài học nào cho chúng ta hiện nay?
Việt Nam chúng ta cũng đang trong tiến trình như hậu Liên Xô cách đây 20 năm. Chúng ta đang chứng kiến một tất yếu là nền kinh tế chúng ta đang suy sụp, hàng trăm ngàn tỷ nợ nần do các công ty tập đoàn nhà nước gây ra, sớm muộn cũng phải tư nhân hóa (hay còn gọi là cổ phần hóa), rồi một nhóm người sẽ mua được giá rất rẻ (cả người ngoại quốc), một tầng lớp siêu tỷ phú sẽ xuất hiện, phần lớn nhân dân vẫn khốn khổ, lầm than. Hàng triệu người VN rồi sẽ làm nô lệ trên chính quê hương mình.
Những con dân đất Việt, làm sao chúng ta tránh được tình trạng trên để xây dựng một đất nước phồn vinh, ai cũng có cuộc sống sung túc, hạnh phúc?
Như bài học từ khoán 10, ruộng đất của dân trả lại cho dân. Tài sản của dân hãy trả lại cho dân.
Tôi muốn tài sản nhà máy, hầm mỏ được trao cho công nhân. Bệnh viện được trao cho bác sĩ. Chợ búa được trao cho tiểu thương. ất đai trao lại cho nông dân... Đây là tiền của của nhân dân, hãy trả cho họ trước khi bị cướp đoạt hợp pháp bi các nhóm tài phiệt.
Dân có tài sản dân mới có quyền (dân chủ), cũng vì tài sản mà dân mới có động lực lên tiếng. Khi đó nền dân chủ, nhà nước pháp quyền mới có thực, mới bảo đảm, đất nước mới phồn vinh.
Lời giải đang chờ chúng ta.
Hãy hành động để giữ lấy tài sản. Của Caesar phải trả lại cho Caesar. Tài sản của nhân dân phải trả lại cho nhân dân.
Nhân dân Việt Nam, trước hết là giới trí thức hãy ủng hộ cho chủ trương trên.
Hãy lên tiếng, hãy hành động giành lại tài sản, nguồn sống cho mình, cho dân tộc, cho đất nước!