Youtube CongBangPhapLuat - Chị Ngô Thị Ánh là người xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ngày 24/4/2012 chị là người đã đứng ngay khu vực nhà văn hóa xã Xuân Quan và chứng kiến cảnh công an hành hung hai nhà báo của VOV. Khi đó chị đã hô lên để bà con xông ra cứu, nhưng đã bị lực lượng cưỡng chế bao gồm cả công an đánh đập rất dã man... (Chị Ngô Thị Ánh là người mặc áo màu xanh của thanh niên tình nguyên, đội mũ bảo hiểm)
BBC - Vừa xuất hiện cáo buộc công an đánh phụ nữ trong vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang, Hưng Yên, hồi cuối tháng Tư.
Một đoạn video vừa được đăng tải trên YouTube cho thấy lực lượng cưỡng chế gồm cả công an mặc sắc phục đã uy hiếp và đánh một người phụ nữ đầu đội mũ bảo hiểm.
Một công an trên clip video này còn co chân đá vào người phụ nữ đã bị người khác giữ tay.
Video nói trên hiện đang được phát tán rộng rãi trên các trang mạng xã hội.
Người phụ nữ bị đánh được nêu danh là bà Ngô Thị Ánh, dân xã Xuân Quan, thuộc huyện Văn Giang. Hôm 24/4, khi lực lượng cưỡng chế đang hoạt động, bà Ánh đứng ngay tại hiện trường, được nói là "khu vực nhà văn hóa xã Xuân Quan".
Trước đây cũng đã có nhiều đoạn video được tung lên mạng internet cho thấy cảnh bạo lực trong vụ cưỡng chế gây xôn xao dư luận hôm 24/4.
Trong đó có clip một người đàn ông mặc đồ trắng, đầu đội mũ bảo hiểm, bị đánh rất dã man. Người này về sau được xác định là ông Hán Phi Long, thuộc phòng Phóng viên Thời sự-Chính trị-Kinh tế (thuộc Trung tâm tin của Đài Tiếng nói Việt Nam), khi đó đang tác nghiệp cùng ông Nguyễn Ngọc Năm, trưởng phòng.
Bản thân ông Năm cũng bị đánh.
Ngày 2/5, trong hội nghị về việc giải quyết khiếu kiện và tiếp dân do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, ông Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên, nói rằng đã có video clip giả trong vụ Văn Giang dùng để 'bôi nhọ' chính quyền.
Ông nói: "Có sự móc nối chặt chẽ giữa các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Các thông tin, thậm chí được tường thuật tại chỗ, từng giờ để tuyên truyền, xuyên tạc, dàn dựng lên các video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền".
Xin thông cảm
Tuy nhiên sau đó hai nhà báo đã lên tiếng khẳng định mình bị đánh, dẫn tới việc Đài Tiếng nói Việt Nam yêu cầu xác minh xử lý.
Sau khi có phản ứng chính thức từ cơ quan chủ quản của hai nhà báo, dường như công luận có cơ hội viết nhiều hơn về vụ cưỡng chế Văn Giang, tuy cũng chỉ tập trung vào vụ hành hung phóng viên đang làm nghiệp vụ.
Thiếu tướng Trần Huy Ngạn, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, đã đến trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam để làm việc. Ông Ngạn nói việc xảy ra bạo lực là 'nằm ngoài ý muốn' xin các nhà báo "thông cảm".
Ngày 10/5, ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên lại cho hay rằng đã xác định được người đánh phóng viên là dân phòng và hứa cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên sẽ có buổi làm việc cụ thể với hai phóng viên bị hành hung và nhóm lực lượng làm nhiệm vụ tại buổi cưỡng chế để làm rõ sự việc.
Mới nhất, Chủ tịch Trung ương Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh đã có công văn gửi Bộ Công an; Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị làm rõ vụ việc hai phóng viên bị hành hung.
Công văn viết:"Hội Luật gia Việt Nam xét thấy đây là vụ việc có tính chất pháp lý cần phải làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật".
Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm cũng là hội viên Hội Luật gia Việt Nam.