Đào Tuấn - Tháng 6-2009, vấn đề lao động nước ngoài đã được đưa ra Quốc hội với phát biểu nổi tiếng của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH “Nếu tôi nhận trách nhiệm chung chung rằng đó là trách nhiệm của tôi, thì làm sao tôi sửa được, vì tôi không cấp giấy phép cho họ vào VN”. Tất nhiên sau đó bà hứa trước QH sẽ chấn chỉnh tình trạng gần 50% lao động nước ngoài đang “không phép” ở Việt Nam.
Suốt 4 năm qua, việc “phân tích rõ trách nhiệm của từng cơ quan”, rồi xác định trách nhiệm “ở mức độ nào” để “được đặt ra một cách khách quan, từ đó mới tìm ra đang cần sửa chỗ nào” dường như vẫn đang tiến hành. Đây có lẽ chính là lý do khi vấn đề “thương nhân Trung Quốc”, rồi “bác sĩ Trung Quốc”, rồi “Ngư dân Trung Quốc” lại được đặt ra trên diễn đàn QH và ngay trong buổi Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri sau kỳ họp. Quá nhiều ví dụ để thấy người nước ngoài vào Việt Nam thuộc diện “cổ cồn thì ít mà áo bạc thì nhiều”. Ở Dự án thủy điện Sông Bung 4, nhà thầu Trung Quốc Sinohydro dù chỉ đăng ký 50 “kỹ sư, chuyên gia” nhưng đã đưa sang 296 lao động. 186 trong đó thuộc diện “cửu vạn”. Báo chí thậm chí còn bắt được ảnh mấy ông “Chuyên gia” chân tay to đang chổng mông… quai búa. Hay ở công trường Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn, 197 cửu vạn Trung Quốc tá túc, ăn ngủ tại khu vực công trường trong khi chỉ có 30 người có giấy phép lao động.
Nghĩ cũng lạ khi công dân của “nền kinh tế số 2 thế giới” lại phải sang làm cửu vạn thuê ở một quốc gia “đang phát triển”.
Nhắc đến phát ngôn của bà Bộ trưởng cũng như tình trạng lao động nước ngoài từ năm 2009 để cho thấy đây không phải là vấn đề mới. Cái mới, chỉ là sự bùng nổ của những Hoa Đà, Biển Thước tân thời. Là chuyện con cháu họ Lã tung hoành từ Nam chí Bắc mua kể cả những thứ không ai mua, làm những việc thậm chí không ai lý giải nổi.
Cho đến hôm qua, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB và xã hội Lê Quang Trung tiếp tục công bố hiện có hơn 31.000 lao động nước ngoài đang làm việc trái phép tại Việt Nam. Chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nói đây là sự “tiếp tục” là bởi tình trạng này không có gì mới. Năm 2008 có 52.633 lao động nước ngoài tại VN. Năm 2009 là 55.428 người. Năm 2010 là 56.929 người. Và đến tháng 5-2011 là 74.000 người. Thống kê 2010 cho thấy chỉ có 47,05% đã được cấp giấy phép lao động. Tình trạng “lạm phát cửu vạn nước ngoài” tất nhiên đi đôi với việc “thiểu phát việc làm phổ thông trong nước”.
Nói “tiếp tục” còn là bởi Bộ chủ quản vẫn nhất quán biện pháp quản lý thuần túy chỉ là việc “đưa ra các con số”.
Báo chí sau đó đã gọi đây là những lao động “chui”. Nhưng khi nó được thể hiện bằng các con số trong báo cáo thì rõ ràng không thể gọi là “chui” được.
Câu hỏi “tại sao”, 4 năm sau lời hứa của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH trước QH không thể không đặt ra.
Từ năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đến năm 2008, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 34 quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài tại Việt Nam. Và nghị định này được sửa đổi bằng Nghị định 46 năm 2011.
Cái thiếu không phải là thiếu luật, thiếu quy định.
Cái thiếu đằng sau những cái lắc đầu “Không biết”, “Không rõ” là thiếu trách nhiệm.
Còn nhớ hồi tháng 2-2010, báo chí bắt dính một vụ việc khá hy hữu trên đường phố Thủ đô khi một người nước ngoài bị CSGT dừng xe máy vì lỗi không đội mũ bảo hiểm. Người này sau đó đã dựng xe máy giữa đường, thản nhiên rút thuốc lá ra hút, mặc kệ sự bất lực của cảnh sát. Cảnh tượng chướng tai gai mắt chưa từng thấy nhưng cũng mang tính biểu tượng chưa từng thấy. Dường như ở Việt Nam, cho dù đến cả sự kiện hàng trăm công nhân Trung Quốc tấn công, đập phá nhà dân, thì xử lý người nước ngoài là hơi bị hiếm. Một khả năng lý giải do sự “bó tay” đang lan tràn trong việc quản lý, xử lý là do cơ quan chức năng không biết… ngoại ngữ. Hoặc họ còn mãi nghĩ xem đó là trách nhiệm của ngành nào. Nhưng đúng nhất là vì sự tự ti.
Đào Tuấn