Giảm đau hay gãi ngứa - Dân Làm Báo

Giảm đau hay gãi ngứa

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Vài năm trở lại đây trong đề thi văn của các kỳ thi quốc gia do bộ GD& ĐT tổ chức đã có những câu kiểu: yêu cầu thí sinh suy nghĩ, bàn luận, tỏ thái độ về một vấn đề, hiện tượng,... nào đó của xã hội. Chẳng hạn như các câu 2 của đề thi tốt nghiệp, đề thi đại học khối C, D môn văn năm 2011 và đầu tháng 6 vừa qua là câu 2 của đề thi tốt nghiệp năm 2012 "Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong xã hội. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 400 từ) để trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên"

Ngay sau buổi thi môn văn, câu 2 đã được nhiều giáo viên, thí sinh nhận xét là "lạ, dễ, hay". Kết quả thăm dò cho thấy đa phần thí sinh hào hứng với nó. Cũng là dễ hiểu vì chúng được trình bày suy nghĩ riêng, không bị gò ép, áp đặt. Được bày tỏ nỗi bức xúc, phê phán một thói xấu đã trở thành một tệ nạn phổ biến dù chỉ là với một hoặc vài giám khảo. Còn dẫn chứng để minh họa thì vô thiên lủng. Chọn lấy một số trong nhan nhản các vụ lừa tình, lừa tiền, buôn bán hàng giả, quan chức sử dụng bằng giả, khai man tuổi, đạo văn, đạo luận án... được báo chí đăng tải hàng ngày. Chả cần đọc báo, tìm ngay ở trong trường, ngoài trường, nơi ở,... cũng được đầy rẫy. Bí thì có thể lấy ngay bạn bè, người thân thậm chí chính mình ra làm dẫn chứng. 

Không hỏi nhưng chắc trong số đó cũng có khối đứa hãnh diện, tự hào vì được trao cho nhiệm vụ phê phán một thói xấu vốn dĩ là "kẻ thù không đội trời chung" của ông thủ tướng(*). Rồi có cả những đứa cảm thấy ngại ngùng khi phê phán một thói xấu mà chính mình cũng có. Theo đáp án của bộ (công bố công khai ngay sau kỳ thi) thì bài làm của học sinh cần nêu được các nội dung sau : Định nghĩa thế nào là thói dối trá, là sự suy thoái về đạo đức trong xã hội. Các hình thức biểu hiện của thói dối trá đang tồn tại ở con người trong nhiều lĩnh vực của đời sống kèm theo các dẫn chứng. Nêu lên tác hại của thói dối trá như làm mất niềm tin, tạo ra các giá trị ảo, làm đảo lộn mọi chuẩn mực, làm thiệt hại đến vật chất và tinh thần của xã hội, gây mất công bằng trong xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển của xã hội,... kèm theo các dẫn chứng. Cuối cùng là bài học về nhận thức và hành động phải nhận thấy sự nguy hại của thói dối trá, cần tu dưỡng bản thân phải sống thực. 

Dễ, với yêu cầu không cao, trong tâm trạng hào hứng hẳn không ít thí sinh giành được một số điểm đáng kể ở câu này. 

Bên cạnh những lời khen, câu 2 cũng bị cho là "quá sức", "quá rộng", "hơi quá với lứa tuổi", "không được sát thực tế cho lắm". Rất có thể đây là nhận xét của những người thấy thói dối trá hiện giờ đã "biến tướng" khiến cho những thí sinh vốn sống trong môi trường giáo dục bị bưng bít, nhồi sọ và vẻn vẹn chỉ có 400 từ rất khó để bàn luận. Sau đây là một vài "biến tướng" của nó. 

Phổ biến, thường xuyên, có tổ chức, có hệ thống 

Thật là bất ngờ. Ngay sau "kỳ thi lên án thói dối trá" cả nước đã được chứng kiến vụ gian lận trong thi cử ở hội đồng thi THPT dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang. Lãnh đạo Hội đồng thi đã để cho một số cán bộ, giáo viên nhân viên, trong trường vi phạm quy chế thi qua các hành động lấy đề thi các môn hóa học, toán từ thí sinh nhờ các giáo viên giải sau đó sao ra một số bản và nhờ kế toán của trường, nhân viên phục vụ của hội đồng coi thi, giáo viên của trường mang bài giải lên phòng thi. Nhưng đó mới chỉ là vụ gian lận ở hội đồng coi thi cấp trường. Đến ngày 18/6 khi Bộ GD&ĐT công bố các con số 98% thí sinh THPT, 97% thí sinh Giáo Dục Thường Xuyên đỗ tốt nghiệp, hơn 100 trường THPT và rất nhiều trường tư thục, dân lập, trung tâm GDTX đỗ 100%. Thì không cần có các "clip Đồi Ngô" và bất kỳ bằng chứng nào khác. Chỉ cần so sánh các con số này với các con số của năm đầu tiên có phong trào "hai không", bằng suy luận đơn giản cũng nhẩm ra được một số lượng không nhỏ các "hội đồng coi thi Đồi Ngô" khác nữa trong cả nước. 

Vụ gian lận thi cử ở Đồi Ngô. Giáo viên đi thu phao của từng thí sinh trong giờ thi Toán (Ảnh: VNExpress)

Vụ gian lận ở Đồi Ngô Bắc Giang được dư luận ví như "quả bom trong ngành giáo dục" nhưng thực ra nó cũng chỉ là "nhỏ như con thỏ" nếu so với sự dối trá của hệ thống chính quyền do đảng lãnh đạo hiện nay. Hệ thống chính quyền này có truyền thống dối trá ngay từ lúc mới thành lập. Mở đầu là cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim nhưng lừa bịp dư luận, nhân dân cả nước là cướp từ tay Pháp, Nhật để được coi là có công với đất nước dân tộc. Tiếp theo là vu cho các nhân sĩ trí thức tiến bộ là Việt Gian phản động để thủ tiêu. Kế tiếp lừa dối nhân dân miền Bắc để gây ra cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn cưỡng chiếm miền Nam phục vụ cho mưu đồ nhuộm đỏ thế giới của chủ nghĩa cộng sản. Khi Liên Xô và một loạt các nước cộng sản ở Đông Âu sụp đổ. Để tồn tại chính quyền cộng sản Việt Nam theo chân Trung Quốc buộc phải quay lại với mô hình kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản nhưng lại trơ tráo tự nhận là "đổi mới". Những năm gần đây vì lý do tồn tại chính quyền cộng sản Việt Nam ngày càng phải lệ thuộc vào Trung Quốc làm mất biển, mất đảo, nền kinh tế lệ thuộc nhưng trước nhân dân họ vẫn ca ngợi Trung Quốc là những người bạn hữu nghị "4 tốt, 16 chữ vàng". Và hiện nay là các phong trào "học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nghị quyết "chỉnh đốn đảng", đề án "tái cấu trúc nền kinh tế", khẩu hiệu "xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", xây dưng chính quyền "do dân, của dân, vì dân"... 

Truyền thông một chiều cùng bưng bít sự thật

Để cho việc lừa dối được hiệu quả chính quyền cộng sản Việt Nam xây dựng hệ thống truyền thông một chiều. Chỉ cho phép báo, đài nhà nước hoạt động và phải chịu sự điều hành kiểm soát của ban tuyên giáo. Đồng thời bưng bít sự thật bằng cách hạn chế, cấm các quyền tự do ngôn luận thông qua các điều luật 79, 88 trong bộ luật hình sự. Dưới chiêu bài để "ngăn chặn các thông tin độc hại" họ liên tục sửa đổi các nghị định về quản lý dịch vụ internet với xu hướng ngày càng thắt chặt sự kiểm soát đặc biệt là với những người đòi tự do dân chủ, bất đồng chính kiến, có quan điểm khác biệt với họ. Vài tháng trước đây để chuẩn bị, thăm dò cho nghị định quản lý dịch vụ internet sắp ban hành họ đã công bố dự thảo của nó đồng thời thí điểm chặn một số blog, trang mạng chuyên đăng tải sự thật. 

Sống chung với dối trá 

Sau vụ Đồi Ngô có không ít giáo viên, học sinh không tán thành, phản đối, thậm chí căm phẫn với những người đã đưa vụ gian lận thi cử trên ra trước công luận. Họ tỏ thái độ trên với đủ loại lý do thương học sinh, thương đồng nghiệp bị kỷ luật,... Có giáo viên còn thật thà cho biết "tất cả những ai đi học cũng đều đã từng quay cóp. Nếu như không quay cóp trong kì thi tốt nghiệp chắc hẳn không ít người bị trượt kì thi này. Do đó các giám thị mắt nhắm, mắt mở cho học sinh đơn giản bởi vì nghĩ đến học sinh cũng như gia đình các em". Và cứ đều đều hàng năm từ bộ trở xuống đến giáo viên đứng lớp dù biết rất rõ chất lượng học sinh vẫn chấp nhận những tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, tiên tiến, khá, giỏi cao vì những lý do nào đó. Ngoài giáo dục các ngành khác thậm chí hầu như toàn xã hội cũng đều biết cách sống chung với dối trá. Đạo văn, đạo luận án. Sử dụng bằng giả để lên chức, lên lương, dễ tìm việc làm. Làm hàng giả để lãi suất cao. Cán bộ khai man tuổi để kéo dài thời gian công tác, để được cơ cấu. Cấp trên, cấp dưới lừa dối lẫn nhau, biết nhưng vẫn chấp nhận. Cứ mỗi lần dối trá thủ phạm lại tìm được một lý do nào đó biện hộ cho mình để rồi lại tái phạm. 

Giảm đau hay gãi ngứa

Trong tiếng Việt "thói" là danh từ chỉ "lối, cách sống hay hoạt động, thường không tốt, được lặp lại lâu ngày thành quen". Nó được ghép với các danh từ khác thường để chỉ một thói xấu nào đó chẳng hạn "thói tham lam", "thói ích kỷ", "thói trăng hoa", "thói côn đồ", "thói dối trá",... của một cá nhân hoặc một tập thể. Không như những thói xấu thông thường khác, "thói dối trá" ở Việt Nam giờ đây đã trở thành một quốc nạn. Nếu không dẹp được quốc nạn này cùng với quốc nạn tham nhũng, dân tộc đất nước sẽ có nguy cơ đứng trước những thảm họa khó lường. Bàn luận về quốc nạn luôn là một chủ đề "nóng" được quan tâm. Giống môn văn, đề thi địa lý cũng có một câu liên quan tới vấn đề "nhạy cảm" ở Việt Nam ngày nay là an ninh biển đảo: "Ở nước ta hiện nay, việc đánh bắt hải sản xa bờ có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng". Phải nói rằng nhà nước và bộ giáo dục đã rất "tin tưởng" vào thế hệ trẻ khi giao cho chúng bàn luận về các chủ đề này. Đề văn thì đã có rất nhiều ý kiến bàn luận, đề địa lý thì chưa. Nhưng chắc chắn sẽ có các thí sinh mà người thân của chúng bị bắt, bị bắn giết, bị đòi tiền chuộc khi đánh bắt hải sản xa bờ ở Hoàng Sa viết về tai họa trên trong bài làm của mình. Nhìn đáp án sơ sài của bộ về câu này "Vùng biển nước ta có nhiều đảo, quần đảo tạo thành hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất nước, hệ thống căn cứ để tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới, nên việc đánh bắt xa bờ không những khai thác tốt nguồn lợi hải sản mà còn giúp bảo vệ vùng trời, vùng biển của nước ta" tất nhiên là không thể đòi hỏi nhiều hơn ở một ý trong một câu hỏi của một đề thi 90 phút. Nhưng nếu liên hệ nó với đáp án của đề văn thì người ta hiểu ra: đây chính là liều thuốc giảm đau hoặc cú gãi ngứa cho những căn bệnh hiểm nghèo đã vô phương cứu chữa. 


Trần Hoàng Lan

_______________________________


Chú thích:

(*) Ở buổi giao lưu trực tuyến trong những ngày mới nhậm chức khi được hỏi: "Yêu, ghét gì nhất" thủ tướng ông Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời: "Yêu sự thật và ghét sự giả dối"


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo