Mạnh Quân - Trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) giữa kỳ năm 2012, bộ Ngoại giao Đan Mạch đã không ngần ngại tuyên bố dừng ¾ dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do nghi ngờ các cơ quan, đơn vị sử dụng chi sai khoảng 11,4 tỷ đồng trên tổng số tiền khoảng 69 tỷ đồng (19,9 triệu Kroner Đan Mạch), chiếm 23%. Tuy điều này sẽ làm mất mặt các quan chức chủ nhà Việt Nam trong hội nghị (diễn ra từ hôm nay 4.4 đến ngày 6.6) và gây lên những băn khoăn của đại diện các nhà tài trợ, các nhà tài trợ song phương và đa phương…nhưng thực sự, đó lại là điều cảnh tỉnh rất cần thiết để Việt Nam mạnh tay chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA.
Đừng nói rằng tổng số tiền tài trợ của Đan Mạch là ít, số tiền nghi thất thoát là ít…so với những vụ việc tham nhũng vốn ODA trước đây như dự án đại lộ Đông Tây, khiến ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên giám đốc ban quản lý dự án phải bị xử tù. Số tiền tuy không lớn nhưng bản chất vụ việc, các hành vi vi phạm lại rất nghiêm trọng. Ví dụ như có dự án như dự án nghiên cứu "tác động của biến đổi khí hậu tới biến đổi sử đụng đất và thay đổi sinh kế ở đồng bằng sông Hồng", được cơ quan kiểm toán của Đan Mạch cho rằng tổng số tiền thâm hụt lên đến 1,3 triệu kroner Đan Mạch (tương đương 4,4 tỷ đồng). Trong đó có những khoản lên đến 900 triệu đồng được sử dụng mà không có chứng từ, hơn 1 tỷ đồng được chi cho 2 nhân viên làm kiểm kê, thu thập số liệu trong khi, các nhân viên này đã được trả lương…
Tại dự án "đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu đến điều kiện tự nhiên, môi trường và phát triển kinh tế xã hội miền Trung", số tiền chi sai mục đích lên tới 5,4 tỷ đồng. Trong đó có 2,1 tỷ đồng chi lương, thù lao cho nhiều người mà không rõ công việc cụ thể. Hay tại dự án "biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái vùng cửa sông Việt Nam", có khoản chi sai 860 triệu đồng làm học bổng cho con gái của điều phối viên dự án, do giám đốc dự án ký duyệt. Việc lợi dụng, tham nhũng tiền dự án là rõ ràng vì người nhận học bổng lại rời viện ngay sau khi đã học xong.
Thụy Điển, Đan Mạch…và một số nước EU khác khi hỗ trợ các dự án ODA cho Việt Nam thường chọn các dự án nhỏ nhưng đem lại hiệu quả lớn cho nước nhận viện trợ. Ví dụ, trong lĩnh vực về cải thiện môi trường, giúp Việt Nam cân bằng, phát triền bền vững…các nước này thường dễ nhất trí với các đề xuất từ Việt Nam . Nhất là gần đây, tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam ngày càng rõ rệt thì việc có thêm nguồn kinh phí vay ưu đãi hoặc viện trợ không hoàn lại từ các nước hỗ trợ ODA như từ các nước Bắc Âu là rất đáng quý. Nhưng với tình trạng tham nhũng, tiêu cực như ở các dự án nêu trên, đây là một đòn làm giảm sút lòng tin nghiêm trọng từ phía các nhà tài trợ. Không những thể, nó còn gây nên sự giận dữ từ phía những người dân như ở Đan Mạch đòi hỏi hạn chế, thậm chí đóng cửa với các nguồn tài trợ ODA cho những nước để xảy ra tham nhũng, làm giảm hiệu quả vốn ODA-cũng là nguồn tiền được trích từ ngân sách do những người dân đóng thuế.
Không chỉ đến bây giờ, tình trạng tham nhũng vốn ODA mới được cảnh báo. Từ vụ việc xảy ra tại PMU 18 thuộc bộ Giao thông vận tải cho đến vụ tham nhũng chấn động tại dự án đại lộ Đông Tây TP Hồ Chí Minh khiến Nhật Bản-một trong 3 đối tác cung cấp vốn ODA lớn nhất hàng năm cho Việt Nam đã phải ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam trong một thời gian (nối lại vào tháng 3.2009). Nhưng kể từ đó đến nay, dường như không có những nỗ lực nào đáng kể để chấn chỉnh, quản ký chặt chẽ hơn nguồn vốn này. Và hậu quả để tiếp tục xảy ra các vụ khác như tình trạng gây thất thoát vốn ở 3 dự án trên đây đã cho thấy, hiệu quả công tác rà soát, chống tham nhũng trong sử dụng vốn ODA đã không đạt được như nhiều tuyên bố của cơ quan chức năng nhà nước sau vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ.
Đã có nhiều khuyến cáo từ phía các nhà tài trợ, nhiều kinh nghiệm về quản lý vốn ODA được nhiều chuyên gia, tổ chức giới thiệu cho Việt Nam như: thành lập cơ quan quản lý độc lập về vốn ODA, tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiếm toán ngay khi các dự án đang triển khai chứ không chờ dự án kết thúc…nhưng tất cả những điều này thực tế được tiếp thu rất ít. Báo chí chỉ ghi nhận có một vài dự án do Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra khi đang triển khai và chấn chỉnh được ngay khi sai phạm mới xảy ra. Nhưng kết quả đạt được có thể nói là rất ít.
Đã có gần 30 tỷ USD từ nguồn vốn ODA chảy vào Việt Nam trong vòng 15 năm qua giúp thực hiện hàng ngàn dự án phát triển cơ sở hạ tầng: sân bay, cảng biển, hệ thống điện..;giúp Việt Nam xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường, môi sinh…Nhưng, chỉ một phần rất nhỏ trong số đó là viện trợ không hoàn lại còn chủ yếu là tiền cho vay. Do đó, với nguy cơ tham nhũng trong việc sử dụng nguồn vốn này ngày một tăng, với mức độ tham nhũng nghiêm trọng trong khi các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí không được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, nó sẽ đe dọa việc giảm dần nguồn vốn này cho Việt Nam và khiến gánh nặng trả nợ ODA ngày càng lớn và phi lý cho các thế hệ sau.
Mạnh Quân