Nguyễn Quang A (Báo Lao Động) - Vài tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bị tờ Global Finance (Tài chính Toàn cầu) đưa vào danh sách 10 thống đốc yếu kém nhất thế giới.
Xem chất vấn tại Quốc hội mấy ngày vừa qua, tôi thấy Thống đốc Nguyễn Văn Bình là người trả lời chất vấn trúng nhất, khúc chiết nhất và rõ ràng nhất trong số các quan chức bị chất vấn, tất nhiên phải bỏ ra ngoài các câu trả lời của các quan chức vài tình tiết khôi hài như “nửa giải Nobel” hay “có câu trả lời rồi, nhưng để ở nhà” v.v…
Trong cuộc chất vấn thống đốc có rất nhiều câu hỏi đã liên quan đến vàng. Trả lời của thống đốc là rất rành mạch và rõ. Vàng không là hàng hóa thiết yếu. Không cần liên thông với quốc tế. Cũng chẳng cần bình ổn giá vàng. Chính vì muốn liên thông với quốc tế và muốn bình ổn giá vàng nên đã tạo khuyến khích cho đầu cơ vàng, cho vàng hóa nền kinh tế, cho nhập lậu và xuất lậu vàng (dưới nhiều danh nghĩa) gây mất ổn định tỉ giá, góp phần đẩy lạm phát lên v.v... Hoàn toàn đúng!
Giá vàng chênh nhiều so với giá thế giới (chênh khoảng 3 triệu đồng/lượng) chủ yếu là do các ngân hàng thương mại đã huy động vàng của dân, đã bán ra để lấy tiền đồng cho vay với lãi suất cao và nay phải mua vàng trong dân để trả cho người gửi. Ngân hàng Nhà nước không cho nhập khẩu, các ngân hàng phải mua nhiều vàng để trả cho dân, cầu về vàng tăng, cung thì không và giá tăng là điều dễ hiểu. Các nhà đầu cơ vàng trước đây đã trúng lớn, nay họ phải chịu thiệt cũng là chuyện bình thường trong kinh doanh. Tôi hoàn hoàn ủng hộ chính sách quản lý kinh doanh vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước và những kết quả như thống đốc trình bày là rõ. Có lẽ một năm sau sẽ còn ít câu hỏi, bức xúc về vàng so với thời gian quá độ này.
Tuy nhiên, vẫn phải tranh luận thêm về vài câu trả lời của thống đốc.
Mua vàng của người này để trả cho người khác thì tổng số vàng trong tay nhân dân không giảm đi hay tăng lên; tức là không “huy động” được một tí vàng nào để biến thành vốn kinh doanh qua các giao dịch này cả. Thế nhưng, ông thống đốc lại bảo các đại biểu Quốc hội rằng trong 6 tháng qua, các ngân hàng đã mua được 60 tấn vàng (tương đương 63 ngàn tỉ đồng) từ dân cư và coi đấy là thành tích “huy động” vàng để biến thành vốn. Đúng là các ngân hàng đã phải “bơm ra” khoảng 63 ngàn tỉ đồng để trả cho những người bán vàng và họ có thể sử dụng (một phần) số tiền đó vào hoạt động kinh tế, số vàng trong dân không thay đổi với các giao dịch mua để trả này của các ngân hàng thương mại. Nói cách khác, chẳng có “thành tích” huy động vốn “nằm chết” trong vàng nào cả.
Mà có đúng là vốn nằm chết, nằm bất động trong vàng (lên đến 15 tỉ USD) và cần phải huy động hay không?
Thống đốc đã trả lời rõ ràng, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước quyết định không “huy động” vàng trong dân như trước kia đã khuyến khích (dân gửi vàng cho Ngân hàng Nhà nước như gửi tiết kiệm). Rồi Ngân hàng Nhà nước đã giải thích lại và thống đốc cũng khẳng định lại trong phiên chất vấn: Ngân hàng Nhà nước “huy động” theo cách mua vàng của dân. Để chữa cái sai trước kia thì cách nói “huy động” qua mua như vậy cũng được, nhưng tốt nhất là bỏ từ “huy động” ấy đi, mà chỉ dùng từ mua hay bán mà thôi. Đấy là cách làm đúng.
Làm như thế, hay như cách Ngân hàng Nhà nước đã làm trong 1 năm qua cũng chẳng phải là “bóp chết” thị trường vàng như chuyên gia- Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đã chất vấn thống đốc. Chẳng nên sợ chuyên gia hay các đại biểu Quốc hội có thể do chưa hiểu nên dùng từ ngữ gay gắt mà phải làm mềm câu trả lời của mình đi. Chính vì thế, tôi nghĩ thống đốc nên bỏ hẳn từ “huy động vàng” khỏi tư duy của mình, dẫu Nghị định 24 vẫn bỏ ngỏ khả năng ấy.
Hệ thống bảo hiểm- nhất là bảo hiểm xã hội của chúng ta còn yếu kém. Người dân còn bất an. Và nhu cầu trữ vàng vẫn có do vàng bền lâu và có tính thanh khoản cao (dễ đổi ra tiền mặt) dưới bất cứ chế độ nào. Kinh tế ổn định, xã hội dân chủ văn minh, bất trắc giảm, người dân cảm thấy an tâm, tin vào sức mạnh của đồng tiền Việt Nam, thì nhu cầu dùng vàng làm của phòng thân sẽ giảm đi.
Để giúp bạn đọc hiểu dễ hơn, hãy xét trường hợp bất động sản. Tổng giá trị của các bất động sản ở các nước đang phát triển thường bằng 6 đến 7 lần tổng tín dụng. Tương tự với vàng, cũng nên hỏi sao không huy động số vốn khổng lồ đó cho hoạt động kinh tế? Tại Việt Nam, người ta dùng bất động sản để làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng để kinh doanh (đủ loại chứ không chỉ kinh doanh bất động sản). Tổng số khoản vay có tài sản thế chấp bằng bất động sản là khoảng 57% của tổng dư nợ. Số bất động sản này đã được dùng để tạo vốn kinh doanh, song số bất động sản còn lại là nhiều gấp bội.
Tất nhiên, người sở hữu vàng dễ hơn người có bất động sản, vì vàng dễ bán hơn và cũng dễ được chấp nhận làm tài sản thế chấp hơn.
Chính vì thế, hãy bỏ khái niệm “huy động vàng” đi và nói 15 tỉ USD “bất động”, “nằm chết” trong vàng là không đúng.
Nguyễn Quang A