Đào Tuấn - Có ở nơi nào trên thế giới có hẳn một tầng lớp những người “dưới 0” như ở Việt Nam?
Có ĐBQH từng phát biểu “Biểu tình là sự ô nhục”. Có nghị sĩ khẳng định: “Chưa nói đến biểu tình, để cho quần chúng đi ăn xin giữa đường đã là không được”. Rồi Thị trưởng Hà Thành có lần ta thán “Mặc áo màu Quốc kỳ, mang theo khẩu hiệu đòi đất làm xấu hình ảnh Thủ đô”.
Nhưng thưa với Quốc hội, một người phụ nữ, cụ Hà Thị Nhung, vừa chết ngay tại vườn hoa Lý Tự Trọng- Hà Nội vào lúc 9h sáng ngày 12.11.2012.
Cụ Nhung 75 tuổi là một dân kiện đến từ Thanh Hóa.
Ai không đau lòng khi nhìn hình ảnh “manh chiếu tận mạng” cũng chính là những biểu ngữ khiếu kiện.
Nói cách gì, cái chết của một cụ già 75 tuổi, đến ngày cuối cuộc đời vẫn chưa ngừng đi kiện, cũng có lỗi của “chúng ta”. Ở tuổi 75, cha mẹ chúng ta đang làm gì? Chúng ta có muốn các cụ, ở tuổi cổ lai hy đến như vậy, phải khốn khổ và uất ức theo đuổi những vụ khiếu tố chưa bao giờ có hồi kết?
Trong suốt những ngày QH họp, đã có hơn 50 đoàn và vô số các “cụ Nhung” khác với biểu ngữ quấn người, đơn kiện trên tay ngày ngày khiếu kiện ở Thủ đô mà hầu hết liên quan đến đất đai.
Ngày mai, các vị ĐBQH sẽ bàn về Luật Đất đai trong một phiên thảo luận lần đầu được truyền hình trực tiếp.
Câu hỏi “vì sao” đã được đặt ra rất nhiều. Nỗi bức xúc của dân chúng cũng là âm hưởng trong hầu hết các phiên thảo luận liên quan đến bộ luật này. Và ngày mai, cử tri và nhân dân chờ đợi các vị ĐBQH sẽ tiếp tục trả lời câu hỏi Luật đất đai sẽ sửa “như thế nào”.
Nói đi nói lại, bàn đi bàn lại, nâng lên đặt xuống chán nhưng dường như những “cụ Nhung”, những người dân vẫn cứ có cảm giác những bức xúc của họ, nguyên nhân của 70% các vụ khiếu nại, vẫn chưa được điều chỉnh trong luật.
Nghị quyết TƯ đòi hỏi lần sửa luật này phải “có sự thay đổi cơ bản”.
QH bàn nhiều làm gì khi đối với người dân, sự “thay đổi cơ bản” đó chỉ đơn giản nằm trong mấy chữ “giá thị trường” và hai chữ “thu hồi”.
Bởi thật khó chấp nhận thứ luật đẻ ra tình trạng người mất 100m2 đất lại chỉ được đền bù với giá trị chỉ đủ để mua 30m2 đất.
Bởi 2 chữ “thu hồi” đã cho thấy trong nó sự bất bình đẳng với quyền về tài sản của người dân. WB từng đưa ra khuyến nghị: Trong tất cả các dự án phát triển, mọi người đều phải được hưởng lợi ích chứ không thể để những người bị thu hồi trở thành nạn nhân của sự phát triển.
Nếu muốn có một “thay đổi cơ bản”, thậm chí, một cuộc cách mạng trong luật Đất đai, đơng giản chỉ cần bỏ đi hai chữ “thu hồi”. Thay vào đó là trưng thu, trưng mua, hay gì cũng được, miễn đó không phải là sự tước đoạt. Và đã là đền bù, thì tối thiểu cũng phải là nguyên tắc thị trường thế nào, đền bù thế đó.
Không phải đơn giản, mà là quá đơn giản.
Nhưng giải quyết vấn đề đơn giản đó không hề đơn giản khi thiếu đi sự thấu hiểu, đồng cảm giữa các vị ĐBQH và những người cầm lá phiếu bầu mình. Bởi việc bỏ đi hai chữ “thu hồi”, bởi việc bấm nút với nguyên tắc “giá thị trường” khi đền bù thu hồi chỉ có thể được thực hiện khi các vị đại biểu cảm thấy “ô nhục”. Ô nhục khi 3-4 lần sửa, thứ luật mà chính họ bấm nút thông qua là một trong những nguyên nhân khiến những người dân hiền lành như cục đất, vì đất, phải lê la khiếu kiện trên những đường phố thủ đô. Có ở nơi nào trên thế giới có hẳn một tầng lớp những người “dưới 0” như ở Việt Nam? Chỉ khi, trước nghị trường, các nghị sĩ sẽ nói rằng: Chưa nói đến biểu tình, để cho quần chúng phải đi kiện giữa đường đã cho thấy chính quyền có lỗi, đã thấy hàm chứa sự bất công trong xã hội chúng ta.
Và hình ảnh Thủ đô ngàn năm sẽ đẹp, sẽ sạch, sẽ làm thỏa mãn các vị thị trường khi không còn những đoàn khiếu tố quấn cờ, mặc áo đỏ, không phải vì họ bị dẹp cho sạch, mà vì luật Đất đai mà các vị ĐBQH bấm nút thông qua đã trả lại cho họ có quyền tài sản với mảnh đất, như khẩu hiệu “dân cày có ruộng” của cuộc cách mạng giành lại độc lập dân tộc từ 66 năm trước
Đào Tuấn