(Nói hoài, nói mãi, nói cho thấy chán ngắt, nói cho đến khi nào xã hội tốt đẹp hơn thì thôi)
Quốc Anh (Danlambao) - Gần bốn mươi năm thống nhất Bắc-Nam, nhưng đất nước luôn cứ phải va vấp những chủ trương chắp vá, thiếu nhất quán và tùy tiện do một nhóm thiểu số áp đặt lên đại đa số quần chúng nhân dân và giữa các ngành, các cấp tranh ăn với nhau. Chính sách cải cách của nền kinh tế đất nước trong ba mươi tám năm qua luôn xáo trộn nên chẳng có một tác động chiến lược ổn định ở tầm vĩ mô, cũng chẳng có một động lực tiềm năng tích cực nào mang tính đột phá để làm cho nền kinh tế đất nước phát triển và chắp cánh bay cao!
Phát triển kinh tế chủ yếu xăm soi, dòm ngó dựa vào việc lấy đất của dân là chính, khai thác cạn kiệt tài nguyên-khoán sản, chờ đợi những khoản nợ vay hoặc những dòng vốn từ nước ngoài đổ vào, tìm cách đánh thuế, thu phí trên đầu mỗi người dân và các doanh nghiệp.
Vì vậy, nền kinh tế ấy chẳng thể nào đem lại lợi ích phát triển đất nước toàn diện hay vì lợi ích chia sẻ mang tính cộng đồng mà đó chỉ là một nền kinh tế chắp vá, vay mượn: một phần là do những chủ trương, chính sách lạc hậu, lỗi thời luôn đi sau thời đại của một nhóm thiểu số chủ quan, duy ý chí áp đặt và một phần tác động to lớn hơn do nhóm lợi ích trong bộ máy công quyền xà xẻo, chi phối lên toàn nền kinh tế đất nước của các bộ ngành từ trung ương xuống đến các sở ngành địa phương! Có thể nói nền kinh tế ấy hiện nay nó giống như những chiếc áo vá đã sờn cũ khi đắp vá chỗ này, nó sờn rách chỗ kia. Người chủ của chiếc áo vá kinh tế ấy nếu còn sĩ diện sẽ không dám mặc mỗi khi ra đường còn dám mơ nghĩ gì đến việc: “sánh vai cùng các cường quốc Năm Châu”.
Việc quản lý điều hành nền kinh tế đất nước lại được ví như những canh bạc? Khi các nhà quản lý, điều hành là những chủ xâu: chuyên gá bạc và tổ chức đánh bạc để nhằm chia chác, xà xẻo của công? Còn những con bạc khát nước chính là các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước đang đánh bạc cùng các dự án mà nhiều nhà khoa học cùng dư luận cả nước đã lên tiếng cảnh báo và chỉ trích như: boxit tây nguyên, Vinashin, Vinaline, nhà máy Lọc dầu Dung Quất, các công trình Thủy điện đã và đang tàn hại đất nước, hủy hoại môi trường-hệ sinh thái, cùng vô số những dự án vô bổ khác đang từng giờ, từng ngày gây lãng phí, thiệt hại không thể nào kể hết... Những kẻ tổ chức gá bạc, đánh bạc cổ vũ, khuyến khích các con bạc sát phạt thoải mái để họ có cơ hội phân tán đống tiền nợ vay quốc tế, chia nhỏ khối tài sản của quốc dân mà họ đang nắm giữ. Những con bạc tha hồ vung tiền sát phạt trên núi tiền của dân, của nước? Nhưng sau mỗi cuộc chơi các con bạc thường là những kẻ thua bạc, còn những kẻ thắng bạc lại chính là chủ xâu vì cứ mỗi ván ăn qua, chung lại người tổ chức đánh bạc đều thu xâu trên mỗi ván bài. Chủ xâu là những chủ nợ, sẽ xiết nợ các con bạc khi họ đã sạch nhẵn túi tiền và đưa họ vào tù khi những con bạc không còn đem đến lợi nhuận cho họ nữa.
Họ vẫn đang tiếp tục đặt cược vào những canh bạc khi tiếp tục ném tiền vào những dự án đã thấy rõ thua lỗ và nhiều bất cập như boxit tây nguyên, tái cơ cấu Vinashin,Vinaline, hệ thống ngân hàng, cứu trợ bất động sản, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và dự án thủy điện 6, 6A ở tỉnh Đồng Nai...
Nhớ lại những chủ trương, chính sách của nền kinh tế dưới thời quan liêu, bao cấp (1975-1990) đã thiết đặt nên một nền kinh tế khuôn mẫu áp đặt và độc quyền. Một nền kinh tế quốc doanh toàn diện và toàn trị đem đến nhiều hệ quả của hàng loạt các sai phạm về chủ trương, chính sách. Bởi với một cơ chế đóng đã đẩy cả nền kinh tế lao dốc không phanh, lạm phát phi mã gây nên bao đau thương, mất mát cho miền Nam và khốn khổ, bần hàn cho người dân cả nước. Gần bốn mươi năm trôi qua, một dân tộc phải chịu cúi đầu, an phận hoang phí cả thời tuổi trẻ cống hiến. Thật khốn khổ cho cả dân tộc Việt Nam! Với một khoản thời gian quá dài, đất nước – dân tộc Việt Nam vẫn đang sống trong trì trệ, đói nghèo, lạc hậu và đang phải đối mặt với nhiều kiểu cai trị bất nhân, một nền tảng dân chủ giả hiệu. Với một chế độ-chính trị-xã hội như vậy làm gì có được nền dân trí, văn minh để phát triển toàn diện.
Vì sao nền kinh tế đất nước không thể phát triển theo hướng tích cực?
1- Chủ quan duy ý chí:
- Quốc hữu hóa hầu hết các nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏ hiện đại so với thời bấy giờ rồi để hoang phế, hư hỏng vì không đủ nguyên, nhiên vật liệu để sản xuất hoặc không còn phụ tùng để thay thế.
- Hợp tác hóa nông nghiệp làm cho nông trang, đồng ruộng bị bỏ hoang vì chủ nghĩa bình quân: làm nhiều, làm ít hoặc không làm (thường là cán bộ chỉ đạo, tổ trưởng sản xuất) vẫn được hưởng sức lao động như nhau.
Tình trạng: “cha chung chẳng ai khóc” là nguyên nhân tạo nên một sức ỳ, vô kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm của công nhân đối với nhà máy, xí nghiệp và của nông dân đối với đất đai, ruộng đồng là nguyên nhân chính đẩy lùi sự phát triển trong toàn xã hội.
- Chương trình kinh tế mới: (thực chất đây là một chính sách lưu đày gia đình vợ con binh sĩ, sĩ quan, viên chức chế độ Sài Gòn ra khỏi thành thị...) thực hiện không đến nơi đến chốn, thiếu sự quan tâm, hỗ trợ và chiến lược phát triển lâu dài. Vì vậy, việc phát triển xây dựng, khai thác những vùng đất mới, đất hoang không còn mang ý nghĩa theo chiều hướng tích cực nữa mà việc: “đem con đi bỏ chợ” làm cho nhiều hộ gia đình phải rời bỏ các vùng kinh tế mới trở về sống lang thang trên các hè phố, kiếm sống chủ yếu bằng những nghề tự do, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, nhiều nhất là thành phố Sài Gòn.
- Ngầm khuyến khích theo dõi, dò xét, tố cáo nặc danh giữa các hộ gia đình, giữa làng xóm, láng giềng cộng với tình trạng pháp luật bị xem thường, luật pháp không rõ ràng, minh bạch đã tạo nên sự, hoài nghi, cảnh giác đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự chia rẽ, mất đoàn kết sâu sắc trong cộng đồng dân cư vào thời kỳ đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến tận bây giờ.
- Năm 1978 xảy ra lũ lụt, mất mùa. Tình hình lương thực trở nên cấp thiết, ở nông thôn nơi từng sản xuất ra lúa, gạo nhưng người dân lại đói ăn phải dùng các cây lương thực khác để thay gạo trong những bữa ăn hàng ngày. Nguyên nhân chính không phải hoàn toàn do lũ lụt, mất mùa mà do chủ trương việc: “ngăn sông cấm chợ”. Hàng hóa, lương thực, thực phẩm bị cấm đoán không lưu thông được trên thị trường: “nơi dư thừa để ẩm mốc, hư hỏng phế bỏ chứ không thể cung ứng, hoán đổi cho nơi thiếu thốn”. Tình trạng thiếu ăn, khan hiếm lương thực, thực phẩm đã khiến cho bà con, họ hàng và bè bạn ngại thăm viếng lẫn nhau vì mỗi khi họ hàng, thân thích ở xa đến thăm lại là nỗi lo cho gia đình vì phải chia sẻ khoản luơng thực, thực phẩm ít ỏi dự trữ trong những ngày tới mà điều nầy là rất xa lạ với tập quán truyền thống ở nông thôn miền nam vốn lễ nghĩa và hiếu khách.
Còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng phạm vi bài viết chỉ nêu lên một vài nguyên nhân khách quan đã làm thay đổi cách sống, cách suy nghĩ và cách nhìn của những tẩng lớp, giai cấp trong xã hội thời đó mà theo tôi nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội hôm nay kéo theo nhiều hệ lụy. Hệ lụy trước tiên là nhiều căn bệnh thờ ơ, vô cảm vẫn luôn tồn tại và hoành hành trong lòng xã hội ngày nay:
- Vô cảm trước nổi đau, mất mát của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Trình độ chuyên môn lẫn Y đức yếu kém của ngành Y tế! Rất nhiều trường hợp chẩn đoán sai gây tử vong, hầu như ca mổ nào cũng nhiểm trùng, có những trường hợp bỏ quên cả dao mổ, bông băng trong cơ thể bệnh nhân thật khó chấp nhận.
- Vô cảm trước vấn nạn chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, bệnh thành tích của nhiều trường, nhiều địa phương trên cả nước. Việc thí điểm, cải cách vô bổ thiếu tính hệ thống, khoa học, cùng việc học thêm, dạy thêm tràn lan không theo nhu cầu thiết yếu của ngành Giáo dục đã gây lãng phí thời gian, tốn công sức lẫn tiền của làm vất vã, khổ sở, mệt mỏi cho cả phụ huynh và học sinh.
- Vô cảm trước những cây cầu, con đường cứ làm mãi mà không xong hoặc vừa làm xong đã xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với cảnh ngập nước triền miên mỗi khi mùa mưa về của ngành Giao Thông Công Chánh.
- Vô cảm trước cảnh lề đường, vỉa hè còn mới, còn tốt vẫn cứ bị đào xới lên và vô số con đường vừa mới làm xong cứ mãi đào lên lấp xuống của các ngành điện, điện thoại, điện chiếu sáng, cấp thoát nước…
- Vô cảm trước sức khỏe và sinh mạng của cộng đồng khi không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả việc hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa độc hại, thịt gia cầm súc sản nhiễm khuẫn, nhiễm bệnh với mục đích đầu độc cả dân tộc từ biên giới phía bắc tuồn vào đất nước VN.
- Vô cảm trước nỗi thống khổ của người nông dân dù là nơi tập trung sản xuất, tạo ra nhiều lương thực, thực phẩm cho xã hội, cho xuất khẩu. Nhưng trãi qua bao đời, bao thế hệ vẫn không thoát ra được đói nghèo và lạc hậu.
Không thể kể hết những điều trái khoáy, vô cảm và phi nhân vẫn luôn tồn tại trong lòng xã hội. Đó là lan tràn các tệ nạn buôn bán trẻ em, phụ nữ; lường gạt, hãm hiếp, giết người man rợ, ngang nhiên cướp nhà, cướp đất, cướp của manh động, lan tràn ma túy, mại dâm... đủ thứ tai họa lơ lửng, rình rập chực chờ giáng họa như: té cống, sụp hố, điện giật, gẫy nhánh, cây đè và đủ loại tai nạn giao thông, đủ điều khuất tất xảy ra hàng ngày, hàng giờ mà người dân phải đương đầu bởi cách ứng xử vô văn hóa, thiếu lễ độ bởi hạch sách, nhũng nhiễu để kiếm chác của các cơ quan công quyền; của những kẻ mặc sắc phục công an với danh nghĩa bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân lại ra sức bắt bớ, đánh đập, giết người; của những kẻ nhân danh công lý, hệ thống tòa án là những cái máy vô tri khi tiếp tay xử nặng những người yêu nước.
Tệ nạn quan liêu hành chính đã tạo nên một cơ chế xin, cho của nhiều ngành, nhiều cấp dẫn đến việc sản sinh ra nhiều căn bệnh trong xã hội: cơ hội, bè phái, tham ô, lăng phí, nhũng nhiễu trục lợi cá nhân. Gây lăng phí rất lớn về thời gian, công sức, tiền của! Của người dân và của đất nước và những thói hư tật xấu này được tích lũy lâu ngày giống như những ung nhọt tiềm ẩn trong một cơ thể bệnh tật của xã hội mà chưa có phương pháp nào chữa trị hiệu quả. Khi chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường mà không có bất kỳ một biện pháp giám sát, kiểm tra hữu hiệu nào và những biện pháp công khai, minh bạch tài sản của các cán bộ chủ chốt, của Đảng viên đầu ngành không được thực hiện đến nơi, đến chốn chỉ mang tính hình thức thì những của cải, tài vật do kiếm được từ buôn lậu, tham ô, tham nhũng, hối lộ và những tài sản do tước đoạt từ công sức lao động của người khác, do tước đoạt đất đai của nông dân, do chiếm dụng của công mà có: Vô tình đã được luật pháp công nhận tính hợp pháp của nó.
Tất cả những tài sản bất minh không phải do chính công sức của cá nhân bỏ ra đã tạo nên một tầng lớp giàu có đột biến trong xã hội, tạo nên sự khác biệt và hố sâu ngăn cách giữa giàu và nghèo ngày càng xa thẳm, xa thẳm. Hầu hết tầng lớp này đã trở thành những kẻ quyền lực ăn trên, ngồi trước, khinh rẻ người dân lao động, xem thường văn hóa, đạo đức truyền thống và đã hình thành trong xã hội ngày nay một: “giai cấp tư sản kiểu mới”, một giai cấp bốc lột tinh vi và tàn bạo hơn cả thời thực dân, đế quốc trước đây. (Trích nhắc lại từ bài: “Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – Quốc Anh” đăng trên trang blog X-cafe, ngày 18/11/2010).
2. Quản lý, điều hành thường trái với quy luật vận động xã hội - tự nhiên:
Sau mỗi kỳ đại hội đảng toàn quốc hay nhiệm kỳ HĐND các cấp đi kèm với việc bố trí, sắp xếp nhân lực vào những chức vụ lãnh đạo ta thường thấy: một người chưa từng là bác sĩ hay có bằng cấp tương đương của ngành Y lại là Giám đốc Sở y tế hoặc trưởng phòng y tế quận, huyện; một người chưa từng là người thầy đứng trên bục giảng hoặc có bằng cấp tương đương của một ngành khoa học, giáo dục lại Viện trưởng, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận, huyện hoặc Hiệu trưởng các trường THCS, THPT, Cao đẳng, Đại học... Không thể thực hiện chủ trương việc điều động, luân chuyển một cách máy móc dễ gây xáo trộn vì trái với ngành nghề gây lãng phí chất xám, lãng phí nguồn nhân lực. Thực tế trong xã hội có một số ngành nghề chuyên môn cần có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, càng sống lâu với ngành càng có tay nghề cao như: ngành Y tế, Giáo dục, Tư pháp... Tùy theo nhu cầu cán bộ, nhân sự cho một bộ máy vận hành trơn tru, đồng bộ không thể áp đặt theo đúng những chủ trương lỗi thời và lạc hậu một cách máy móc và cảm tính.
Nhiều vấn đề tiêu cực trong xã hội thường giải quyết theo cảm tính tự phát hoặc phát động thi đua, phong trào. Ví dụ trong việc phòng chống tham nhũng thay vì có những biện pháp quản lý chặt chẻ các nguồn vốn, các dự án đầu tư họ lại áp dụng phương án: “điều động, luân chuyển cán bộ” một cách máy móc với ý tưởng nếu thường xuyên luân chuyển, điều động thì những cán bộ chuyên trách không đủ thời gian tạo vây cánh, bè phái để có cơ hội tham nhũng. Cách giải quyết, xử lý không tận gốc rễ chẳng khác nào tạo thêm kẽ hở cho bọn người bóc lột có cơ hội kiếm chác. Chẳng những thế nó còn là nguyên nhân gây nhiều xáo trộn về năng lực lẫn chuyên môn, về hành vi trách nhiệm và bổn phận của một công chức, công bộc đúng nghĩa vì phải làm việc dưới môi trường không đúng với khả năng chuyên môn, phải mất nhiều thời gian tìm hiểu để thích ứng với nhiệm vụ mới.
Giáo dục học đường trước ngày 30/4/75 ở miền Nam thực sự quy cũ, nền nếp vốn dĩ đã tạo nên một thế hệ nhân cách, đạo đức không lừa mị, giáo điều, không chạy theo thành tích, bằng cấp. Nền giáo dục XHCN gần bốn mươi năm qua ngày càng lộ rõ nhiều bất cập chẳng giống ai, nhưng lại hay thích học đòi, bắt chước cho đúng kiểu mẫu văn minh phương tây, Nhật Bản? Không nắm bắt học hỏi theo những điều hay, lẽ phải, lại thường so sánh bằng cấp, học lực phải ngang bằng với những quốc gia phát triển? Trước kia trường nam, trường nữ; lớp nam, lớp nữ được sắp xếp học tập riêng biệt thì thời gian qua đã được cải lùi chung chạ xô bồ, xô bộn đi ngược với quan niệm truyền thống Á đông vốn có: “nam nữ thụ thụ bất thân - lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, đưa chương trình tìm hiểu sinh lý vào bậc tiểu học... Rõ ràng là giáo điều, duy ý chí, vì những quan niệm sai lệch nói trên đã góp phần kích thích những chuyển biến sớm về tâm sinh lý, tìm hiểu vô bổ chuyện tình dục, gợi mở trong tư tưởng lớp trẻ nhỏ sự tò mò, cố đi tìm hiểu những gì mà lứa tuổi của chúng chưa cần được biết đến...khuyến khích lối sống yêu vội, sống cuồng. Và với cách dạy theo kiểu nhồi nhét, học vẹt, nói theo đã xô đẩy cả một thế hệ trẻ đi vào ngỏ cụt vì những nhận thức, quan niệm lệch lạc về tư duy lối sống, về nhân cách.
Sau ngày miền Nam bị cưỡng chiếm! Những con đường nội ô hay quốc lộ không bị cày xới vì đạn bom nhưng bị đào xới bởi những con người từ rừng sâu, bưng biền tràn vào chiếm cứ, lưu trú rồi đào bới lung tung. Và những con đường hư hỏng ấy thường được khắc phục bằng những tư duy, sáng tạo: trải dầy đất đỏ bên dưới, tráng một lớp nhựa đường mỏng bên trên. Mỗi khi làm đường bụi bay mù mịt, lầy lội vô cùng khó khăn cho việc đi lại, nhưng chỉ sau vài trận mưa con đường đã bong tróc tạo nên vô số ổ gà, ổ voi nên góp phần tạo ra công ăn, việc làm cho việc dặm vá đường, sửa đường liên tục. Thời mở cửa, hội nhập việc làm đường có tiến bộ hơn nhưng khi một con đường mới vừa trải đá, tráng nhựa phẳng phiu: thì hôm nay hết ông điện lực đào lên đặt cáp điện, ngày mai ông quản lý đô thị vỡ ra lắp dây đèn chiếu sáng; bữa nọ đến ông Thủy cục cắt đường đặt ống cấp, thoát nước; ngày kia tới ông tới điện thoại đặt cáp viễn thông... một con đường vừa mới làm xong lại cứ bị đào lên, lắp xuống liên tục bởi không có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ. Đó là cách quản lý, điều hành theo kiểu mạnh ai nấy làm và cách quản lý, điều hành xã hội lại được ví như chuyện đào đường, làm đường?
Nhiều người so sánh ví von với ẩn ý thâm thúy: “nếu muốn biết gia chủ là người thế nào, một doanh nghiệp làm ăn ra sao? Trước hết hãy quan sát cái nhà vệ sinh, cái toillet trong nhà của họ! Nếu gia chủ là người kỷ tính, ngăn nắp và sạch sẽ thì họ không thể nào để nhà vệ sinh hôi hám, bẩn thỉu; một doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, uy tín như ta thường thấy ở nhiều doanh nghiệp Nhật Bản: khi đi vào những nhà vệ sinh của họ nếu có thời gian nằm ngủ trong đó, vẫn ngủ thoải mái. Nhưng ngược lại với hầu hết những nhà vệ sinh của các doanh nghiệp Việt Nam, Trung quốc, Đài Loan chỉ khi nào bí quá mới dám bước vào chứ không thể ở lâu. Tương tự, muốn biết một quốc gia đó có nền kinh tế phát triển như thế nào, có tiến bộ hay không! Ta không cần tìm tòi, chuyên sâu nơi sách vở cho mệt trí mà chỉ cần quan sát nề nếp sinh hoạt và những gì diễn ra trước mắt thì sẽ hiểu rõ chính sách kinh tế-xã hội của đất nước đó tiến bộ hay lạc hậu: các quốc gia phát triển trên vỉa hè thường thông thoáng, không có chuyện buôn bán bát nháo, xả rác mất vệ sinh và vào giờ hành chính, trên đường phố rất ít xe cộ lưu thông. Trong lúc ở các đô thị lớn ở Việt Nam điển hình là Sài Gòn từ khoản 8-10h sáng hoặc 14h00-16h00 chiều, thuộc vào các giờ hành chính nhưng dòng xe cộ vẫn đông đúc qua lại, vẫn còn nhiều người ăn nhậu trong các hàng quán, nhiều lề đường bị lấn chiếm buôn bán, đậu xe không còn lối đi cho khách bộ hành... Những nhà quản lý, điều hành họ cho rằng đây là một thành phố đầy năng động, sáng tạo nhưng thực ra điều đó đã nói lên sự kém cõi trong cách quản lý, cái lạc hậu trong việc phân công lao động một cách hợp lý và khoa học.
Ngày xưa, cha ông ta gắng công đào kênh: “dẫn thủy nhập điền” vỡ đất, khai khẩn đất hoang; vừa khai thông những tuyến giao thông thủy huyết mạch, vận chuyển giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa; nhiều con sông gắn liền với lịch sử trong các cuộc đấu tranh trường chinh giữ nước (vận chuyển những đoàn quân, vận tải lương thực tiếp ứng tiền tiêu). Nhưng các thế hệ ngày nay, chẳng phải do nông cạn kiến thức mà thực ra họ vì những nguồn lợi trước mắt lại ra sức chặn dòng, ngăn sông làm thủy điện; lắp kênh rạch lấy đất làm sân golf, khu công nghiệp, xây dựng nhà cao tầng. Nhiều nơi, nhiều chỗ đắp đập ngăn nước chỉ có nước thoát ra mà không có nguồn nước chảy vào để tưới tiêu, canh tác; mặt khác họ lại không quan tâm, chú trọng đến việc vận tải chiến lược đối với nền an ninh quốc phòng trong tương lai...? Việt Nam từ ngàn xưa vốn là một nước nông nghiệp, có ưu thế với vùng đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long đất đai phì nhiêu,trù phú, vì vậy không thể xem nhẹ nền nông nghiệp nước nhà để chạy theo công nghiệp hóa một cách máy móc khi chưa có một nền tảng phát triển nào vững chắc. Có thể chủ tâm phát triển nông nghiệp làm tiền đề, làm bước đệm để tiến tới nền tảng công nghiệp, hiện đại hóa đất nước? Trong tương lai vấn đề an ninh lương thực càng trở nên cấp thiết, khi đó sẽ là lợi thế to lớn bởi vì cho dù văn minh, phát triển đến mức độ nào con người cũng cần phải có cái ăn, cần no bụng mới có sức để làm việc, để phát minh khoa học như ông cha ta xưa đã dạy: “có thực mới dực được đạo” là như vậy.
Ngày 30/4/75, ngày quân đội miền Bắc xua quân đi xâm chiếm miền Nam và khi họ vào tiếp quản các cơ sở kinh tế của miền Nam hầu như còn nguyên vẹn, một nền kinh tế phát triển hơn hẳn Đài Loan và các quốc gia trong khu vực lúc bấy giờ. Thế nhưng gần bốn mươi năm trôi qua, VN đang quay trở về điểm xuất phát của cái thời trì trệ, quan liêu nói nhiều hơn làm? Một mốc thời gian không quá dài so với lịch sử của một quốc gia, dân tộc nhưng lại quá dài khi so sánh với một đời người hay cả một thế hệ. Thử nhìn sang Nhật Bản một quốc gia bại trận sau thế chiến thứ hai, đất nước bị tàn phá nặng nề! Nhưng xứ sở Mặt trời mọc đã viết nên một câu chuyện thần kỳ khi chỉ mất mười năm để tái thiết đất nước (1945-1955), chỉ mất mười lăm năm (1955-1970) cho một nền công nghiệp hiện đại và trở thành một cường quốc kinh tế thứ hai thế giới vào thập niên 1970-1980. Xã hội Nhật Bản vào đầu thế kỷ XVII vẫn còn là một nhà nước phong kiến với nền nông nghiệp lúa nước lạc hậu! Nhưng vì sao khi bước sang những năm đầu của thế kỷ XX người Nhật đã là một Đế quốc hùng mạnh? Và sau chiến tranh thế giới thứ hai họ chỉ mất ba mươi lăm năm để đạt nên kỳ tích thật đáng ngưỡng mộ? (Nếu bánh xe lịch sử quay ngược được thời gian! Việt Nam không “Bế quan tỏa cảng” mà mở cửa thông thương như Nhật Bản-Thái Lan? Không giết giáo sĩ phương tây để Pháp có cớ xâm lược? Và nếu sau bốn mươi năm, chế độ-chính trị-xã hội Việt Nam không đi mây,về gió kiên định với “chủ nghĩa xã hội” thì đất nước, dân tộc Việt Nam đã không phải hèn kém, khiếp nhược ngoại bang? Xã hội Việt Nam đã không phải đối đầu với vô vàn những hoàn cảnh khuất tất, tai ương, đói nghèo và lạc hậu như hiện nay).
Việt Nam luôn chuyên chú, để tâm chạy theo hướng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Nhật Bản từng thực hiện và đã thành công? Nhưng theo nhận xét của riêng cá nhân tôi giấc mơ công nghiệp hóa của VN theo hướng phát triển của người Nhật sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Vì Vương quốc Nhật Bản đã có nền tảng phát triển kinh tế thị trường để trở thành đế quốc đã hơn trăm năm trước rồi! Cường quốc Nhật Bản biết tự lượng sức trước tài nguyên khoán sản hạn chế, người Nhật nổi tiếng tiết kiệm đối với tài nguyên nghèo nàn, càng ít tài nguyên họ càng phát triển các kỹ năng khác (thương mại, xuất khẩu hàng công nghiệp...) để bù đắp, thay thế cho nguồn tài nguyên thiên nhiên không được dồi dào. Dân tộc Nhật là một dân tộc có ý chí quật cường, tinh thần ái quốc tuyệt vời, tính kỷ luật, lòng tự trọng rất cao đó là câu chuyện thần kỳ và kỳ tích mà Nhật Bản đạt được. Việt Nam muốn ngẩng cao đầu cùng các “cường quốc năm châu” trước hết hãy học hỏi lòng tự trọng của người Nhật: tổ quốc là trên hết. Vì vậy mỗi gia đình cán bộ lãnh đạo từ trung ương xuống đến địa phương phải biết làm gương chỉ nên có một ngôi nhà để ở, một căn nhà thờ họ vừa phải, một mãnh vườn nhỏ khi về hưu! Tất cả tư dinh, biệt thự hãy mạnh dạn trả lại cho quốc gia làm công xưởng, nhà máy hiện đại để canh tân phát triển đất nước. Trả lại đất đai, điền trang cho nông dân sản xuất lương thực, thực phẩm và nên lấy ưu thế về sản xuất phát triển nông nghiệp. Nên tập trung sản xuất theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp có nghĩa là dùng động lực, cơ giới hóa thay cho sức người và sức kéo (bò, trâu) mà người nông dân hiện nay vẫn sử dụng để sản xuất, canh tác...hoán đổi đất đai nhỏ lẻ cho những gia đình nông dân canh tác riêng rẻ, tập trung những vùng đất đai rộng lớn để thực hiện việc cơ giới hóa nông nghiệp như Nhật Bản, Hoa Kỳ mới mong thoát khỏi đói nghèo để bước vào thập niên phát triển công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
(Nhớ ngày Nam, Bắc chia đôi 20/7/2013)