Tiểu thương chợ Long Khánh: 5 năm cho một buổi đối thoại với tỉnh về tranh chấp đất đai - Dân Làm Báo

Tiểu thương chợ Long Khánh: 5 năm cho một buổi đối thoại với tỉnh về tranh chấp đất đai

Hai người đại diện theo ủy quyền của các tiểu thương: Nguyễn Trang Nhung (trái) và Phạm Lê Vương Các

Phóng viên tự do (Danlambao) - Tóm tắt vụ việc: Tranh chấp đất đai ở chợ Long Khánh, thuộc tỉnh Đồng Nai đã kéo dài 5 năm qua, kể từ năm 2008. Hàng trăm hộ tiểu thương ở đây đã sử dụng đất chợ ổn định kể từ năm 1980 khi họ được giao đất từ chính quyền địa phương. Việc giao đất này không được thực hiện theo một quyết định hành chính nào vì vào thời điểm đó chưa có luật đất đai (luật đất đai mãi tới năm 1987 mới được ban hành). Cho đến năm 2007, các hộ tiểu thương đã không đòi hỏi một giấy tờ gì về quyền sử dụng đất từ chính quyền địa phương, một phần do tin tưởng vào chính quyền địa phương, một phần do không nắm được các thủ tục pháp lý cần thực hiện để được công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy vậy, họ có các giấy tờ cho thấy đã và đang sử dụng trực tiếp đất ở chợ Long Khánh như biên lai thuế đất, giấy tờ cam kết xây dựng, giấy tờ sang nhượng đất, v.v. 

Vào năm 2002, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định 2448 công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý chợ Long Khánh (được thành lập năm 1992 theo một quyết định của UBND huyện Long Khánh). Khi ban hành quyết định này, UBND tỉnh cũng như UBND huyện không thông báo cho các hộ tiểu thương được biết. Họ cũng không ra quyết định thu hồi đất từ các hộ tiểu thương trước khi có Quyết định 2448. 

Mãi tới năm 2008, các hộ tiểu thương mới biết được Quyết định 2448 khi UBND tỉnh ra quyết định xây mới và bán đấu giá quyền sử dụng đất ở chợ Long Khánh. Họ đã khiếu nại đến các cấp chính quyền, các sở, ngành về Quyết định 2448 mà theo họ là trái pháp luật và làm ảnh hưởng lớn đến kế mưu sinh của họ. Đòi hỏi được bồi thường đất của họ đã không được chấp nhận. Số tiền bồi thường cho nhà, công trình, tài sản gắn liền với đất cùng tiền hỗ trợ di dời là không đáng kể để tái lập công việc làm ăn. Bên cạnh đó, các đòi hỏi của họ về bố trí tái định cư, bố trí hoán đổi kiến trúc kinh doanh cũng không được đáp ứng.

Trong suốt 5 năm ròng, nhiều hộ tiểu thương vẫn kiên trì con đường đi tìm công lý. Một số hộ khác do bị làm khó dễ, đã chấp nhận số tiền bồi thường ít ỏi từ chính quyền và ngưng đấu tranh. Trong một hai năm đầu khi vụ việc nổi lên, nhiều báo đài, cơ quan, tổ chức đã vào cuộc, nhưng sau đó phải bỏ cuộc vì những nguyên do nào đó... Con đường đi tìm công lý của các hộ tiểu thương càng trở nên khó khăn...

Khoảng 70 hộ tiểu thương kiên trì cho đến hôm nay đã được UBND tỉnh Đồng Nai mời tham gia buổi đối thoại với các vị lãnh đạo của UBND tỉnh và các vị đại diện của các sở, ngành vào ngày 15/7 vừa qua. 29 người trong số họ đã ủy quyền cho chị Nguyễn Trang Nhung và anh Phạm Lê Vương Các để đại diện cho họ đối thoại về các vấn đề pháp lý. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị Nhung và anh Các về buổi đối thoại này.

1. Thưa anh chị, trong buổi đối thoại ngày 15/7 vừa qua, với tư cách là những người đại diện theo ủy quyền của các tiểu thương chợ Long Khánh, anh chị đã trao đổi những gì với các vị lãnh đạo của UBND tỉnh Đồng Nai và các vị đại diện của các sở, ngành?

Chị Nhung: Chúng tôi đã đặt vấn đề về tính pháp lý của Quyết định 2448, năm 2002, của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về việc công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý chợ Long Khánh. Theo chúng tôi, quyết định này là trái pháp luật. Trong các văn bản trả lời khiếu nại, thắc mắc của bà con tiểu thương, để khẳng định Quyết định 2448 là đúng pháp luật, họ đã nêu ra các căn cứ pháp lý một cách chung chung, không rõ ràng. Do đó, chúng tôi muốn làm rõ các căn cứ pháp lý mà họ dựa vào để qua đó có thể làm sáng tỏ vấn đề là liệu Quyết định 2448 có đúng pháp luật hay không.

Anh Các: Vâng, khi đặt vấn đề về tính pháp lý của Quyết định 2448, chúng tôi có nhắc đến tờ trình 212, năm 2002, mà UBND huyện Long Khánh gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc đề nghị giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý chợ Long Khánh, trong đó nói rằng vào năm 1992, UBND huyện Long Khánh đã có quyết định thành lập Ban Quản lý chợ Long Khánh đồng thời trong cùng năm này đã giao đất cho Ban Quản lý chợ Long Khánh. Chúng tôi đã đề nghị họ cho biết dựa vào căn cứ nào mà UBND huyện Long Khánh giao đất cho Ban Quản lý chợ vào năm 1992.

2. Trước những điều mà anh chị nêu ra, các vị lãnh đạo và các vị đại diện đã phản hồi như thế nào?

Chị Nhung: Nói chung, các phản hồi của họ cho những vấn đề mà chúng tôi nêu ra là không thỏa đáng.

Đầu tiên phải nói đến cách thức đối thoại. Khi tôi đề nghị cách thức đối thoại là mỗi câu hỏi của chúng tôi sẽ có một câu trả lời tương ứng của họ thì họ không đồng ý. Họ muốn chúng tôi hỏi một lượt rồi họ trả lời một lượt. Tôi không cho rằng cách thức của họ hiệu quả hơn vì nó không làm sáng tỏ vấn đề. Tuy cách thức mà tôi đề nghị không được họ đồng ý, nhưng phần nào họ đã giải đáp một số câu hỏi mà tôi đặt ra, còn một số câu hỏi khác thì họ không trả lời hoặc trả lời chung chung rằng họ đã giải đáp cho bà con tiểu thương trong các văn bản trả lời trước đây. 

Đi vào nội dung đối thoại, tôi đã đưa ra khá nhiều câu hỏi, chẳng hạn, khái niệm “đất công” mà họ dùng trong các văn bản trả lời bà con tiểu thương có nghĩa là gì? (Trên thực tế thì không có khái niệm “đất công” trong các văn bản quy phạm pháp luật nên việc sử dụng khái niệm này là theo quan điểm riêng của họ.) Hay liệu đất sử dụng vào mục đích công cộng thì không thể giao cho các hộ tiểu thương? Hay đâu là căn cứ pháp lý mà họ dựa vào để ra quyết định giao đất cho Ban Quản lý chợ Long Khánh vào năm 2002? Đối với câu hỏi về căn cứ pháp lý này, họ đã không chỉ ra ngay được các căn cứ cụ thể mà phải mất một hồi mới đưa ra các căn cứ, và dù vậy, các căn cứ mà họ đưa ra không là đủ để có thể khẳng định rằng Quyết định 2448 là đúng pháp luật. 

Anh Các: Tôi xin bổ sung là họ đã đề nghị chị Nhung và tôi nếu muốn làm rõ vấn đề pháp lý liên quan đến Quyết định 2448 thì có thể gặp họ một buổi riêng hoặc chủ động trao đổi với Sở Tài nguyên & Môi trường của tỉnh. Chúng tôi không đồng ý vì chúng tôi muốn có sự tham gia của bà con tiểu thương trong những buổi gặp gỡ như vậy. Bà con tiểu thương cũng nhất quyết rằng họ muốn tham gia cùng chúng tôi.

3. Anh chị nhận xét gì về buổi đối thoại này và về thái độ của các vị lãnh đạo và các vị đại diện?

Chị Nhung: Buổi đối thoại này đã đi đến một kết quả, đó là sự thống nhất giữa hai bên – bà con tiểu thương và UBND tỉnh – rằng UBND tỉnh sẽ rà soát lại các vấn đề có liên quan tới việc công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý chợ Long Khánh vào năm 2002, đồng thời, bà con tiểu thương sẽ xem xét lại các cơ sở cho các yêu cầu của mình. Ngoài ra, do buổi đối thoại này chưa giải quyết xong các vấn đề cần trao đổi nên cả hai bên cùng nhất trí rằng sẽ tiếp tục đối thoại. 

Như vậy, có thể nói rằng đã có một bước tiến, dù rất nhỏ, trong việc giải quyết tranh chấp đất đai ở chợ Long Khánh. Dù không thể chắc chắn điều gì nhưng bà con tiểu thương đã có thêm hi vọng vào một cách giải quyết tranh chấp có thể đảm bảo được quyền lợi của họ một cách tốt hơn so với trước khi có buổi đối thoại này.

Về thái độ của các vị lãnh đạo của và các vị đại diện, tôi thấy rằng họ không thật sự có thiện chí làm sáng tỏ các vấn đề xoay quanh vụ việc, đặc biệt là đối với Quyết định 2448. Điều này tất nhiên có thể hiểu được. Như đã nói, họ đã khước từ trả lời một số câu hỏi mà chúng tôi nêu ra. Dù vậy, tôi hi vọng rằng trong những buổi đối thoại kế tiếp, họ sẽ cải thiện thái độ. 

Anh Các: Có thể nói không khí căng thẳng ngay từ trước buổi đối thoại. Khi chúng tôi xuất trình giấy ủy quyền để đại diện cho bà con trong thì người điều phối ngăn chúng tôi vào hội trường và nói họ phải xin ý kiến của lãnh đạo. Điều này là không hợp lý vì một khi chúng tôi là đại diện theo ủy quyền của bà con (với giấy ủy quyền đàng hoàng) thì đương nhiên được tham gia buổi đối thoại mà không cần lãnh đạo nào “cho phép”. Với sự dứt khoát của chúng tôi và bà con tiểu thương, họ không thể tiếp tục ngăn chúng tôi vào bên trong. Cuối cùng, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chấp thuận để chúng tôi tham gia buổi đối thoại với tư cách là những người đại diện cho bà con tiểu thương. Trong buổi đối thoại, không khí cũng khá căng thẳng nhưng nhìn chung hai bên biết tôn trọng lẫn nhau. Còn về ý kiến của cá nhân tôi về các vị lãnh đạo và các vị đại diện, tôi đánh giá cao người Chủ trì của buổi đối thoại là ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Có lẽ ông ấy phục vụ bên mảng an sinh xã hội nên dễ tìm thấy sự đồng cảm với bà con.

4. Thưa anh chị, nếu những yêu cầu của bà con tiểu thương không được chính quyền địa phương đáp ứng thỏa đáng thì anh chị sẽ tư vấn gì cho bà con tiểu thương?

Chị Nhung: Tôi sẽ tiếp tục xem xét vấn đề pháp lý xoay quanh Quyết định 2448 để chứng minh đây là quyết định trái pháp luật. Tôi sẽ tư vấn cho bà con tiểu thương một cách chi tiết về vấn đề này (do đây là vấn đề mấu chốt) trước khi tư vấn các vấn đề tiếp theo như bồi thường đất, bồi thường công trình trên đất, bố trí tái định cư, v.v. Hiện tại, tôi chưa thể nói cụ thể. Từng bước hỗ trợ pháp lý kế tiếp sẽ tùy thuộc vào diễn biến của vụ việc trong thời gian tới.

Anh Các: Những vấn đề tranh chấp đất đai không thể được giải quyết trong ngày một ngày hai, mà gắn liền suốt cả quá trình gian khổ lâu dài. Luật đất đai hiện nay đã tạo nên một một tâm lý bất an cho người dân. Cho nên vấn đề ở đây trước hết là niềm tin vào công lý và sau đó hành động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật để tạo ra những sức ép cần thiết, buộc phải chia sẻ hài hòa các lợi ích từ đất đai giữa người dân, chính quyền và nhà đầu tư.

Phóng viên tự do
danlambaovn.blogspot.com

_____________________________________

Đọc thêm:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo