Công văn “cấm” quay phim CSGT lộ nhiều sai trái - Dân Làm Báo

Công văn “cấm” quay phim CSGT lộ nhiều sai trái

"Cán bộ chiến sĩ công an nhân dân, CSGT không được quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp ảnh là được phép hay không được phép, cũng không có quyền truy xét giấy tờ để xác định là nhà báo hay giả danh nhà báo" - (Cục KTVB)

Tiến Dũng (Kienthuc.net.vn) - Theo Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, công văn "quay phim CSGT phải xin phép" của Cục CSGT đường bộ - đường sắt "có dấu hiệu sai trái cần phải được xử lý”.

Ngày 21/8, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp (Cục KTVB) đã có văn bản báo cáo nhanh tới Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường về nội dung “Công văn 1042/PC67-P3 của Cục CSGT đường bộ-đường sắt”. 

Công văn 1042/PC67-P3 của Cục CSGT đường bộ - đường sắt có dấu hiệu sai trái cần phải được xử lý. 

Báo báo nhanh của Cục KTVB có nêu: “Ngay sau khi nhận được thông tin, dư luận phản ánh về nội dung văn bản "quay phim cảnh sát giao thông phải xin phép", gây tranh cãi, Cục đã chủ động tìm văn bản và tổ chức xem xét, thảo luận theo thẩm quyền.

Căn cứ vào nội dung của công văn trên, thì có thể phân tích và chia làm 2 nhóm hành vi chính là nhóm "có lời nói đe dọa, lăng mạ, hành vi chống đối cảnh sát giao thông" và nhóm "quay phim chụp ảnh cảnh sát giao thông khi chưa được phép đồng ý". Văn bản thể hiện sự thiếu thận trọng, khi kết nối các nhóm hành vi có bản chất, mức độ khác nhau.

Việc kết nối hai nhóm nội dung này khiến người đọc có thể hiểu là bất kỳ người nào quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát đều phải "được sự đồng ý" của cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ; CSGT có quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ để xác minh là được phép hay chưa và xác định là nhà báo hay giả danh nhà báo. Điều này đã không phù hợp quy định hiện hành về quyền của nhà báo (hoặc người dân). 

Qua rà soát, Cục KTVB chưa tìm thấy quy định cấm công dân quay phim chụp ảnh cán bộ, công chức và chiến sĩ công an đang thi hành nhiệm vụ (nếu không thuộc các trường hợp cấm, hạn chế). Mặt khác, quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ không phải là ghi hình ảnh riêng tư của một hay vài cá nhân cụ thể mà là ghi hình ảnh thi hành công vụ của cơ quan, cá nhân đại diện cho nhà nước tại nơi công cộng (công khai) là bình thường, không cần phải cảnh sát giao thông cho phép.

"Như vậy cán bộ chiến sĩ công an nhân dân, CSGT không được quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp ảnh là được phép hay không được phép, cũng không có quyền truy xét giấy tờ để xác định là nhà báo hay giả danh nhà báo", báo cáo của Cục KTVB khẳng định.

Nếu thực thi công vụ đàng hoàng thì CSGT ngại gì quay phim, chụp ảnh. (Ảnh: Thanh Niên) 

Trong báo cáo của Cục KTVB có phân tích, Luật Báo chí quy định một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí là "phát hiện, biểu dương gương người tốt, việc tốt, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật". Nhà báo có quyền khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật, khi tác nghiệp đúng luật thì không ai có quyền ngăn cản, truy xét.

Đối với các công dân khác (không phải nhà báo), quay phim, chụp ảnh, trong các trường hợp đã nêu không phải là hành vi sai trái. Việc xác định một công dân quay phim, chụp ảnh là nhà báo hay giả danh nhà báo tại nội dung công văn số 1042 là điều không phù hợp với chức năng, thẩm quyền của cán bộ, chiến sĩ, cảnh sát giao thông khi tuần tra kiểm soát. Công văn này không thuộc thẩm quyền quy định của một lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông.

Từ những phân tích trên, ông Lê Hồng Sơn, Cục KTVB kết luận: Công văn của Cục CSGT có nhiều nội dung có dấu hiệu sai trái cần phải được xử lý. Cục KTVB đã đề nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp cho tổ chức họp với đại diện Cục CSGT và một số cơ quan liên quan để trao đổi thêm về nội dung có dấu hiệu sai trái trên. Trên cơ sở kết quả trao đổi, thảo luận tại cuộc họp, Cục KTVB sẽ đề xuất hướng xử lý tiếp. 





Bức xúc là phải

Nguyễn Tiến Tài (TT) - Mới tinh mơ sáng, tôi đã nhận được thư điện tử của một đồng nghiệp luật sư với nội dung đề cập một đoạn trong công văn số 1042/C67-P3 của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt mà mấy hôm nay khiến dư luận xôn xao. Cuối thư, người bạn hạ bút “Một văn bản thật tùy tiện hết biết!”.

Trong khi đó, trả lời trên Tuổi Trẻ (ra ngày 21-8), đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Bộ Công an, lại khẳng định “dư luận hiểu sai văn bản”

Tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần đoạn được bạn tôi đề cập trong công văn số 1042/C67-P3: 

“Kiên quyết đấu tranh làm rõ những đối tượng... quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”. 

Quả thật lời văn trên chỉ có một cách hiểu, không thể khác hơn, đại ý: người nào muốn quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra của cảnh sát giao thông, trong đó có nhà báo, thì đều phải được sự đồng ý của cảnh sát giao thông, nếu không sẽ bị xử lý! 

Cho nên, bạn tôi và dư luận bức xúc là phải. Điều 69 Hiến pháp 1992 quy định: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin...”. Còn điều 2, Luật báo chí khẳng định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động...”. 

Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, ấy là những quyền cơ bản, thiêng liêng của công dân được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Thế mà nay công văn nói trên lại yêu cầu kể cả nhà báo muốn thực hiện quyền của mình cũng phải “xin” và “cho”! 

Xét về thẩm quyền ban hành, công văn nói trên cũng có vấn đề cần bàn. Cho dù đây là một văn bản nội bộ nhưng nội dung lại chứa đựng quy phạm pháp luật. Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội. “Xin”, “cho” trong công văn nói trên chính là một hình thức quy phạm pháp luật. Một văn bản quy phạm pháp luật kiểu như vậy, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn toàn không thuộc thẩm quyền ban hành của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt. 

Những “quy phạm” như trên sẽ rất dễ gây cho dư luận băn khoăn: phải chăng có lãnh đạo của ngành công an không muốn ai giám sát, hỗ trợ để chống tiêu cực, chống mãi lộ? Hủy bỏ ngay lập tức công văn số 1042/C67-P3! Thiết nghĩ đó là câu trả lời tốt nhất để đánh tan ngờ vực và hơn thế nữa đó là sự tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo