VRNs (26.11.2013) – Sài Gòn – “Cho đến tận bây giờ, họ vẫn chưa tống đạt bất kỳ quyết định thi hành án và bản án phúc thẩm cho bố tôi. Đây là điều vi phạm cơ bản nhất của pháp luật vì khi tống giam một con người thì theo quy định của pháp luật trong vòng 3 ngày sau khi phiên tòa phúc thẩm phải tống đạt quyết định thi hành án và bản án cho người tù. Khi tôi hỏi bố tôi là tại sao họ lại làm như vậy thì ông nêu ra giả định của ông rằng, có thể họ không muốn ông có cơ sở để làm đơn kháng cáo lên Giám đốc thẩm.” Anh Nguyễn Trí Dũng, con trai Blogger Nguyễn Văn Hải (Blogger Điếu Cày) cho VRNs biết trong chuyến thăm gặp giữa anh Dũng và ông Hải, tại trại giam số 6 – Nghệ An, vào ngày 23.12.2013 vừa qua.
“Bố tôi nói rằng, về việc Giám đốc thẩm của bố tôi không cần đi vào chi tiết phiên tòa chỉ cần mọi người nhìn vào hai sự kiện quan trọng. Thứ nhất, bố tôi bị bắt vào tháng 4.2008 và trong thời gian này chưa hề có luật nào quy định về quản lý internet như Nghị định 72 (01.09.2013), Nghị định 97 (28.08.2008). Luật này ra đời sau khi bố tôi bị bắt. Về nguyên tắc thì luật bất hồi tố nên bố tôi không thể bị áp đặt xét xử bỏi những điều luật ra sau được. Thứ hai, tòa án xác nhận bố tôi có 7 blog Điếu Cày khác nhau nhưng không thể xác định rằng cái nào của bố tôi. Khi bố tôi yêu cầu, làm cách nào mà tòa án xác định được bài viết nào và blog nào là thuộc về bố tôi thì họ không thể trả lời được. Như vậy, bất kỳ ai làm giả tài liệu và để tên người khác vào cuối bài viết cũng quy tội được cho người khác. Đó là những ý kiến bố tôi sẽ được nêu ra trong phiên tòa Giám đốc thẩm.” Anh Dũng cho biết thêm.
Về sức khỏe ông Hải trong trại giam, anh Dũng cho hay: “Bố tôi bị đau cột sống vì bị thoát vị đĩa đệm, và đau răng do răng bị nứt nhưng trạm y tế trong trại chưa giải quyết những yêu cầu chữa trị đó của ông.”
Trong trại giam ông Hải tiếp tục làm đơn khiếu nại. Anh Dũng kể:
“Bố tôi tiếp tục khiếu nại Đài truyền hình VN đã dàn dựng những hình ảnh sau khi bố tôi ngưng tuyệt thực để bóp méo sự thật trong tù. Bố tôi tiếp tục kiện lên cấp cao hơn về việc trong trại giam sử dụng một thông tư 37, được lưu hành nội bộ để áp đặt hình thức giam giữ lên tù nhân lương tâm chính trị. Cụ thể là tù nhân lương tâm chính trị sẽ bị biệt giam nếu không nhận tội, cấm thăm gặp gia đình, cấm gọi điện thoại. Đây là điều [nhà cầm quyền] đã cho quản giáo những quyền hạn vi hiến và vi phạm dến quy định của pháp luật. Đó là một hình thức tra tấn có bảo kê của thông tư và nghị định.
Ông làm đơn khiếu nại về việc cán bộ không cho ông nhận báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và sách pháp luật mà gia đình tôi gửi vào. Ông diễn giải đó là hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn vì văn hóa phẩm đã được quy định rõ trong luật thi hành án hình sự những gì được gửi và những gì không được gửi. Những văn hóa phẩm nào không được gửi sẽ được quản giáo lập biên bản tịch thu đồ vật cấm và sau đó mang đi thiêu hủy. Nhưng ở trại giam này, không hề một lời giải thích vì sao tất cả các sách báo đó đều bị tước đoạt. Bố tôi nói, pháp luật đã quy định rõ phổ biến pháp luật cho những người đang ở trong tù để họ có cơ hội tiếp cận với pháp luật, nhưng ở trại giam thì ngược lại họ gữi cho người tù phải tránh xa các tài liệu liên quan đến pháp luật.
Bố tôi đã làm các đơn khiếu kiện sau đây: Thứ nhất, đơn khiếu nại về điều kiện giam giữ tù nhân (tất cả các tù nhân chính trị cùng ký) và đã phải trả giá bằng 35 ngày tuyệt thực của bố tôi để được VKS Nghệ An trả lời. Thứ hai, đơn khiếu nại đến VKSND tối cao vì VKSND Nghệ An đã bao che và không trả lời vào bất cứ vấn đề nào trong đơn bố tôi đã gửi. Thứ ba, đơn khiếu nại Đài truyền hình VN đã bóp méo sự thật về việc bố tôi tuyệt thực. Thứ tư, đơn khiếu nại VKSND tối cao về việc trại giam tước đoạt sách báo, ngăn cấm tiếp cận tư liệu pháp luật và tước quyền được học tập pháp luật của người tù.
Cho đến bây giờ, chỉ có một lần VKSND Nghệ An trả lời chiếu lệ về sự việc bố tôi tuyệt thực. Tất cả những đơn từ khiếu nại gửi đến VKSND tối cao, Đại biểu Quốc hội đều chưa được trả lời. Tất cả các đơn đã quá hạn định của pháp luật là 15 ngày cho lần khiếu nại đầu tiên và 30 ngày cho khiếu nại lần thứ 2.”
Anh Dũng nhớ lại: “Tháng trước, tôi đã gửi Luật báo chí và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho bố tôi nhưng giám thị một mực cấm không cho gửi và họ lấy lý do là bản in trên mạng xuống nên không cho gửi. Tháng ngày, tôi đã mua hai sách Luật trên [mua ở ngoài tiệm sách] và có nhà xuất bản nhưng họ cũng không cho gửi vào, với lý do rất nông cạn là sẽ trả lời miệng khi ông Hải yêu cầu [cán bộ] sẽ giải thích luật [cho ông Hải] nên không cần gửi.
Tôi cự lại họ, luật không cấm tôi gửi sách và báo chí vào. Nếu cấm tôi thì luật nào quy định? Lúc này thì họ bỏ đi hết vì không trả lời được. Đó là tác phong làm việc vô lối và vi phạm pháp luật [của các cán bộ trại giam].”
Cuộc nói chuyện giữa ông Hải và anh Dũng bị giám sát chặt chẽ hơn so với những lần trước. Anh Dũng nói: “Trong buổi thăm gặp lần này, bố tôi và tôi nói chuyện qua vách ngăn có đục lỗ. Họ tăng cường công an canh gác nhiều hơn so với mọi lần. Mọi lần có 5 cán bộ và 4 người tham mưu ngồi bên ngoài. Còn lần này có 7 cán bộ canh gác cuộc nói chuyện và 4 người tham mưu ngồi bên ngoài. Cuộc thăm gặp diễn ra 1 tiếng đồng hồ. Điều này là một sự khác biệt lớn mà trước nay chưa hề có.”
“Bố tôi đã bị chuyển sang phân trại K2. Ở mỗi trại, cứ vài tháng đều chuyển bố tôi đi một khu cho đến khi không còn khu nào để chuyển thì sẽ chuyển sang trại khác. 6 năm nay tính ra trung bình 6,5 tháng sẽ chuyển sang trại khác. Ở phân trại K2, giám thị ra tận nơi xác minh danh tính từng người và ghi lại biển số xe của gia đình, là một giáo dân đã giúp đỡ tôi và mẹ tôi mỗi lần đi lên trại giam ở Vinh. Vì trại giam số 6 cách Tp. Vinh khoảng 100 Km và phải đi xe máy mất khoảng 2 tiếng rưỡi mới đến.” Anh Dũng nói tiếp.