Trần Thị Hải Ý (Danlambao) - “Hai tay cầm khẩu súng này, / Ngắm đi, ngắm lại: bắn ai từ rày? / Bắn vào Tàu khựa, tay sai: / Lũ cướp nước, lũ đọa đày dân ta; / Lũ không yêu trẻ kính già, / Lũ cướp đất, lũ đốt nhà xôn xao; / Lũ đòi sưu nặng thuế cao, / Lũ đi chém giết đồng bào Việt Nam! / Bắn được chúng, chết cũng cam, / Vì mình dù chết, nước Nam vẫn còn!”
*
Báo lề đảng đưa tin, nguyên văn: [“Từ 01/02/2014, sau khi áp dụng các biện pháp để khống chế người chống đối không có kết quả, cán bộ thi hành công vụ có quyền nổ súng để phòng vệ, bắt giữ”].
Nghị định này làm Hải Ý em nhớ lại:
Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến lực lượng công an. Người bảo công an nhân dân là một lực lượng bảo vệ của chính quyền chuyên chính dân chủ nhân dân, có nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân, trấn áp bọn tay sai chống lại chính quyền. Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Công an là bạn dân thì những việc việc oanh liệt của quân và dân ở các địa phương, công an cần phải biết rõ”. “Công an phải bảo vệ dân chủ của nhân dân và thực hiện quyền chuyên chính với những kẻ chống lại dân chủ của nhân dân”.
Cán bộ Lớp Trung cấp Công an rất phấn khởi, vinh dự được Bác Hồ đến thăm và chụp ảnh kỷ niệm (1950). Ảnh: Tư liệu.
Hồ Chí Minh nêu ra những nhiệm vụ chính mà lực lượng công an cần phải thực hiện cho bằng được: xây dựng bộ máy công an phục vụ dân, tổ chức giáo dục nhân dân trong công việc phòng gian trừ gian, để nhân dân thiết thực giúp đỡ công an; Cách tổ chức công an phải giản đơn thiết thực, tránh tệ hình thức giấy má; Lề lối làm việc phải dân chủ, cấp trên kiểm tra cấp dưới, cấp dưới phê bình cấp trên, cùng giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, sáng kiến, để cùng nhau tiến bộ. Tự phê bình và phê bình trên tinh thần thân ái và lập trường cách mạng; khuyến khích nhân dân phê bình công an, để nhân dân hiểu công an, yêu công an và giúp đỡ công an. Người nhắc nhở: “Công việc làm của công an âm thầm nhưng rất quan trọng, vì vậy công an phải tránh các khuyết điểm như sợ khó, sợ khổ, không bền gan, không quyết chí, kém cảnh giác, hữu khuynh”.
Trong bài nói chuyện tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 14, vào tháng 1/1960, Hồ Chí Minh nêu rõ: Nhiệm vụ của ngành công an là: “Tăng cường cuộc đấu tranh chống phản cách mạng dưới mọi hình thức; Giữ gìn thật tốt trật tự, an ninh. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, cán bộ và chiến sĩ công an cần phải: Luôn luôn nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa; đoàn kết chặt chẽ nội bộ, đoàn kết chặt chẽ giữa công an và nhân dân vũ trang; đoàn kết chặt chẽ giữa công an và nhân dân, và dựa vào lực lượng to lớn của nhân dân; Phát huy dân chủ nội bộ; kiện toàn tổ chức thành một lực lượng thật vững mạnh của nền chuyên chính vô sản”. Hồ Chí Minh nêu rõ tư cách và nhiệm vụ của người công an: “Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
Ngày 29/4/1963, trong bài nói tại Hội nghị cán bộ ngành công an, Hồ Chí Minh nói: “Công an cách mạng là một vũ khí sắc bén của chuyên chính vô sản. Cho nên nhiệm vụ công an là cực kỳ quan trọng, phải giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ cho nhân dân ta an cư lạc nghiệp. Làm mọi việc phải đi sâu, đi sát, phải tránh chủ quan, phải có kế hoạch chu đáo, phải có quyết tâm bền bỉ. Các cấp ủy Đảng phải thật sự giúp đỡ và lãnh đạo chặt chẽ công an. Ngành công an có nhiệm vụ xây dựng một bộ máy công an nhân dân vì dân phục vụ, là bạn dân, giúp đỡ nhân dân, tổ chức giáo dục nhân dân trong công tác phòng gian, trừ gian. Công an “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được. Nhân dân có hàng triệu tai mắt. Nếu công an biết dựa vào nhân dân thì nhân dân sẽ là người giúp việc rất đắc lực cho công an”. Hồ Chí Minh căn dặn các cán bộ công an phải có lập trường rõ ràng vững chắc, tư tưởng xã hội chủ nghĩa, tức là “mỗi người hãy nghĩ đến lợi ích chung, lợi ích toàn dân trước, phải chống chủ nghĩa cá nhân”. Mỗi cán bộ công an đều có trách nhiệm xây dựng bộ máy công an, phải cố gắng gương mẫu trong học tập, trong công tác, gương mẫu về đạo đức cách mạng. Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của công an rất lớn, rất gian khổ nhưng rất vẻ vang. Hồ Chí Minh tặng lực lượng công an bài thơ:
“Đoàn kết, cảnh giác
Liêm, chính, kiệm, cần.
Hoàn thành nhiệm vụ,
Khắc phục khó khăn,
Dũng cảm trước địch,
Vì nước quên thân,
Trung thành với đảng,
Tận tụy với dân”]
Ba Minh (st)
*
[Thực sự lúc sinh thời, Bác Hồ không nói và viết nhiều về lực lượng Công an nhân dân. Thế nhưng, trong không nhiều những câu chữ Bác dành riêng cho chúng ta lại ẩn chứa rất nhiều những suy tư và tâm huyết về một lực lượng phải gánh vác những “công việc âm thầm nhưng rất quan trọng” (chữ Bác đã dùng trong bài nói chuyện tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1/1956).
Đặc biệt 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong suốt mấy chục năm qua đã luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng Công an nhân dân, giúp lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong mọi thời kỳ cách mạng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Các thế hệ cán bộ chiến sĩ CAND đã luôn luôn tâm niệm rằng, học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy đồng nghĩa với sự thực hiện nhiệm vụ và lý tưởng của mình.
Cần phải thấy rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh ngay từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” của cách mạng mùa thu năm 1945 đã luôn nhấn mạnh tới tính công bộc của bộ máy nhà nước đối với nhân dân. Là người từng trải, anh minh và mẫn tiệp, đã không chỉ một lần phải “biết mùi hun khói”, Bác Hồ hiểu rất rõ những cảm giác mà các bộ máy chính quyền trong một xã hội có tình trạng người bóc lột người gây nên trong tâm trí dân chúng nên ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, Bác đã rất dày công để tuyên truyền, giáo dục, cổ xúy một hình mẫu chính quyền mới, chính quyền nhân dân. Tháng 10/1945, với bút danh Chiến Thắng, Bác viết: “Non hai tháng trước đây, trước cuộc khởi nghĩa 19-8-1945, nói tới hai chữ Chính phủ người ta nghĩ ngay tới một bọn đầu đảng cướp nguy hiểm, xảo quyệt. Trái lại, ai ai đối với Chính phủ nhân dân hiện nay cũng đều có một cảm tình thân mật xen lẫn với một niềm tôn kính sâu xa: Chính phủ đối với ta như người “anh cả” trong gia đình, một đồng chí phụ trách một địa phương, người đứng mũi chịu sào ta có thể vững lòng trông cậy và gửi số mệnh vào. Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy... Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân phải tránh”.
Cũng với cách hình dung như thế, Bác Hồ muốn lực lượng CAND phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của những công bộc của dân trong một lĩnh vực hoạt động hết sức đặc thù liên quan tới sự an nguy của cả xã hội, cả chế độ. Đọc xong số nội san Bạn dân của Công an khu XII năm 1948, Bác đã nhắc nhở đồng chí Hoàng Mai (lúc đó là Giám đốc Công an khu VII) rằng: “Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”. Theo Bác, công an ta luôn luôn phải “lấy lòng” dân (hiểu theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ này) để được dân giúp đỡ và có được dân giúp đỡ thì công an ta mới có thể làm việc có hiệu quả. Cách lập luận của Bác rất giản dị nhưng đầy thuyết phục: “Bác lấy một ví dụ: Công an ta có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại...” (trích bài nói tại Trường Công an trung cấp khóa 2, năm 1951). Nhìn lại thực tế hôm nay, càng thấy những lời Bác dạy thực là chí lý! Nếu không được lòng dân và không được nhân dân thực sự giúp đỡ, tin tưởng, coi như con em của mình thì bao nhiêu cố gắng nắm bắt địa bàn cũng dễ trở thành công cốc. Việc nước rất nhiều (lại vẫn câu chữ của Bác), việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội cũng rất nhiều, chỉ mình lực lượng Công an đảm trách thôi thì không đủ. Phải làm sao để các tầng lớp nhân dân cũng sát cánh cùng lực lượng CAND, chung lưng đấu cật trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và trật tự an toàn xã hội. Công an phải luôn gần gụi với người dân, phải học cách ứng xử với nhân dân sao cho lễ phép, chân thành. Còn nhớ, trong bài nói chuyện với hội nghị tổng kết công tác cảnh vệ tháng 2/1962, Bác đã nhắc nhở: “Bác nói một điểm nữa là thái độ đối với nhân dân. Cũng vì mục đích bảo vệ Bác nên các chú không muốn để đồng bào đến gần, cho nên đã xô đẩy đồng bào. Thái độ thế là không tốt. Đồng bào và các cháu nhi đồng muốn đến gần Bác. Nhưng các chú thì lại không muốn. Nó có mâu thuẫn, nhưng phải làm thế nào? Mình là dân chủ. Bác cũng như các chú, đều nói là phục vụ nhân dân. Cho nên phải khéo tổ chức, nếu không khéo tổ chức thì xô đẩy cũng không được; cho nên, phải làm thế nào để vừa bảo vệ được Bác, vừa không xô đẩy đồng bào”. Người Cha già của dân tộc vừa thông tuệ cổ kim vừa nắm rất rõ và tinh tế cả những chi tiết dù nhỏ nhặt nhất của đời thường.
Cán bộ Lớp Trung cấp Công an rất phấn khởi, vinh dự được Bác Hồ đến thăm và chụp ảnh kỷ niệm (1950). Ảnh: Tư liệu.
Có đức mới vực được nghề
Làm nghề nào muốn tốt thì cũng phải tinh thông mọi ngón chuyên môn. Làm người công an nhân dân nếu muốn hoàn thành thực tốt chức phận của mình thì không chỉ giỏi nghiệp vụ mà còn phải là thấm nhuần những tiêu chí đạo đức cách mạng. Đây cũng là một trong những điều mà Bác Hồ từng nhấn mạnh khi viết hoặc nói với lực lượng CAND. Bác phân biệt rất rạch ròi sự khác biệt giữa bộ máy công an của chính quyền cách mạng với cái gọi là ngành công an trong những xã hội còn áp bức, bất công. Bác nói (cũng tại Trường Công an trung cấp khóa 2): “Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân. Chắc các cô chú cũng nhớ chúng nó là bọn đầu trâu mặt ngựa. CAND phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành, chính sách phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. CAND phải thực sự phục vụ nhân dân...”. Mà muốn thực sự phục vụ nhân dân thì không thể không là những người có đạo đức cách mạng thực sự. Chính vì thế nên Bác Hồ đã đặt lên trên hết mọi sự yếu tố đạo đức trong hoạt động nghiệp vụ của người công an cách mạng. Cũng trong bức thư gửi đồng chí Hoàng Mai đã nhắc ở trên, Bác nhấn mạnh: “Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức”. Theo Bác, tư cách người công an cách mạng là phải đáp ứng được đủ những yêu cầu sau:
“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tuỵ.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
Và Bác dạy, muốn giữ gìn, bồi đắp đạo đức cho mình, những người chiến sĩ CAND hơn ai hết cần phải biết “phê bình nhau”. Ngay trong những ngày đầu của chính quyền dân chủ cộng hòa, Bác cũng đã hiểu quá rõ là những người công bộc mang sắc phục công an nếu không tự xác định được đúng đắn vai trò và nhiệm vụ của mình thì rất dễ mắc phải sai lầm. Tôn vinh sự tử tế nhưng Bác cũng rất nghiêm khắc với những thói hư tật xấu và Bác đã thẳng thắn phê bình: “Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân, nhưng hiện nay các cô các chú đã làm tròn nhiệm vụ ấy chưa? Chưa. Tuy đã có nhiều người tận tâm, cố gắng nhưng lẻ tẻ vài nơi nhân dân còn chê trách đấy!”. Bác nói: “Trong nội bộ, công an cũng phải phê bình nhau. Đối với người không sửa được thì phải tẩy trừ ra khỏi ngành kẻo để lại thì con sâu làm rầu nồi canh. Phải làm thế nào cho được lòng dân, phải thực sự giúp đỡ dân trong công việc chứ không phải là lối ngoại giao qua loa. Có như thế thì người dân mới tích cực trở lại giúp đỡ công an”.
Kẻ thù dai dẳng - chủ nghĩa cá nhân
Trong bài nói tại Trường công an nhân dân ngày 28/1/1958, Bác Hồ đã gióng lên hồi chuông báo động rằng, người chiến sĩ công an phải thực sự chú trọng tới việc chống chủ nghĩa cá nhân, tức là chống thói so bì đãi ngộ, muốn nghỉ ngơi hưởng thụ, an nhàn... Bác cũng nhắc nhở trong bài nói chuyện tại lớp chỉnh huấn khóa II của Bộ Công an (ngày 16/5/1959): “Chủ nghĩa cá nhân không phải chống lại một lần là hết được. Trong lớp này, các cô các chú kiểm thảo thành khẩn là điều tốt, tiến bộ. Nhưng không phải kiểm thảo xong là gột rửa hết chủ nghĩa cá nhân. Ví như rửa mặt thì phải rửa hàng ngày. Vì vậy, kiểm thảo ở đây không phải là xong, là đủ mà còn phải tiếp tục luôn luôn phê bình, tự phê bình, kiểm thảo trong mọi việc”.
Nhìn vào hôm nay, càng thấy những lời Bác dạy năm xưa vẫn có tính thời sự nóng bỏng. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân thực sự vẫn đang còn tiếp diễn. Người chiến sĩ công an không theo thuyết khổ hạnh nhưng ham muốn có một nếp sống không thích ứng với thực trạng đất nước luôn dễ là “ma đưa lối quỷ dẫn đường” đối với những công bộc có vai trò rất quan trọng trong bộ máy chính quyền hành pháp như lực lượng CAND. Điều này hiển nhiên hơn ai hết tất cả những chiến sĩ Công an như chúng ta đều nhớ.
Chính Nhân
*
Để kết bài sưu tầm này, đương nhiên Hải Ý em nhớ thật kỹ lại và cũng đương nhiên không thể không noi gương ‘vận dụng sáng tạo’ và ‘ứng tấu ứng tác’ bài vè dưới đây:
Hai tay cầm khẩu súng này,
Ngắm đi, ngắm lại: bắn ai từ rày?
Bắn vào Tàu khựa, tay sai:
Lũ cướp nước, lũ đọa đày dân ta;
Lũ không yêu trẻ kính già,
Lũ cướp đất, lũ đốt nhà xôn xao;
Lũ đòi sưu nặng thuế cao,
Lũ đi chém giết đồng bào Việt Nam!
Bắn được chúng, chết cũng cam,
Vì mình dù chết, nước Nam vẫn còn!
Hay vì chút lợi cỏn con,
Hay vì chút lợi cỏn con,
Cái bằng cửu phẩm, cái lon đội nhì,
Nhắm vào quần chúng bắn đi
Kể chi nhân nghĩa kể chi giống nòi!
Anh chị em công an ơi:
Chúng ta cùng giống cùng nòi Việt Nam!
Việc chi lợi nước thì làm,
Cứu dân cứu nước há cam kém người?
Trong tay đã sẵn súng rồi,
Quyết quay bắn Khựa, tay sai mới đành!
Tiếng thơm sẽ tạc sử xanh,
"Công an cứu quốc" rạng danh muôn đời.
(sưu tầm)