Bài viết không dành cho những người "sợ ma" - Dân Làm Báo

Bài viết không dành cho những người "sợ ma"

Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Trong quan hệ đối ngoại và ngoại giao, ngoài các chính trị gia chuyên nghiệp xung quanh, người ta còn thấy lực lượng truyền thông hùng hậu luôn sẵn sàng chĩa hàng trăm ống kính, máy quay về mình, do đó, mỗi chính khách khi xuất hiện cần luôn thấu hiểu vai trò quan trọng để đảm bảo "lời ăn tiếng nói" không bị coi là hớ hênh.

Tuy nhiên, "nhân vô thập toàn", do đó đôi khi các chính khách hoặc các nguyên thủ quốc gia cũng có lúc bị coi là sơ xuất khi phát ngôn. Nguyên nhân làm điều này xảy ra thì rất nhiều, có thể do sức khỏe không tốt lắm vào lúc xuất hiện trước công luận và rất nhiều lý do chủ quan, khách quan khác.

Sơ xuất phát ngôn?

Lịch sử ngoại giao quốc tế đã chứng kiến nhiều phát ngôn bị coi là sơ xuất của các chính khách nổi tiếng, cho đến các nhà quân sự lỗi lạc?

Trong một bài diễn văn gây tranh cãi ngày 4/2/2006, Ngoại trưởng Nhật Bản lúc bấy giờ - ông Taro Aso [1] "...đã gọi Đài Loan là một quốc gia có mức độ giáo dục rất cao nhờ ở thời kỳ thuộc địa Nhật Bản trước đó trên hòn đảo này..." cùng một số nội dung khác. 

Trang taipeitimes đưa tin về việc này, có viết [2]:

"Foreign ministry officials in Beijing were not available for comment on Aso's latest remarks". (Tạm dịch: Các viên chức Bộ Ngoại giao thuộc Bắc Kinh đã không bình luận về những lời này của ông Taro Aso)

Hoặc chúng ta cũng biết [1] "...Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - [ông] Donald Rumsfeld năm 2005 đã phát biểu trên một tờ báo tiếng Trung tại California tháng 7, 2005 rằng Đài Loan là "một quốc gia có chủ quyền"...". Dù không rõ nguyên nhân nào dẫn đến phát ngôn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ như thế, nhưng "...Trung Quốc chỉ phát hiện ra điều đó ba tháng sau khi lời tuyên bố được đưa ra". Đó lại cho thấy việc nắm thông tin kịp thời để có phản ứng phù hợp đã không được giới cầm quyền Trung Quốc chú trọng thường xuyên cho lắm.

Thậm chí, theo wikipedia, cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ không tránh được "tai nạn nghề nghiệp" khi nói "...trong diễn văn cuối cùng trước Đại hội Nhân dân Toàn Quốc, [ông] đã sơ suất coi Đại lục Trung Quốc và Đài Loan là hai quốc gia riêng biệt..."

Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa xuất hiện trong hội nghị Shangri-La tại Singapore hôm 31/5, phát ngôn về xung đột vụ giàn khoan HD-981 mà phía Trung Quốc kéo vào biển Đông ngày 01/5 đã nói [3]: "Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi.". Đài BBC bình luận lời nói này như: "...xung đột...[xảy ra trong] mâu thuẫn gia đình".

Lời phát ngôn của tướng Thanh làm người đọc nhớ một ngạn ngữ, người Trung Hoa hay sử dụng: "Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không" trong các bộ phim cổ trang Hongkong. Nhiều bình luận cho rằng phát ngôn như thế, có vẻ không tương xứng với tư thế của một đại tướng chịu trách nhiệm cao nhất về mặt an ninh quốc phòng thuộc một quốc gia độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Ngạn ngữ nêu trên, nói về quan điểm và giải quyết mọi vấn đề thường xảy ra vào thời phong kiến tại Đại lục. Hầu hết xung đột, tranh chấp, đặc biệt mâu thuẫn hoặc tranh giành trong "cung vua phủ chúa", thảy đều diễn ra theo góc nhìn thuộc mối quan hệ "tứ đại đồng đường", để lấy nó làm "chuẩn mực" phân định theo "tôn ti trên dưới", sao cho "dưới" phải phục tùng mọi quyết định của "trên". Thậm chí, "dưới" có bị "xử ép" đi nữa, cũng phải "cắn răng chịu đựng" nhằm giữ "giềng mối" cho một hình ảnh "trong ấm ngoài êm" giúp "thiên tử" trên ngôi cửu ngũ luôn được ca tụng tài "trị quốc an dân" trong một xứ sở "thái bình thịnh trị" muôn đời. 

Ý nghĩa xưa kia không sai. Tuy nhiên, từ rất lâu, nó hoàn toàn lạc hậu và không còn thích hợp với thời hiện tại - Thời của toàn cầu hóa và thế giới phẳng hôm nay.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Đại tướng Phùng Quang Thanh nên cẩn trọng hơn và cần tỏ rõ bản lĩnh với tư cách đại diện một quốc gia có tên trong Liên Hiệp Quốc và là thành viên không thường trực thuộc Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009.

"Quân bất hí ngôn".

Trung Hoa có câu: "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy". Việt Nam có tục ngữ "Lời nói như đinh đóng cột". Cả hai đều nhằm để nhắc nhở mọi người luôn cẩn trọng cho bất kỳ lời phát ngôn nào. Có lẽ, các chính khách, các nguyên thủ cũng như các nhà quân sự thừa biết điều này, trong một thế giới ngày càng văn minh hơn. Tất nhiên, còn nhiều câu tục ngữ Việt Nam khác, mặc dù không nhẹ nhàng cho lắm, ví như "Một lời nói một đọi máu", nhưng cũng nên dẫn ra để thấy người Việt Nam cũng biết lấy chữ "Tín" làm trọng và cũng hiểu rõ đạo lý làm người ra sao.

Theo thời gian, con người đã biến lời nói trở thành con chữ để diễn đạt rõ ràng, chỉn chu cho ý chí và nguyện vọng, cũng như để xác tín bằng "giấy trắng mực đen" mà người Việt thường gọi là "làm bằng". Bởi lời nói có thể phôi phai theo thời gian vì lý do này hay lý do khác, để rồi "mất dấu tích", từ đó gây khó khăn cho các thế hệ về sau trong việc kiểm chứng, đối chiếu, so sánh và giải quyết những vấn đề rốt ráo do thế hệ đi trước, dù hữu ý hay vô tình tạo ra.

Xã hội từ đó - cũng rất xa xưa - phát minh ra bộ môn khoa học mang tên "Lịch Sử". Bộ môn khoa học này đã khẳng định vai trò không thể thiếu được trong xã hội loài người và ngày càng rất quan trọng. 

Người Trung Hoa từ xưa đã có câu: "Quân bất hí ngôn" để thấy rằng, mọi việc dù lớn hay nhỏ, dù bình thường hay rất quan trọng, "vua" đã nói thì không thể coi là lời giỡn chơi được. Ngay cả một thường dân cũng hiểu điều này để biết "Tự Trọng". Bởi có tự trong mới biết tôn trọng người khác.

Song song đó, có lẽ để giúp cho những người mắc chứng "đãng trí" hoặc những người không biết tôn trọng lời nói của mình, từ đó pháp luật ra đời? 

Theo thời gian, với hành tinh nhỏ bé có tên "Trái Đất", con người ngày càng giao lưu nhiều hơn thông qua giao thương và giao thoa về văn hóa và có lẽ cả từ chiến tranh, để từ đó xã hội cần đến một khái niệm bao quát hơn nhưng cụ thể hơn và cũng để diễn đạt được mọi vấn đề tranh chấp một cách khoa học, văn minh, ôn hòa khả dĩ. Cũng từ đó, "Luật Pháp Quốc Tế" được sinh ra để mưu cầu công lý và sự thật cho tất cả các bên nhằm tránh nạn "động binh đao". Tất nhiên, lý lẽ và luật pháp quốc tế chỉ có ý nghĩa thực tiễn, khi đôi bên đều yêu chuộng hòa bình và biết tự trọng cũng như tôn trọng lẫn nhau. 

Pháp luật quốc tế, dù sao, vẫn mang tính tương đối trong một hành tinh vẫn còn quá nhiều tranh chấp ác liệt. 

Từ sau "Thế chiến thứ 2" cho đến "chiến tranh lạnh" - được xem là chấm dứt vào đầu thập niên 90' thế kỷ trước, khi Liên Xô và nhiều quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, đại đa số nhân loại đều không muốn chiến tranh quay lại, dù nhiều người đang băn khoăn để gọi lại tên nó trong khoảng 10 năm trở lại đây, từ khi những chỉ dấu căng thẳng trên thế giới ngày càng rõ hơn. Những dấu hiệu như thế xuất phát từ nhiều chế độ độc tài sụp đổ tại Bắc Phi, Trung Đông cũng như nhà độc tài Yanukovich tại quốc gia Ukraine bỏ chạy qua Liên Bang Nga và đang gây ra xung đột mãnh liệt tại xứ sở này với bán đảo Crimea hiện có vẻ do Nga tạm thời cai quản. Biến cố quan trọng này đã kéo theo cả Hoa Kỳ và Châu Âu vào cuộc với đòn trừng phạt kinh tế đang áp dụng với Nga.

"Các đảo khác" tên gì, ở đâu?

Trong "Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc về lãnh hải", được cho là "thông qua kỳ họp thứ 100 của Ban Thường trực Quốc hội Nhân dân ngày 04/9/1958", có 4 điều, trong đó điều một nói rằng:

Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Điều lệ này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bời biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa và các đảo khác thuộc Trung Quốc.

Nhiều người tin rằng, do "tuyên bố" này, nên mới phát sinh ra công hàm 1958 do ông Phạm Văn Đồng ký ngày 14/9/1958. Tuyên bố đó và công hàm kia gây sóng gió triền miên mối quan hệ Việt - Trung cho đến hôm nay.

Trong điều 1 - nhiều người cho là quan trọng nhất - người ta thắc mắc và hoài nghi cụm từ "các đảo khác". Không thể biết 3 chữ này được diễn giải ra sao và những ai, những tổ chức nào của nước CHNDTH có đủ thẩm quyền diễn giải nó?

Bản "tuyên bố" đó là "tuyên bố" nhân danh quốc gia. Một tuyên bố quốc gia - vẹn toàn lãnh thổ - không cắt rời. Vì thế, dứt khoát nó không thể và không được phép dung chứa những ý nghĩa mơ hồ. Khẳng định phạm vi lãnh thổ một cách mơ hồ như thế nghĩa là khẳng định điều vô nghĩa. 

Thậm chí, giả sử công hàm 1958 được cứu xét cùng với tuyên bố 04/9/1958, chúng ta thấy:

- Trong điều 1 của bản "tuyên bố" 04/9/1958, một chữ gây chú ý lớn, đó là liên từ "VÀ" (tiếng Anh - "and"). Đây là một liên từ mạnh, nó nói lên ý nghĩa liên kết: không được phép tách rời những gì đang đề cập đến, trong văn bản tối quan trọng đó (đối với nước CHNDTH). Điều này có nghĩa,

- Ông Phạm Văn Đồng với tư cách Thủ tướng Chính phủ - nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) lúc bấy giờ, không những "ghi nhận và tán thành" các đảo có tên mà còn "ghi nhận và tán thành" cả "các đảo khác". "Ghi nhận và tán thành" đó hoàn toàn vô nghĩa.

- Về mặt con số: 12 hải lý trong bức công hàm, chỉ có ý nghĩa khi "các đảo khác" buộc phải có tên gọi riêng với tọa độ cụ thể trên biển để xác định. Không có địa điểm cụ thể, nhất định con số đó vô nghĩa.

Với phân tích trên, chúng ta thấy, một khi nhà nước CHNDTH không làm rõ được "các đảo khác" đồng nghĩa "tuyên bố" đó vô giá trị. Như vậy, công hàm 1958 "ghi nhận và tán thành" cái vô giá trị trở thành vô giá trị theo.

Kết

Đài Loan (còn gọi là Trung Hoa Dân Quốc) liên quan nhiều nhất và ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về mặt lãnh thổ trong nội dung bản "tuyên bố", với tư cách cùng "huyết thống" quốc gia CHNDTH, nhưng tuyệt nhiên, người ta không tìm thấy bất kỳ một hồi đáp nào hay một phản ứng ngược lại nào đó, có liên quan đến "bản tuyên bố" này? Đó phải chăng, giới cầm quyền Đài Loan đã phát hiện từ lâu, tính chất vô nghĩa và vô giá trị của bản "tuyên bố", nên họ từng cười xòa và coi bản "tuyên bố" như một trò ú tim, chỉ đạt "giá trị" hù dọa đối với những người "yếu bóng vía" trong một bộ phim "kinh dị hài" Hongkong? 

Dù sao, bất kỳ giải thích nào của cái "tuyên bố" đó cũng phải có thời gian kết thúc cụ thể và lời diễn giải chi tiết "các đảo khác" nhất định phải do người có đủ thẩm quyền thay mặt quốc gia và quốc dân của nước CHNDTH mới đảm bảo "giá trị" như bản "tuyên bố" mong muốn, ít nhất đối với nước CHXHCNVN. Bởi CHXHCNVN - với tư cách lân bang và là quốc gia duy nhất phúc đáp tuyên bố đó. Một "tuyên bố" đơn phương, vô nghĩa và vô giá trị. 


__________________________________

Chú thích:





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo