Dân Làm Báo đã đánh bại báo đảng - Dân Làm Báo

Dân Làm Báo đã đánh bại báo đảng

Phạm Trần (Danlambao) - Tôi đến với Dân Làm Báo vì 3 lý do:

Thứ nhất, vì Quyền Tự do Tư tưởng của con người đã được tuyệt đối tôn trọng.

Thứ hai, mọi người đều bình đẳng bày tỏ quan điểm của mình.

Thứ ba, thông tin đa chiều giúp mở mang dân trí, nhất là đối với người đọc ở Việt Nam là nơi hoàn toàn “không có tự do báo chí, tự do tư tưởng” và các quyền cơ bản khác của con người đã bị Nhà nước Cộng sản hạn chế tối đa bằng luật pháp để xóa bỏ những quy định của Hiến pháp, bộ Luật cao nhất của quốc gia.

Chỉ có một điều tôi lo và tiếc vì Dân Làm Báo (DLB), cũng như những báo điện tử khác không “đi chung đường” với đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) sẽ tiếp tục bị “các thế lực thù địch” của Nhà nước đánh phá và quảng đại quần chúng ở trong nước chưa có cơ hội đọc nó.

Tôi nói như thế vì nhóm chủ trương Dân Làm Báo đã chứng minh thiện tâm tôn trọng “quyền Tự do ngôn luận” của họ, ngay cả đối với các phản biện của “đối phương” và “dư luận viên” của Nhà nước Việt Nam. DLB đã để họ tự do phê bình các bài viết, kể cả các bài của tôi về tình hình Việt Nam, để rộng đường dư luận.

Đây là điểm ưu việt chỉ thấy trong một xã hội tự do và dân chủ và tất nhiên là điều cấm kỵ ở trong nước.

Vì vậy tôi không có bất kỳ một nghi vấn nào về việc làm của DLB cho dù tôi “chưa hề biết họ là ai” và họ cũng chưa bao giờ liên lạc với tôi để giãi bày.

Tuy nhiên với kinh nghiệm của một ông lão đã qua thất tuần và đã sống trong nghề hơn nửa Thế kỷ từ trong nước ra nước ngoài tôi tự cho mình đã “chọn đúng bạn mà chơi”.

Tôi cảm ơn DLB và tất cả những ai đã phổ biến quan điểm của tôi đến bạn đọc và cho tôi được đọc các bài viết và tin đa chiều đăng trên Báo của mình.

Tôi trân trọng ghi nhận sự can đảm và hy sinh cho quyền được thông tin của DLB, các báo điện tử trong và ngoài Việt Nam, các Nhà báo tự do ở khắp Thế giới, đặc biệt ở trong nước, và của bạn đọc đã vượt qua sợ hãi và đe dọa của “các thế lực thù địch và phản động” để bảo vệ quyền Tự do ngôn luận và Tự do tư tưởng của dân tộc Việt Nam.

Tôi cũng đánh giá sự bén nhạy, nhanh chóng, chính xác và độc lập là những tiêu chuẩn cao quý hàng đầu của người làm Truyền thông. Nhưng trong hoàn cảnh của Việt Nam còn bị cai trị bởi Chính quyền một đảng Cộng sản độc tài thì sự dấn thân can đảm quyết bảo vệ quyền thông tin và được thông tin của đồng bào và đặc biệt của những Nhà truyền thông xã hội, thông thường gọi là Bloggers, rất đáng trân trọng và tuyên dương.

Chính đội ngũ những “công dân truyền thông” này đã mở ra một trang sử mới cho xã hội Việt Nam để khẳng định và bảo tồn giá trị bất khả phân và bất diệt của một nền báo chí tự do mới trong mọi hoàn cảnh, dù khe khắt bao nhiêu bởi một Nhà nước ích kỷ, một Chế độ hà khắc và bởi những người lãnh đạo độc tài chỉ biết bảo vệ quyền lợi cho bản thân và phe nhóm như đang diễn ra ở Việt Nam.

Lý do DLB và các Báo điện tử khác tồn tại và được đông đảo quần chúng ủng hộ vì quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng đã được tuyệt đối tôn trọng bởi chính những Nhà báo tự do đang gắng sức chống lại nền báo chí “của đảng, do đảng và vì đảng” của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), đội ngũ những người đã chà đạp lên những cam kết do chính họ viết trong tất cả 5 bản Hiến pháp từ các năm 1946,1959,1980,1992 và 2013.

Làng báo trong nước cũng vừa mới tổ chức ồn ào kỷ niệm 89 năm được gọi là “Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2014)”, nhưng dù có khoe khoang, có tô son điểm phấn bao nhiêu thì vẫn không gột tẩy được cái bản mặt lem luốc lạ dòng của quy định bằng luật báo chí phải là “tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp” do Nhà nước thành lập và cho phép hoạt động theo “định hướng” của đảng cầm quyền.

Việt Nam cũng khoe có ngót 10,000 báo-đài và trên 17,000 người làm báo nhưng người làm báo phải “Bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng...” theo quy định trong Điều 15 Luật Báo chí sửa đổi 1999 thì làm gì có tự do?

Luật còn cho phép Nhà nước “quyền đương nhiên” quản lý báo chí theo các Điều khoản:

Điều 17a. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí.

2. Bộ Văn hóa - Thông tin chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về báo chí theo quy định của Chính phủ.

Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin để thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về báo chí.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về báo chí trong phạm vi địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.

Trên cả Luật Báo chí là “đao phủ” Ban Tuyên giáo, từ Trung ương xuống địa phương, đã bất chấp Hiến pháp và pháp luật để toàn quyền kiểm duyệt và sinh sát báo chí và người làm báo là nguyên nhân tại sao đã có sự ra đời của các Tổ chức Mạng lưới Blogger Việt Nam (ngày 10/12/2013) tại Hà Nội, Văn đoàn Độc lập Việt Nam (ngày 03/03/2014) tại Hà Nội và Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (ngày 04/07/2014) tại Sài Gòn.

Ngoài ra còn có các Tổ chức và nhóm Xã hội Dân sự, cho đến tháng 08/2014, đã công khai hoạt động mà không cần có phép của Nhà nước như:

1.   Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự
2.   Hội Tù Nhân Lương Tâm
3.   Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
4.   Cao Đài
5.   Phật Giáo Hòa Hảo
6.   Tin Lành
7.   Bạch Đằng Giang Foundation
8.   Hội Phụ Nữ Nhân Quyền
9.   Hội Anh Em Dân Chủ
10. Hội Nhà báo Độc lập
11. Mạng Lưới Blogger Việt Nam
12. Con Đường Việt Nam
13. Hội Bầu Bí Tương Thân
14. Truyền Thông Dòng Chúa Cứu Thế
15. Liên Đới Dân Oan
16. Lao Động Việt
17. Hiệp Hội Dân Oan
18. Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo
19. No – U Saigon

Những diễn biến mới ở trong nước và hầu hết những biến cố do Dân oan, Nông dân và Công nhân lao động chủ động và những công dân yêu nước thực hiện như đã thấy ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), Vụ Bản (Nam Định), các cuộc biểu tình đòi bồi thường, đòi xử lý quan chức tham ô khắp nơi trong nước, và nhất là các cuộc biểu tình chống xâm lược Trung Cộng đã diễn ra ở Sài Gòn và Hà Nội trong hai năm 2011 và 2012 đã được các Nhà báo tự do hay Bloggers mau chóng phóng lên bằng hình ảnh và các bài tường thuật hấp dẫn và đầy đủ trên DLB và các báo mạng khác từ trong nước ra nước ngoài, đánh bại toàn diện mọi mưu đồ che phủ và giấu kín thông tin bất lợi cho nhà nước của Ban Tuyên giáo.

Báo chí trong nước đã “ngoảnh mặt làm ngơ” trước các biến cố này nhưng lại tích cực nhận lệnh để xuyên tạc các hoạt động của dân, coi như họ bị các “thế lực thù địch chống phá nhà nước” và “diễn biến hòa bình” xúi bẩy, giật dây!

Các “nhà báo của đảng” cũng đã “mắt mờ, tai điếc” trước các cuộc Cảnh sát, Công an ngăn cấm thân nhân và người dân đến dự các phiên tòa xử người bất đồng chính kiến, hay đấu tranh đòi dân chủ, tự do và quyền con người. Trong khi các Nhà báo xã hội tự do, dù không được ai thuê mướn hay trả lương mà vẫn hiên ngang dấn thân tình nguyện phục vụ dư luận đắc lực với sự tiếp tay phổ biến rộng rãi của DLB và của các báo điện tử bất vụ lợi khác của tư nhân và báo của người Việt ở nước ngoài.

Như vậy rõ ràng ở Việt Nam ngày nay đã có 2 nền báo chí, một của dân và một của đảng hoạt động song song nhưng đối lập với nhau nhưng báo “lề Đảng” chỉ để cho đảng viên, công an và quân đội đọc trong khi người dân lại tìm kiếm những chuyện giật gân để giải trí, bàn tán sau những giờ lao động mệt nhọc. Ngược lại các báo “lề Dân”, tuy chỉ có thể phổ biến hạn chế đến các thành phần dân cư có phương tiện truy cập Internet nhưng lại nổi tiếng hơn và được hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài theo dõi.

Vì vậy lòng tin cậy của quần chúng tất nhiên đã thuộc về các báo “lề Dân” vì người đọc đã có kinh nghiệm với cách đưa tin có “chọn lọc” và “định hướng” của báo “lề Đảng” từ xưa đến nay.

Dân Làm Báo và các báo điện tử của các Nhà báo tự do trong và ngoài nước, theo quan điểm của tôi, rất xứng đáng được dư luận ghi công vì đã làm tròn sứ mệnh đi tiên phong để bảo vệ các quyền con người, trong đó có quyền ra đời một nền báo chí tự do mới trên lãnh thổ Việt Nam.

Tôi cầu chúc những Nhà báo tự do mới của Việt Nam mãi mãi thành công để sớm nhìn thấy một ngày Độc tài không còn trên quê hương Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình và dân chủ tự do cho mọi người.

(08/014)




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo