Sự xuất hiện của CLB Nhà Báo Tự Do ngay lập tức đã mang đến những làn gió mới trong cuộc đấu tranh cho tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Trong vai trò là người sáng lập và chủ nhiệm câu lạc bộ, blogger Điếu Cày đã cho thấy bản lĩnh lãnh đạo, khả năng quy tụ và đoàn kết giữa mọi người. Qua đó, các hoạt động thiết thực của CLB Nhà Báo Tự Do cũng đã trở thành nguồn cảm hứng dấn thân cho rất nhiều blogger khác.
Tháng 11/2007, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, chiếm trọn hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Điếu Cày cùng những thành viên CLB Nhà Báo Tự Do đã phát lời kêu gọi và đi tiên phong trong các cuộc xuống đường biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn.
Các cuộc biểu tình mau chóng bị đàn áp, Điếu Cày trở thành cái gai trong mắt chế độ cộng sản. Anh liên tục bị công an đánh đập, khủng bố và sách nhiễu.
Ngày 19/1/2008, Điếu Cày cùng các thành viên CLB Nhà Báo Tự Do bất ngờ đứng trước Nhà Hát Lớn Sài Gòn căng biểu ngữ tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Một trận đàn áp khốc liệt đã diễn ra ngay sau đó.
Để làm hài lòng quan thầy Trung Cộng, nhà cầm quyền CSVN đã ra lệnh bắt giam Điếu Cày trước thời điểm ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh được đưa sang Việt Nam.
Anh bị bắt giam vào ngày 19/4/2008, tức vào ngày mà CLB Nhà Báo Tự Do vừa thành lập được tròn 6 tháng. Điếu Cày sau đó bị kết án 2 năm 6 tháng tù giam với tội danh bịa đặt mang tên ‘trốn thuế’.
Sau 30 tháng chịu cảnh tù đày khắc nghiệt, Điếu Cày đáng lý sẽ mãn hạn tù vào ngày 19/10/2010. Tuy nhiên, nhà cầm quyền CSVN đã lộ rõ bộ mặt rừng rú khi tiếp tục bắt giam Điếu Cày cùng hai thành viên chủ chốt của CLB Nhà Báo Tự Do là blogger Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải với cáo buộc 'tuyên truyền chống phá nhà nước'
Đến hôm nay, đúng vào ngày CLB Nhà Báo Tự Do kỷ niệm tròn 7 năm ngày thành lập, hai blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần vẫn tiếp tục bị đày đọa trong những trại giam xa xôi tại miền Bắc với mức án từ 10 đến 12 năm tù.
Dù bị bỏ tù, nhưng tinh thần của Điếu Cày vẫn luôn là nguồn cảm hứng mãnh liệt đối với cuộc đấu tranh đòi quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Chế độ CSVN đã hoàn toàn thất bại khi dùng những thủ đoạn như bạo lực và bỏ tù để dập tắt những tiếng nói đối lập. Thực tế những diễn biến trong suốt 7 năm qua đã chứng minh rằng, phong trào dân báo - mỗi blogger là một nhà báo công dân do Điếu Cày và CLB Nhà Báo Tự Do cổ súy ngày càng được phát triển và lan tỏa rộng khắp.
Việc hình thành Dân Làm Báo bởi một số thành viên của CLB Nhà Báo Tự do cũng được xuất phát từ nguồn cảm hứng mãnh liệt bởi tinh thần Điếu Cày và mục tiêu tiếp nối phong trào báo chí công dân (Dân Báo) của CLB Nhà Báo Tự Do.
Điếu Cày tiếp tục trở thành một biểu tượng của phong trào đấu tranh cho tự do, nhân quyền tại Việt Nam.
Không chỉ tại Việt Nam, tinh thần Điếu Cày cũng đã vượt biên giới để lan rộng đến quốc tế. Lên tiếng nhân Ngày Quốc tế Tự do Báo chí, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi “Đừng quên blogger Điếu Cày”. Những tổ chức quốc tế lớn như IFEX, CPJ, Civil Rights Defenders đã liên tục vận động tự do cho Điếu Cày và xem anh như là một trong những biểu tượng tranh đấu cho tự do ngôn luận và báo chí của thế giới.
Nhân kỷ niệm 7 năm ngày thành lập CLB Nhà Báo Tự Do (19/9/2007 - 19/9/2014), Danlambao kính chúc hai blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần nhiều sức khỏe để tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường trong chốn lao tù cộng sản.
Kính chúc CLB Nhà Báo Tự Do và phong trào dân báo tiếp tục thành công và phát triển.